11 mẹo chống khô da mùa đông

Thời tiết khô và lạnh vào mùa đông khiến cho làn da của bạn bị ảnh hưởng không hề nhỏ. Một trong những vấn đề mà bạn có thể gặp phải khi mùa đông tới là da khô. Vậy làm sao để chống khô da mùa đông? Bạn hãy tham khảo 11 mẹo giúp chống khô da vào mùa đông dưới đây.

1. Vì sao da bị khô vào mùa đông?

Bạn có bao giờ nhận thấy rằng, da của mình thường trở nên khô hơn và bong tróc hơn trong những tháng mùa đông lạnh hơn. Bởi vì, không khí lạnh, nhiệt độ thấp, độ ẩm thấp và gió mùa đông khắc nghiệt đều có thể làm mất đi một phần độ ẩm cho làn da. Từ đó, có thể khiến làn da trông kém rạng rỡ hơn nhiều so với bình thường.

Khi da bị khô bạn có thể xuất hiện một số dấu hiệu như da bị bong tróc hoặc vảy; da đỏ; kết cấu da khô ráp hơn; ngứa ngáy; dễ bị kích ứng; châm chích hoặc nóng. Các triệu chứng có thể có mức độ nghiêm trọng hơn tùy thuộc vào vùng cơ thể bạn bị ảnh hưởng.

2. 11 mẹo giúp chống khô da mùa đông

Da khô vào mùa đông là điều không thể tránh khỏi, bằng cách thay đổi một số thói quen và chế độ chăm sóc da cũng như sử dụng đúng các sản phẩm, bạn có thể giữ cho làn da của mình trông mềm mại, mịn màng và đầy sức sống suốt mùa đông. Dưới đây là 11 cách để giúp chống khô da mùa đông:

Dưỡng ẩm ngay sau khi rửa mặt

Bất cứ khi nào sau khi bạn rửa mặt, rửa tay hoặc tắm thì cơ thể bạn sẽ bị mất đi một lớp dầu tự nhiên trên da. Vì loại dầu này giúp khóa ẩm nên điều quan trọng là bạn phải thay thế chúng bằng một kem dưỡng chống khô da mùa đông. Để không quên điều này bạn có thể để một lọ kem dưỡng ẩm bên cạnh bồn rửa của bạn và mang theo một loại kem dưỡng ẩm cỡ nhỏ khi bạn di chuyển.

Bạn nên lưu ý vào mùa đông bạn chỉ nên rửa mặt một lần mỗi ngày để không làm khô da. Dùng sữa rửa mặt dạng bọt và dạng gel có thể khiến da không được làm sạch mà còn bị khô do các thành phần tẩy rửa hơi mạnh. Vì vậy bạn nên dùng loại sữa rửa mặt không tạo bọt hoặc chọn loại dầu tẩy trang dịu nhẹ hơn, chúng ít chứa các chất hoạt động có thể làm mất nước trên da.

Đối với da đầu, bạn nên dùng các loại kem dưỡng ẩm chuyên dụng cho da đầu hoặc dùng dầu oliu, dầu dừa cho da đầu giúp điều trị khô da đầu mùa đông.

Thoa kem chống nắng hàng ngày

Với những ngày mùa đông thường ngắn hơn và có ít ánh sáng mặt trời hơn, bạn có thể quên việc dùng kem chống nắng hàng ngày, tuy nhiên hãy cố gắng để hạn chế việc này. Ngay cả trong những tháng mùa đông, tia UV có hại vẫn có thể gây ảnh hưởng không nhỏ cho da, việc dùng kem chống nắng rất quan trọng để duy trì sức khỏe và độ ẩm của da.

Hãy thử thêm một lớp kem chống nắng vào mỗi buổi sáng sau khi đã thoa kem dưỡng ẩm. Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ khuyến nghị bạn nên sử dụng kem chống nắng có ít nhất SPF 30.

Thoa chất làm mềm da qua đêm

Thoa loại kem làm mềm da qua đêm là một cách hữu ích để phục hồi hoặc ngăn ngừa da khô. Chất làm mềm rất tốt cho việc dưỡng ẩm, tuy nhiên, vì chúng là loại kem nặng hơn nên thường mất nhiều thời gian hơn để chúng hấp thụ vào da của bạn. Do đó việc bạn thoa chất làm mềm lên da qua đêm, làn da của bạn sẽ có thời gian cần thiết để hấp thụ các sản phẩm điều trị và để chất làm mềm da có thể bổ sung độ ẩm cần thiết.

Điều chỉnh thói quen chăm sóc da

Nếu da mặt của bạn dễ bị nhạy cảm hoặc bị kích ứng do không khí khô hanh của mùa đông thì bạn cần thay đổi thói quen chăm sóc da bằng các sản phẩm phù hợp. Da nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng bởi các chất tạo mùi thơm và cồn, do đó cần đảm bảo lựa chọn các loại kem dưỡng ẩm, serum phù hợp nhất. Nếu dị ứng bạn có thể điều chỉnh thói quen chăm sóc da của bạn đơn giản hơn. Cân nhắc chỉ sử dụng kem dưỡng ẩm và kem chống nắng vào buổi sáng và sữa rửa mặt dịu nhẹ, kem dưỡng ẩm vào ban đêm. Khi bạn cảm thấy hàng rào độ ẩm của da khỏe mạnh, có thể từ từ kết hợp các phương pháp điều trị và thành phần khác trở lại thói quen của mình như các mùa khác.

Sử dụng máy tạo độ ẩm

Máy tạo độ ẩm giúp bổ sung độ ẩm trở lại không khí, hoạt động như một tác nhân giữ ẩm tự nhiên, từ đó có thể ngăn ngừa và chống khô da. Đây cũng là biện pháp tốt để chống khô da mặt mùa đông. Bạn nên cài đặt độ ẩm 60% duy trì trong mùa đông để có thể bổ sung độ ẩm cho da của bạn.

Tránh sử dụng nước quá nóng

Tắm vòi hoa sen hoặc bồn tắm nước nóng vào cuối ngày mùa đông có thể mang lại cảm giác đặc biệt dễ chịu. Tuy nhiên, để giữ cho làn da của bạn được nuôi dưỡng, chống khô da thì bạn không nên sử dụng nước nóng, chỉ nên dùng nước đủ ấm. Bởi vì nước nóng có thể lấy đi lớp dầu tự nhiên trên da nhanh hơn nước ấm và thậm chí có thể gây tổn thương.

Sau khi tắm tránh chà xát mạnh, hãy nhẹ nhàng vỗ nhẹ lên da bằng một chiếc khăn mềm, điều này cho phép một phần hơi ẩm còn lại trên da.

Tẩy da chết đúng cách

Tẩy da chết giúp loại bỏ các tế bào da chết khỏi bề mặt da, có thể giúp giữ cho làn da của bạn trông mịn màng và đầy sức sống. Tuy nhiên, nếu tẩy tế bào chết quá thường xuyên hoặc sử dụng sai sản phẩm có thể làm tổn thương da, mất độ ẩm vốn có.

Nếu da của bạn bị khô hoặc bong tróc, bạn nên chọn sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học dịu nhẹ hơn là tẩy tế bào chết vật lý. Tẩy tế bào chết mạnh có nhiều khả năng phá vỡ hàng rào độ ẩm của da, gây tổn thương. Nếu da của bạn bị nứt nẻ, thô ráp hoặc bị kích ứng thì tốt nhất bạn nên tránh tẩy da chết cho đến khi da lành hẳn.

Hãy thử thêm các sản phẩm khóa ẩm

Nếu bạn thấy rằng các thành phần làm mềm da không đủ để chữa lành da khô của mình, bạn có thể cân nhắc kết hợp các thành phần khóa ẩm vào quy trình chăm sóc da của mình. Ví dụ về các thành phần của sản phẩm này như bơ hạt mỡ; bơ ca cao; dầu nụ tầm xuân; dầu jojoba... Bạn nên thoa chúng một hoặc hai lần mỗi ngày sau khi dưỡng ẩm.

Dưỡng ẩm từ bên trong

Một bước quan trọng khác để giữ cho làn da của bạn khỏe mạnh và sáng mịn là đảm bảo rằng, bạn luôn được cung cấp đủ nước trong suốt cả ngày. Không bổ sung đủ chất lỏng có thể ảnh hưởng đến vẻ ngoài của làn da và cũng khiến da dễ bị khô hơn. Ngoài việc uống đủ nước, bạn cũng nên tăng cường ăn các loại thực phẩm có nhiều chất chống oxy hóa và axit béo omega-3 .Cả hai chất dinh dưỡng này đều có thể bảo vệ tế bào của bạn khỏi tác hại của môi trường và giúp cơ thể bạn tạo ra các tế bào khỏe mạnh, bao gồm cả tế bào da.

Lựa chọn loại vải không gây kích ứng

Một mẹo chống khô da vào mùa đông đó là cần tránh mặc những chất liệu thô ráp. Nếu da trên cơ thể bạn quá khô, hãy thử mặc các loại vải từ chất liệu tự nhiên, rộng rãi, thoải mái để giảm nguy cơ bị kích ứng. Ngoài ra, tránh giặt quần áo bằng các loại chất tẩy rửa thông thường. Hãy tìm chất tẩy rửa có công thức dành riêng cho da nhạy cảm, thường không chứa hóa chất và hương liệu mạnh.

Nên đeo găng tay khi cần thiết

Găng tay là một hàng rào vật lý chống lại các tác nhân môi trường có thể làm khô da tay của bạn. Để bảo vệ đôi tay hãy đeo găng tay ấm khi bước ra ngoài trời lạnh và sử dụng một đôi găng tay silicon khi rửa bát đĩa. Hạn chế để không khí khô và nước nóng tiếp xúc với da có thể giúp cho bàn tay của bạn luôn mịn màng và ngậm nước.

3. Khi nào cần điều trị da khô?

Mặc dù nhiều biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp chống lại tình trạng da khô, nhưng nếu tình trạng không cải thiện thì bạn cần liên hệ bác sĩ da liễu khi:

  • Bạn nhận thấy tình trạng da khô không cải thiện.
  • Da trở nên khô ráp hơn, xuất hiện tổn thương trên da.
  • Da bị mẩn ngứa, mụn mủ, đỏ da nhiều...

Khi da tổn thương bác sĩ sẽ điều trị cho bạn bằng các phương pháp phù hợp với từng triệu chứng.

Da khô, bong tróc vào mùa đông không chỉ ảnh hưởng đến khuôn mặt mà cả bàn tay, bàn chân và các khu vực khác tiếp xúc với môi trường. Đây là điều rất thường gặp và điều quan trọng để cải thiện da khô là bạn cần có các biện pháp chăm sóc da phù hợp. Đặc biệt là việc dùng kem dưỡng chống khô da mùa đông, dưỡng ẩm là điều không thể thiếu.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về những mẹo chống khô da vào mùa đông. Hãy kiên trì thực hiện đúng cách để có làn da khỏe đẹp và đầy sức sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

352 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan