Giãn thận ở thai nhi: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thành - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Siêu âm thai là cách tốt nhất để phát hiện nguyên nhân giãn thận ở thai nhi. Chính trong từng cột mốc của thai kỳ, qua siêu âm những bất thường hệ thống tiết niệu của trẻ sẽ được phát hiện dựa vào lượng nước ối của mẹ.

1. Giãn thận ở thai nhi là gì?

Bể thận của thai nhi thường có kích thước < 4 mm trước 19 tuần, < 5 mm trước 29 tuần và < 7 mm sau 30 tuần. Vì vậy, nếu chỉ số này lớn hơn mức bình thường thì được đánh giá là thai nhi bị giãn bể thận. Tuy nhiên, việc đánh giá lần đầu nên được tiến hành đánh giá lại sau 30 phút vì tình trạng giãn thận có thể chỉ thoáng qua. Các trường hợp giãn bể thận ở thai nhi nhẹ thì sẽ ổn định lại hoặc thoái lui ở giai đoạn sơ sinh của trẻ.

Giãn thận ở thai nhi cũng là một dấu hiệu cảnh báo hội chứng Down ở trẻ nếu như chúng xuất hiện cùng các dấu hiệu bất thường khác.

2. Giãn thận ở thai nhi có nguy hiểm không?

Hầu như khi nghe tới giãn bể thận thai nhi, các bà bầu sẽ nghĩ đó là một hiện tượng nguy hiểm nhưng sự thật là đa số trường hợp chỉ cần theo dõi bằng siêu âm trong suốt 40 tuần thai.

Bà bầu luôn giữ tâm trạng vui vẻ tận hưởng niềm vui thai kỳ vì cơ bản quá trình mang thai, ngày dự sinh, phương pháp sinh sẽ không bị ảnh hưởng bởi tình trạng này. Các bà mẹ chỉ cần ghi nhớ tình trạng của con để thông báo cho bác sĩ siêu âm chẩn đoán trước sinh mỗi khi đi kiểm tra.

Sau khi bé được sinh ra, các bác sĩ chuyên khoa sơ sinh sẽ thăm khám cho bé, mục đích là để phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh nếu có như ẩn tinh hoàn, thoát vị bẹn...

gian-than-o-thai-nhi-1
Các mẹ cần giữ một tinh thần lạc quan và khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ để sinh con suôn sẻ

3. Nguyên nhân giãn bể thận ở thai nhi

Có nhiều nguyên nhân gây giãn bể thận ở thai nhi, nhưng đa số là không có nguyên nhân cụ thể. Về căn bản, có thể kể một số nguyên nhân như sau:

3.1 Giãn thận sinh lý

Tình trạng giãn thận chỉ là thoáng qua tại thời điểm siêu âm. Đa số các trường hợp giãn thận phát hiện từ thời kỳ bào thai là thuộc trường hợp này. Tình trạng giãn sẽ không tăng thêm hoặc dần cải thiện qua thời gian, có thể đến một vài năm sau khi trẻ sinh ra.

3.2 Giãn thận do tắc nghẽn niệu quản

Thông thường có 2 vị trí có thể tắc nghẽn trên đường tiết niệu. Vị trí thường gặp nhất là ở vị trí nối giữa bể thận và niệu quản.

3.3 Tắc nghẽn niệu đạo

Tắc nghẽn niệu đạo lâu ngày sẽ làm bàng quang căng, không co bóp đẩy nước tiểu ra ngoài được, lâu dần ảnh hưởng đến niệu quản và bể thận của thai nhi.

3.4 Thận - niệu quản đôi

Thông thường mỗi người chỉ có một thận, một niệu quản ở một bên cơ thể. Tuy nhiên, có khoảng 1% trong số tất cả mọi người có nhiều hơn một niệu quản xuất phát từ thận, trường hợp này gọi là thận – niệu quản đôi. Hầu hết đều không có triệu chứng gì và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Tuy nhiên, tắc nghẽn của niệu quản và thận phụ, thông thường ở phía trên thận chính có thể gặp ở 1/5.000 trẻ. Siêu âm chẩn đoán trước sinh có thể thấy hình ảnh giãn một phần thận. Niệu quản phụ này thường bị tắc ở vị trí đổ lạc chỗ vào bàng quang, gây nên hình ảnh giãn niệu quản ngoằn ngoèo và túi phình chèn vào trong lòng bàng quang.

3.5 Thận đa nang

Thận đa nang có nguyên nhân là do sự tắc nghẽn hoàn toàn của niệu quản từ thời kỳ bào thai, thận đa nang không thể bài tiết nước tiểu và không phát triển bình thường. Thông thường chỉ gặp ở một bên thận, và thận bên kia thường phát triển mạnh để bù trừ nên chức năng thận tổng thể vẫn hoàn toàn bình thường.

3.6 Trào ngược bàng quang - niệu quản

Tình trạng này gặp ở 5 - 25% số trường hợp phát hiện giãn thận trước sinh, trào ngược bàng quang niệu quản là tình trạng nước tiểu có thể đi từ bàng quang lên niệu quản do mất cơ chế chống trào ngược của vị trí đổ của niệu quản vào bàng quang.

Sự trào ngược kéo dài có thể làm giãn niệu quản, bể thận và làm cho trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, cần phải dùng kháng sinh dự phòng trong vòng một năm đầu đời.

4. Cách chữa giãn bể thận ở thai nhi

gian-than-o-thai-nhi-2
Trong đa số các trường hợp giãn bể thận chỉ cần theo dõi bằng siêu âm trong suốt thời kỳ thai nhi

4.1 Theo dõi trong thời kỳ bào thai

Trong đa số các trường hợp, chỉ cần theo dõi bằng siêu âm trong suốt thời kỳ mang thai. Quá trình mang thai sẽ không bị ảnh hưởng gì bởi tình trạng này, cũng như thời gian dự kiến sinh, phương pháp sinh (đẻ thường hay đẻ mổ). Tuy nhiên, các bà mẹ cần ghi nhớ tình trạng của con để thông báo cho bác sĩ siêu âm chẩn đoán trước sinh mỗi khi đi kiểm tra. Và tốt nhất, nên sinh ở các cơ sở y tế lớn, có điều kiện chẩn đoán và hội chẩn với các bác sĩ ngoại nhi ngay từ khi bé mới sinh ra đời.

4.2 Theo dõi sau sinh

Sau khi bé được sinh ra, tại các bệnh viện sản lớn, luôn luôn có các bác sĩ chuyên khoa sơ sinh sẽ thăm khám cho bé, mục đích là để phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh nếu có (ẩn tinh hoàn, lỗ đái thấp, thoát vị bẹn,...).

Bé cần được siêu âm kiểm tra dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu trong vòng một tuần đầu sau sinh, tốt nhất là vào ngày thứ 3 để đánh giá mức độ giãn thận và tắc nghẽn đường tiết niệu. Không nên tiến hành siêu âm quá sớm, bởi vì trẻ sơ sinh trong những ngày đầu sẽ diễn ra sự mất nước sinh lý, bể thận có thể tự nhỏ đi vì thế nên không phản ánh đúng tình trạng bệnh lý nếu có. Dựa trên kết quả siêu âm, bác sĩ chuyên khoa ngoại nhi sẽ đánh giá và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Theo đó, trẻ bị trào ngược bàng quang - niệu quản có thể cần phải điều trị kháng sinh dự phòng để đề phòng bệnh lý nhiễm khuẩn tiết niệu. Tuy nhiên, cũng có thể trẻ sẽ phải phẫu thuật nếu có dấu hiệu rõ ràng của sự tắc nghẽn đường tiết niệu, siêu âm kiểm tra phát hiện tình trạng giãn thận nặng lên, kết hợp với các triệu chứng của nhiễm khuẩn tiết niệu tái đi tái lại nhiều lần.

Với trẻ bị thận đa nang, thận bên kia đa số bình thường và đảm bảo đủ chức năng. Trừ khi thận này gây triệu chứng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ không thì có thể điều trị bảo tồn, không cần can thiệp phẫu thuật khi trẻ còn quá nhỏ. Bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng thận trong vòng 6 tháng đến một năm và quyết định cắt bỏ khi đến thời điểm thích hợp.

Điều quan trọng nhất là các mẹ bầu cần giữ một tinh thần lạc quan và khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ để sinh con suôn sẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

154.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan