Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Gây mê hồi sức, giảm đau - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật gây tê vùng hiện đang được áp dụng phổ biến đối với hầu hết các bà bầu sinh thường tự nhiên. Phương pháp này giúp người mẹ giảm bớt đau đớn trong quá trình vượt cạn và trải qua những giây phút thoải mái hơn trong khi con yêu chào đời.
1. Gây tê ngoài màng cứng là gì?
Gây tê ngoài màng cứng là một kỹ thuật gây tê vùng được thực hiện bằng cách đưa thuốc tê vào bên trong khoang ngoài màng cứng nhằm ức chế dẫn truyền thần kinh ở một vùng nhất định trên cơ thể do các rễ thần kinh chi phối. Kỹ thuật này hiện đang là một trong những kỹ thuật hiệu quả nhất và có tính linh hoạt cao đối với chuyên ngành gây mê hiện nay. Đây là kỹ thuật gây tê vùng duy nhất có khả năng thực hiện ở hầu như bất kỳ vị trí nào của cột sống và có nhiều ứng dụng quan trọng trong lâm sàng.
Gây tê ngoài màng cứng được các bác sĩ ứng dụng linh hoạt hơn so với gây tê tuỷ sống, cho phép kỹ thuật viên gây mê có nhiều lựa chọn hơn để vô cảm, giảm đau cũng như để chẩn đoán và chữa trị nhiều hội chứng hoặc bệnh lý mãn tính. Ngoài ra, kỹ thuật gây tê vùng này còn được sử dụng kết hợp với thủ thuật gây mê nội khí quản, giúp giảm độ sâu gây mê, từ đó làm ổn định huyết động hơn trong quá trình gây mê. Hơn nữa, gây tê ngoài màng cứng cũng có hiệu quả giảm đau cao trong giai đoạn đau cấp tính sau mổ, giúp cho bệnh nhân hồi phục nhanh hơn sau ca phẫu thuật, giúp mẹ bầu có cảm giác đẻ không đau.
Gây tê ngoài màng cứng có tác dụng làm giảm đáp ứng sinh lý bất lợi do quá trình phẫu thuật gây ra (chẳng hạn như thai phụ sinh thường hay sinh mổ, tăng hoạt tính hệ thần kinh tự động, ức chế tim mạch, tổn thương các mô, tăng tốc độ chuyển hóa, gây rối loạn chức năng phổi và rối loạn hệ miễn dịch). Gây tê ngoài màng cứng vùng ngực giúp làm giảm tỷ lệ xảy ra nhồi máu cơ tim và các biến chứng phổi sau mổ, cũng như tác động thúc đẩy nhu động ruột nhanh trở lại, giảm hoạt hóa hệ thống đông máu.
Hiện nay trên thế giới, kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng đang được ứng dụng phổ biến trong kiểm soát cơn đau cấp tính sau các phẫu thuật lớn ở các vùng cơ thể như ngực, bụng và chi dưới. Còn tại Việt Nam, kỹ thuật gây tê vùng này cũng đã được nghiên cứu và bắt đầu ứng dụng từ những năm 1960. Đến nay, gây tê ngoài màng cứng đã được các bác sĩ áp dụng rộng rãi để tiến hành vô cảm cho mổ và giảm đau sau mổ. Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện giảm đau đường ngoài màng cứng bằng cách truyền liên tục (Continuous Epidural Infusion) hoặc giảm đau do bệnh nhân tự điều khiển đường ngoài màng cứng (Patient Controlled Epidural Analgesia), cho phép kiểm soát tốt các cơn đau sau phẫu thuật .
Với những cải tiến về trang thiết bị, thuốc và kỹ thuật y khoa, gây tê ngoài màng cứng hiện trở nên ngày càng phổ biến và được ứng dụng ngày càng linh hoạt hơn. Theo đó, tính linh hoạt của phương pháp gây tê vùng này nghĩa là nó có khả năng được ứng dụng như một kỹ thuật vô cảm, hoặc một kỹ thuật giảm đau phối hợp (có hoặc không lưu catheter) với thủ thuật gây mê nội khí quản, giúp giảm đau trong và sau mổ đối với các phẫu thuật chi dưới, phẫu thuật vùng đáy chậu, phẫu thuật vùng bụng và ngực, đặc biệt để giảm đau cho bà bầu sinh thường hay sinh mổ, khiến cho mẹ có cảm giác đẻ không đau.
2. Quy trình thực hiện gây tê vùng cho thai phụ vượt cạn nhẹ nhàng
Thông thường, trong trường hợp thai phụ lựa chọn tiến hành kỹ thuật gây tê vùng ngay từ đầu, bác sĩ sẽ đợi đến khi cổ tử cung giãn ra đến 4 - 5 cm mới bắt đầu thực hiện gây tê. Quy trình gây tê ngoài màng cứng được thực hiện theo các bước sau đây:
- Bước 1: Thai phụ chuẩn bị trong tư thế nằm nghiêng, cuộn tròn người hoặc ngồi ở mép giường theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Bước 2: Kỹ thuật viên thực hiện sát trùng vùng lưng.
- Bước 3: Bác sĩ gây tê sẽ tiêm thuốc tê vào vùng lưng dưới của thai phụ.
- Bước 4: Một ống thông được luồn qua kim, thực hiện rút kim và cố định ống thông.
- Bước 5: Bác sĩ tiêm thuốc tê thử nghiệm để xác định vị trí ngoài màng cứng tại cột sống.
- Bước 6: Tiến hành đưa đầy đủ liều lượng thuốc tê cần thiết vào vùng khoang ngoài màng cứng. Trong quá trình gây tê vùng, người mẹ và thai nhi vẫn phải được theo dõi liên tục. Sau khi gây tê, sản phụ tạm thời mất đi cảm giảm đau ở vùng lưng chậu, song vẫn có thể cử động chân và nửa thân trên. Ngoài ra, thai phụ vẫn giữ được ý thức tỉnh táo trong suốt quá trình chuyển dạ và sinh con.
- Bước 7: Thai phụ sẽ tiếp tục được truyền thuốc tê theo đúng liều lượng chuẩn trong toàn bộ quá trình sinh.
- Bước 8: Sản phụ kết thúc quá trình sinh, ống truyền được tháo bỏ một cách nhẹ nhàng, không gây đau đớn. Đối với trường hợp sinh mổ, ống truyền được giữ lại để tiếp tục kiểm soát cơn đau hậu phẫu.
3. Chống chỉ định gây tê vùng ngoài màng cứng
Nếu thuộc 01 trong những trường hợp sau đây, có thể thai phụ sắp sinh sẽ không được chỉ định thực hiện phương pháp đẻ không đau bằng kỹ thuật gây tê vùng ngoài màng cứng này:
- Đã và đang sử dụng các thuốc có tác dụng làm loãng máu trong thai kỳ.
- Chất lượng máu không đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến quá trình đông máu.
- Thai phụ bị viêm nhiễm ở vùng lưng.
- Thai phụ mắc bệnh lý tim hay gan nặng kèm theo.
Gây tê ngoài màng cứng là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất có thể giúp thai phụ đẻ không đau trong quá trình sinh thường hay sinh mổ. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện để thực hiện được kỹ thuật gây tê vùng này. Trong trường hợp bà bầu bị chống chỉ định với kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng, bác sĩ có thể lựa chọn những cách gián tiếp khác để giảm đi cảm giác đau đớn trong quá trình chuyển dạ, giúp người mẹ thoải mái hơn khi con yêu chào đời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.