Dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai bị thiếu máu

Phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng có nguy cơ cao gặp phải tình trạng thiếu máu. Điều này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phần lớn liên quan đến một chế độ ăn uống thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết như vitamin C, folate và sắt. Thiếu máu trong thai kỳ nếu không được khắc phục sớm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

1. Các loại thiếu máu khi mang thai

Tình trạng thiếu máu khi mang thai là một vấn đề thường gặp ở các mẹ bầu. Khi bị thiếu máu, cơ thể bạn sẽ bị thiếu hụt đi các tế bào hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy đến khắp các mô và cho thai nhi trong bụng.

Khi mang thai, cơ thể bạn sẽ cần sản xuất nhiều máu hơn để hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi. Nếu không cung cấp đủ sắt hoặc một số chất dinh dưỡng khác, cơ thể bạn sẽ khó có thể sản xuất ra đủ lượng tế bào hồng cầu cần thiết để tạo ra nguồn máu nuôi dưỡng thai nhi.

Thiếu máu nhẹ khi mang thai không phải là một điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, tình trạng thiếu máu của bạn có thể trở nên trầm trọng hơn do lượng sắt hoặc vitamin thấp trong cơ thể.

Tình trạng thiếu máu có thể khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi và yếu ớt. Nếu thiếu máu nghiêm trọng mà không được điều trị kịp thời, nó có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng như sinh non. Dưới đây là một số loại thiếu máu có thể phát triển trong thai kỳ, bao gồm:

XEM THÊM: Thiếu máu khi mang thai nên ăn gì và uống gì?

Thiếu máu khi mang thai
Tình trạng thiếu máu khi mang thai gây ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu và thai nhi

2. Nguyên nhân gây phát triển các loại thiếu máu khi mang thai

Dưới đây là một số nguyên nhân gây thiếu máu khi mang thai, bao gồm:

2.1. Thiếu máu do thiếu sắt

Loại thiếu máu này thường xảy ra do cơ thể không có đủ chất sắt để sản xuất đủ lượng hemoglobin cần thiết. Đây là một loại protein có trong các tế bào hồng cầu, giúp mang oxy từ phổi đi đến các bộ phận còn lại của cơ thể. Khi bị thiếu máu do thiếu sắt, máu sẽ không thể mang đủ oxy đến các khắp các mô ở cơ thể. Nhìn chung, thiếu sắt chính là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng thiếu máu trong thai kỳ.

XEM THÊM: Thiếu máu thiếu sắt khi mang thai: Mẹo phòng ngừa

2.2. Thiếu máu do thiếu folate

Folate là một loại vitamin được tìm thấy tự nhiên trong một số loại rau xanh. Thông thường, cơ thể chúng ta sẽ cần đến folate để sản xuất ra các tế bào mới, bao gồm cả các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Do đó, phụ nữ mang thai thường được khuyến cáo nên bổ sung thêm folate thường xuyên. Khi cơ thể không nhận đủ lượng folate cần thiết sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt các tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy đến khắp các mô. Ngoài ra, thiếu folate cũng trực tiếp góp phần gây ra một số dạng dị tật bẩm sinh, chẳng hạn như nhẹ cân và tật nứt đốt sống.

2.3. Thiếu vitamin B12

Cơ thể chúng ta cần đến loại vitamin này để hình thành nên các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Khi mẹ bầu không nhận đủ lượng vitamin B12 từ chế độ ăn uống, cơ thể họ sẽ không thể sản xuất đủ các tế bào hồng cầu cần thiết. Nguy cơ thiếu hụt vitamin B12 thường có xu hướng xảy ra cao hơn ở những phụ nữ không ăn thịt, gia cầm, trứng và các sản phẩm từ sữa. Điều này có thể dẫn đến các chứng dị tật bẩm sinh ở thai nhi, chẳng hạn như dị tật ống thần kinh hoặc sinh non.

Vitamin B12
Thiếu vitamin B12 có thể khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh

3. Một số yếu tố nguy cơ gây thiếu máu trong thai kỳ

Hầu hết phụ nữ khi mang thai đều có nguy cơ bị thiếu máu. Điều này là do họ cần nhiều sắt và axit folic hơn bình thường. Tuy nhiên, rủi ro thiếu máu sẽ cao hơn đối với một số trường hợp sau:

  • Mang thai nhiều lần
  • Trải qua hai lần mang thai gần nhau
  • Không ăn đủ những loại thực phẩm giàu chất sắt
  • Mang thai khi còn ở độ tuổi vị thành niên
  • Bị thiếu máu trước khi mang thai

4. Những triệu chứng thường gặp của thiếu máu khi mang thai

Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng thiếu máu khi mang thai, bao gồm:

  • Cảm thấy yếu ớt và mệt mỏi
  • Da, môi và móng tay nhợt nhạt
  • Hụt hơi
  • Chóng mặt
  • Tim đập loạn nhịp
  • Khó tập trung

Trong giai đoạn đầu của bệnh thiếu máu, các triệu chứng có thể không xuất hiện rõ ràng. Tốt nhất, phụ nữ mang thai nên đi thăm khám hoặc làm xét nghiệm máu định kỳ để kiểm tra tình trạng sức khoẻ của mình trước khi sinh.

Chóng mặt khi mang thai
Thiếu máu khi mang thai sẽ khiến mẹ bầu chóng mặt

5. Chế độ dinh dưỡng giúp cải thiện tình trạng thiếu máu khi mang thai

Để có thể quản lý tốt các triệu chứng do bệnh thiếu máu trong thai kỳ gây ra, các mẹ bầu nên chủ động xây dựng một chế độ ăn uống đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dinh dưỡng cũng như năng lượng. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cũng nên bổ sung thêm acid folic, sắt và kiểm soát các tình trạng như sốt rét hoặc nhiễm ký sinh trùng đường ruột.

Bạn có thể ngăn ngừa được tình trạng thiếu máu khi mang thai thông qua việc cung cấp đầy đủ chất sắt. Theo đó, bạn nên ăn ít nhất 3 phần ăn mỗi ngày các loại thực phẩm giàu chất sắt, chẳng hạn như:

  • Thịt gia cầm, thịt nạc đỏ và cá
  • Lòng đỏ trứng
  • Gan
  • Thịt bò
  • Ngũ cốc
  • Rau lá xanh đậm, ví dụ như bông cải xanh, cải xoăn và rau bina
  • Đậu, đậu phụ và đậu lăng
  • Hạt giống và các loại hạt

Đặc biệt, trứng gà là một nguồn thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng phong phú, bao gồm canxi, protein, sắt, phốt pho, vitamin và các khoáng chất có lợi cho sức khỏe của cả mẹ và bé trong thai kỳ. Vì vậy, mẹ bầu nên cố gắng ăn khoảng 3 – 4 quả trứng gà vào mỗi tuần để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Ngoài việc bổ sung chất sắt trong chế độ dinh dưỡng, bạn cũng nên tăng cường tiêu thụ các loại thực phẩm giàu vitamin để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu trong thai kỳ. Dưới đây là một số nguồn cung cấp vitamin C dồi dào mà bạn nên lựa chọn, bao gồm: Dâu tây, trái cây họ cam quýt, cà chua, trái kiwi, ớt chuông, thanh long, táo, bưởi...

Bên cạnh đó, bạn nên ăn kết hợp các thực phẩm giàu chất sắt với những thực phẩm cung cấp nhiều vitamin C. Chẳng hạn, bạn có thể ăn ngũ cốc tăng cường chất sắt cùng với một ly nước cam vào bữa sáng. Ngoài ra, bạn cũng nên lựa chọn các loại thực phẩm giàu folate để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do thiếu folate trong thai kỳ. Các loại thực phẩm chứa nhiều folate thường bao gồm: rau xanh lá, trái cây hoặc nước trái cây có họ cam quýt, bánh mì và ngũ cốc bổ sung axit folic, đậu khô.

Phụ nữ khi mang thai nên hạn chế tiêu thụ các loại chất có thể làm cản trở sự hấp thụ chất sắt vào cơ thể, chẳng hạn như phytate hoặc tannin thường có trong các loại trà và ngũ cốc thô. Bên cạnh đó, các mẹ bầu cũng không nên dùng thuốc sắt chung với canxi hoặc thuốc chống loét dạ dày vì điều này có thể làm giảm khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể. Trong trường hợp cần thiết phải sử dụng cùng lúc những loại thuốc trên, bạn nên uống chúng cách nhau ít nhất khoảng 2 tiếng. Lưu ý, không nên dùng thuốc chứa sắt cùng với cà phê, trà hoặc sữa, vì sự kết hợp này cũng góp phần làm ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt.

XEM THÊM: Bà bầu thiếu máu nên uống thuốc gì?

Thịt bò
Thịt bò là một thực phẩm giàu chất sắt

6. Một số lưu ý khi bổ sung viên sắt – acid folic cho phụ nữ mang thai

Trong suốt khoảng thời gian mang thai cho đến khi sinh con sau một tháng, bạn nên uống mỗi ngày một viên sắt – acid folic, tương đương với 600 mg sắt và 400 mcg acid folic. Đối với phụ nữ mang thai bị thiếu máu cần sử dụng viên uống bổ sung theo sự chỉ định của bác sĩ.

Trong một số trường hợp nhất định, uống viên sắt – acid folic có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn như buồn nôn hoặc táo bón. Tuy nhiên, những triệu chứng trên thường không đáng lo ngại đối với sức khoẻ và có thể tự hết sau khoảng vài tuần. Để giảm bớt các ảnh hưởng khó chịu từ thuốc, bạn nên sử dụng chúng vào một thời điểm nhất định trong ngày, đồng thời cố gắng ăn nhiều rau quả và bổ sung đầy đủ nước.

Giai đoạn mang thai luôn phải đối diện với nguy cơ thiếu máu, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người mẹ và thai nhi. Theo đó, việc chuẩn bị các kiến thức về tiền sản tốt, chuẩn bị thể lực tốt khi mang thai, bổ sung dinh dưỡng kết hợp với viên thuốc sắt uống hàng ngày là việc cần làm để giảm nguy cơ thiếu máu trong thai kỳ và được “mẹ tròn, con vuông”.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan