Dinh dưỡng và thực đơn cho bà bầu trong suốt thai kỳ để con khỏe, mẹ không tăng cân

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Trong suốt hơn 9 tháng trong bụng mẹ, thai nhi sống và phát triển dựa vào nguồn dinh dưỡng trực tiếp từ mẹ truyền cho. Bởi vậy, mẹ có đủ chất dinh dưỡng thì con cũng mới khỏe mạnh và phát triển toàn diện.

Dinh dưỡng cho mẹ bầu khi mang thai sẽ cần được cung cấp đầy đủ các nhóm chính như sau:

1. Các chất dinh dưỡng chính và năng lượng

Năng lượng trung bình cần cho một phụ nữ là 2.200 kcal/ ngày, khi mang thai ở 3 tháng giữa, lượng năng lượng cần tăng lên thêm 360kcal/ ngày. Trong 3 tháng cuối là thời điểm tăng tốc cho sự phát triển của thai nhi, mẹ bầu cần thêm 475kcal/ ngày, đảm bảo năng lượng để con lớn và tăng cân trong thời điểm cuối của thai kỳ. Tương ứng với lượng năng lượng nạp vào cơ thể, tốc độ tăng cân tương ứng của thai nhi mà ở mức 0,4 kg/ tuần trong 4 tháng giữa và ở 3 tháng cuối thai kỳ, đối với phụ nữ có cân nặng bình thường trước khi mang thai tăng 0,5kg/tuần đối với phụ nữ có cân nặng thấp và 0,3kg/tuần đối với phụ nữ thừa cân.

Các chất dinh dưỡng chính cần được bổ sung hợp lý qua các bữa ăn như chất đạm giúp xây dựng bào thai, nhau thai, mô cơ thể mẹ, hay chất béo để xây dựng màng tế bào, hệ thống thần kinh cho thai nhi, cung cấp năng lượng và giúp hấp thụ các vitamin trong dầu cho mẹ. Để bổ sung chất đạm, mẹ bầu nên ăn các thực phẩm giàu chất đạm như thịt cá, trứng, sữa, các loại đậu. Đối với chất béo, mẹ bầu nên bổ sung cả chất béo no và không no, nhưng với chất béo no không nên dùng quá 10% năng lượng khẩu phần ăn hàng ngày, tăng sử dụng dầu thực vật thay vì dầu động vật.

Dinh dưỡng và thực đơn cho bà bầu trong suốt thai kỳ để con khỏe, mẹ không tăng cân
Đạm hay chất béo là những chất dinh dưỡng chính không thể thiếu trong thai kỳ

2. Các khoáng chất và vitamin

Một số khoáng chất, vitamin không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu cần được bổ sung đầy đủ, đảm bảo sự phát triển toàn diện của thai nhi.

  • Canxi cần cho sự hình thành bộ xương và tạo răng cho thai nhi. Mẹ bầu cần bổ sung các thực phẩm chứa nhiều canxi như sữa, cá, đậu, rau xanh, đặc biệt là các sản phẩm từ sữa như: sữa chua, phomai, kem mang lại nguồn canxi rất tốt. Định mức canxi dành cho mẹ bầu cần bổ sung là 300mg/ngày đạt 1000mg/ ngày
  • Acid folic cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể. Acid folic có nhiều trong các loại rau có lá, bắp cải, măng tây, bông cải xanh và trắng, cam, chuối, trứng. Phụ nữ có bầu cần lượng axit folic cao hơn người bình thường là 600 μg /ngày. Ngoài bổ sung qua đường ăn uống, mẹ bầu có thể sử dụng viên uống acid folic. Bổ sung Acid folic cần thực hiện sớm khi phát hiện có thai và liên tục đến tuần thứ 12. Nếu không cung cấp đủ axit folic mẹ bầu dễ bị thiếu máu dinh dưỡng đại hồng cầu, gây dị tật ống thần kinh ở thai nhi.
  • Vitamin A giúp cho sự phát triển của thai nhi và tăng sức đề kháng cho mẹ. Mẹ bầu cần bổ sung đủ 800 μg/ngày vitamin A và không nên bổ sung quá mức này dễ dẫn đến quái thai. Vitamin A có nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc động vật như gan, lòng đỏ trứng gà, bơ, sữa, thịt, rau quả có màu xanh, màu vàng, đỏ...
  • Vitamin D cần thiết cho sự hấp thụ canxi, photpho, cùng cấu tạo hình thành xương cho thai nhi. Việc không cung cấp đủ vitamin D khiến trẻ bị nhuyễn xương, co giật do hạ canxi máu, loãng xương sớm... Mẹ bầu có thể hấp thu vitamin D bằng cách tổng hợp trong da dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời vào buổi sáng hoặc ăn nhiều gan cá, trứng, bơ sữa, các loại cá béo giàu vitamin D.
  • Vitamin B1 có trong gạo không xay quá trắng, hạt đậu, thịt heo, các loại sản phẩm từ nấm mốc, men hợp vệ sinh, một số loại cá. Phụ nữ mang thai cần bổ sung đủ vitamin B1 để phòng ngừa bệnh tê phù trong và sau quá trình mang thai.
Dinh dưỡng và thực đơn cho bà bầu trong suốt thai kỳ để con khỏe, mẹ không tăng cân
Mẹ bầu cần bổ sung vi chất phù hợp trong thai kỳ

3. Các vi chất

Không thể thiếu sắt cho cả mẹ và thai nhi trong thời gian thai kỳ. Mẹ bầu cần bổ sung sắt bằng các thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, gan chứa lượng sắt tương đối cao và dễ hấp thu. Một nguồn cung cấp sắt hết sức quan trọng nữa là các thực phẩm được chế biến sẵn như: bột dinh dưỡng, bột mỳ, mì tôm, nước mắm. Mẹ bầu có thể uống viên sắt theo chỉ định của bác sĩ về định lượng cần thiết, tùy vào tình trạng thiếu sắt của mình.

I ốt có vai trò quan trọng đối với mẹ bầu. Một số thực phẩm giàu I ốt mẹ bầu nên bổ sung trong bữa ăn hàng ngày là cá biển, rong biển, muối ăn... để đáp ứng lượng I ốt 200μg/ngày. Nếu không bổ sung đủ I ốt sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Mẹ bầu thiếu I ốt có khả năng sảy thai cao, thai chết lưu, sinh non hoặc trẻ sinh ra bị chậm phát triển trí tuệ do tổn thương não, cân nặng sơ sinh thấp, dễ bị khuyết tật bẩm sinh như liệt tay chân, điếc, lé, nói ngọng... Thậm chí thiếu I ốt trong thai kỳ còn dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong chu sinh. Bởi vậy mẹ bầu cần chú ý bổ sung đầy đủ.

Việc bổ sung dinh dưỡng đúng cách không chỉ đảm bảo sự phát triển toàn diện của thai nhi mà còn giúp mẹ bầu không tăng quá nhiều cân. Hầu hết chất dinh dưỡng vào cơ thể sẽ phân phối cho mẹ và con, đảm bảo con phát triển mà mẹ không bị tăng cân.

4. Một số vấn đề sức khỏe thai phụ cần lưu ý

Dinh dưỡng và thực đơn cho bà bầu trong suốt thai kỳ để con khỏe, mẹ không tăng cân
Dinh dưỡng thai kỳ cần được bổ sung đầy đủ

Ngoài ra mẹ bầu cần chú ý một số vấn đề sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng và biết cách xử lý đúng như sau:

  • Thiếu máu, thiếu sắt thường xảy ra ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Uống viên sắt bổ sung với hàm lượng Sắt nguyên tố 60mg và 400 μg acid folic. Uống mỗi ngày 1 viên liên tục từ khi phát hiện có thai cho đến 1 tháng sau khi sinh là cách giải quyết tốt nhất cho mẹ bầu.
  • Khó tiêu: Do áp lực của tử cung lên hệ tiêu hóa, cần chia nhỏ bữa ăn, không ăn no trước khi đi ngủ, ăn chậm và ngồi thẳng khi ăn.
  • Táo bón: Xảy ra ở khoảng 30-40% phụ nữ có thai, mẹ bầu nên uống nhiều nước (8 ly/ngày), ăn thức ăn có nhiều chất xơ.
  • Nôn ói: Thường xảy ra vào tuần 6-16. Mẹ bầu nên tránh thức ăn có mùi, dùng thức ăn có nhiều bột đường, ít chất béo. Sáng sớm ngủ dậy nên uống một ly nước nóng với bánh mì, bánh quy.

Như vậy với thông tin về dinh dưỡng và thực đơn cho bà bầu nói trên hi vọng mẹ bầu sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh, phát triển. Để được tư vấn chi tiết cụ thể hơn, mẹ bầu có thể nhờ đến sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ sản phụ khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

106.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan