Mất ngủ hậu Covid-19 có cần đi khám?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sau Covid người bệnh có thể đối mặt với nhiều vấn đề, mặc dù điều này không hay gặp nhưng nếu mắc có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mất ngủ sau Covid là một tình trạng phổ biến khiến nhiều người cảm thấy phiền toái trước tình trạng này.

1. Triệu chứng mất ngủ hậu covid như thế nào?

Sau khoảng thời gian mắc bệnh Covid-19 một số ít người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ hội chứng hậu Covid với nhiều biểu hiện bất thường như mệt mỏi, mất ngủ, đau đầu, hụt hơi, khó tập trung, giảm trí nhớ...

Rối loạn giấc ngủ cũng là tình trạng hay gặp, nó có thể xảy ra khi mắc bệnh và kéo dài nhiều tháng sau khi khỏi bệnh. Đa số dấu hiệu này hay gặp ở phụ nữ hơn nam giới và thường gặp ở người có những dấu hiệu rối loạn giấc ngủ trước đó, nhưng cũng có thể gặp ở người hoàn toàn khỏe mạnh. Một số dấu hiệu của mất ngủ sau Covid bao gồm:

  • Xuất hiện các dấu hiệu như khó vào giấc, trằn trọc, ngủ hay tỉnh giấc và khó ngủ lại sau khi tỉnh. Ngủ không sâu giấc, ngủ chập chờn sau khi nhiễm covid.
  • Thời gian ngủ ít hơn bình thường, chỉ khoảng 3-4 tiếng mỗi ngày. Bình thường cần ngủ 7-8 tiếng.
  • Cảm thấy mệt mỏi, uể oải, không muốn làm việc vào ngày hôm sau.
  • Rối loạn giấc ngủ có thể kèm theo đau đầu, giảm trí nhớ, khó tập trung.

Các triệu chứng trên có thể kéo dài vài ngày, thậm chí vài tháng sau khi mắc bệnh hoặc có khi xuất hiện muộn sau khi mắc bệnh vài tuần hay vài tháng.

2. Nguyên nhân khiến bạn bị mất ngủ hậu Covid

Tình trạng mất ngủ hậu Covid có thể do nhiều nguyên nhân và yếu tố gây ra bao gồm:

  • Do việc sử dụng thuốc điều trị Covid-19 trong một thời gian dài, điều đó có thể ảnh hưởng tới sức khỏe do các tác dụng phụ của thuốc gây ra.
  • Sức khỏe hệ thần kinh trước đó cũng chịu tác động tới tình trạng mất ngủ sau Covid. Nếu trước khi mắc bệnh bạn có tình trạng mất ngủ, rối loạn lo âu...thì nguy cơ mất ngủ sau Covid cao hơn rất nhiều.
  • Sự căng thẳng về tâm lý (tổn thương về tâm lý): do bạn cảm thấy lo lắng về sức khỏe nhiều, lo lắng cho công việc, gia đình hay căng thẳng do áp lực công việc, bị thất nghiệp... Những điều này có thể tác động trực tiếp tới sức khỏe tinh thần, căng thẳng thần kinh rồi dẫn tới suy nhược thần kinh, trầm cảm, mất ngủ kéo dài.
  • Những người có bệnh lý mạn tính như: tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh lý về phổi mạn tính hay người cao tuổi thì cũng dễ bị mất ngủ hơn.
  • Do hay sử dụng các chất kích thích: việc dùng các chất kích thích sau khi nhiễm bệnh, cũng khiến bạn dễ bị mất ngủ hơn.
  • Dinh dưỡng không đầy đủ: cơ thể cần một lượng dinh dưỡng và năng lượng lớn để có thể chống lại quá trình nhiễm khuẩn. Nhưng nếu bạn không cung cấp đủ sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt và điều này có thể khiến bạn khó ngủ hơn.

3. Một số hậu quả của chứng khó ngủ hậu Covid

Tình trạng thiếu ngủ khiến cho người bệnh khó tập trung vào công việc, suy giảm trí nhớ, khó tập trung, khiến chất lượng công việc bị giảm sút và kết quả học tập kém hơn.

Tâm lý cũng bị ảnh hưởng do thiếu ngủ như người bệnh sẽ dễ cáu gắt, bực bội, đau đầu, mệt mỏi hơn...

Mất ngủ làm tăng nguy cơ dẫn tới các bệnh rối loạn thần kinh như trầm cảm, rối loạn lo âu, suy giảm trí nhớ. Không chỉ vậy, khi cơ thể không tỉnh táo thì việc di chuyển đi lại cũng khiến cho nguy cơ tai nạn cũng tăng lên.

Mất ngủ còn kích hoạt hệ thần kinh, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, bệnh tiểu đường...

4. Mất ngủ hậu Covid phải làm sao?

Khi bạn bị mất ngủ hậu Covid có thể thực hiện một số biện pháp chăm sóc giấc ngủ nhờ chế độ sinh hoạt, chế độ ăn uống và tập luyện bao gồm:

  • Nên thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng vào ban ngày. Điều này làm tăng sự tương quan giữa ngày và đêm. Khiến đồng hồ sinh học hoạt động tốt hơn, bạn sẽ dễ ngủ hơn vào ban đêm.
  • Chăm sóc giấc ngủ đúng cách: bạn cần hạn chế những kích thích trước khi ngủ, một biện pháp đặc biệt là bạn nên hạn chế thời gian nằm trên giường để giảm cảm giác bị mất ngủ nhiều và tránh tình trạng khó vào giấc.
  • Bạn nên tập luyện thư giãn trước khi ngủ như tập hít thở, tập các bài giãn cơ trước khi ngủ.
  • Cố gắng duy trì thời gian ngủ và thời gian thức dậy giống nhau mỗi ngày. Kể cả những ngày nghỉ, để cơ thể của bạn quen hơn với điều đó.
  • Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử, tránh sử dụng điện thoại trước khi ngủ.
  • Tránh tình trạng căng thẳng quá mức: nên giảm bớt công việc khiến bản thân quá căng thẳng, tập yoga, thư giãn, nghe nhạc khiến bạn thoải mái và dễ ngủ hơn.
  • Có thể đọc một cuốn sách trước khi đi ngủ, bạn hãy đọc tới khi bản thân thấy buồn ngủ hoặc nếu nửa đêm thức giấc bạn khó vào lại giấc thì hãy đứng dậy đi lại hay đọc sách tới khi ngủ lại được. Việc trằn trọc khiến bạn cảm thấy mình mất ngủ nhiều hơn.
  • Tập thể dục hàng ngày đều đặn sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn.
  • Bạn có thể uống một ly sữa nóng trước khi đi ngủ, trong sữa có các acid amin cần thiết cho việc giúp bạn ngủ ngon hơn. Nhưng nếu nó làm bạn đi tiểu vào ban đêm gây gián đoạn giấc ngủ thì không nên thực hiện.
  • Chế độ ăn uống cũng có thể ảnh hưởng đến nhiều đến chất lượng giấc ngủ. Có một số loại thực phẩm và đồ uống có các chất kích thích sẽ khiến bạn bạn khó ngủ, mất ngủ.
  • Xoa bóp một số huyệt giúp an thần. Như các huyệt vùng đầu thái dương, bách hội, ấn đường, phong trì, an miên và các huyệt toàn thân như huyệt nội quan, thần môn, tam âm giao.
  • Sử dụng một số thảo dược giúp an thần bao gồm lá sen, lá vông, lạc tiên, đinh lăng, bình vôi, long nhãn...Bạn có thể dùng riêng hay kết hợp vài vị với nhau. Ngoài ra có thể kết hợp với các vị khác để tăng tác dụng.

5. Mất ngủ hậu Covid có cần thăm khám không?

Nếu tình trạng buồn ngủ nhưng bạn duy trì được sự tỉnh táo trong hoạt động hằng ngày và công việc, cơ thể không cảm thấy mệt mỏi bạn chỉ cần dùng các biện pháp để dễ ngủ hơn.

Tuy nhiên, cần đi khám khi mất ngủ ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày và bạn đã dùng các biện pháp nhưng không cải thiện hoặc khi tình trạng mất ngủ lại kèm theo đau đầu, mệt mỏi nhiều, sốt, đau ngực, khó thở... Khi thăm khám bác sĩ sẽ cố gắng tìm được nguyên nhân khiến bạn mất ngủ và có những biện pháp giúp điều trị mất ngủ hậu Covid như dùng thuốc hỗ trợ, biện pháp điều trị tâm lý...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan