Chỉ số HDL cholesterol trong máu giảm có ý nghĩa gì?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Nhiều người biết rằng HDL cholesterol là một cholesterol tốt và chỉ số này càng cao thì càng tốt cho cơ thể. Vậy khi chỉ số HDL- cholesterol giảm thì có ý nghĩa gì? Chắc hẳn có nhiều người còn chưa biết đến điều này.

1. HDL cholesterol là gì?

Cholesterol hay còn gọi là mỡ máu có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta. Nó tham gia vào sự hoạt động của màng tế bào sợi thần kinh, tham gia quá trình sản xuất một số hormone của cơ thể,... Ở một mức độ nhất định, cholesterol rất cần thiết với cơ thể, không thể thiếu được. Tuy nhiên khi nó tăng quá cao mà mọi người hay gọi là “Tăng mỡ máu” sẽ gây bệnh. Hiện tượng này sẽ gây ra tình trạng xơ vữa động mạch, làm hẹp mạch máu và là nguyên nhân chủ yếu của các bệnh tim mạch.

Cholesterol không hòa tan vào máu, bởi vậy để di chuyển trong máu nó cần được bao bọc bởi một lớp áo protein hay còn được gọi là lipoprotein. Có 2 loại lipoprotein chính đó là lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) và lipoprotein tỷ trọng cao (HDL).

LDL chuyên chở hầu hết cholesterol trong cơ thể, khi nồng độ LDL trong máu tăng cao sẽ có hiện tượng lắng đọng mỡ ở thành động mạch gây ra mảng xơ vữa động mạch. Chính vì vậy LDL - cholesterol được gọi là cholesterol xấu hay mỡ máu xấu.

HDL chuyên lấy cholesterol ra khỏi máu, đưa về gan để xử lý và ngăn chặn không cho chúng xâm nhập vào thành động mạch. Vì vậy HDL - cholesterol được gọi là cholesterol tốt hay mỡ máu tốt.

2. Chỉ số HDL cholesterol bao nhiêu là lý tưởng?

Trung bình HDL - cholesterol > 40mg/dL được coi là bình thường. Nó khác so với nhiều chỉ số xét nghiệm khác thường nằm trong một khoảng nhất định, còn chỉ số này luôn yêu cầu phải cao hơn mức giới hạn. Bởi như đã nói ở trên, HDL- cholesterol là loại mỡ máu tốt cho nên chỉ số càng cao càng tốt cho sức khỏe. Cụ thể khi chỉ số HDL - cholesterol của bạn càng cao thì nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch của bạn sẽ càng thấp.

Ngược lại, khi chỉ số HDL cholesterol giảm sẽ có vấn đề gì với sức khỏe của chúng ta?

3. Chỉ số HDL cholesterol giảm sẽ có vấn đề gì với sức khỏe?

Nồng độ HDL cholesterol trong máu càng cao sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Còn khi nồng độ HDL - cholesterol giảm < 40 mg/dL sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Vì sao lại như vậy? Bởi khi HDL - Cholesterol giảm đồng nghĩa với việc nồng độ LDL - cholesterol sẽ tăng, từ đó hình thành các mảng xơ vữa trong lòng động mạch. Vữa xơ động mạch lại chính là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm như:

  • Đau thắt ngực
  • Nhồi máu cơ tim
  • Suy tim
  • Sốc tim
  • Đột quỵ

HDL cholesterol giảm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch
HDL cholesterol giảm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch

Những người bị bệnh mạch vành có nồng độ HDL - cholesterol thấp và/hoặc Triglyceride cao sẽ có các tình trạng sau:

  • Tiền sử nhồi máu cơ tim nhiều hơn.
  • Có nồng độ acid uric máu cao hơn: đồng nghĩa với nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn.
  • Phân suất tống máu thất trái (EF) thấp hơn: khả năng tống máu của thất trái thấp hơn.

Ngoài việc dựa vào nồng độ của các loại mỡ máu, các bác sĩ còn dựa vào một số phép tính dựa trên các chỉ số này để đánh giá tình trạng sức khỏe như sau:

  • Tỷ số cholesterol toàn phần/HDL cholesterol: cho biết bạn có ăn đủ lượng cholesterol tốt và giảm lượng cholesterol xấu hay không. Tỷ số này < 4 là lý tưởng nhất, tỷ số càng thấp thì mức cholesterol của bạn càng lành mạnh. Các nghiên cứu cho rằng tỷ số cholesterol toàn phần/HDL cholesterol là chỉ số báo hiệu chính xác hơn về nguy cơ mắc bệnh tim mạch so với chỉ số LDL-cholesterol đơn thuần.
  • Tính chỉ số Cholesterol không HDL: bằng cách lấy chỉ số cholesterol toàn phần trừ đi HDL cholesterol. Chỉ số này lý tưởng nhất khi < 130 mg/dL, giá trị cao hơn sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Chỉ số này được cho là chính xác hơn chỉ số LDL cholesterol bởi nó bao gồm cả nồng độ lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL) - cũng là một dạng cholesterol có thể tích tụ trong thành mạch máu giống như LDL- cholesterol.

Như vậy, dù tính theo cách nào thì khi chỉ số HDL cholesterol giảm thấp đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, sốc tim, thậm chí có thể gây đột quỵ, rất nguy hiểm. Chính vì vậy mọi người nên duy trì nồng độ HDL - cholesterol ở mức cao, để phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe