Cấy máu tìm vi khuẩn trong nhiễm trùng huyết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Vượng - Bác sĩ Xét nghiệm vi sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Cấy máu để tìm vi khuẩn trong máu một bệnh nhân bị bệnh nhiễm khuẩn huyết là một xét nghiệm hết sức quan trọng vì trực tiếp cho ta biết nguyên nhân của bệnh là loại vi khuẩn gì.

1. Nhiễm trùng huyết là gì?

Nhiễm khuẩn huyết (NKH) là tình trạng nhiễm trùng cấp tính nặng, do vi khuẩn, nấm lưu hành trong máu gây ra, có thể dẫn đến sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng với tỷ lệ tử vong rất cao ( từ 20-50%).

Các yếu tố nguy cơ:

  • Người già, trẻ sơ sinh/đẻ non.
  • Người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, như corticoid kéo dài, các thuốc chống thải ghép hoặc đang điều trị hóa chất và tia xạ.
  • Người có bệnh lý mạn tính, như tiểu đường, HIV/AIDS, xơ gan, bệnh van tim và tim bẩm sinh, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận mạn.
  • Người bệnh đã cắt lách, nghiện rượu, có bệnh máu ác tính, giảm bạch cầu.
  • Người có các đặt các thiết bị hoặc dụng cụ xâm nhập như đinh nội tủy, catheter, ống nội khí quản...

Các căn nguyên gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp:

  • Các vi khuẩn gram âm đường ruột họ Enterobacteriacae: E.coli, Klebsiella, Serratia... hay các vi khuẩn khác như trực khuẩn mủ xanh, Burkholderia pseudomallei..
  • Các vi khuẩn gram dương: như tụ cầu vàng Saureus hoặc Enterococcus, các Streptococcus suis, viridans....
  • Các vi khuẩn kỵ khí thường gặp như: Clostridium perfringens , Bacteroides fragilis...

Cấy máu là một xét nghiệm nhằm xác định xem có sự hiện diện của các vi sinh vật như vi khuẩn, vi nấm, nấm trong máu hay không bằng cách: lấy máu của bệnh nhân nghi ngờ NKH rồi cho vào trong môi trường đặc biệt (chai cấy máu tự động hoặc môi trường BHI) trong điều kiện đặc biệt và được ủ từ 1 đến 7 ngày để quan sát sự phát triển của vi khuẩn (nếu có)

Nhiễm trùng đường huyết
Nhiễm trùng huyết do vi khuẩn, nấm lưu hành trong máu gây ra

2. Quy trình cấy máu tìm vi khuẩn

2.1. Thời điểm cấy máu

Cấy máu trước khi bệnh nhân dùng kháng sinh hệ thống. Trong bệnh viện, bác sĩ phải cho cấy máu tìm vi khuẩn trước khi bắt đầu cho bệnh nhân dùng kháng sinh.

Tuy nhiên trong các trường hợp bệnh nhân đang điều trị kháng sinh nhưng các triệu chứng của du khuẩn huyết hay nhiễm trùng đường huyết vẫn không thuyên giảm thì bác sĩ cũng nên cho chỉ định cấy máu tìm vi khuẩn để phát loại hiện tác nhân gây nhiễm trùng.

-Thời điểm tốt nhất để cấy máu là khi bệnh nhân bị sốt ớn lạnh hay đang lạnh run trước khi sốt, hay lúc bệnh nhân đang lên cơn sốt...

-Số lần chỉ định cấy máu: tùy trường hợp cụ thể tuy nhiên khuyến cáo như sau:

  • Lấy 2 mẫu ở 2 vị trí, cùng thời điểm.
  • Với bệnh Osler nên cấy máu nhiều lần trong ngày.
  • Có thể cấy nhiều ngày liên tiếp.

Lưu ý:

  • Bệnh nhân đang truyền (máu, dịch,...) phải khóa dây truyền và lấy máu ở tay bên đối diện.
  • Nếu bệnh nhân vừa ăn xong phải chờ 2 - 3 giờ sau ăn mới lấy máu.
  • Bệnh nhân đang dùng kháng sinh: Phải dừng thuốc ít nhất 24 giờ trước khi lấy máu. Trường hợp bệnh nhân đã sử dụng thuốc kháng sinh rồi, có thể cấy máu vào thời điểm trước khi sử dụng liều kháng sinh tiếp theo trong ngày.

-Có 2 loại môi trường cấy máu:

  • Chai môi trường cấy máu tự động: là các chai cấy máu thương mại. Máu bệnh nhân nghi nhiễm khuẩn huyết sẽ được cho vào chai cấy máu này với thể tích thường 8-10ml với người lớn, 3-5ml với trẻ em. Sau đó sẽ được đưa vào máy cấy máu tự động.
  • Chai môi trường cấy máu tự sản xuất: BHI, hoặc canh thang glucose 2%. Bình BHI hoặc bình canh thang glucose 2% sẽ được ủ ấm ở nhiệt độ 35 độ C, có hoặc không có bổ sung 5% CO2.
Nhiễm trùng đường huyết
Nếu bệnh nhân vừa ăn xong phải chờ 2 - 3 giờ sau ăn mới lấy máu

2.2. Các bước tiến hành cấy máu

  • Ghi hoặc dán mã bệnh phẩm chứa thông tin bệnh nhân lên vỏ chai cấy máu hoặc bình BHI, bình canh thang. Các thông tin: Họ tên, tuổi của người bệnh, ngày, giờ lấy máu, khoa điều trị (nếu bệnh nhân cấy máu tìm vi khuẩn nhiều lần phải ghi rõ số lần cấy máu vào chai cấy máu và phiếu xét nghiệm).
  • Lấy máu tĩnh mạch thao tác VÔ TRÙNG TUYỆT ĐỐI (khử trùng vị trí lấy máu 2 lần bằng cồn iod và sát khuẩn lại bằng cồn 70 độ theo hình xoáy trôn ốc), nếu chọc tĩnh mạch một lần không lấy được máu, phải lấy lại bằng kim tiêm khác, tuyệt đối không để chạm kim tiêm vào bất cứ vật gì. Thể tích máu lấy: 8 - 10ml (người lớn), 1 - 3ml (trẻ em), có chai riêng.
  • Mở nắp bảo vệ chai cấy máu, sát trùng mặt nút cao su của chai bằng cồn 70 độ chờ khô (không sử dụng cồn iod), chọc kim qua nút cao su, bơm trực tiếp máu vào chai, lắc chai cấy máu để máu được trộn đều.
  • Chuyển ngay chai cấy máu tìm vi khuẩn và phiếu yêu cầu xét nghiệm về khoa Vi sinh càng sớm càng tốt.

Bảo quản: Nếu không vận chuyển ngay có thể để ở nhiệt độ phòng (25 độ C). Không được bảo quản trong tủ lạnh. Để trong tủ ấm (với bình cấy máu thông thường) hoặc để trong máy cấy máu tự động ở 35 độ C (với chai cấy máu) và theo dõi hàng ngày.

2.3. Nuôi cấy vi khuẩn

Với bình cấy máu thông thường kiểm tra 02 lần/ngày (7 giờ sáng và 15 giờ chiều), khi thấy máu có biểu hiện khác thường (đục, có váng, cặn ở đáy hoặc cặn xốp lơ lửng) thì lấy ra làm xét nghiệm tìm vi khuẩn/nấm.

Với chai của máy cấy máu tự động: Nếu dương tính có còi và tín hiệu xuất hiện trên màn hình ở vị trí nào thì lấy chai máu ở vị trí đó ra, quét vào đầu dò và làm xét nghiệm tìm vi khuẩn/nấm theo các bước sau:

  • Lắc đều bình máu

Với bình cấy máu thông thường: Dùng pipet hoặc que cấy vô trùng lấy một loop dàn tiêu bản nhuộm Gram tìm vi khuẩn/nấm và tính chất bắt màu, hình thể của vi khuẩn/nấm, ghi vào sổ xét nghiệm.

Với chai của máy cấy máu tự động: Sát trùng nắp chai, để khô, lấy bơm kim tiêm hút một lượng nhỏ dịch làm tiêu bản nhuộm Gram tìm vi khuẩn/nấm và tính chất bắt màu, hình thể của vi khuẩn/nấm, ghi vào sổ xét nghiệm.

  • Cấy chuyển vào môi trường thích hợp theo kết quả nhuộm Gram: Với bình cấy máu thông thường, dùng pipet hút 0,1ml hoặc lấy 1 loop đầy. Với chai cấy máu của máy cấy máu tự động, dùng bơm kim tiêm hút một lượng nhỏ dịch.
  • Để tủ ấm 35 độ C/24 giờ, ngày hôm sau kiểm tra khuẩn lạc, nhuộm Gram xem hình thể và tính chất bắt màu của vi khuẩn/nấm, tiếp tục dùng hóa chất và sinh phẩm thích hợp thử các tính chất sinh vật hóa học, làm định danh để xác định loài vi khuẩn/nấm và làm kháng sinh đồ.
  • Trả kết quả ngay cho bác sĩ lâm sàng khi có kết quả kháng sinh đồ.
  • Nếu cấy máu tìm vi khuẩn âm tính: Để tủ ấm với bình cấy máu thông thường đến ngày thứ 7 (với chai cấy máu của máy cấy máu tự động, máy sẽ tự động báo âm tính sau 5 ngày), làm tiêu bản nhuộm Gram và cấy chuyển trên môi trường thạch máu 35 độ C/24 giờ. Sau 24 giờ, nếu không mọc khuẩn lạc thì kết luận âm tính và trả kết quả xét nghiệm cho bác sĩ lâm sàng.

Cần lưu ý: Báo kết quả nhuộm soi từ bình cấy máu dương tính tới bác sĩ lâm sàng để bác sĩ cân nhắc kháng sinh điều trị theo kinh nghiệm trước khi có kết quả nuôi cấy và kháng sinh đồ.

3. Lưu ý khi cấy máu tìm vi khuẩn

  • Thời gian lấy máu: Thời gian lấy máu tốt nhất để phục hồi tối đa vi sinh vật tồn tại trong máu là trong vòng 1 giờ kể từ khi sốt hoặc rét run, vì vi sinh vật sẽ phát triển và xâm nhập nhanh vào máu trong khoảng thời gian này. Thông thường nên lấy máu trong khoảng 30-60 phút sau cơn sốt hoặc rét.
Nhiễm trùng đường huyết
Thời gian lấy máu tốt nhất để phục hồi tối đa vi sinh vật tồn tại trong máu là trong vòng 1 giờ kể từ khi sốt hoặc rét run
  • Thể tích cấy máu: Lấy đúng thể tích máu vô cùng quan trọng trong việc phát hiện nhiễm trùng huyết. Đối với người lớn thể tích máu khuyến cáo nên lấy tại mỗi vị trí tiêm là 20-30ml. Nguyên nhân là vì với thể tích máu từ 20-30ml, số lượng vi sinh vật tồn tại trong mẫu sẽ tăng tỷ lệ thuận với thể tích máu được lấy.
  • Số lượng bộ cấy máu: Bộ chai cấy máu được định nghĩa là một bộ gồm những chai cấy máu được lấy máu từ một vị trí tiêm. Các bác sĩ khuyến cáo sử dụng 2-3 bộ cấy máu/ mẫu bệnh, không bao giờ được sử dụng chỉ một bộ bởi vì thể tích máu sẽ không đủ thể tích để phát hiện và khó giải thích kết quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan