Cảnh giác biến chứng chảy máu mũi khi sốt xuất huyết

Chảy máu mũi là một trong những biến chứng nguy hiểm khi bị sốt xuất huyết, đặc biệt là sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra. Sốt xuất huyết Dengue nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

1. Sốt xuất huyết Dengue là bệnh gì?

Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Virus này lây truyền từ người bệnh sang người lành do bị muỗi Aedes aegypti đốt. Mặc dù xảy ra quanh năm nhưng bệnh hay gặp vào mùa mưa, là mùa muỗi Aedes aegypti sinh sôi và phát triển. Cả người lớn và trẻ em đều có nguy cơ mắc phải bệnh này.

2. Biểu hiện lâm sàng và biến chứng của sốt xuất huyết Dengue

Những biểu hiện lâm sàng của bệnh sốt xuất huyết Dengue rất đa dạng. Diễn biến của bệnh cũng rất nhanh, đi từ nhẹ đến nặng.

Thông thường, bệnh khởi phát một cách đột ngột và diễn tiến qua 3 giai đoạn, đó là: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Việc phát hiện sớm và hiểu rõ các biểu hiện lâm sàng của từng giai đoạn sẽ giúp chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị kịp thời, giảm nguy cơ với người bị bệnh.

2.1 Giai đoạn sốt (kéo dài từ 3 - 4 ngày)

  • Đột ngột sốt cao và sốt liên tục.
  • Chán ăn, buồn nôn.
  • Xuất huyết dưới da, chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng.
  • Đau đầu, nhức hai hố mắt.
  • Đau các cơ, khớp.
  • Da xung huyết.
  • Nghiệm pháp dây thắt dương tính.
Sốt xuất huyết
Giai đoạn sốt cao liên tục do sốt xuất huyết Dengue thường kéo dài từ 3 - 4 ngày

2.2 Giai đoạn nguy hiểm

Giai đoạn nguy hiểm của bệnh thường rơi vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh và có các biểu hiện lâm sàng như:

Người bệnh còn sốt hoặc đã giảm sốt.

Người bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài trong khoảng từ 24 - 48 giờ):

  • Tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, gan to, nề mi mắt, có thể đau.
  • Thoát huyết tương nhiều sẽ gây ra sốc (trụy tim mạch), với các biểu hiện như vật vã, bứt rứt li bì, lạnh tay chân, da lạnh và ẩm, mạch đập nhanh và nhỏ, huyết áp kẹt, không đo được huyết áp hoặc huyết áp tụt, đi tiểu ít.

Xuất huyết ở các vị trí như:

  • Xuất huyết dưới da: Các nốt, chấm xuất huyết rải rác ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong hai cánh tay, ở bụng, đùi, mạng sườn, hoặc tạo thành một mảng bầm tím.
  • Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi tiểu ra máu. Có kinh trước kỳ hạn hoặc kinh nguyệt kéo dài.
  • Xuất huyết nội tạng: Ở hệ tiêu hóa, phổi, nặng nhất là ở não.

Trong một số trường hợp nặng, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể có biểu hiện suy tạng như: viêm gan mức độ nặng, viêm não, viêm cơ tim. Tuy nhiên, những biểu hiện này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không bị sốc.

2.3. Giai đoạn hồi phục (kéo dài trong khoảng 48 - 72 giờ)

Sau khoảng 24 - 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm, người bệnh có biểu hiện tái hấp thu dần dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch. Ở giai đoạn này, người bệnh có một số biểu hiện lâm sàng như:

  • Hết sốt, toàn trạng tốt lên, huyết động ổn định, đi tiểu nhiều.
  • Có cảm giác thèm ăn.
  • Đo điện tâm đồ thấy nhịp tim có thể chậm và thay đổi.
  • Nếu truyền dịch quá mức ở giai đoạn này có thể khiến bệnh nhân sốt xuất huyết bị phù phổi hoặc suy tim.

3. Điều trị sốt xuất huyết Dengue như thế nào?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh sốt xuất huyết Dengue được chia làm 3 mức độ (2009), đó là:

  • Sốt xuất huyết Dengue.
  • Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo.
  • Sốt xuất huyết Dengue nặng.

Tùy vào mức độ của bệnh sẽ có cách điều trị khác nhau. Trong điều trị sốt xuất huyết Dengue, hầu hết các trường hợp là điều trị các triệu chứng, điều trị ngoại trú, theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế để phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi tình trạng sốc xảy ra.

Điều trị triệu chứng:

  • Khi bệnh nhân sốt xuất huyết sốt cao (≥ 39 độ C), cần cho thuốc hạ sốt, mặc quần áo thoáng mát, lau người bằng nước ấm. Thuốc hạ sốt được chỉ định là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 - 15 mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4 - 6 giờ. Lưu ý, tổng liều paracetamol phải không quá 60mg/kg cân nặng/24h. Đặc biệt, không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, hay ibuprofen để điều trị vì có thể gây ra tình trạng xuất huyết, toan máu.
  • Bù dịch bằng đường uống: Bệnh nhân sốt xuất huyết được khuyến khích uống nhiều nước điện giải oresol hoặc nước sôi để nguội, các loại nước trái cây như nước dừa, nước cam, chanh, ...), nước cháo loãng với muối.

Với các mức độ còn lại, người bệnh cần được nhập viện để điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

Cho trẻ uống thuốc
Bệnh nhi có thể dùng thuốc hạ sốt dạng gói pha uống

4. Khi nào thì đưa người bệnh sốt xuất huyết đến bệnh viện?

Khi có các biểu hiện cảnh báo như:

  • Đau bụng, buồn nôn hoặc có thể nôn.
  • Xuất huyết niêm mạc
  • Lừ đừ, mệt mỏi nhiều, người li bì, bứt rứt.
  • Thấy đau bụng vùng hạ sườn phải.
  • Người bệnh là trẻ bị thừa cân, béo phì.

Cần phải đưa người bệnh đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức để được các bác sĩ theo dõi, điều trị kịp thời, tránh nhập viện trong tình trạng trụy mạch. Như vậy, việc điều trị mới mang lại kết quả tốt hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

103.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan