Cảnh giác bệnh võng mạc tăng huyết áp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng có kinh nghiệm 13 năm là bác sĩ điều trị bệnh về mắt.

Võng mạc là một bộ phận bên trong của mắt, nơi tiếp nhận các tín hiệu ánh sáng. Có nhiều bệnh lý khác nhau gây ra tổn hại cho võng mạc, một trong số đó là bệnh võng mạc tăng huyết áp. Nó có thể ảnh hưởng đến một phần hoặc làm mất hoàn toàn tầm nhìn của người bệnh.

1. Bệnh võng mạc tăng huyết áp là gì?

Võng mạc là lớp mô nằm ở phía sau nhãn cầu, một bộ phận bên trong mắt, là nơi tiếp nhận các tín hiệu ánh sáng. Võng mạc chứa nhiều mạch máu. Những bất thường trong hệ thống mạch máu là nguyên nhân chính gây các bệnh võng mạc, trong đó có bệnh võng mạc cao huyết áp.

Bệnh võng mạc do tăng huyết áp xảy ra khi huyết áp của người bệnh tăng cao, thành mạch máu võng mạc dày lên, làm hẹp lòng mạch máu. Hậu quả là lượng máu đưa tới võng mạc bị giảm và một số trường hợp xuất hiện hiện tượng phù nề võng mạc. Theo thời gian, tăng huyết áp có thể gây tổn thương các mạch máu của võng mạc, làm hạn chế chức năng võng mạc và tạo áp lực lên thần kinh thị giác, gây ra nhiều vấn đề về thị lực.

Bệnh võng mạc huyết áp chủ yếu gặp ở người ít hoạt động thể chất, bị thừa cân, thường xuyên căng thẳng thần kinh, ăn nhiều muối, bị tăng huyết áp kéo dài, mắc bệnh tim, xơ vữa động mạch, bệnh tiểu đường, cholesterol cao, hút thuốc lá nhiều, hay uống rượu,...

2. Triệu chứng của bệnh võng mạc tăng huyết áp

Ở giai đoạn đầu, bệnh võng mạc do tăng huyết áp thường không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi tình trạng bệnh trở nên thực sự nghiêm trọng thì sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng như:

  • Tầm nhìn giảm.
  • Đứt vỡ mạch máu.
  • Nhìn đôi đi kèm với đau đầu.
benh-vong-mac-tang-huyet-a1
Nhìn đôi là một biểu hiện của bệnh võng mạc huyết áp

Vì vậy, khi gặp những triệu chứng trên kèm theo tình trạng huyết áp liên tục tăng cao, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế hoặc phòng khám uy tín để được kiểm tra, chẩn đoán bệnh chính xác và có phương hướng điều trị kịp thời.

3. Các biện pháp chẩn đoán bệnh võng mạc tăng huyết áp

  • Kính soi đáy mắt: bác sĩ sử dụng kính soi đáy mắt để kiểm tra võng mạc của bệnh nhân. Thiết bị này sẽ chiếu ánh sáng qua đồng tử (con ngươi), cho phép bác sĩ kiểm tra phía sau mắt có dấu hiệu mạch máu bị thu hẹp hay tổn thương không. Thủ thuật này tiến hành chỉ trong khoảng vài phút và hoàn toàn không gây đau đớn cho bệnh nhân.
  • Chụp đáy mắt hay chụp võng mạc: bác sĩ sử dụng một loại thuốc nhỏ mắt đặc biệt để làm giãn đồng tử rồi sau đó chụp ảnh mắt bệnh nhân. Sau lần chụp đầu tiên, bác sĩ sẽ tiêm thuốc nhuộm là fluorescein vào tĩnh mạch, thông thường ở khuỷu tay. Cuối cùng, bác sĩ tiến hành chụp những bức ảnh khác khi thuốc nhuộm di chuyển vào mạch máu của mắt, giúp kiểm tra chính xác lưu lượng máu trong võng mạc để chẩn đoán xem người bệnh có mắc bệnh võng mạc cao huyết áp không.
benh-vong-mac-tang-huyet-ap-2
Chẩn đoán bệnh võng mạc do tăng huyết áp bằng cách chụp mạch máu võng mạc

4. Các cấp độ của bệnh võng mạc tăng huyết áp

Bệnh võng mạc do tăng huyết áp thường được biểu thị theo thang điểm từ 1 - 4 thể hiện các cấp độ nghiêm trọng của bệnh. Đó là:

  • Cấp độ 1: động mạch võng mạc bị thu hẹp nhẹ, co nhỏ.
  • Cấp độ 2: tương tự cấp độ 1 nhưng tình trạng co thắt mạch máu diễn ra nghiêm trọng hơn, được gọi là dị dạng động mạch.
  • Cấp độ 3: có đầy đủ các biểu hiện của cấp độ 2, đi kèm thêm triệu chứng phù võng mạc, vi phình mạch, xuất huyết dạng bông hay xuất huyết võng mạc.
  • Cấp độ 4: có các dấu hiệu của cấp độ 3 nhưng ở mức trầm trọng hơn: phù gai thị và phù hoàng điểm. Người mắc bệnh võng mạc do tăng huyết áp ở cấp độ 4 có nguy cơ đột quỵ cao và dễ phải đối mặt với các bệnh lý liên quan tới tim hoặc thận. Ở cấp độ này, các dây thần kinh thị giác có thể bị sưng lên và gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về thị lực.

5. Biến chứng của bệnh võng mạc tăng huyết áp

Những người mắc bệnh võng mạc cao huyết áp có nguy cơ cao phát triển các biến chứng liên quan tới võng mạc như:

benh-vong-mac-tang-huyet-ap-3
Giảm thị lực đột ngột là một biến chứng của bệnh võng mạc tăng huyết áp
  • Bệnh thần kinh thị giác do thiếu máu cục bộ, xảy ra khi tình trạng tăng huyết áp ngăn chặn làm giảm lưu lượng máu đưa tới khu vực mắt.
  • Tắc nghẽn động mạch hoặc tĩnh mạch võng mạc, xảy ra khi máu lưu thông tới võng mạc bị huyết khối trong mạch máu cản trở.
  • Tổn thương các dây thần kinh, dẫn đến xuất huyết dạng bông.
  • Tăng huyết áp ác tính khiến huyết áp tăng đột ngột, cản trở tầm nhìn và gây giảm thị lực đột ngột. Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
  • Người mắc bệnh võng mạc do tăng huyết áp dễ bị đột quỵ và suy tim hơn so với những người bình thường.

6. Phòng ngừa và điều trị bệnh võng mạc tăng huyết áp

Phương pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả bệnh võng mạc cao huyết áp là kiểm soát huyết áp kết hợp với sử dụng thuốc và thay đổi lối sống lành mạnh hơn. Cụ thể là:

Phòng ngừa bệnh bằng cách điều chỉnh lối sống

  • Ăn nhiều trái cây và rau củ có tác dụng giảm huyết áp.
  • Hoạt động thể chất thường xuyên, giảm lượng muối mà cơ thể hấp thụ.
  • Hạn chế sử dụng các chất có chứa caffeine và đồ uống có cồn.
  • Bỏ hút thuốc và giảm cân, giữ trọng lượng cơ thể ở mức phù hợp.
  • Ăn uống đủ chất.
  • Kiểm tra huyết áp thường xuyên.
  • Khám đáy mắt định kỳ mỗi 3 – 6 tháng đối với bệnh nhân cao huyết áp để phát hiện và điều trị sớm bệnh võng mạc.

7. Điều trị bệnh võng mạc tăng huyết áp

  • Những người cao huyết áp cần đi khám mắt định kỳ sẽ góp phần làm giảm nguy cơ mù lòa
  • Sử dụng thuốc điều trị huyết áp như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta hoặc thuốc ức chế men chuyển,... được bác sĩ kê toa trực tiếp. Khi huyết áp được kiểm soát, bệnh võng mạc sẽ được cải thiện rõ rệt.
  • Sử dụng thuốc giãn tĩnh mạch, tăng cường tuần hoàn võng mạc, tăng sức bền thành mạch.
  • Người có huyết áp cao và phù dây thị giác cần điều trị cấp cứu tại bệnh viện.
  • Điều trị Laser quang đông võng mạc khi có các tổn thương gây thiếu máu hoặc tăng sinh tân mạch võng mạc.
  • Phẫu thuật cắt dịch kính khi có xuất huyết kéo dài.

Người mắc bệnh võng mạc tăng huyết áp nên tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về việc dùng thuốc và đi khám định kỳ, đồng thời nghiêm túc thực hiện các phương pháp kiểm soát huyết áp để tránh gây tổn thương đến thị lực vĩnh viễn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan