Các đường lây truyền của bệnh sốt xuất huyết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Thị Phương Thúy - Bác sĩ chuyên khoa gan mật, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Dịch sốt xuất huyết hiện đang bùng phát trở lại, với số lượng người mắc bệnh ngày càng tăng. Sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người qua đường tiếp xúc hay hô hấp. Khi sống trong vùng dịch có nhiều người mắc bệnh thì khả năng bị lây nhiễm cao. Để chủ động phòng tránh bệnh hãy cùng tìm hiểu bệnh sốt xuất huyết là gì, lây truyền qua những đường nào?

1. Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra có thể lây thành những vụ dịch lớn. Bệnh thường xảy ra ở các nước nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rộng rãi kể cả thành thị và nông thôn. Bệnh thường xảy ra tập chung chủ yếu vào mùa mưa.

Virus Dengue thuộc chi Flavivirus gồm 4 típ được ký hiệu lần lượt là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ đều có thể gây bệnh và chúng thường luân phiên gây nên các vụ dịch. 4 típ này không có miễn dịch chéo nên khi người bệnh mắc 1 trong 4 tuýp vẫn có khả năng bị lại do các típ khác gây ra.

2. Bệnh sốt xuất huyết lây qua đường nào?

Theo Cục y tế dự phòng (Bộ Y Tế) bệnh sốt xuất huyết lây truyền qua 2 đường bao gồm:

2.1 Lây bệnh do bị muỗi vằn đốt là đường lây phổ biến nhất.

Trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi aedes hay còn gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn sau khi đốt hút máu người bệnh sốt xuất huyết hoặc người bệnh mang virus Dengue nhưng không biểu hiện triệu chứng (Người lành mang bệnh), rồi sau đó đốt người khỏe mạnh sẽ đưa virus vào cơ thể người khỏe mạnh qua vết đốt đó.

Đặc điểm của muỗi aedes:

  • Gồm hai loại với tên khoa học là Aedes aegyptiAedes albopictus trong đó loại muỗi Aedes aegypti là tác nhân chính gây bệnh trong các ổ dịch lưu hành.
  • Muỗi Aedes có màu đen, trên thân và chân có những đốm trắng nên có tên khác là muỗi vằn
  • Muỗi vằn cái thường chỉ hoạt động và đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào lúc sáng sớm và lúc chiều tối
  • Thường cư trú tại góc tối trong nhà, trên quần áo và các đồ dùng trong nhà.
  • Muỗi vằn sinh sản, đẻ trứng ở những vùng có nước đọng như: ao, hồ, trong các dụng cụ chứa nước...
  • Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng trên 20o C. Nhiệt độ cao thì khả năng sinh sản của muỗi tăng lên.
Các đường lây truyền của bệnh sốt xuất huyết
  • Sự phát triển tồn tại của virus trong cơ thể muỗi vằn: muỗi vằn cái hút máu người bệnh nhiễm virus Dengue, virus sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 đến 11 ngày. Sau đó virus đến cư trú tại tuyến nước bọt của muỗi lúc này chúng có thể gây bệnh sốt xuất huyết trong suốt thời gian sống còn lại vì thế chỉ cần một con mang mầm bệnh có thể lây bệnh có nhiều người lành.
  • Bệnh sốt xuất huyết lây bệnh chủ yếu qua muỗi vằn nên loại trừ trung gian truyền bệnh là một trong những cách phòng bệnh hiệu quả.

2.2 Lây qua đường lấy máu hoặc dùng chung bơm kim tiêm

  • Có khả năng gây bệnh nếu lấy máu của người mang mầm bệnh truyền cho người lành hoặc khi người lành và người bệnh dùng chung bơm kim tiêm
  • Đường lây bệnh này ít phổ biến hơn so với lây qua đường muỗi đốt

2.3 Các đường lây truyền ít gặp

  • Lây truyền tại bệnh viện: Virus có thể bị lây truyền qua các chế phẩm máu, phơi nhiễm với tổn thương do kim tiêm, tổn thương niêm mạc. Người cho máu không có triệu chứng cũng có thể mang virus dengue trong máu.
  • Lây truyền dọc: Một số trường hợp người mẹ mang virus dengue trong máu (mắc bệnh trong vòng 10 ngày trước sinh) có thể truyền virus cho con khi sinh. Bệnh có thể biểu hiện ở trẻ sơ sinh khi trẻ được 4-11 ngày tuổi.

3. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết theo Cục Y Tế Dự Phòng - Bộ Y Tế

3.1 Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt trung gian truyền bệnh: diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy bằng cách

  • Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, đậy kín các dụng cụ chứa nước
  • Thả cá vào các dụng cụ chứa nước để diệt loăng quăng, bọ gậy
  • Thay rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ thường xuyên
  • Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà tránh nước đọng như chai, lọ, mảnh chai, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến
  • Thay nước bình hoa/bình bông thường xuyên tránh cho muỗi đẻ trứng.

3.2 Phòng chống muỗi đốt bằng cách

  • Mặc quần áo dài.
  • Buông màn khi ngủ bất kể ngày đêm
  • Dùng các dụng cụ diệt muỗi, hương muỗi, bôi kem đuổi muỗi, dùng vợt diệt muỗi....
  • Dùng màn tẩm hóa chất diệt muỗi
  • Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn tránh muỗi đốt lây bệnh cho người khác
  • Tích cực phối hợp với chính quyền trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để chống dịch.
Các đường lây truyền của bệnh sốt xuất huyết

Hiện nay bệnh sốt xuất huyết không có vacxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên dựa vào các đường lây bệnh để chúng ta chủ động phòng tránh bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt những đối tượng chưa mắc bệnh mà sống trong vùng dịch phải chủ động phòng tránh tích cực hơn tránh việc bệnh sốt xuất huyết lây lan thành ổ dịch lớn. Khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh phải chủ động đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị tránh để bệnh nặng ảnh hưởng tới sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tổng hợp từ nguồn: Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

223.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan