Bệnh vảy nến có chữa được không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thu Hằng - Bác sĩ Da liễu- Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Vảy nến là bệnh da mạn tính. Bệnh này dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây nhiều phiền toái cho người bệnh, ảnh hưởng đến tâm lý và thẩm mỹ. Vậy bệnh vảy nến có chữa được không?

1. Bệnh vảy nến là bệnh gì?

Vảy nến thuộc bệnh lý ngoài da liên quan đến hệ miễn dịch cơ thể. Đặc điểm nổi bật của bệnh này là tình trạng xuất hiện các tổn thương như da đỏ, bong vảy da, ngứa... . Bệnh có thể biểu hiện ở da, niêm mạc, móng và khớp. Các yếu tố thuận lợi gây bùng phát bệnh như stress, chấn thương, nhiễm khuẩn hoặc sử dụng thuốc.

Trường hợp điều trị sớm và đúng phác đồ, bệnh ít để lại di chứng, nếu lạm dụng các thuốc chứa corticoisteroids có thể gây biến chứng vảy nến thể mủ, thể đỏ da toàn thân, thể khớp có thể gây tàn tật.

2. Triệu chứng của bệnh vảy nến

Các triệu chứng phổ biến của bệnh vảy nến bao gồm:

  • Tổn thương trên da điển hình là dát đỏ, giới hạn rõ với da lành, trên có phủ vảy da dễ bong
  • Màu sắc tổn thương thường màu đỏ hoặc hồng, có thể có hình tròn hoặc bầu dục, không đau, có thể ngứa
  • Vị trí thường gặp là vùng tỳ đè như khuỷu tay, đầu gối, mặt duỗi các chi, vết bỏng, sẹo...
  • Các mảng vảy xuất hiện ở vùng da đầu.
  • Tổn thương móng: những chấm lõm ở mặt móng hoặc vân ngang, móng mất bóng, bong móng ở bờ tự do, dày sừng dưới móng cùng với dầy móng và mủn. Ở vảy nến thể mủ thấy các mụn mủ dưới móng hoặc xung quanh móng.
  • Tổn thương niêm mạc: thường gặp ở quy đầu, là những vết màu hồng, giới hạn rõ, ít hoặc không có vảy. Ở lưỡi thương tổn giống viêm lưỡi hình bản đồ.

3. Bệnh vảy nến có chữa được không?

Bệnh vảy nến có chữa được không là thắc mắc của nhiều người bệnh khi mắc phải tình trạng này. Tuy nhiên, hiện nay chưa có thuốc đặc trị chữa vảy nến khỏi hoàn toàn. Bệnh vảy nến khởi phát do nhiều yếu tố tác động, tuy nhiên nguyên nhân sâu xa là do hệ miễn dịch bị suy yếu, rối loạn gây ra tình trạng tự miễn dịch (tức là các tế bào miễn dịch thay vì tấn công tế bào lạ xâm nhập vào cơ thể thì chúng lại tấn công vào biểu bì da gây bệnh vảy nến). Mặt khác, tế bào biểu bì da rất mỏng manh, do vậy dễ bị tổn thương, viêm nhiễm.

Điều trị vảy nến theo từng giai đoạn bệnh. Quá trình điều trị diễn ra 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn tấn công: Có thể lựa chọn các phương pháp điều trị tại chỗ, toàn thân.
  • Điều trị tại chỗ sử dụng các thuốc bôi chứa corticoisteroids, Calcipotriol, Tazarotene, Tacrolimus...
  • Điều trị toàn thân: Chiếu tia UV, thuốc Methotrexat, Acitretin, Cyclosporine, các chế phẩm sinh học...
  • Giai đoạn điều trị duy trì: Mục đích là hạn chế tối đa tình trạng bùng phát bệnh trở lại. Thông qua giáo dục sức khỏe, giúp người bệnh có kiến thức về bệnh vảy nến, phối hợp tốt trong quá trình điều trị cũng như dự phòng bệnh tái phát trở lại.

Hiện nay, tiêm sinh học chữa bệnh vảy nến cũng được áp dụng trong điều trị bệnh, đặc biệt ở những trường hợp vảy nến thể mảng nặng và trung bình, viêm khớp vảy nến. Một số thuốc sinh học được sử dụng phổ biến như Etanercept, Adalimumab, Infliximab, Secukinumab... Việc lựa chọn tiêm thuốc sinh học được ưu tiên khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, các triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh,...

4. Một số cách chữa bệnh vảy nến tại nhà

Bên cạnh việc sử dụng các thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể áp dụng những cách trị bệnh tại nhà giúp kiểm soát các triệu chứng và phòng ngừa tái phát bệnh.

Một số cách chữa vảy nến tại nhà đó là:

  • Ở giai đoạn đầu, người bệnh nên thường xuyên giữ ẩm cho vùng da bị vảy nến. Có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm hoặc sản phẩm có thành phần chiết xuất từ thiên nhiên (dầu dừa, dầu ô liu...) để bôi vào vùng da bị bệnh, ít nhất 3 lần mỗi ngày, bôi ngay sau khi tắm xong hoặc bất cứ khi nào cảm thấy da bị khô.
  • Chế độ ăn hàng ngày: Cần có chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng. Không nên lạm dụng bia rượu, hạn chế thức ăn nhanh, đồ đóng hộp nhiều chất bảo quản và dầu mỡ.
  • Kiểm soát tốt các bệnh kèm theo như tim mạch, tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường, suy thận mãn, các bệnh đường tiêu hóa như viêm ruột, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, ung thư...
  • Giảm tình trạng stress: Do ảnh hưởng đến tâm lý và thẩm mỹ nên người mắc bệnh vảy nến cần được sự quan tâm, động viên từ gia đình và người thân. Nếu tình trạng stress không được kiểm soát tốt có thể làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và gặp khó khăn trong quá trình điều trị.
  • Không tự ý dùng các thuốc chứa Corticoid vì có thể gây bùng phát bệnh vảy nến hoặc chuyển từ vảy nến thông thường sang vảy nến thể mủ.
  • Tắm nắng giúp loại bỏ các tác nhân gây nhiễm trùng trên da nhờ tia cực tím, làm chậm sự tăng trưởng của các tế bào da, hỗ trợ làm giảm các triệu chứng bệnh vảy nến. Người bệnh nên tắm nắng hàng ngày vào khoảng thời gian trước 8 giờ sáng. Sau khoảng thời gian này tia cực tím và tia hồng ngoại hoạt động mạnh nhất nên có thể làm tổn thương da.
  • Dùng bột yến mạch để đắp vào vùng da bị vảy nến hoặc hòa vào nước tắm ngâm mình giúp da được cân bằng độ ẩm, mềm, hạn chế tình trạng da bị kích ứng do vảy nến cũng như giúp làm giảm tấy đỏ và ngứa.

Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh có thể tham khảo kết hợp sử dụng sản phẩm chứa một số thảo dược quý như sói rừng, bạch thược, nhũ hương, nhàu, hoàng bá nhằm ... để tăng cường hiệu quả điều trị bệnh vảy nến tại nhà. Trong đó, thành phần Sói rừng đã được nghiên cứu khoa học chứng minh hiệu quả tăng cường miễn dịch thông qua cơ chế làm tăng số lượng và khối lượng tế bào miễn dịch khỏe mạnh (Theo kết quả nghiên cứu tại Đại học Thẩm Dương, Trung Quốc). Sản phẩm thảo dược chứa cây sói rừng kể trên còn giúp điều hòa miễn dịch, chống viêm thực vật, tác động tốt đến các bệnh tự miễn như vảy nến, lupus ban đỏ,... một cách toàn diện, cải thiện các triệu chứng ngứa, bong vảy, ban đỏ và ngăn ngừa bệnh tái phát.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan