Các xét nghiệm cần chú ý ở nữ tuổi 13-18

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS.BS Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Hóa sinh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Nữ giới ở độ tuổi từ 13-18 cần phải chú ý tới những xét nghiệm cần thiết gì để có thể phát hiện và phòng tránh kịp thời những tác nhân xấu ảnh hưởng tới sức khỏe?

1. Xét nghiệm Chlamydia và bệnh lậu

Chlamydia là một trong những căn bệnh phổ biến ở người, chủ yếu lây truyền qua đường tình dục, là một trong những nguyên nhân chính gây nhiễm khuẩn cơ quan sinh dục, viêm cổ tử cung, niệu đạo, hậu môn và các bệnh về mắt, cổ họng. Chlamydia có thể chữa khỏi dễ dàng, tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời trên nữ giới sẽ khiến người bệnh khó có con.

Bệnh lậu hay còn gọi là bệnh lậu mủ, là một trong những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục trên thế giới, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên từ 15 – 24 tuổi. Bệnh lậu do một loại vi khuẩn có tên là “Neisseria gonorrhoeae” gây ra, có thể lây truyền từ người sang người, cả nam và nữ thông qua bộ phận sinh dục, miệng và hậu môn.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Chlamydia và lậu

  • Không sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục
  • Có nhiều bạn tình
  • Có tiền sử mắc các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục khác

Xét nghiệm Chlamydia và lậu

Khi bị nhiễm Chlamydia và lậu, người bệnh nên đi khám và làm các xét nghiệm để xác định mức độ nặng cũng như tình trạng biến chứng của bệnh.

Xét nghiệm được thực hiện thông qua lấy mẫu nước tiểu hoặc lấy các chất dịch từ các vùng như âm đạo, cổ họng, miệng, trực tràng hoặc khu vực xung quanh cổ tử cung.

  • Nếu lấy mẫu nước tiểu để xét nghiệm, cần nhịn tiểu trong vòng 2 tiếng trước khi làm xét nghiệm, không lau sạch vùng sinh dục trước khi tiểu và lấy dòng nước tiểu đầu ngay sau khi đi tiểu.
  • Đối với trường hợp lấy mẫu dịch từ cổ tử cung, không nên thụt rửa, đặt thuốc viên hoặc thuốc dạng gel vào cổ tử cung trong vòng 24 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm.

Ngoài ra còn các xét nghiệm Chlamydia chuyên sâu hơn như xét nghiệm khuếch đại acid nucleic (NAAT) trên mẫu nước tiểu, xét nghiệm kháng thể trực tiếp dùng tia huỳnh quang (DFA) phát hiện kháng nguyên Chlamydia. Với bệnh lậu, ngoài nhuộm soi dịch bệnh phẩm từ cơ quan tổn thương, còn có thể thực hiện xét nghiệm Polymerase Chain Reaction (PCR) để phát hiện lậu cầu chính xác hơn.

rong-kinh-tuoi-day-thi
Nếu có nghi ngờ nhiễm Chlamydia và lậu, người bệnh nên đi khám và làm xét nghiệm ngay để được điều trị kịp thời

2. Những đối tượng cần xét nghiệm HIV?

Xét nghiệm HIV là một trong những xét nghiệm quan trọng của chăm sóc sức khỏe. Phụ nữ từ 13-64 tuổi nên được xét nghiệm HIV ít nhất một lần trong đời. Xét nghiệm HIV cũng được khuyến nghị cho những phụ nữ đang mang thai hoặc đang có dự định mang thai

2.1. Tại sao xét nghiệm HIV là cần thiết?

Nếu không làm xét nghiệm HIV người bệnh có thể không biết mình có bị nhiễm HIV hay không do cho đến khi có những biểu hiện lâm sàng cụ thể của bệnh hoặc sức khỏe giảm sút. Để phát hiện có bị nhiễm HIV hay không một cách chính xác và duy nhất đó là tiến hành xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế có uy tín. Biết được tình trạng HIV của mình là rất quan trọng đối với sức khỏe của bạn cũng như bảo vệ sức khỏe của người khác do HIV có thể lây lan ra cộng đồng trong khi người bệnh chưa ý thức được mình đã mắc bệnh để có các biện pháp dự phòng lây nhiễm . Chẩn đoán và điều trị sớm bằng thuốc ức chế virus (ARV) có thể giúp những người nhiễm HIV khỏe mạnh trong một thời gian dài và có thể làm giảm cơ hội truyền vi rút cho người khác.

Nếu đang mang thai và bị nhiễm HIV, virus có thể truyền sang thai nhi. Việc điều trị trong khi mang thai và điều trị em bé sau khi sinh có thể làm giảm đáng kể khả năng bị nhiễm HIV cho đứa trẻ. Điều trị khi mang thai cũng có thể giúp mẹ bầu khỏe mạnh hơn.

Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV

  • Đã được chẩn đoán bị mắc các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI)
  • Người mắc bệnh lao, người tiêm chích hoặc có bạn tình tiêm chích ma túy
  • Có nhiều bạn tình
  • Có bạn tình bị nhiễm HIV hoặc có nguy cơ cao bị nhiễm HIV

2.2 Xét nghiệm HIV

Thời điểm nào xét nghiệm HIV cho kết quả chính xác nhất?
Xét nghiệm HIV để tìm kiếm sự hiện diện của kháng thể và kháng nguyên HIV

Xét nghiệm sàng lọc HIV dùng để tìm kiếm sự hiện diện của kháng thể và kháng nguyên HIV, được gọi là p24 trong mẫu máu của người bệnh. Thời gian để kháng nguyên p24 xuất hiện là khoảng 10 ngày sau khi bị phơi nhiễm và sẽ tồn tại đến 28 ngày sau rồi cơ thể sẽ tiếp tục sản sinh ra 2 loại kháng thể là HIV-1 và HIV-2. Kháng thể được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch khi cơ thể bạn tiếp xúc với vi-rút HIV. Kháng nguyên là một phần của virus, xâm nhập vào cơ thể và kích thích hệ thống miễn dịch tự nhiên. Xét nghiệm có thể phát hiện kháng nguyên p24 trong khoảng 3-4 tuần sau khi bạn bị nhiễm HIV.

Kiểm tra lại được khuyến nghị mỗi năm nếu bạn đã thực hiện bất kỳ điều nào sau đây kể từ lần xét nghiệm HIV gần đây nhất của bạn:

  • Tiêm, chích ma túy bất hợp pháp
  • Có bạn tình tiêm chích ma túy hoặc nhiễm HIV
  • Có nhiều bạn tình

Xác nhận kết quả xét nghiệm sẽ mất một khoảng thời gian tùy thuộc vào cơ sở y tế được cấp phép. Nếu kết quả xét nghiệm xác nhận là dương tính, bạn đã bị nhiễm HIV.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Acog.org.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: