Làm việc nặng có ảnh hưởng đến thai nhi không ?

Mang thai là thời gian nhạy cảm nhất trong đời người phụ nữ, không chỉ vì mang ý nghĩa to lớn khi mang thai mà đây còn là giai đoạn có những sự thay đổi đáng kể trong cơ thể và cảm xúc. Đây là thời gian mà các mẹ bầu phải cực kỳ chăm lo cho sức khoẻ và cẩn thận trong tất cả mọi việc từ ăn uống, nghỉ ngơi đến sinh hoạt. Theo đó, việc các mẹ bầu làm việc nặng có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến mẹ và thai nhi.

1. Nguy cơ có thể xảy ra nếu làm việc nặng khi mang thai

Bà bầu làm việc nặng có sao không?” là thắc mắc của nhiều mẹ bầu khi mang thai vì ngoại trừ một số mẹ bầu sức khỏe yếu cần phải nghỉ ngơi tuyệt đối thì đa phần các thai phụ vẫn giữ được sức khoẻ để có thể làm việc. Theo một số chuyên gia, trong những tháng đầu, thai phụ vẫn có thể làm được những việc nhà nhẹ nhàng như dọn dẹp đồ đạc, giặt đồ bằng máy, lau chùi bụi bặm,... Tuy nhiên, điều này lại không được khuyến khích ở phần đông các bác sĩ sản khoa.

Lí do là vì, những công việc tưởng chừng như bình thường với người không mang thai lại có thể là nặng nhọc đối với các thai phụ. Việc bà bầu làm các việc nặng hay dọn dẹp nhiều đều có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe cả mẹ lẫn thai nhi. Có thể kể ra như sau:

  • Mẹ bầu nếu phải khiêng, kéo, đẩy các đồ vật nặng có thể bị ngã do mất thăng bằng. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm vì có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Nếu chẳng may bị ngã khi mang thai ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất có thể gây ra đau bụng, ra máu âm đạo, dẫn đến nguy cơ dọa sảy thai, sảy thai. Nếu điều này xảy ra ở 3 tháng giữa hoặc bất kỳ thời điểm nào trong 3 tháng cuối, các mẹ nên lập tức đến bệnh viện để kiểm tra ngay vì có nguy cơ dọa sinh non, sinh non hoặc vỡ tử cung.
  • Cũng như người bình thường, việc mang vác vật nặng quá sức hoặc không đúng tư thế sẽ dẫn đến đau lưng hoặc lệch cột sống
  • Đối với các mẹ có lối sống tĩnh tại, ít vận động, nếu cố gắng làm các việc nặng trong thời gian mang thai thì rất dễ gặp hiện tượng giãn cơ vùng chậu và có thể dẫn đến các vấn đề như căng tức cơ quan vùng chậu hoặc tiểu tiện không tự chủ.

Chính vì vậy, các mẹ trong thời gian mang thai phải cực kỳ cẩn thận khi làm bất cứ việc gì, phải đánh giá xem mức độ nặng của công việc, tình trạng sức khoẻ của bản thân cũng như giai đoạn đang mang thai để quyết định xem có làm việc gì đó hay không, tránh để những tình huống xấu có thể xảy ra với cả mẹ và thai nhi.

2. Những việc các mẹ bầu không nên làm trong thời gian mang thai

2.1 Di chuyển đồ đạc hoặc mang vác các vật nặng

Như đã nói ở trên, trong thời kỳ mang thai, các mẹ nên tránh các công việc liên quan đến việc nâng hoặc di chuyển vật nặng vì có thể sẽ dẫn đến nhiều hậu quả cho cả mẹ và thai nhi như nhức mỏi cơ thể, tăng nguy cơ bị chấn thương ở lưng, nguy cơ ngã do mất thăng bằng. Dù bạn và thai nhi được thông báo là hoàn toàn khỏe mạnh nhưng việc di chuyển, bưng bê các vật nặng là điều cần hết sức tránh khi bạn đang trong thai kỳ. Các mẹ bầu có thể khiêng những món đồ nhẹ trong giới hạn cho phép, miễn là bạn không cảm thấy quá sức hoặc bị khó thở.

Trong một số trường hợp, nếu sức khoẻ của bạn và thai được đánh giá khỏe mạnh và không có người giúp, mẹ bầu có thể di chuyển hoặc nhấc các đồ nặng trong khoảng 22kg trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Ở giai đoạn sau, các mẹ sẽ chỉ được bưng bê những đồ vật dưới 22kg.

Cách hợp lý để nhấc đồ đạc khi mang thai:

  • Việc nhấc các đồ vật khi mang thai có thể gặp khó khăn trong việc lấy thăng bằng và nếu nhấc không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ bị ngã dẫn đến thể ảnh hưởng đến cả bạn và con. Do vậy, bạn cần phải cực kỳ thận trọng. Để nhấc một vật lên, mẹ bầu cần nhớ phải ngồi xuống một cách thẳng lưng, nhấc đồ vật chắc chắn rồi đứng dậy nhẹ nhàng để áp lực sẽ đè lên đều 2 chân và lưng của bạn. Nếu cần hãy vịn vào vật cố định khi ngồi xuống hoặc đứng dậy để giúp bạn an toàn hơn.
  • Tuy nhiên, đối với khuân vác các vật nặng, bạn hãy nhờ chồng hay các thành viên khác trong gia đình giúp đỡ, không nên gắng sức và hãy đến bác sĩ để kiểm tra ngay nếu cảm thấy khó chịu hoặc bất thường sau khi khuân vác vật nặng.

2.2 Công việc yêu cầu phải đứng quá lâu

Các mẹ bầu cũng nên nhớ trong thời kỳ mang thai cần tránh những công việc đòi hỏi phải đứng trong thời gian dài. Việc này sẽ gây áp lực lên chân, làm cản trở hồi lưu máu tĩnh mạch dẫn đến đau mỏi, sưng chân và đau lưng.

Nếu buộc phải thực hiện các công việc yêu cầu việc đứng lâu trong thời gian dài, các mẹ nên chú ý các khoảng nghỉ ngơi, ngồi xuống để thư giãn cho chân và lưng.

2.3 Công việc yêu cầu phải leo trèo

Trong quá trình mang thai, khả năng giữ thăng bằng cơ thể của người phụ nữ bị giảm đi đáng kể, điều này làm hạn chế nhiều hoạt động và nhất là có thể khiến các mẹ bị ngã khi đang thực hiện một số công việc.

Vì vậy, các công việc đòi hỏi phải leo trèo hay kiễng chân như thay rèm cửa, lau quạt trần, hay lấy đồ trên cao mẹ bầu cần đặc biệt tránh vì nếu xảy ra sự cố sẽ cực kỳ nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.

2.4 Các hoạt động phải cúi người

Khi mang thai, mẹ bầu sẽ tăng cân nhanh chóng. Việc này làm cho trọng tâm của cơ thể bị lệch so với người bình thường. Chính vì vậy, việc cúi người trong thời gian này không chỉ làm mất thăng bằng, dễ gây té ngã mà còn có thể gây nguy cơ đau dây thần kinh tọa làm tê mỏi chân, khó vận động, đi lại.

Những công việc nhà đòi hỏi phải cúi người như giặt quần áo, lau sàn nhà không được khuyến khích trong thời gian mang bầu.

2.5 Các công việc nhà phải sử dụng hóa chất

Mặc dù không phải là công việc nặng nhọc, yêu cầu sự gắng sức, một số việc nhà cần sử dụng các hóa chất như chất tẩy trắng, thuốc xịt muỗi... cũng cần phải hết sức tránh khi mang thai vì có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Các hóa chất này nếu bị hấp thu vào cơ thể mẹ có thể gây ra các biến chứng cho thai như dị tật, quái thai.

Nếu cần thiết phải vệ sinh nhà cửa hay diệt côn trùng..., các mẹ bầu nên nhờ chồng hoặc người thân trong gia đình thực hiện và nên tìm kiếm các sản phẩm an toàn với thai nhi, không chứa chất độc hại hoặc sử dụng các nguyên liệu làm sạch tự nhiên, vừa an toàn vừa có sẵn tại nhà như giấm, chanh hoặc baking soda...

Như vậy, trong thời gian mang thai, các mẹ bầu cần đặc biệt chú ý đến việc ăn uống, vận động, sinh hoạt, tuyệt đối tránh những công việc nặng nhọc vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan