Tìm hiểu về phẫu thuật cấy ghép tim nhân tạo bán phần

Bài viết được viết bởi Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Doãn Lợi, Trung Tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City

Sự kiện nữ y tá Vi Thị Tân (sinh năm 1985) bị bệnh tim 10 năm, suy tim giai đoạn cuối, quả tim dãn to và được cấy ghép tim nhân tạo bán phần (HVAD) đã cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống đã đem lại hy vọng cho hàng ngàn người bệnh suy tim. Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về phương pháp này, làm cơ sở tham khảo để người bị bệnh suy tim lựa chọn điều trị.

1. Cấy ghép tim nhân tạo bán phần là gì?

Cấy ghép tim nhân tạo bán phần, hay còn gọi cấy ghép tim nhân tạo hỗ trợ tâm thất trái là phẫu thuật gắn thiết bị nhân tạo: dụng cụ hỗ trợ tâm thất trái (Left Ventricular Assist Device LVAD do hãng Medtronic sản xuất) vào tim người bệnh nhằm hỗ trợ chức năng cho một phần quả tim (tâm thất trái hoặc tâm thất phải) đang bị suy yếu, giãn cơ tim giai đoạn cuối. Thiết bị hỗ trợ tâm thất (LVAD) là một bơm cơ học. Khi một trong các bơm tự nhiên của tim (một tâm thất) không hoạt động tốt, thiết bị hỗ trợ tâm thất sẽ được sử dụng để giúp tăng lượng máu lưu thông trong cơ thể, duy trì hoạt động bình thường cho hệ tuần hoàn của người bệnh.

Hiện nay phẫu thuật cấy ghép tim nhân tạo bán phần còn là một kỹ thuật mới tại Việt Nam do giá thành khá cao. Trên thế giới, kỹ thuật này đã được triển khai gần 20.000 ca. Công nghệ luôn luôn được cải tiến và hiệu quả được hoàn thiện nhanh chóng với thời gian: đã có những bệnh nhân sống được tới 10 năm và hiện nay cấy ghép tim nhân tạo bán phần không chỉ là cầu nối cho những bệnh nhân chờ ghép tim mà có thể là biện pháp điều trị đích cho những bệnh nhân suy tim.

2. Cấy ghép tim nhân tạo bán phần chỉ định điều trị với đối tượng bệnh nhân nào?

Nếu bạn được chẩn đoán mắc chứng suy tim, điều đó không có nghĩa là tim của bạn dừng hoạt động; điều này chỉ cho biết tim của bạn yếu, do đó không thể cung cấp đủ máu giàu oxy và các chất dinh dưỡng đến các tế bào, các cơ quan trong cơ thể. Các triệu chứng thông thường của suy tim bao gồm mệt mỏi và khó thở. Những hoạt động hàng ngày như đi bộ, leo cầu thang hoặc xách đồ vật có thể khó khăn hơn. Suy tim làm tưới máu thận kém và ảnh hưởng đến khả năng của thận xử lý chất thải, nước dư thừa và gây phù. Suy tim thường là một tình trạng tiến triển mạn tính, tim sẽ yếu dần đến mức không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể nữa. Khi tình trạng suy tim ở giai đoạn cuối, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị ghép tim hoặc cấy ghép tim nhân tạo bán phần

Tìm hiểu về phẫu thuật cấy ghép tim nhân tạo bán phần
Các triệu chứng thông thường của suy tim bao gồm mệt mỏi và khó thở

3. Làm sao biết tôi có phù hợp điều trị bệnh suy tim bằng cấy ghép tim nhân tạo bán phần?

Thông qua tham khảo ý kiến của bác sĩ lâm sàng, bạn sẽ cùng bác sĩ mới có thể quyết định việc sử dụng hệ thống cấy ghép tim nhân tạo bán phần có phù hợp với mình hay không. Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về các lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của việc phẫu thuật và cấy ghép hệ thống cấy ghép tim nhân tạo bán phần. Bạn có thể hỏi bác sĩ của mình để được giải đáp tất cả các câu hỏi, các vấn đề còn băn khoăn, mối lo ngại trước khi điều trị.

4. Điều trị bằng cấy ghép tim nhân tạo bán phần, thời gian sống và chất lượng cuộc sống của người bệnh như thế nào?

Hệ thống cấy ghép tim nhân tạo bán phần được thiết kế để hỗ trợ chứng suy tim, làm giảm các triệu chứng suy tim tiến triển trong khi đang chờ ghép tim. Nhờ giảm các triệu chứng suy tim nên bạn sẽ cảm thấy khỏe hơn và có thể hoạt động tốt hơn.

Phương pháp này cho phép người bệnh kéo dài cuộc sống chất lượng 5 – 7 năm, thậm chí có ca tới hơn 10 năm.

5. Sau khi phẫu thuật cấy ghép tim nhân tạo bán phần, người bệnh cần làm gì để đảm bảo thiết bị cấy ghép hoạt động bình thường và phát huy tác dụng tốt?

Để duy trì hoạt động của thiết bị tim bán phần nhân tạo trong cơ thể, bạn cần hiểu về cơ chế hoạt động của thiết bị này.

Bơm HVAD được phẫu thuật cấy ghép vào ngực. Bơm được nối trực tiếp với mỏm tâm thất trái. Tại đây, tâm thất trái cùng với máy bơm lấy máu giàu oxy và đẩy máu vào động mạch chủ của bạn (mạch máu lớn mang máu từ tim của bạn đến toàn bộ cơ thể). Bác sĩ lâm sàng sẽ lập trình bơm HVAD để bơm cung cấp lưu lượng máu phù hợp với nhu cầu cơ thể của bạn. Đường truyền lực được kết nối với bơm và đi ra khỏi cơ thể thông qua một vết rạch nhỏ trên da. Đường truyền lực kết nối với bộ điều khiển.

Bộ điều khiển này là một máy tính mini giám sát bơm HVAD. Bộ điều khiển hiển thị các số liệu và báo động âm thanh khi các thông số thay đổi hoặc sắp hết pin để giúp bạn quản lý hệ thống. Bộ điều khiển luôn có hai nguồn cấp điện: hai pin (có thể sạc được) hoặc một pin và điện từ ổ cắm điện lưới hoặc trên xe ô tô. Bộ điều khiển và pin được xếp trong túi đeo vai.

Vì thế, hàng ngày, người bệnh cấy ghép tim nhân tạo bán phần chỉ cần mang theo bên mình pin chuyên dụng trong dây thắt lưng hoặc túi xách khoác vai nhỏ gọn và vẫn có thể hoạt động, làm việc gần như bình thường sau phẫu thuật.

Ngoài ra, sau khi cấy tim nhân tạo bán phần, bệnh nhân vẫn phải tuân thủ các yêu cầu đặc biệt của bệnh nhân tim mạch, đặc biệt tuân thủ uống thuốc chống đông máu như người có van tim nhân tạo.

Tìm hiểu về phẫu thuật cấy ghép tim nhân tạo bán phần
Máy tính mini giám sát bơm HVAD

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

9.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan