Tìm hiểu bệnh mạch vành ở người cao tuổi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Đức Hiệp và Nguyễn Xuân Thành - Trung Tâm Tim Mạch, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City

Bệnh động mạch vành là căn nguyên gây tử vong số một trong các bệnh lý tim mạch hiện nay. Trên thế giới, mỗi năm có 4 triệu người nhập viện vì bệnh động mạch vành; trong đó, 25% tử vong ở giai đoạn cấp tính của bệnh. Căn bệnh này làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh, thậm chí gây tử vong nếu không phát hiện để điều trị kịp thời.

1. Tỉ lệ mắc bệnh mạch vành ở người cao tuổi

Tuổi cao và những thay đổi trong đời sống đã ảnh hưởng nhiều tới tập quán sinh hoạt của người Việt, đó có thể là một trong những nguyên nhân gia tăng tỷ lệ bệnh động mạch vành ở nước ta.

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là >60 tuổi, ở Mỹ và các nước phát triển là >65 tuổi. Trong đó, qua mổ tử thi, người ta thấy có hơn 70% người trên 70 tuổi bị bệnh mạch vành. Tuổi cao là một yếu tố nguy cơ lớn đối với bệnh tim mạch nói chung và bệnh mạch vành nói riêng.

Các nguy cơ tim mạch tăng dần theo tuổi nghiên cứu cho thấy, ở người trên 70 tuổi thì có trên 10% nguy cơ xảy ra biến cố mạch vành. Bệnh mạch vành là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các bệnh nhân trên 65 tuổi.

2. Biểu hiện bệnh mạch vành ở người cao tuổi

Biểu hiện chính của bệnh mạch vành là đau ngực, đặc biệt là đau ngực khi gắng sức. Đây là biểu hiện kinh điển ở người trẻ, tuy nhiên ở người cao tuổi không như vậy khả năng gắng sức của người cao tuổi kém hoặc thậm chí người cao tuổi không đau khi gắng sức do tình trạng mạch vành hẹp từ lâu rồi và đã có thích nghi. Các triệu chứng đau cũng người cao tuổi cũng không điển hình có thể đau vai, đau lưng, đau thượng vị, một số người cao tuổi có vấn đề về nhận thức, lú lẫn nên khó xác định triệu chứng đau.

Các triệu chứng bệnh mạch vành sẽ bị che lấp bởi các bệnh khác do người cao tuổi mắc đồng thời nhiều bệnh phối hợp sẽ rất khó khăn để đánh giá. Việc hỏi bệnh, khám bệnh đối với người cao tuổi cũng khó khăn vì thiếu sự hợp tác phối hợp nên hỏi bệnh thông qua người nhà đặc biệt những người chăm sóc là rất quan trọng và hiệu quả để thu được các thông tin phục vụ quá trình điều trị.

Tổn thương mạch vành là thường gặp ở người cao tuổi và cũng đã có sự thích nghi đối với các tổn thương mãn tính đó. Tuy nhiên, cần đặc biệt chú ý vì tiềm ẩn các nguy cơ nhồi máu cơ tim xuất hiện bất kỳ khi nào nhất là trên các bệnh nhân có nhiều bệnh phối hợp và có ảnh hưởng tới bệnh mạch vành như tăng huyết áp hay đái tháo đường. Các biểu hiện của nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân cao tuổi cũng không điển hình như ở bệnh nhân trẻ tuổi. Các biểu hiện có thể mơ hồ như mệt mỏi, bồn chồn, mất ngủ cũng có thể rõ ràng hơn như đau nặng ngực, khó thở, buồn nôn. nôn hoặc những biểu hiện rất nặng như tụt huyết áp, ngất, sốc, hôn mê, ngừng tuần hoàn. Vì vậy, phát hiện ra các triệu chứng bất thường và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm là cực kỳ quan trọng.

Mặc dù người cao tuổi hay người trẻ có yếu tố nguy cơ gây bệnh như nhau, nhưng khi mắc bệnh thì sự rủi ro và nguy hiểm ở người cao tuổi lớn hơn rất nhiều. Hiện nay, tỷ lệ kiểm soát bệnh mạch vành đã chặt chẽ hơn, nhưng tỷ lệ tử vong do bệnh mạch vành vẫn tăng cao, đặc biệt ở những người trên 65 tuổi.

Đau ngực, khó thở là biểu hiện điển hình của block nhánh phải ở tim
Biểu hiện chính của bệnh mạch vành là đau ngực.

3. Chăm sóc bệnh mạch vành ở người cao tuổi

Sử dụng thuốc đúng liều, đủ liều và phát hiện những dấu hiệu tác dụng phụ của thuốc điều trị giúp kiểm soát rủi ro điều trị. Nhiều người chủ quan trong điều trị vì nghĩ rằng sau can thiệp hoặc phẫu thuật bệnh mạch vành đã được chữa khỏi. Có rất nhiều mối nguy hiểm sau đặt stent mà bệnh nhân cần đối mặt. Trong đó nguy cơ xuất huyết, hay hình thành cục máu đông, và khả năng tái tắc hẹp rất lớn nếu không được điều trị tốt.

Vì vậy bác sĩ lưu ý, bệnh mạch vành ở người cao tuổi cần sử dụng thuốc chống đông trong thời gian từ 6 tháng – 1 năm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu gặp phải tác dụng phụ của thuốc, cần phải tái khám lại để được bác sĩ điều chỉnh liều thuốc, loại thuốc phù hợp hơn. Phương pháp bắc cầu động mạch vành - thủ thuật tạo cầu nối vượt qua điểm tắc hẹp - giúp giảm đáng kể triệu chứng đau thắt ngực, giảm tỷ lệ tử vong và kéo dài cuộc sống người bệnh. Tuy nhiên, sau 10 năm, đoạn mạch máu dùng để bắc cầu có thể bị lão hóa và bị tắc hẹp lại, người bệnh phải lưu ý khám và điều trị theo đúng chỉ định bác sĩ.

Người bệnh mạch vành nên tập luyện vừa sức, không nên quá gắng sức nhưng cần duy trì đều đặn mỗi ngày để tăng sức chịu đựng của tim, phát triển tuần hoàn bàng hệ.

Thay đổi thói quen ăn uống cũng không phải là vấn đề đơn giản. Do người cao tuổi thường sống cùng con cháu, nên chế độ ăn uống kiêng khem khó thực hiện hơn. Người bệnh cần bỏ thuốc lá, chất kích thích, bổ sung nhiều rau và trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, giảm muối, giảm chất béo sẽ tăng cơ hội sống thọ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

284 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan