Rối loạn nhịp tim có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Trong thai kỳ, những thay đổi thất thường trong cơ thể mẹ hoặc thai nhi khiến bà mẹ cảm thấy lo lắng, bất an. Tâm lý này có tác động không tốt đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của mẹ và bé. Vậy rối loạn nhịp tim có ảnh hưởng đến thai nhi không, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Hoạt động của tim khi mang thai

Khi mang thai, ngoài việc phải nuôi dưỡng chính bản thân, người mẹ còn phải cung cấp đầy đủ oxy và dưỡng chất cho bào thai. Do đó, mang thai tạo áp lực lên trái tim và hệ tuần hoàn. Trong thai kỳ, thể tích máu người mẹ có thể cần tăng từ 30 - 50% để nuôi dưỡng thai nhi, lưu lượng máu tim tống đi mỗi phút cũng tăng từ 30 - 50%. Kết quả của quá trình này là làm tăng nhịp tim của người mẹ. Nhịp tim của phụ nữ mang thai bắt đầu tăng từ tuần thứ 10, và có thể tăng thêm 10 nhịp/ phút vào cuối thai kỳ.

Việc chuyển dạ và sinh con cũng tạo áp lực và tim phải hoạt động nhiều hơn. Trong quá trình rặn đẻ, áp suất và lưu lượng máu trong ổ bụng thay đổi đột ngột, khi sinh em bé ra, lưu lượng máu qua tử cung bị mất đi dồn về tim, gây áp lực lên tim dẫn đến tim phải hoạt động nhiều hơn và có thể gây ra rối loạn nhịp tim ở bà bầu.

2. Tại sao bà bầu bị bị rối loạn nhịp tim khi mang thai?

Phụ nữ bị rối loạn nhịp tim khi mang thai có thể do nhiều nguyên nhân như:

  • Thay đổi sinh lý trong cơ thể mẹ: khi mang thai, tử cung trở nên to hơn để thai nhi phát triển, điều này dẫn đến việc tăng cung cấp máu và dưỡng chất và làm tim đập nhanh hơn. Ngoài ra, tử cung to chèn ép cơ hoành và làm thay đổi trục tim, tim gần như bị nằm ngang. Khi sinh em bé ra, tử cung co lại và tim đột ngột trở về vị trí bình thường. Sự thay đổi đột ngột này có thể làm rối loạn hoạt động chức năng của tim, có thể làm rối loạn nhịp tim ở bà bầu hoặc thậm chí là đột quỵ, ...
  • Những thay đổi tâm lý của người mẹ: Mang thai và sinh nở là một hành trình đầy vất vả, khó khăn và gây ra nhiều lo lắng đối với người mẹ, điều này có thể làm người mẹ bị rối loạn nhịp tim khi mang thai.
  • Các bệnh lý khác của người mẹ: Các bệnh về huyết học và hệ tạo máu như thiếu máu có thể làm rối loạn nhịp tim ở bà bầu. Khi thiếu máu, người mẹ dễ cảm thấy mệt mỏi, khó thở,... Nếu thiếu máu ở mức độ nhẹ, bà bầu có thể tự bổ sung sắt bằng các thực phẩm giàu sắt, đồng thời cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc chăm sóc sức khỏe trong thời gian mang thai để ngăn ngừa tình trạng diễn biến nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, các bệnh lý khác như rối loạn tuyến giáp, tiền sản giật, tăng áp lực phổi,... có thể gây ra rối loạn nhịp tim ở bà bầu.
  • Tiền sử mắc các bệnh tim mạch như: Tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, rối loạn nhịp tim, bệnh động mạch chủ, bệnh cơ tim, suy tim, thấp tim, hẹp khít van động mạch chủ, van hai lá,... cũng góp phần làm người mẹ bị rối loạn nhịp tim khi mang thai.
  • Các yếu tố khác như lối sống không lành mạnh (hút thuốc lá, sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích,...), sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai,... có thể làm xuất hiện hiện tượng rối loạn nhịp tim ở bà bầu.

3. Mẹ bị rối loạn nhịp tim có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Nhiều phụ nữ có bệnh lý tim mạch không dám có thai vì lo lắng không biết liệu mẹ bị rối loạn nhịp tim có ảnh hưởng đến thai nhi không vì quá trình mang thai tạo áp lực lớn lên tim và hệ tuần hoàn. Thực tế, phụ nữ có bệnh lý tim mạch vẫn có thể sinh con khỏe mạnh nếu chủ động phòng ngừa và phát hiện, xử trí kịp thời những rủi ro trong thai kỳ.

Những nguy cơ của rối loạn nhịp tim ở bà bầu trong thai kỳ và thời kỳ sinh đẻ:

  • Đột quỵ: Tử cung trở nên to hơn trong thai kỳ để thai nhi phát triển gây chèn ép cơ hoành và làm thay đổi trục tim, tim gần như bị nằm ngang. Khi sinh em bé ra, tử cung co lại và tim đột ngột trở về vị trí bình thường. Sự thay đổi đột ngột này có thể làm rối loạn hoạt động chức năng của tim, có thể làm rối loạn nhịp tim ở bà bầu hoặc thậm chí là đột quỵ,...
  • Tăng nguy cơ đẻ non: Việc giữ thai trong tử cung làm sức khỏe của cơ thể mẹ suy giảm nếu mẹ bị các bệnh lý tim mạch, gánh nặng này tăng lên khi càng về cuối thai kỳ. Điều này có thể gây ra hiện tượng sinh non hoặc chủ động sinh sớm để đảm bảo an toàn cho người mẹ. Nếu trẻ sinh quá non tháng, phổi chưa phát triển hoàn thiện thì có thể dễ mắc bệnh màng trong, làm trẻ khó thở và dẫn đến tử vong.
  • Thai kém phát triển: Khi tim mẹ bị tổn thương, chức năng tim suy giảm và phải gắng sức khi mang thai làm lưu lượng máu và chất dinh dưỡng đến thai nhi giảm, làm thai trở nên kém phát triển hơn so với những phụ nữ bình thường.

4. Cần làm gì khi bị rối loạn nhịp tim khi mang thai?

Trước khi có ý định có thai, nếu người phụ nữ có các bệnh lý tim mạch thì nên thảo luận với bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá và xem xét điều trị trước khi mang thai. Tùy thuộc vào từng trường hợp, một số loại thuốc trị bệnh tim mạch có thể chống chỉ định trong thai kỳ, hoặc cần thay đổi liều lượng, dùng thuốc thay thế.

Trong thời gian mang thai, những phụ nữ có bệnh tim mạch cần khám thai thường xuyên, một số xét nghiệm cần làm như siêu âm tim, điện tâm đồ sẽ giúp đánh giá tình trạng bệnh tim.

Để đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi và sức khỏe của mẹ, khi bị rối loạn nhịp tim khi mang thai cần lưu ý:

  • Không làm việc quá sức. Khi đi cầu thang, cần đi chậm, nếu cảm thấy khó thở và tim đập nhanh cần dừng lại nghỉ ngơi.
  • Giữ tâm trạng lạc quan, vui vẻ. Tránh lo lắng, căng thẳng, sốt ruột.
  • Khi ở giai đoạn giữa và cuối thai kỳ, cần chú ý nghỉ ngơi, không hoạt động mạnh, điều này có lợi cho tim mạch, giảm khó thở, rối loạn nhịp tim ở bà bầu.
  • Người mẹ nên vận động nhẹ nhàng và đi lại thường xuyên sẽ tốt cho quá trình mang thai.
  • Chế độ ăn uống trong thai kỳ cần lưu ý:
    • Hạn chế ăn mặn và sử dụng thức ăn có nhiều chất béo xấu như thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh,...
    • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, chất xơ như trái cây, các loại rau củ, ngũ cốc nguyên hạt,...
    • Không sử dụng rượu bia, chất kích thích, đồ uống có caffein,...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan