Phòng ngừa bệnh suy tim: Bắt đầu từ thói quen nhỏ

Phòng ngừa bệnh suy tim là một chiến lược toàn diện, áp dụng cho cả người khỏe mạnh và người mắc các bệnh lý nguy cơ cao như tiểu đường. Với sự gia tăng của các vấn đề về tim mạch, việc hiểu rõ cách phòng ngừa suy tim trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

1. Hiểu rõ thuốc điều trị: Chìa khóa để phòng ngừa bệnh suy tim

Khi mắc bệnh tiểu đường và suy tim, bệnh nhân phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau. Điều quan trọng là phải hiểu rõ tác dụng của từng loại thuốc sử dụng.

Một số loại thuốc giúp tim bơm máu tốt hơn, một số khác làm giảm các triệu chứng suy tim, chẳng hạn như ứ dịch trong cơ thể hoặc khó thở. Và một số loại thuốc cũng giúp giữ cho bệnh suy tim không trở nên nặng hơn. Bệnh nhân nên:

  • Có một danh sách cập nhật tất cả loại thuốc và liều lượng: bước không thể thiếu trong quá trình phòng ngừa bệnh suy tim.
  • Cung cấp thông tin các loại thuốc đang sử dụng đến tất cả bác sĩ để đảm bảo các loại thuốc hoặc các loại thực phẩm chức năng mới không ảnh hưởng đến bệnh.
  • Hỏi về tác dụng phụ để theo dõi.
  • Thảo luận với bác sĩ về việc thay đổi thuốc nếu các triệu chứng suy tim trở nên trầm trọng hơn.

2. Kiểm tra đường máu định kỳ

Kiểm soát lượng đường trong máu ở mức phù hợp là một trong những điều tốt nhất có thể làm cho sức khoẻ tim mạch. Theo thời gian, quá nhiều đường và tình trạng kháng insulin có thể gây viêm, làm tổn thương mạch máu, dây thần kinh và cơ tim. Khi kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên, chúng ta sẽ biết được lượng đường trong máu có tăng quá cao hay không. Quản lý hiệu quả lượng đường trong máu có thể giảm thiểu tổn thương đối với mạch máu và cơ tim.

Kiểm tra lượng đường thường xuyên để biết đường huyết có tăng cao hay không là một cách phòng ngừa suy tim
Kiểm tra lượng đường thường xuyên để biết đường huyết có tăng cao hay không là một cách phòng ngừa suy tim

3. Theo dõi cân nặng: Đánh giá sớm các dấu hiệu của bệnh suy tim

Một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh suy tim thường là tăng cân đột ngột không nguyên nhân. Vì vậy, mỗi buổi sáng, sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn sáng, hãy bước lên bàn cân. Nếu con số tăng từ 1kg - 1.5kg trong một ngày hoặc hơn 2.5kg trong một tuần, cần liên hệ ngay với bác sĩ.

Hãy chú ý đến cảm giác. Nếu nhận thấy cảm giác khó thở hoặc phù ở bàn chân, cẳng chân, mắt cá chân hoặc chướng bụng, hãy báo cho bác sĩ.

Tăng cân đột ngột không lý do là một dấu hiệu của bệnh suy tim
Tăng cân đột ngột không lý do là một dấu hiệu của bệnh suy tim

4. Tăng cường rau trong chế độ ăn

Tăng cường rau củ quả vào chế độ ăn hàng ngày không chỉ có lợi ích cho sức khỏe nói chung mà còn là một phần quan trọng trong chiến lược phòng ngừa bệnh suy tim nói riêng. Khi tăng cường rau trong chế độ ăn uống hàng ngày, sức khỏe tim mạch cũng sẽ được nâng cao. Rau củ quả có các chất dinh dưỡng có tác dụng chống viêm, là chìa khóa để bảo vệ trái tim.

Tình trạng viêm lâu dài có liên quan đến nhiều tình trạng khác nhau, bao gồm cả bệnh tiểu đường và bệnh tim, khiến cho mạch máu dễ bị tổn thương, từ đó hình thành cục máu đông và có thể gây tắc nghẽn dẫn tới nhồi máu cơ tim. Các loại rau như cà chua, củ cải đường, cải xoăn và rau bina chứa đầy vitamin và chất dinh dưỡng, được gọi là chất chống oxy hóa, có thể bảo vệ tim và mạch máu của bạn khỏi tổn thương do viêm. Những chất dinh dưỡng từ các thực phẩm khác như:

  • Trái cây, đặc biệt là các loại quả mọng, anh đào và cam
  • Các loại thảo mộc như gừng và nghệ
  • Dầu ô liu
  • Quả hạch
  • Các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ và cá mòi
  • Các loại ngũ cốc
  • Đậu
Bổ sung thêm rau xanh trong khẩu phần ăn hằng ngày để phòng ngừa bệnh suy tim
Bổ sung thêm rau xanh trong khẩu phần ăn hằng ngày để phòng ngừa bệnh suy tim

5. Ngủ đúng giờ: Yếu tố quan trọng trong phòng ngừa bệnh suy tim

Giấc ngủ chất lượng không chỉ làm tăng cường sức khỏe tổng thể mà còn là một yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa suy tim. Một lịch trình ngủ đều đặn giúp cơ thể tự chữa lành và duy trì một trái tim khỏe mạnh.

Nếu bị suy tim, bệnh nhân sẽ gặp khó khăn để có giấc ngủ ngon với các triệu chứng như khó thở khi nằm hoặc cần phải đứng dậy để đi tiểu, khiến giấc ngủ bị gián đoạn. Nếu có những triệu chứng trên, hãy thông báo với bác sĩ. Chúng có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh suy tim không được kiểm soát. Thuốc điều trị suy tim cũng là nguyên nhân dẫn đến việc đi tiểu thường xuyên hơn. Nếu việc đi vệ sinh khiến bạn không thể ngủ ngon, hãy hỏi bác sĩ điều chỉnh thời gian dùng thuốc để tránh phải thức dậy. Uống ít nước hơn vào buổi tối cũng có thể giúp ích.

Kiểm soát thuốc, đường huyết, cân nặng, chế độ ăn uống và giấc ngủ đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ tim mạch. Những biện pháp này, dù nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa lớn trong việc phòng ngừa bệnh suy tim.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan