Hoại tử cơ tim do nhồi máu cơ tim

Hoại tử cơ tim do nhồi máu cơ tim là tình trạng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng của bệnh nhân. Sau đây là thông tin chi tiết về tình trạng bệnh và phương hướng mới trong điều trị cơ tim hoại tử.

1. Hoại tử cơ tim do nhồi máu cơ tim là gì?

Hoại tử cơ tim do nhồi máu cơ tim là tình trạng dòng máu nuôi tới cơ tim bị cắt đứt đột ngột, khiến cơ tim không được cung cấp máu và oxy, dần bị tổn thương, hoại tử hoàn toàn. Đa số cơ tim bị hoại tử đều liên quan tới tình trạng huyết khối mới sinh gây bít kín hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn lòng động mạch vành tương ứng.

Huyết khối này hiếm khi do cục máu đông thuyên tắc từ xa đi tới mà chủ yếu là hậu quả của hiện tượng viêm tại chỗ, gây rạn, nứt, vỡ, gãy ở vị trí mảng xơ vữa, khiến chúng đứt rời rồi kết vón tiểu cầu xung quanh, tạo ra huyết khối trắng. Sau đó, các huyết cầu khác quấn trong tơ huyết tạo thành huyết khối đỏ, di động theo dòng máu, tới vị trí mạch vành hẹp hơn thì bít tắc lại.

Khi bị nhồi máu cơ tim cấp do hoại tử cơ tim, người bệnh có một số dấu hiệu đặc trưng như:

  • Cơn đau thắt ngực điển hình: Triệu chứng đau giống như bị bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc vùng trước tim, đau lan lên vai trái và mặt trong tay trái tới ngón đeo nhẫn và ngón út. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, kéo dài trên 20 phút, không đỡ dù đã sử dụng nitroglycerin. Cơn đau cũng có thể lan tới cổ, cằm, vai, tay phải, sau lưng, vùng thượng vị,... Tuy nhiên, cũng có trường hợp người bị nhồi máu cơ tim có ít cảm giác đau (người sau phẫu thuật, người già, cao huyết áp, tiểu đường,...);
  • Vã mồ hôi, da tái nhợt: Khi cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện, người bệnh có thể bị vã mồ hôi do rối loạn nhịp tim và cơn đau co thắt ngực nặng nề. Ngoài ra, trong cơn đau, có thể quan sát thấy da người bệnh tái nhợt, lạnh đầu chi (do máu nuôi không đủ);
  • Khó thở: Cơn đau thắt nghẹt ở tim khiến bệnh nhân bị khó thở, hồi hộp, đánh trống ngực,... Tình trạng này càng nặng thì càng có nguy cơ cao bệnh nhân bị tụt huyết áp hoặc trụy tim mạch;
  • Buồn nôn và ói mửa: Là dấu hiệu cho thấy cơ quan tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng bởi hoại tử cơ tim, nhồi máu cơ tim.

2. Điều trị hoại tử cơ tim bằng công nghệ tế bào gốc

Tân tạo cơ tim từ tế bào gốc là công nghệ mới được ứng dụng trong điều trị hoại tử cơ tim, tổn thương cơ tim gây suy tim sau khi bị nhồi máu cơ tim. Công nghệ này mở ra một cơ hội mới cho bệnh nhân mắc phải tình trạng trên.

Tân tạo cơ tim từ tế bào gốc điều trị cho những tổn thương cơ tim không thể phục hồi. Các bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam được ứng dụng kỹ thuật điều trị này là những người bị nhồi máu cơ tim dù đã được điều trị nội khoa và can thiệp nhưng vẫn không đảm bảo chức năng hoạt động của vùng cơ tim bị nhồi máu, phân số tống máu của tim thấp và có dấu hiệu suy tim.

Khi thực hiện kỹ thuật, bác sĩ sẽ lấy khoảng 200ml dịch tủy xương, tách còn 10ml dung dịch chứa các tế bào gốc không chọn lọc. Sau đó, dùng ống thông như thủ thuật tim mạch can thiệp để bơm dung dịch tế bào gốc vào vùng cơ tim bị tổn thương, hoại tử. Bóng nong động mạch vành được bơm căng để gây tắc tạm thời động mạch vành - nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim. Sau đó, truyền tế bào gốc qua nòng của quả bóng nong nói trên để kéo dài thời gian tiếp xúc giữa tế bào gốc và mạng lưới vi mạch của động mạch vành.

Sau 6 - 12 tháng điều trị bằng kỹ thuật này, cả 6 bệnh nhân điều trị đầu tiên đều không có biến chứng, các kết quả lâm sàng, xét nghiệm, chụp cắt lớp, siêu âm tim, chụp cộng hưởng từ, chụp mạch bước đầu,... đều cho kết quả bệnh được cải thiện (tùy mức độ).

Tế bào gốc không chọn lọc từ tủy xương khá phù hợp và tiện dụng để cấy vào cơ tim vì dễ ứng dụng (về kỹ thuật) và có khả năng phát triển theo nhiều kiểu khác nhau để hình thành tế bào cơ trơn, cơ tim và mạch máu non - 3 loại tế bào chủ chốt của trái tim. Hiện nay, trên thế giới đã ứng dụng tế bào gốc trong điều trị nhiều bệnh lý tim mạch khác nhau như nhồi máu cơ tim cấp, giãn cơ tim, bệnh động mạch vành mạn tính không có khả năng nong, giãn cơ tim, mổ bắc cầu, bệnh động mạch ngoại vi không thể can thiệp, suy tim mạn tính,...

Nguồn lấy tế bào gốc để điều trị rất phong phú, có thể lấy từ nguyên bào cơ vân, nguyên bào phôi, tế bào cơ tim gốc, tế bào gốc từ máu ngoại vi,... Cách thức đưa tế bào gốc vào trái tim cũng qua nhiều đường khác nhau, có thể truyền qua đường mạch máu, tiêm trực tiếp vào thành tâm thất hoặc thực hiện tiêm trực tiếp vào vùng cơ chi dưới bị tổn thương,...

Hoại tử cơ tim do nhồi máu cơ tim là tình trạng bệnh nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe bệnh nhân về sau. Để tránh bệnh diễn tiến nặng hơn, người bệnh cần chú ý duy trì một thói quen sống lành mạnh, tập luyện với cường độ phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan