Ép tim trong cấp cứu ngừng tuần hoàn

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Ngừng tuần hoàn là tình trạng cấp cứu cực kỳ nghiêm trọng. Khi đó, tim không co bóp được dẫn đến không cung cấp máu cho các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt quan trọng là não bộ, hệ mạch vành, phổi... Vậy ép tim trong cấp cứu ngừng tuần hoàn có vai trò như thế nào?

1. Ngừng tuần hoàn là gì?

Ngừng tuần hoàn là hiện tượng tim mất chức năng, không co bóp và ngay sau đó dẫn đến các rối loạn hô hấp và ý thức. Các trạng thái của ngừng tuần hoàn bao gồm 3 dạng cơ bản là vô tâm thu, rung thất và phân ly điện cơ.

Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, kể cả trong viện và ngoài bệnh viện với tiên lượng rất nặng nề, nguy cơ tử vong cao nếu không xử trí kịp thời. Nguyên nhân thường gặp dẫn đến ngừng tuần hoàn là tình trạng rối loạn nhịp tim do cơ tim thiếu máu nuôi cục bộ.

Các hình thái ngừng tuần hoàn gặp trong bệnh viện:

  • Phân ly điện cơ hoặc vô tâm thu do thiếu oxy máu hoặc hạ huyết áp;
  • Rung thất, nhịp nhanh thất vô mạch;
  • Tỷ lệ người bệnh sống sót có thể ra viện là khoảng 17%.

Các hình thái ngừng tuần hoàn gặp ở ngoài Bệnh viện:

  • Rung thất hoặc nhịp nhanh thất vô mạch do thiếu máu cơ tim cục bộ: Chiếm đến 45% các trường hợp;
  • Tỷ lệ sống sót rất thấp: Chỉ khoảng 1 – 10%.

Đặc biệt, tình trạng ngừng tuần hoàn hoàn toàn có thể xuất hiện đột ngột trên một người bệnh và quả tim hoàn toàn khỏe mạnh. Khi đó những yếu tố, nguyên nhân khiến tim ngừng đập có thể là trong tai nạn do điện giật, đuối nước, sốc phản vệ hoặc đa chấn thương... Bên cạnh đó, ngừng tuần hoàn đa số là hậu quả cuối cùng của một bệnh lý mạn tính giai đoạn cuối như ung thư, xơ gan, suy tim, suy thận...

Trong y học, thuật ngữ cấp cứu ngừng tuần hoàn còn có những tên gọi khác như cấp cứu ngưng tim ngưng thở, hồi sinh chết lâm sàng, hồi sức tim phổi, hồi sức tim-phổi-não...

2. Nguyên tắc chung theo phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn

Nguyên tắc của phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn đòi hỏi người thực hiện phải khởi động quy trình, thao tác cấp cứu ngay khi phát hiện người có dấu hiệu nghi ngờ ngưng tim ngưng thở. Người cấp cứu phải vừa tiến hành xác định có ngưng tim không, vừa kêu gọi hỗ trợ từ những người xung quanh và vừa tiến hành ngay lập tức các động tác hồi sinh tim phổi cơ bản. Nguyên tắc trong phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn bao gồm:

  • Điều kiện tốt nhất là có 1 người đứng ra chỉ huy chính với nhiệm vụ phân công cho những người khác và tổ chức công tác cấp cứu ngừng tuần hoàn đúng trình tự, đảm bảo mọi thứ diễn ra đồng bộ;
  • Trong quá trình cấp cứu ngừng tuần hoàn cần phải ghi chép lại những thông tin cần thiết và quy trình cấp cứu;
  • Không gian cấp cứu ngừng tuần hoàn phải đủ rộng, hạn chế tập trung người không tham gia, làm cản trở công tác cấp cứu;

Đánh giá quá trình cấp cứu ngừng tuần hoàn-hô hấp hiệu quả khi đạt được mục đích quan trọng nhất là cung cấp oxy cho các cơ quan quan trọng như não, hệ mạch vành và các tổ chức tế bào khác.

Người bệnh có các biểu hiện như môi ấm và hồng trở lại, đồng tử co lại (khi thời gian thiếu oxy não chưa diễn ra quá lâu) và đánh giá người bệnh còn khả năng phục hồi. Những dấu hiệu khả quan hơn nữa là người bệnh có dấu hiệu của sự sống như có thể tự thở, tim tự đập trở lại, ý thức dần hồi phục...

Tuy nhiên, người cấp cứu ngừng tuần hoàn cần đặc biệt lưu ý là người bệnh phải vừa có dấu hiệu được cung cấp oxy trở lại (môi ấm hồng) và vừa phải không có những dấu hiệu tổn thương nặng tế bào não (đồng tử co lại) thì quá trình cấp cứu mới được đánh giá là hiệu quả. Do đó, quá trình cấp cứu ngừng tuần hoàn cần phải kiên trì, đồng thời liên hệ cấp cứu y tế gần nhất hoặc thậm chí vừa vừa cấp cứu vừa vận chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất.

Không phải cứ cấp cứu liên tục là thành công. Một số trường hợp nặng, người cấp cứu nếu đã áp dụng đúng đủ các thao tác, đồng thời không có điều kiện vận chuyển người bệnh đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu y tế. Trong vòng 60 phút mà đồng tử hoàn toàn không co lại, tim không đập lại thì có thể dừng quá trình cấp cứu ngừng tuần hoàn và thông báo bệnh nhân đã tử vong.

Cấp cứu ngừng tuần hoàn cần được đánh giá kết quả của quá trình thực hiện cấp cứu
Cấp cứu ngừng tuần hoàn cần thực hiện đúng kỹ thuật

3. Làm gì khi phát hiện bệnh nhân ngừng tuần hoàn

Ngay khi phát hiện người bệnh nhân không còn nhịp thở hoặc nhịp thở khác thường, bác sĩ cần tiến hành đánh giá ngừng tuần hoàn, thời gian không quá 10 giây. Đặc biệt bác sĩ không tốn thời gian vào việc nghe tim, bắt mạch quay, đo điện tim hay đo huyết áp mà phải ngay lập tức khởi động quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp theo thứ tự C-A-B

Quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp theo thứ tự C-A-B:

  • Circulation (Tuần hoàn): Ép tim ngoài lồng ngực càng sớm càng tốt trong vòng 10 giây từ lúc tim ngừng đập, ép liên tục trong tối thiểu 2 phút và đảm bảo ép đúng quy tắc, tránh ngắt quãng;
  • Airway (Đường thở): Chú ý khai thông đường hô hấp của người bệnh, tránh trường hợp tắc nghẽn có các nguyên nhân khác nhau;
  • Breathing (Nhịp thở): Song song với quá trình ép tim ngoài lồng ngực là động tác thổi ngạt 2 lần, 1 lần kéo dài khoảng 1 giây, tránh hiện tượng căng phổi quá mức. Tiếp tục các động tác ép tim ngoài lồng ngực và thổi ngạt với tần suất 30:2 ở người lớn. Tần suất thổi ngạt là khoảng 5-6 giây/lần, nếu đã đặt được nội khí quản thì bóp bóng mỗi 6-8 giây/lần).

4. Vị trí ép tim trong cấp cứu ngừng tuần hoàn nằm ở đâu?

Phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn bao gồm các yêu cầu cơ bản như sau:

  • Tư thế người bệnh: Nằm ngửa trên nền cứng;
  • Vị trí ép tim trong cấp cứu ngừng tuần hoàn là ngay giữa lồng ngực;
  • Tư thế người ép tim: Cánh tay và cẳng tay phải thẳng trục để truyền lực ép từ vai của mình xuống lồng ngực người bệnh;
  • Tần số ép tim là từ 100 đến 120 lần mỗi phút;
  • Độ sâu mỗi lần ép là trên 5 cm;
  • Cần đảm bảo lồng ngực nở ra sau mỗi nhịp ép tim;
  • Tỷ lệ giữa ép tim và thổi ngạt là 30:2 (yêu cầu 2 người cấp cứu);
  • Trường hợp chỉ có 1 người cấp cứu ngừng tuần hoàn thì chỉ ép tim đơn thuần, tránh ngắt quãng vì những động tác khác;
  • Cấp cứu ngừng tuần hoàn có thể ép tim ngoài lồng ngực liên tục mà không cần thổi ngạt. Tuy nhiên đối với trẻ em hoặc người ngạt nước thì bắt buộc phải vừa ép tim vừa thổi ngạt.

5. Đánh giá sau ép tim trong cấp cứu ngừng tuần hoàn

Người thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn cần hạn chế đến mức tối đa sự gián đoạn trong quá trình ép tim, chỉ nên đánh giá sau mỗi 2 phút cấp cứu ngừng tuần hoàn. Việc đánh giá mạch không được vượt quá 10 giây và sau đó phải tiếp tục các thao tác cấp cứu cho bệnh nhân. Đối với người không chuyên nghiệp thì không nên kiểm tra mạch, chỉ cần thực hiện ép tim và hô hấp nhân tạo liên tục, không cần kiểm tra mạch ngay lập tức sau mỗi lần sốc, chỉ tiếp tục ép tim.

Cấp cứu ngừng tuần hoàn cần được đánh giá kết quả của quá trình thực hiện cấp cứu
Cấp cứu ngừng tuần hoàn cần được đánh giá kết quả của quá trình thực hiện cấp cứu

6. Các rối loạn có thể gặp sau ngừng tuần hoàn

  • Tổn thương não sau ngừng tuần hoàn;
  • Rối loạn chức năng cơ tim;
  • Tổn thương hệ thống do tái tưới máu/thiếu máu;
  • Mắc các bệnh lý gây ngừng tuần hoàn hoặc phối hợp.

7. Chăm sóc sau khôi phục tuần hoàn

Sau khi cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công cần điều trị tối ưu thông khí và huyết động cho người bệnh;

  • Hạ thân nhiệt;
  • Tái thông ngay động mạch vành bằng can thiệp qua ống thông;
  • Kiểm soát đường máu;
  • Chăm sóc và điều trị về thần kinh: các vấn đề liên quan đến động kinh, rung giật cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thần kinh...;
  • Các hình thức chăm sóc tích cực khác: chăm sóc vấn đề suy thận, thượng thận, nhiễm trùng (viêm phổi do trào ngược).

Tóm lại, ngừng tuần hoàn là tình trạng nặng, tỷ lệ sống ra viện thấp, cần xử trí tích cực và hợp lý. Ép tim đóng vai trò vô cùng quan trọng: cần ép tim đúng, không gián đoạn và phá rung sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan