Dấu hiệu nhồi máu cơ tim ở phụ nữ

Nhồi máu cơ tim thường gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, nhất là ở đối tượng phụ nữ. Vậy dấu hiệu nhồi máu cơ tim ở phụ nữ là gì?

1. Các dấu hiệu nhồi máu cơ tim

Triệu chứng nhồi máu cơ tim cảnh báo rõ ràng nhất là hiện tượng đau ngực. Cơn đau thường kéo dài trong một vài phút, thường ở giữa xương ức. Cơn đau có thể xuất hiện và biến mất lặp lại nhiều lần. Các cơn đau có thể xuất hiện ở những vị trí khác ngoài ngực như cổ, hàm, sau lưng và dưới dạ dày. Các triệu chứng khác có thể kèm theo như khó thở, nôn, toát mồ hôi và đau đầu nhẹ. Trong đó, khó thở là triệu chứng thường xuất hiện kèm với đau ngực.

Khuyến cáo bệnh nhân cần đến bệnh viện khi có các triệu chứng đau ngực như trên. Vì có thể nghi ngờ do nhồi máu cơ tim để có thể được điều trị càng sớm càng tốt.

2. Các dấu hiệu nhồi máu cơ tim ở phụ nữ

Đối tượng là phụ nữ sẽ có ít khả năng sống sót sau cơn nhồi máu cơ tim đầu tiên hơn đối tượng là nam giới. Nguyên nhân có thể là do, phụ nữ có nhiều khả năng nhồi máu cơ tim 1 cách “thầm lặng” (các triệu chứng nhồi máu cơ tim không rõ ràng) dẫn đến phát hiện muộn và điều trị muộn. Việc biết được các triệu chứng nhồi máu cơ tim sớm sẽ giúp tăng khả năng sống sót ở đối tượng này.

Triệu chứng nhồi máu cơ tim ở phụ nữ gồm:

Trước khi lên cơn nhồi máu cơ tim, phụ nữ thường sẽ trải qua các triệu chứng trong vòng vài tuần, theo một nghiên cứu được công đó, khoảng thời gian này là khoảng 4 tuần. Có những triệu chứng như sau:

  • Đau ngực: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh nhồi máu cơ tim, cơn đau được mô tả như sau: Cảm giác như bị đè nén, căng tức ở lồng ngực, ngứa ran và đau rát. Tuy nhiên trên thực tế, phụ nữ lại thường trải qua cơn nhồi máu cơ tim mà không hề có bất cứ sự khó chịu nào ở ngực, nếu có thì thường sẽ không rõ ràng và rất nhẹ.
  • Mệt mỏi bất thường: Trong những tuần đầu bị nhồi máu cơ tim, đây là triệu chứng thường thấy ở phụ nữ, mệt mỏi thỉnh thoảng có thể xảy ra ngay trước khi cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện. Ngay cả những lúc đang nghỉ ngơi hoặc ít vận động, người bệnh vẫn sẽ cảm thấy mệt mỏi.
  • Suy kiệt: Triệu chứng cấp tính phổ biến của cơn nhồi máu cơ tim ở trên đối tượng phụ nữ là cảm thấy run rẩy hoặc suy kiệt, chúng thường đi kèm với chóng mặt, lo lắng, ngất xỉu, cảm giác lâng lâng.
  • Khó thở: Khó thở thường là triệu chứng hay kèm theo nhất với cơn đau ngực, là dấu hiệu cảnh báo đang lo ngại về khả năng nhồi máu cơ tim. Thường phụ nữ sẽ cảm thấy khó thở khi nằm và các triệu chứng này sẽ giảm bớt khi họ ngồi. Đổ nhiều mồ hôi là một triệu chứng phổ biến khác ở phụ nữ có chứng đau tim. Nếu không có bất cứ lý do rõ ràng nào mà bạn đột nhiên thấy mình ướt đẫm mồ hôi lạnh thì có thể đây là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim.
  • Đau nhức cơ thể: Một số khu vực thường gặp tình trạng đau nhức khi bị nhồi máu cơ tim như: Hàm, cổ, lưng trên, một trong 2 cánh tay. Cơn đau ban đầu có thể chỉ đau ở một vị trí sau đó lan rộng ra các khu vực khác khiến cho người phụ nữ cảm thấy khó chịu và mệt mỏi.
  • Rối loạn giấc ngủ: Có tới hơn 50% phụ nữ gặp phải các vấn đề về giấc ngủ trong vài tuần trước khi xuất hiện cơn nhồi máu cơ tim. Có các rối loạn giấc ngủ thường gặp như thức dậy giữa đêm bất thường, khó ngủ, cảm thấy mệt mỏi dù đã ngủ đủ giấc. Việc thiếu ngủ mạn tính sẽ dẫn đến nhiều hậu quả như giảm độ nhạy cảm của cơ thể với Insulin và tăng huyết áp. Cả 2 vấn đề này đều gây hại cho tim dẫn đến nhồi máu cơ tim.
  • Gặp các vấn đề về dạ dày: Trước khi xảy ra cơn nhồi máu cơ tim một số phụ nữ sẽ cảm thấy áp lực hoặc đau trong dạ dày. Ngoài ra, còn có thể gặp phải một số vấn đề tiêu hóa khác như: Buồn nôn, khó tiêu và nôn.

Nhồi máu cơ tim sau mãn kinh:

Sau khi phụ nữ mãn kinh, nồng độ của hormone Estrogen giảm đi, dẫn đến tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Estrogen được biết đến là 1 hormone có khả năng điều chỉnh sản xuất Cholesterol ở trong gan, giúp bảo vệ cho tim và động mạch.

Các triệu chứng nhồi máu cơ tim sau thời kỳ mãn kinh bao gồm:

  • Khó chịu hoặc đau ở khu vực lưng, cánh tay, hàm, cổ, dạ dày.
  • Nhịp tim không đều hoặc nhanh.
  • Đổ mồ hôi.
  • Đau ngực.

Các yếu tố nguy gây cơ nhồi máu cơ tim hay gặp ở phụ nữ

  • Tuổi tác: Ở những phụ nữ độ tuổi 55 thì có nguy cơ đau tim cao hơn. Nguyên nhân chủ yếu là họ đang trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh.
  • Yếu tố tiền sử gia đình: Có người thân là nam bị nhồi máu cơ tim < 55 tuổi và nữ < 65 tuổi thì sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện nhồi máu cơ tim ở bản thân.
  • Tình trạng sức khỏe: Cholesterol và huyết áp cao gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim ở cả nam và nữ.
  • Đang mắc các bệnh khác: Ở những đối tượng đang mắc các bệnh béo phì, đái tháo đường, rối loạn tự miễn có khả năng bị nhồi máu cơ tim cao hơn. Riêng đối tượng là phụ nữ còn có một số bệnh cũng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim như hội chứng buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung hoặc đã từng có tiền sử sản giật trong quá trình mang thai trước đó.
  • Lối sống: Việc sử dụng thuốc lá hoặc các chất kích thích (amphetamine, cocaine) hoặc có lối sống tĩnh tại, ít vận động, stress cũng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Khuyến cáo tất cả những người phụ nữ có độ tuổi trên 40 tuổi nên kiểm tra thường xuyên và định kỳ để phát hiện sớm những dấu hiệu, nguy cơ gây nhồi máu cơ tim sớm, để có thể có những can thiệp và điều trị kịp thời, hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

658 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan