Có thể dùng thuốc giảm cân cho người bệnh tim mạch?

Tình trạng thừa cân, béo phì ngày càng phổ biến và gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và thẩm mỹ. Trong đó có không ít bệnh nhân vừa bị thừa cân, béo phì vừa bị bệnh tim mạch. Vậy có thể dùng thuốc giảm cân cho người bệnh tim mạch không?

1. Dùng thuốc giảm cân cho người bệnh tim mạch được không?

Thừa cân và béo phì là tình trạng tích tụ chất béo một cách bất thường hoặc quá mức gây nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy, sau khi sử dụng các biện pháp như tăng cường hoạt động thể lực kết hợp với thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng thất bại thì việc sử dụng thuốc giảm cân để hỗ trợ kết hợp là cần thiết để quản lý cân nặng.

Tuy nhiên, đối tượng được chỉ định sử dụng các loại thuốc giảm cân là bệnh nhân béo phì với chỉ số BMI ban đầu = 30 hoặc bệnh nhân thừa cân có chỉ số BMI = 27 kèm theo các yếu tố nguy cơ như là tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu....

Bệnh nhân có chỉ số BMI thấp hơn, đặc biệt là những người không thừa cân, nhưng muốn giảm cân để có được một vóc dáng và hình thể đẹp thì không nên tự ý sử dụng thuốc giảm cân.

Thừa cân và béo phì đang ở mức báo động, đây cũng là yếu tố nguy cơ chính của nhiều căn bệnh nguy hiểm như bệnh tim mạch, đái tháo đường, cơ xương khớp và một số loại ung thư. Nhưng hiện tại chúng ta không có nhiều loại thuốc giảm cân được sử dụng rộng rãi. Bởi các loại thuốc giảm cân có những tác dụng phụ khi sử dụng.

Đã có nhiều loại thuốc giảm cân bị buộc dừng lưu hành trên thị trường. Hơn nữa, các loại thuốc giảm cân chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm cân bằng cách giảm lượng calo được hấp thụ là chính.

Để việc giảm cân đạt được hiệu quả, bạn vẫn phải thực hiện đồng bộ; duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục, chế độ dinh dưỡng hợp lý để chuyển hóa lượng mỡ thừa tích tụ thì mới có thể bền vững. Thậm chí, tâm lý ăn uống thoải mái sau khi dùng thuốc giảm cân có thể gây tác dụng ngược lại, khiến cho bạn tăng cân trở lại một cách nhanh chóng và khó kiểm soát hơn.

Các loại thuốc giảm cân được cấp phép lưu hành trên thị trường hiện nay bao gồm:

  • Orlistat: Đây là hoạt chất phổ biến được sử dụng trong hỗ trợ kiểm soát cân nặng cho người lớn. Thuốc này có tác dụng ức chế enzyme lipase, đây là enzyme tiêu hóa chất béo của dạ dày và tuyến tụy, qua đó ngăn cản sự hấp thu chất béo của hệ tiêu hóa nhưng không hoàn toàn. Thuốc này chỉ có tác dụng khi uống trong bữa ăn giàu chất béo, còn đối với chế độ ăn giàu carbohydrate (chất đường bột) thì thuốc Orlistat không có tác dụng. Thuốc này có thể có tác dụng phụ gây rối loạn chức năng gan như là chán ăn, ngứa, vàng da, đau hạ sườn phải, nước tiểu sẫm màu, phân có màu nhạt,... Ngoài ra, thuốc Orlistat cũng có thể gây sỏi thận, sỏi mật.
  • Phentermine (có thể kết hợp với topiramate): Đây là các hoạt chất thuốc kê đơn có tác động trên hệ thần kinh trung ương, gây ra cảm giác chán ăn. Loại thuốc này chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn dưới sự giám sát của bác sĩ. Tuyệt đối không dùng loại thuốc này cùng với các thuốc giảm cân có mối liên quan tới tác động thần kinh khác vì các tác dụng phụ nguy hiểm như: Tăng áp động mạch phổi, bệnh van tim, tăng nhịp tim, rối loạn tâm thần có thể xảy ra. Các loại thuốc này chống chỉ định cho người có tiền sử bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, loạn nhịp tim, tăng huyết áp,... và tăng nhãn áp.
  • Liraglutide: Là một hoạt chất kê đơn được sử dụng để điều trị bệnh đái tháo đường type 2, nhưng nó cũng có chỉ định cho việc kiểm soát cân nặng dưới dạng bút tiêm dưới da, nó có tác dụng điều hòa đường huyết và tạo ra cảm giác no. Thuốc Liraglutide có nguy cơ gây ra viêm tụy cấp, hạ đường huyết quá mức và tăng nhịp tim.
  • Setmelanotide: Hoạt chất này lần đầu tiên được FDA cấp phép vào năm 2020 cho điều trị béo phì có nguyên nhân là các rối loạn hiếm gặp về gen.

Các hoạt chất từng được sử dụng để giảm cân nhưng hiện nay đã bị cấm vì các tác dụng phụ nguy hiểm trên hệ tim mạch, thần kinh, gan, thận và có khả năng gây ung thư bao gồm: Sibutramine, Fenfluramine, Dexfenfluramine, Lorcaserin, Phenolphthalein...

Như vậy có những thuốc giảm cân chống chỉ định cho bệnh nhân bị bệnh tim mạch. Bạn cần trao đổi với bác sĩ để biết bệnh tim uống thuốc giảm cân nào là an toàn, không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mà không được sự đồng ý, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

2. Cách giảm cân an toàn cho người bệnh tim mạch


Việc thừa cân sẽ làm tăng nguy cơ mắc gặp phải các vấn đề về tim mạch. Nếu bạn đang mắc bệnh tim mạch, việc duy trì cân nặng phù hợp trở thành một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị.

Bạn có thể thực hiện giảm cân an toàn bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện thường xuyên để giúp cân nặng trở lại mức ổn định. Cách giảm cân an toàn cho người bệnh tim mạch bao gồm:

  • Thay đổi lượng calo: Có hai thay đổi chính trong thói quen sinh hoạt để có thể thực hiện cân bằng lượng calo: Ăn ít hơn (thay đổi chế độ ăn uống) và thứ hai là đốt cháy nhiều calo hơn so với những gì bạn ăn vào (thay đổi tần suất hoạt động thể chất). Vì vậy, để giảm cân một cách lành mạnh, các chuyên gia khuyến cáo bạn nên cắt giảm chế độ ăn uống xuống từ 500 calo mỗi ngày.
  • Ăn uống lành mạnh: Bạn nên tăng lượng trái cây và rau củ trong bữa ăn hàng ngày là một trong những phương pháp lý tưởng nhất để bạn có thể kiểm soát trọng lượng cơ thể một cách an toàn. Một số gợi ý giúp bạn hạn chế lượng calo nạp vào cơ thể mà không ảnh hưởng đến sức khỏe:
    • Ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt thay vì ngũ cốc trắng.
    • Ăn các hải sản thay cho thịt đỏ và thịt gia cầm.
    • Sử dụng dầu ăn để thay thế chất béo rắn.
    • Sử dụng các sản phẩm ít hoặc không có chứa chất béo.
    • Hạn chế ăn những món nhiều muối.
    • Ăn ít đường.
    • Lựa chọn phương pháp chế biến món ăn bằng cách hấp, nướng hoặc luộc thay vì cách chiên, xào.
  • Vận động nhiều hơn: Tập luyện thể dục điều độ cũng sẽ giúp bạn giảm cân, kiểm soát trọng lượng cơ thể và giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn. Thêm vào đó, việc vận động còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Mỗi người sẽ có cường độ và hình thức tập luyện khác nhau, bạn có thể thử các cách sau:
    • Đi bộ nhanh với tần suất 5 ngày/tuần.
    • Đặt ra mục tiêu luyện tập ít nhất 30 phút/lần.
    • Tăng cường tập luyện các nhóm cơ chính ở lưng, ngực, bụng, cánh tay, chân, hông và vai bằng cách nâng tạ có trọng lượng từ nhẹ đến vừa phải.

Nếu bạn đang mắc bệnh tim mạch, điều quan trọng là đừng cố gắng tập quá sức mà hãy trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ để tìm ra mức cân nặng cần giảm phù hợp với tình trạng sức khỏe và thể lực hiện tại. Lối sống lành mạnh sẽ hỗ trợ bảo vệ sức khỏe hệ tim mạch cũng như giúp duy trì cân nặng hợp lý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan