Chẩn đoán hình ảnh bệnh tim mạch

Các bệnh lý về tim mạch thuộc nhóm bệnh nguy hiểm. Khi mới chớm, chúng rất ít triệu chứng và khó phát hiện vì vậy khi có dấu hiệu của bệnh thì bạn nên nhờ sự trợ giúp của bác sĩ để phát hiện và điều trị bệnh ngay từ đầu. Chẩn đoán hình ảnh bệnh tim mạch là một giải pháp hữu hiện nhằm phát hiện ra sớm những bất thường ở tim và mạch để đưa ra phương án điều trị kịp thời nhất.

1. Nhóm các bệnh tim mạch thường gặp

Bệnh tim mạch là cụm từ chỉ chung những bất thường xảy ra xung quanh hệ tim mạch. Tim và những mạch máu có chức năng trao đổi máu, đưa máu giàu oxy đi nuôi cơ thể và lấy lại những máu thiếu oxy, tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín.

Khi hệ thống tim mạch có những sự bất thường thì sẽ gây ra những bệnh như:

  • Bệnh mạch vành: là bệnh xơ vữa mạch vành, co thắt mạch vành hay bóc tách mạch vành và phình mạch...
  • Bị bệnh van tim như hở van tim, hẹp van tim và suy van tim
  • Bị rối loạn nhịp tim như rung tâm nhĩ, nhịp nhanh trên tâm thất, nhịp tim bị chậm..
  • Bị bệnh cơ tim như: thiếu máu cơ tim cục bộ, cơ tim giãn, phì đại, cơ tim hạn chế hay viêm cơ tim...
  • Bị bệnh mạch máu như : viêm mạch máu, suy giãn tĩnh mạch chi và tắc động mạch ngoại biên
  • Bị bệnh tim bẩm sinh như: Tứ chứng Fallot hay thông liên nhĩ, thông liên thất...

2. Những dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc bệnh tim mạch

Bạn nên đi kiểm tra sớm và sàng lọc để có những kết luận chính xác nhất. Tuy nhiên,, khi bạn thấy có những dấu hiệu sau đây thì cũng nên cẩn thận, bởi nó có thể là dấu hiệu cảnh báo tim mạch của bạn đang có sự bất thường, thậm chí nguy hiểm. Những dấu hiệu đó là:

  • Thấy khó chịu ở ngực hay đau thắt ngực: đây là dấu hiệu rất phổ biến ở bệnh nhân tim mạch. Vì khi tim mạch có vấn đề, chỗ bất thường đó sẽ gây áp lực nên tim khiến chúng bị đè nén, bóp nghẹt và khiến bạn nặng ngực, khó thở. Cơn đau có thể lan ra hàm, vai, tay và kéo theo những triệu chứng như buồn nôn, đổ mồ hôi và chóng mặt.
  • Thấy khó thở: Hiện tượng này sẽ rõ nét nếu bạn có những vận động mạnh như tập thể dục hay đi nhanh, chạy. Nếu khó thở nhiều hay kéo dài là dấu hiệu của suy tim – tim không đủ khả năng cung cấp máu theo nhu cầu của cơ thể. Thêm vào đó là dấu hiệu phù: phù tím, phù mềm từ chân sau đó lên gan, cổ.
  • Hiện tượng đánh trống ngực: là nhịp tim lên xuống thất thường. Kèm với dấu hiệu này là hoa mắt, chóng mặt và choáng váng.

Ngoài ra, bệnh nhân thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức ngay cả những vận động nhẹ nhàng thường ngày. Nếu bạn thấy khò khè, ho dai dẳng cũng là dấu hiệu của tim chứ không hoàn toàn do phổi. Dấu hiệu nguy hiểm và cần phải cấp cứu kịp thời là ngất xỉu đột ngột. Theo đó, người bệnh cần đi kiểm tra ngay để tránh gặp sự cố đáng tiếc.

3. Nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch

Nguyên nhân gây ra bệnh về tim mạch có thể kể đến như sau:

  • Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là di truyền. Có rất nhiều bệnh nhân tim bẩm sinh nghĩa là khi sinh ra bé đã mang trong mình những căn bệnh về tim và lớn lên cùng với chúng.
  • Những người có thói quen hoạt động mạnh, vận động quá tải làm cho cơ tim mệt mỏi gây rối loạn nhịp tim.
  • Thói quen sinh hoạt hàng ngày có sử dụng chất kích thích như thuốc lá và ăn đồ ăn nhiều muối, nhiều cholesterol, hạn chế vận động và thể dục. Những bệnh nhân này đa số thừa cân, béo phì và cũng có thể do căng thẳng trong thời gian dài...
  • Bệnh tim mạch cũng có nguy cơ cao ở những người bị huyết áp cao gây xơ cứng động mạch, hẹp mạch máu, tăng cholesterol, hay ở bệnh nhân đái tháo đường....

4. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh

Trước khi đưa ra được phương pháp chẩn đoán chính xác, các bác sĩ chuyên khoa cần thực hiện phương pháp khám lâm sàng và cận lâm sàng. Các phương pháp chẩn đoán bệnh tim mạch được bác sĩ chỉ định bao gồm:

4.1. Chụp X – quang ngực

Đây có thể coi là chỉ định đầu tiên và quan trọng trong chẩn đoán tim mạch. Phương pháp này sử dụng chùm tia X để chiếu qua vùng ngực đồng thời ghi lại những hình ảnh về cấu trúc ở khu vực này. Nhờ có tia bức xạ cao, tia X có thể dễ dàng đi qua các mô mềm và thành phần dịch ( không thể đi qua xương).

Phương pháp này sẽ cho ra cấu trúc của tim, phổi và các mạch máu, khớp, xương, cột sống rất rõ ràng ở phía sau lồng ngực. Phương pháp chiếu này bác sĩ luôn yêu cầu chụp ở các tư thế sau, trước và nghiêng để có cái nhìn đa chiều nhất về hình dạng, kích thước tâm nhĩ, tâm thất, hệ mạch phổi, tình trạng phổi cũng như cấu trúc của tim. Từ đó xác định những bệnh về phổi hay ung thư....

4.2. Phương pháp chụp cắt lớp vi tính

  • Phương pháp này còn được gọi là CT tim. Sử dụng tia X – quang quét ngang quả tim. Các tín hiệu sẽ thu nhận và giải mã đồng thời tái hiện lại để cho ra những hình ảnh 2 -3 chiều của cấu trúc: màng tim, mạch và vành tim, cơ và van tim. Từ đó có cơ sở để chẩn đoán những bệnh lý liên quan tim.
  • Chụp CT tim là một phương pháp cho hiệu quả lên đến 97% nên được đánh giá rất cao.

Ngoài ra, phương pháp này còn được chỉ định để chẩn đoán những trường hợp nghi ngờ bệnh lý về van tim, bệnh tim bẩm sinh hay các khối u về tim, cơ tim phình đại...

4.3. Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Là phương pháp sử dụng từ trường kết hợp sóng radio để tái hiện lại hình ảnh của tim và mạch máu. Nhờ có độ phân giải cao và hình ảnh rõ nét, MRI có khả năng phản ánh chính xác về độ dày, vận động cơ tim, thể tích buồng tim, u khối hay cục máu đông của van tim....

Phương pháp này sử dụng để đánh giá xung quanh vùng tim, để chẩn đoán bệnh phình mạch, tách thành mạch, hệ động mạch, dị tật tim bẩm sinh, viêm cơ tim, giãn cơ tim, tim phì đại hay cơ tim lắng đọng sắt, không kết bè....Đặc biệt phương pháp này được đánh giá cao trong việc chẩn đoán nhồi máu cơ tim và khả năng vận động – sự sống còn của tim.

Chụp cộng hưởng từ còn phải kể đến MRA – mạch máu để đánh giá thể tích ở mạch máu ở ngực, bụng...nhằm phát hiện sự bất thường như phình mạch, tắc hẹp hay phát hiện ra huyết khối tĩnh mạch sâu.

4.3. Phương pháp siêu âm tim

Là phương pháp dùng để chẩn đoán cho bệnh tim, nhằm ghi lại những hình ảnh về tim và cấu trúc liên quan đến tim. Qua đó biết được cấu trúc tim, cách hoạt động co bóp cũng như sự hoạt động và kích thước tim ra sao.

Phương pháp này giúp phát hiện và chẩn đoán các vấn đề gặp phải ở tim mạch như các bệnh lý về van tim, tổn thương tim, dị tật tim và tràn dịch màng tim. Phương pháp này còn giúp theo dõi quá trình điều trị xem sự đáp ứng của tim với phương pháp điều trị ra sao. Phương pháp này khá an toàn do không sử dụng bức xạ và xâm lấn nên hầu như không gây ra tác dụng phụ.

Phương pháp chẩn đoán hình ảnh bệnh tim mạch có thể coi là sự đón đầu những nguy hiểm trước khi tim và mạch của bạn xảy ra sự cố. Không nên để cơ thể cảnh báo bằng những dấu hiệu đã nêu trên, vì điều đó chứng tỏ nhưng bộ phận trên cơ thể bạn đang suy yếu và cần điều trị khẩn cấp. Hãy thăm khám sức khỏe định kỳ bằng phương pháp phù hợp để giúp bạn loại trừ những bất thường sớm và an toàn nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

328 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan