Cách chăm sóc sức khỏe tim mạch ở độ tuổi 20, 30, 40, 50 và 60

Chăm sóc sức khỏe tim mạch luôn cần thiết và rất quan trọng, không bao giờ là quá sớm hay quá muộn. Nếu trước đây, bệnh tim mạch được xem là bệnh của người lớn tuổi thì điều đó đang dần thay đổi. Ngày càng nhiều người trẻ có thói quen và lối sống thiếu lành mạnh, chịu sự tác động mạnh mẽ của đời sống công nghệ hay lựa chọn ăn uống thiếu khoa học,... Do đó, nó đã góp phần thúc đẩy bệnh bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim ở cả những người trẻ. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu trái tim mình và duy trì chúng luôn khỏe mạnh theo từng độ tuổi.

1. Sống lành mạnh - nguyên tắc chăm sóc sức khỏe tim mạch ở độ tuổi 20, 30

Ở độ tuổi 20, 30, chúng ta thường có thói quen không tốt như sử dụng thức ăn nhanh và làm việc đến khuya - những thói quen này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch theo thời gian. Ngay từ độ tuổi 20 và 30, các mảng xơ vữa có thể bắt đầu hình thành trong các động mạch nhưng không gây bệnh ngay lập tức. Nhiều năm sau, các mảng xơ vữa động mạch này có thể phát triển thành bệnh tim. Một số phương pháp chăm sóc sức khỏe tim mạch ở độ tuổi này, có thể kể đến:

  • Không hút thuốc lá, kể cả hút thuốc lá thụ động: đây là một trong những biện pháp tốt nhất để chăm sóc sức khỏe tim mạch.
  • Xây dựng chế độ ăn lành mạnh: tham khảo chế độ ăn Địa Trung Hải để xây dựng cho mình các nguyên tắc tốt cho tim mạch như ít chất béo, nhiều nguồn protein tốt cho sức khỏe và nhiều rau củ.
  • Trải nghiệm nhiều môn thể thao hoặc các hoạt động thể chất khác nhau: càng trải nghiệm nhiều loại hoạt động, chúng ta sẽ nhanh chóng xác định được hình thức tập luyện phù hợp với bản thân. Xây dựng thói quen tập luyện ngay bây giờ sẽ giúp chúng ta có một thói quen tốt và duy trì thói quen đó trong suốt cuộc đời.
  • Giải tỏa stress một cách lành mạnh: giảm stress bằng cách tập thể dục, yoga hoặc các hoạt động xã hội là lựa chọn tốt hơn so với việc sử dụng rượu, ăn quá nhiều đồ ngọt hoặc xem TV liên tục.
  • Quản lý cơn tức giận: đây là một phương pháp chăm sóc sức khỏe tim mạch hữu ích đối với người có xu hướng nóng tính. Kết quả từ các cuộc nghiên cứu cho thấy, những người thường xuyên giận dữ có nguy cơ mắc bệnh tim sớm gấp ba lần và nguy cơ đau tim gấp năm lần so với người có thể kiểm soát cơn giận dữ.
Duy trì thói quen sống lành mạnh là cách chăm sóc sức khỏe tim mạch tốt nhất đối với người ở độ tuổi 20,30
Duy trì thói quen sống lành mạnh là cách chăm sóc sức khỏe tim mạch tốt nhất đối với người ở độ tuổi 20,30

2. Ở độ tuổi 40, chúng ta cần xây dựng cho mình những thói quen tốt

Khi bước vào giai đoạn tuổi 40, hầu hết thời gian mọi người sẽ luôn xoay quanh gia đình và công việc. Chúng ta sẽ bận rộn đến mức có thể quên đi sức khỏe và đây chính là giai đoạn rất dễ tăng cân. Tăng cân sẽ đi kèm với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol cao và hội chứng chuyển hóa - tất cả những điều này đều có thể dẫn đến tổn thương động mạch, một dấu hiệu của nhiều loại bệnh tim khác nhau. Giai đoạn này, những thói quen sau sẽ giúp chúng ta chăm sóc sức khỏe tim mạch một cách tốt nhất:

  • Không ngồi một chỗ quá lâu: các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ngồi quá lâu trong nhiều giờ liền cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim không kém khói thuốc lá. Hãy đứng dậy và di chuyển xung quanh ngay khi có thể dù đang trong văn phòng làm việc hoặc đang xem TV.
  • Dành thời gian dùng bữa tại nhà: chúng ta thường ăn uống tốt hơn và tiêu thụ ít calo hơn khi tự nấu ăn tại nhà và chuẩn bị bữa ăn với những nguyên liệu dinh dưỡng mà chúng ta có thể kiểm soát được.
Ở độ tuổi 40, mọi người cần chú ý đến chế độ ăn uống để kiểm soát lượng mỡ máu
Ở độ tuổi 40, mọi người cần chú ý đến chế độ ăn uống để kiểm soát lượng mỡ máu

  • Thường xuyên theo dõi các chỉ số sức khỏe: chúng ta nên thực hiện việc kiểm tra huyết áp, cholesterol, đường huyết và sức khỏe tổng thể một đến hai lần mỗi năm.
  • Duy trì cân nặng ở mức phù hợp nhất: chế độ ăn uống lành mạnh và thói quen thường xuyên tập thể dục sẽ giúp duy trì cân nặng ở mức phù hợp nhất với sức khỏe của mình. Nếu bản thân bị béo phì, hãy thảo luận với bác sĩ về việc tham gia câu lạc bộ thể dục hoặc nhờ bác sĩ tư vấn các cách giảm cân khác.
  • Không sử dụng chất kích thích và các biện pháp không lành mạnh để giảm căng thẳng: sử dụng thức ăn, rượu, thuốc ngủ, thuốc lá hoặc các loại thuốc không được kê đơn để giảm stress sẽ mang đến các vấn đề về sức khoẻ khác. Hãy thử yoga, các hình thức tập luyện khác và các cách khác lành mạnh để quản lý stress.

3. Đi theo đúng hướng dẫn của bác sĩ - lời khuyên dành cho người ở độ tuổi 50

Đây là thời điểm chúng ta cần phải nhờ đến sự hỗ trợ từ bác sĩ, để có thể nhận biết kịp thời các rủi ro và những triệu chứng bệnh tim mà cơ thể đang trải qua.

Những ảnh hưởng của lối sống và thói quen sức khỏe từ những giai đoạn trước bắt đầu để lại phản ánh trên cơ thể của chúng ta, bao gồm hệ thống mạch máu và trái tim. Đối với một số người, những ảnh hưởng này dẫn đến các tình trạng như tiểu đường hoặc huyết áp cao. Người khác có thể trải qua các triệu chứng như khó thở hoặc đau thắt ngực.

Đây là lúc chúng ta cần thực sự tập trung vào các chỉ số sức khỏe của mình, vì nguy cơ về vấn đề tim mạch đang tăng đột ngột. Hãy đến bác sĩ để được kiểm tra định kì và thảo luận về những rủi ro và liệu pháp phù hợp để chăm sóc sức khỏe tim mạch. Bên cạnh những thói quen tốt mà chúng ta đã thực hiện ở các giai đoạn trước đó, hãy tham khảo thêm các phương pháp sau:

  • Quan tâm đến chất lượng chất ngủ: lưu ý đến sức khỏe bản thân nếu bạn cảm thấy mệt mỏi sau khi thức dậy, mất ngủ hoặc một số khó khăn về giấc ngủ. Một tình trạng phổ biến gọi là ngủ gián đoạn, trong đó đường hô hấp sẽ bị chặn ngắn hạn trong khi bản thân đang ngủ, hội chứng ngưng thở khi ngủ có liên quan đến bệnh tim.
  • Tìm hiểu các dấu hiệu cảnh báo đau tim và đột quỵ: nhận biết sớm và điều trị kịp thời có thể giảm tỷ lệ tử vong cho bản thân và mọi người xung quanh.
  • Tiếp tục duy trì thói quen sống lành mạnh: chế độ ăn bổ sung dinh dưỡng cho người mắc bệnh tim và thói quen thường xuyên tập thể dục trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì nguy cơ về vấn đề tim mạch tăng lên theo tuổi. Sau thời kỳ mãn kinh, nguy cơ tim mạch của phụ nữ không còn thấp hơn so với nam giới.
  • Thông báo bác sĩ điều trị mọi triệu chứng của bản thân: không phải tất cả các tình trạng liên quan đến tim đều xuất hiện đầu tiên dưới dạng đau thắt ngực. Mệt mỏi, chuột rút chân và buồn nôn có thể là dấu hiệu của vấn đề nào đó. Hãy thông báo với bác sĩ về mọi triệu chứng mà bản thân đang trải qua.

4. Chăm sóc sức khỏe tim mạch ở độ tuổi 60 bằng cách đánh bại mọi nguy cơ

Tuổi tác càng lớn càng có nhiều vấn đề đối với sức khỏe tim của bạn, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng từ nhiều thói quen và áp lực cơ thể trong suốt cuộc đời. Thông thường, khi bước qua cánh cửa tuổi 60, ngoài thói quen sống lành mạnh, chúng ta cũng cần xem xét đến việc sử dụng thuốc để kiểm soát huyết áp và các yếu tố sức khoẻ khác.

Chúng ta nên thảo luận với bác sĩ về nguy cơ bản thân mắc phải cơn đau tim, đột quỵ bằng cách xem xét các chỉ số quan trọng như huyết áp, nồng độ cholesterol, đường huyết và các xét nghiệm khác. Những thông tin quan trọng này sẽ giúp bác sĩ tính toán khả năng mắc bệnh tim hoặc đột quỵ của chúng ta trong vòng 10 năm tiếp theo. Sau đó, bác sĩ sẽ đề xuất liệu pháp phòng ngừa hoặc phương pháp chăm sóc sức khỏe tim mạch khác:

  • Sống lành mạnh: không bao giờ là quá muộn để thay đổi lối sống nhằm cải thiện sức khỏe tim mạch. Sử dụng ứng dụng hỗ trợ đếm bước đi hàng ngày, tìm cách bổ sung thêm trái cây và rau vào chế độ ăn hàng ngày. Những biến đổi nhỏ sẽ dẫn đến kết quả to lớn theo thời gian.
  • Nắm vững tất cả những cách quản lý các tình trạng bệnh mãn tính, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ: duy trì đường huyết trong khoảng được khuyến nghị nếu bản thân mắc bệnh tiểu đường, duy trì sử dụng thuốc huyết áp theo liều lượng đã được kê đơn sẽ giảm rất nhiều nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ.
Ở độ tuổi 60, bệnh nhân nên nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để sử dụng thuốc bảo vệ tim mạch hiệu quả
Ở độ tuổi 60, bệnh nhân nên nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để sử dụng thuốc bảo vệ tim mạch hiệu quả

Bổ sung thêm (hoặc duy trì) bài tập chịu lực: điều này sẽ giúp bảo vệ cơ bắp của chúng ta, cải thiện khả năng hấp thụ oxy từ máu của cơ bắp. Điều này giúp tim không cần phải hoạt động nhiều hơn để đẩy máu cơ bắp, giảm áp lực lên tim.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan