Bị rối loạn nhịp tim nên ăn gì?

Rối loạn nhịp tim là bệnh lý tim mạch gây nguy hiểm cho người bệnh, để lại nhiều biến chứng nếu không được ngăn ngừa từ sớm cũng như điều trị kịp thời khi phát hiện. Trong đó, chế độ dinh dưỡng đóng một phần quan trọng trong việc kiểm soát rối loạn nhịp tim, vì vậy vấn đề rối loạn nhịp tim nên ăn gì và rối loạn nhịp tim không nên ăn gì luôn nhận được nhiều sự quan tâm.

1. Bị rối loạn nhịp tim nên ăn thực phẩm gì?

Bệnh lý tim mạch nói chung và bệnh lý rối loạn nhịp tim nói riêng là bệnh lý có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu người bệnh có một chế độ dinh dưỡng khoa học thì có thể cải thiện được sức khỏe của cơ tim, ngăn chặn nguy cơ tái phát bệnh lý tim mạch. Một số loại thực phẩm được khuyến khích đối với bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim đó là:

  • Thực phẩm có chứa nhiều chất xơ: Nguyên nhân gây xơ vữa động mạch, tăng nhịp tim là do những chất béo xấu từ thực phẩm như triglyceride, cholesterol, LDL... nên thay vì hấp thụ các loại thực phẩm này, người bệnh nên ăn nhiều thức ăn có chứa chất xơ như các loại ngũ cốc, yến mạch, đậu, các loại gạo nguyên cám... Một số trái cây có nguồn chất xơ dồi dào như cam, bưởi, quýt, quả việt quất... Với rau xanh, bạn nên ăn các loại rau như súp lơ, củ cà rốt, rau bina...
  • Thực phẩm có chứa omega – 3: Omega – 3 là nguồn chất béo tốt đối với cơ thể, có tác dụng giảm tình trạng phản ứng viêm xảy ra trong cơ thể và giảm được mức độ cũng tần suất xuất hiện các cơn rối loạn nhịp tim. Các loại thực phẩm có chứa nhiều omega – 3 đó là cá hồi, cá thu, đậu nành, hạnh nhân, óc chó...
  • Thực phẩm có chứa nhiều chất chống oxy hóa: Chất chống oxy hóa có thể ngăn chặn được tình trạng rung nhĩ trong bệnh lý tim mạch. Các loại thực phẩm có chứa nhiều chất chống oxy hóa có thể kể đến là các loại trái cây như cam, quýt, cà chua, dứa, ổi... chứa rất nhiều vitamin C, dầu oliu, nghệ tây, lúa mì... có chứa nhiều vitamin E. Những loại rau và trái cây có màu đỏ, cam, vàng và xanh có chứa nhiều Beta – caroten là chất chống oxy hóa rất cao.
  • Thực phẩm có chứa nhiều chất điện giải: Cải thiện được tình trạng rối loạn điện giải sẽ giúp kiểm soát được tình trạng rối loạn nhịp tim. Các loại thực phẩm như chuối, nho chứa rất nhiều kali; đậu phụ chứa nhiều calci; cải bó xôi, bí ngô và các loại trái cây như xoài, mận có chứa rất nhiều Magie giúp các dẫn truyền trong tim diễn ra một cách đều đặn hơn.
  • Thực phẩm chứa thảo dược khổ sâm: Đây là loại thảo dược có thể làm ổn định nhịp tim, có hiệu quả trên cả bệnh nhân có nhịp tim nhanh và nhịp tim chậm. Theo nhiều nghiên cứu, khổ sâm có thể điều hòa được nồng độ các chất điện giải cơ tim, làm giãn mạch nên có thể hạn chế được tình trạng co mạch, tăng nhịp tim ở bệnh nhân.

2. Rối loạn nhịp tim không nên ăn gì?

Ngược lại với các loại thực phẩm trên thì người bệnh tim mạch cần tránh sử dụng một số loại thực phẩm sau để giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim:

  • Thực phẩm có chứa caffeine và các loại nước tăng lực: Uống cà phê lượng vừa đủ mỗi ngày có thể tốt đối với sức khỏe, tuy nhiên nếu lạm dụng loại chất này thì sẽ khiến chỉ số huyết áp và nhịp tim của bệnh nhân tăng lên rất nhiều. Ngoài ra, còn có nhiều các chất hóa học khác gây ảnh hưởng đến nhịp tim.
  • Rượu, bia: Rượu và bia là nguyên nhân gây nên rối loạn nhịp tim, cũng như các triệu chứng bất thường của hệ tim mạch. Đặc biệt, có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc uống rượu bia quá thường xuyên sẽ phá hủy những tế bào tim, làm nhịp tim tăng cao rất nhiều nên cần hạn chế tiêu thụ nhóm đồ uống có cồn này.
  • Thực phẩm có chứa quá nhiều muối: Nếu hấp thụ quá nhiều muối vào cơ thể, nồng độ natri máu sẽ tăng cao, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp và có sự liên hệ với tình trạng rối loạn nhịp tim.
  • Thực phẩm có chứa nhiều đường: Các loại thức ăn, nước uống có nhiều đường như nước ngọt, các loại thức ăn nhanh là nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhịp tim, vì khi cơ thể có quá nhiều đường sẽ kích thích tiết hormone epinephrine, adrenaline làm tăng nhịp tim.

Rối loạn nhịp tim là bệnh lý nguy hiểm đối với người bệnh, cần được phát hiện và điều trị sớm để giảm nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc có một lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng góp phần giúp cho người bệnh kiểm soát tốt tình trạng nhịp tim của mình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

309 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan