Bạn biết gì về nhịp tim của mình?

Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Văn Phong - Bác sĩ Nội và Can thiệp Tim mạch, Trung Tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City

Nhịp tim hay tần số mạch đập là số lần tim đập trong 1 phút. Mỗi người có nhịp tim khác nhau và thay đổi theo tuổi. Biết được tần số tim của mình và hiểu nhịp tim khỏe mạnh hay bất thường là một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân.

1. Nhịp tim khi nghỉ

Nhịp tim khi nghỉ là số lần tim bạn đập trong một phút khi bạn nghỉ ngơi không vận động và tim của bạn không phải làm việc vất vả để bơm máu đi khắp cơ thể.

Một số loại thuốc như chẹn beta giao cảm (Concor, Betaloc, Nebilet...) hay Procoralan có thể làm chậm nhịp tim và giảm nhịp tim cả khi nghỉ ngơi.

Nhịp tim nghỉ ngơi khỏe mạnh

Hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh có nhịp tim khi nghỉ từ 60-90 nhịp/phút. Bạn càng luyện tập thì nhịp tim của bạn càng thấp. Các vận động viên có thể có nhịp tim khi nghỉ ngơi bình thường khoảng 40-50 nhịp/phút. Một cơ thể khỏe mạnh là dấu hiệu khi trái tim của bạn không phải làm việc quá sức để lưu thông máu.

2. Làm thế nào để kiểm tra nhịp tim?

Bạn có thể cảm nhận nhịp tim của mình bằng cách đặt hai ngón tay lên động mạch (bên trong cổ tay, bên trong khuỷu tay, bên cổ hoặc trên mu bàn chân). Sau khi bạn tìm thấy nó, hãy đếm số nhịp bạn cảm thấy trong 15 giây và nhân số đó với 4 hoặc đếm luôn cả phút (60 giây).

nhịp tim
Đặt hai ngón tay lên động mạch ở bên trong cổ tay giúp người bệnh có thể kiểm tra nhịp tim

3. Làm thế nào hạ thấp nhịp tim?

Điều này có thể dễ dàng như chỉ cần thư giãn - ngồi xuống, uống một cốc nước hoặc hít thở sâu vài lần. Một lối sống lành mạnh hơn, bao gồm tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, ăn uống lành mạnh hơn, theo dõi cân nặng và cắt giảm rượu, caffeine và hút thuốc... là những biện pháp hữu ích.

Nếu điều đó vẫn chưa đủ, bạn có thể cố gắng tìm cách để giảm bớt căng thẳng, chẳng hạn như tập thái cực quyền, thiền, dưỡng sinh, yoga...

4. Rối loạn nhịp tim: khi nhịp tim của bạn có vấn đề

Khi nhịp tim của bạn nằm ngoài giá trị bình thường gọi là rối loạn nhịp tim. Thường có 4 nhóm chính:

  • Nhịp tim nhanh: khi nhịp tim có bạn quá nhanh, thường > 100 lần/phút.
  • Nhịp tim chậm: khi nhịp tim của bạn quá chậm thường < 50 lần/phút. Trừ trường hợp bạn là vận động viên hoặc thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.
  • Rối loạn nhịp trên thất: rối loạn nhịp tim bắt nguồn từ buồng nhĩ, phía nửa trên quả tim.
  • Rối loạn nhịp thất: rối loạn nhịp tim bắt nguồn từ buồng thất, phía nửa dưới quả tim.

5. Nguyên nhân của rối loạn nhịp tim

Một số nguyên nhân có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim. Bao gồm:

  • Hẹp hay tắc động mạch nuôi dưỡng cho tim (mạch vành).
  • Huyết áp cao.
  • Bệnh lý van tim.
  • Hậu quả nhồi máu cơ tim.
  • Xảy ra trong quá trình hồi phục sau mổ tim.
  • Một vài trường hợp do mất cân bằng các chất điện giải ví dụ tăng hoặc giảm kali máu.
Huyết áp cao
Người mắc huyết áp cao có thể gây tình trạng rối loạn nhịp tim

5.1 Nhịp tim nhanh

Nhịp tim khi nghỉ lớn hơn 100 lần/phút thường gặp ở trẻ em. Nhịp tim nhanh cũng thường gặp ở phụ nữ. Nguyên nhân tiên phát của nhịp tim nhanh bao gồm: stress, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, cà phê hoặc các đồ uống có cồn hay có caffeine khác.

5.2 Nhịp tim chậm

Nhịp tim chậm hơn 50 lần/phút có thể gặp trong nhiễm trùng, có vấn đề tuyến giáp (suy giáp), mất cân bằng các chất trong máu, hội chứng ngưng thở khi ngủ hoặc các bệnh lý viêm hệ thống như lupus ban đỏ.

Một số trường hợp có thể có nhịp tim chậm bẩm sinh.

5.3 Nhịp tim và tập luyện thể thao

Khi bạn luyện tập thể thao, nhịp tim của bạn tăng lên nhưng không quá nhiều.

Để tìm ra con số phù hợp, hãy bắt đầu bằng cách tính nhịp tim tối đa của bạn theo công thức: 220- tuổi của bạn.

Nếu bạn mới bắt đầu một chế độ tập luyện mục tiêu của bạn là khoảng 50% tần số tim tối đa. Nếu bạn đã tập luyện thường xuyên, tần số tim có thể đạt đến mức 85% tần số tim tối đa.

Một số thiết bị có thể giúp theo dõi nhịp tim của bạn trong quá trình luyện tập như máy chạy bộ, đồng hồ thông minh.

6. Những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến nhịp tim

Các điều kiện bên ngoài như thời tiết, độ ẩm có thể khiến tim bạn đập nhanh hơn. Cảm xúc hưng phấn hay buồn chán quá mức hoặc lo lắng cũng có thể làm thay đổi nhịp tim của bạn. Thay đổi tư thế đột ngột cũng có thể làm nhịp tim tăng lên trong vài giây.

6.1 Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Bạn cần đến sự hỗ trợ của bác sĩ trong trường hợp đang dùng một loại thuốc khiến bạn chóng mặt hay ngất xỉu. Ngoài ra hãy đến gặp bác sĩ ngay khi bạn cảm nhận thấy nhịp tim bất thường: hồi hộp đánh trống ngực, tim đập bỏ nhịp, đập chậm hơn bình thường...

Tùy thuộc vào tình trạng hiện tại của bạn, bác sĩ có thể thay đổi thuốc cho bạn hoặc thực hiện các thăm dò chuyên sâu để tìm nguyên nhân, mức độ của rối loạn nhịp tim của bạn, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn cung cấp cho khách hàng các Gói khám Sàng lọc tim mạch với sự thực hiện của đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và sự hỗ trợ của hệ thống máy móc hiện đại tiên tiến, sẽ giúp sàng lọc dự phòng các bệnh lý về tim mạch với đối tượng có các rối loạn nhịp tim cho kết quả chính xác nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

663 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan