Triệu chứng lâm sàng xuất huyết tiêu hóa trên và dưới

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ. BSCK II Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng nguy hiểm, có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Xuất huyết tiêu hóa được chia thành xuất huyết tiêu hóa trên và xuất huyết tiêu hóa dưới, trong đó hay gặp hơn là xuất huyết tiêu hóa trên.

1. Xuất huyết tiêu hóa là gì?

Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng chảy máu ra khỏi lòng mạch vào đường tiêu hóa. Được thải ra khỏi đường tiêu hóa bằng cách nôn hay đi ngoài ra máu hoặc phân đen. Tình trạng chảy máu có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, mỗi nguyên nhân gây bệnh lại có một phương pháp điều trị khác nhau. Có những nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa cấp tính, cần điều trị cấp cứu nếu không điều trị có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.

trieu-chung-lam-sang-xuat-huyet-tieu-hoa-tren-va-duoi-1
Xuất huyết tiêu hóa

2. Phân loại và nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa

Dựa vào vị trí xuất huyết người ta chia thành xuất huyết tiêu hóa trên và xuất huyết tiêu hóa dưới. Nguyên nhân chung gây ra xuất huyết tiêu hóa trên và xuất huyết tiêu hóa dưới bao gồm:

Rối loạn đông máu: Giảm tiểu cầu, bệnh Hemophilia

  • Suy giảm chức năng gan
  • Thiếu vitamin K
  • Dùng thuốc chống đông
  • Bị bệnh sốt xuất huyết

2.1 Xuất huyết tiêu hóa trên

Xuất huyết tiêu hóa trên là tình trạng xuất huyết từ thực quản đến phía trên của dây chằng Treitz.

Nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa trên:

  • Chảy máu thực quản: Nguyên nhân chủ yếu là do tăng áp lực tĩnh mạch cửa, gây giãn tĩnh mạch thực quản, gây vỡ tĩnh mạch thực quản đột ngột. Ngoài ra còn do các nguyên nhân khác như loét thực quản, HC Mallory weiss...
  • Xuất huyết dạ dày-tá tràng: Chủ yếu là do loét dạ dày - tá tràng. Loét dạ dày thường ở bờ cong nhỏ, vùng tâm vị, mặt sau dạ dày. Tỷ lệ xuất huyết trong loét dạ dày là từ 15-16%. Loét tá tràng hiếm gặp hơn, vị trí thường ở hành tá tràng. Tỷ lệ loét tá tràng có biến chứng chảy máu là 25%. Nguyên nhân khác như ung thư dạ dày, polyp dạ dày tá tràng.

2.2 Xuất huyết tiêu hóa dưới

Xuất huyết tiêu hóa dưới là từ dưới dây chằng Treitz trở xuống đến hậu môn.

Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa dưới:

Chảy máu tại ruột non: Có nhiều bệnh dẫn đến tình trạng chảy máu tiêu hóa tại ruột non trong đó có một số bệnh thường gặp trên lâm sàng như bệnh lao ruột, lồng ruột, u ruột non, viêm ruột hoại tử...Tuy nhiên nguyên nhân chảy máu từ ruột non hiếm gặp hơn.

Chảy máu đại tràng: Là nguyên nhân chủ yếu gây xuất huyết tiêu hóa dưới.

  • Viêm loét đại tràng
  • Bệnh Crohn
  • Nhiễm khuẩn lỵ trực khuẩn hay nhiễm lỵ amip
  • Chảy máu túi thừa đại tràng
  • Ung thư đại trực tràng
  • Trĩ gây chảy máu, chủ yếu là máu tươi, có thể chảy thành tia hoặc giọt. Polyp đại tràng, thường chảy máu từng đợt

Nứt kẽ hậu môn.

trieu-chung-lam-sang-xuat-huyet-tieu-hoa-tren-va-duoi-2
Xuất huyết tiêu hóa dưới do ung thư đại trực tràng

3. Triệu chứng xuất huyết tiêu hóa

3.1 Triệu chứng xuất huyết tiêu hóa trên

  • Nôn ra máu Tính chất: Màu sắc có thể là máu đỏ, máu cục, máu đen, ngoài ra còn có thể lẫn với thức ăn. Số lượng: Tùy vào nguyên nhân xuất huyết mà số lượng khác nhau có thể từ ít tới nhiều. Cần chú ý phân biết nôn ra máu thực sự hay do ăn tiết canh, ho ra máu, chảy máu cam...
  • Đi ngoài phân đen: Nhiều trường hợp không thấy biểu hiện nôn ra máu, nhưng đi ngoài ra phân có màu đen. Với đặc điểm là phân màu đen như bã cà phê, mùi khắm. Tính chất của phân phụ thuộc vào thời gian lưu chuyển trong ruột và lượng máu xuất huyết. Trường hợp chảy máu nhiều phân thường loãng, có nước màu đỏ xen lẫn. Trường hợp chảy máu ít phân vẫn thành khuôn, màu đen như nhựa đường, dính, mùi khắm. Phân biệt với trường hợp đi ngoài phân đen do sử dụng thuốc như sắt, bismuth...
  • Dấu hiệu mất máu: Tùy thuộc vào lượng mất máu mà biểu hiện của tình trạng mất máu từ nhẹ tới nặng. Trường hợp mất máu nhiều người bệnh có thể đi tới tình trạng sốc mất máu như: Hoa mắt, chóng mặt, khát, thiểu niệu, da xanh, niêm mạc nhớt, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt. Nặng hơn người bệnh có thể rơi vào tình trạng vật vã, li bì hoặc hôn mê. Trường hợp mất máu số lượng ít: Người bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc có các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu.
  • Biểu hiện khác tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh: Trường hợp xuất huyết thực quản do giãn tĩnh mạch thực quản người bệnh thường có những biểu hieeunj trước đó của tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch cửa như: Vang da, tuần hoàn bàng hệ, người mệt mỏi...Do loét dạ dày-tá tràng: Đau vùng thượng vị, nôn, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, có tiền sử trước đó phát hiện bệnh lý dạ dày-tá tràng. Nếu do các nguyên nhân ác tính: Bệnh nhân có thấy người mệt mỏi nhiều, ăn nhanh nó, giảm cân không rõ nguyên nhân.
  • Theo ghi nhận có khoảng 80% số bệnh nhân xuất huyết đường tiêu hóa trên có biểu hiện sốt.
  • Các trường hợp xuất huyết tiêu hóa trên đa số mất máu nhiều, gây rối loạn huyết động. Nên cần được xử trí nhanh chóng và tìm được vị trí, nguyên nhân chảy máu để có biện pháp điều trị nguyên nhân.

3.2 Triệu chứng xuất huyết tiêu hóa dưới

  • Đi ngoài ra máu đỏ tươi: Máu có thể lẫn trong phân hoặc đi sau phân.
  • Đi ngoài phân đen: Nếu thời gian lưu động trong ruột đủ thì sẽ đi ngoài phân đen, có thể lẫn máu.
  • Tuy nhiên một số trường hợp xuất huyết tiêu hóa trên nặng cũng gây ra đi ngoài máu đỏ. Cần phân biết rõ, thường để phân biệt trong trường hợp nghi ngờ có chỉ định đặt ống sonde dạ dày.
  • Các dấu hiệu mất máu: Tùy vào số lượng máu bị mất mà các biểu hiện khác nhau, nhẹ thì không có biểu hiện gì, nặng hơn xuất hiện các triệu chứng như Hoa mắt, chóng mặt, khát, thiểu niệu, da xanh, niêm mạc nhớt, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt; Rất nặng thì vật vã, li bì, hôn mê.
trieu-chung-lam-sang-xuat-huyet-tieu-hoa-tren-va-duoi-3
Đi ngoài ra máu là triệu chứng xuất huyết tiêu hóa dưới

Các triệu chứng liên quan đến nguyên nhân gây bệnh:

  • Do viêm loét đại tràng, bệnh crohn gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
  • Do lỵ: Nếu là lỵ trực khuẩn hay gawoj ở trẻ nhỏ sốt, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, có lẫn máu. Lỵ amip đau bụng, mót rặn, đi ngoài ra phân nhầy máu.
  • Ung thư đại tràng: Đi ngoài hay ra máu nhầy máu cá, phân mỏng, kèm theo giảm cân không rõ nguyên nhân, người mệt mỏi.
  • Do bệnh lý hậu môn: Trĩ chảy máu tươi, có thể chảy thành tia và búi trĩ lòi ra ngoài.
  • Nứt kẽ hậu môn: Đau khi đi đại tiện, chảy máu sau khi đi đại tiện nhất là khi bị táo bón.
  • Các biểu hiện xuất huyết đường tiêu hóa dưới có khoảng 80% số trường hợp có thể tự cầm được. Tuy nhiên vẫn phải tìm được nguồn chảy máu để có biện pháp điều trị.

Trên đây là những triệu chứng có thể gặp trong bệnh xuất huyết tiêu hóa trên và dưới. Xuất huyết tiêu hóa cần tìm được vị trí xuất huyết và nguyên nhân từ đó có biện pháp điều trị thích hợp.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

66K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan