Cứ ăn xong bị đi ngoài là bệnh gì?

Nhiều người cứ sau khi ăn lại bị đi ngoài, tình trạng này có thể xuất hiện trong thời gian ngắn hoặc diễn ra thường xuyên, kèm theo thay đổi thói quen đại tiện như đi ngoài phân lỏng hay táo bón. Để tìm hiểu ăn xong đi ngoài ngay là bệnh gì? Bạn hãy tham khảo qua bài viết dưới đây.

1. Ăn xong đi ngoài là bệnh gì?

Khi chúng ta ăn, lượng máu của cơ thể tập chung một lượng lớn ở đường tiêu hoá để giúp dạ dày và ruột hoạt động. Khi đó, đường tiêu hoá của chúng ta sẽ co bóp và thực hiện quá trình tiêu hoá thức ăn. Do đó, sau ăn bạn có thể đau bụng nhẹ và muốn đi ngoài. Nếu là dấu hiệu sinh lý thì phân thường thành khuôn, không có bất thường.

Tuy nhiên, nếu như ăn xong đi ngoài xảy ra một cách thường xuyên, diễn ra nhiều lần trong ngày, phân bất thường như phân sống, phân lỏng, nát, không thành khuôn...thì có thể là một vấn đề bệnh lý.

Ăn xong đi ngoài là bệnh gì? Thực ra, dấu hiệu ăn xong đi ngoài không phải tên là bệnh ăn xong đi ngoài, mà đây là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau. Một số trường hợp, sau khi ăn bất cứ thực phẩm gì cũng có hiện tượng đau bụng đi ngoài, diễn ra thường xuyên có thể do một số bệnh lý gây ra như:

  • Ngộ độc thực phẩm: Nguyên nhân gây ra ngộ độc là do thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa nhiều chất phụ gia độc hại. Khi ngộ độc, người bệnh thường có biểu hiện đau bụng nhiều, đi ngoài ngay sau khi ăn, kèm theo buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt... Mức độ ngộ độc tùy thuộc vào tác nhân gây ra, có thể nặng gây nhiễm độc toàn thân nguy hiểm tới tính mạng.
  • Rối loạn hệ vi sinh đường ruột: Khi ăn những thức ăn lạ hay những thức ăn không an toàn thực phẩm, sử dụng kháng sinh. Khiến cho hệ vi sinh bị rối loạn, lợi khuẩn bị giảm và hại khuẩn tăng lên. Điều này cũng gây ra tình trạng ăn xong đi ngoài..
  • Hội chứng ruột kích thích: Thường xảy ra chủ yếu vào sáng sớm sau khi ăn, người bệnh có các triệu chứng như khó chịu, đau bụng, thói quen đi cầu và hình dạng khối phân thay đổi. Nó cũng xảy ra vào các thời điểm khác trong ngày. Tình trạng này không có bất kỳ tổn thương nào trên đường tiêu hoá, bệnh gây ra do rối loạn chức năng của đường tiêu hoá.
  • Viêm loét dạ dày- tá tràng: Bệnh xảy ra khi có sự viêm niêm mạc của dạ dày, có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như do vi khuẩn, thuốc... Người bệnh có các triệu chứng đau bụng âm ỉ vùng thượng vị khi đói hoặc khi quá no, buồn nôn và nôn, ợ chua, chán ăn.
  • Viêm ruột thừa: Hiện tượng ăn xong đau bụng đi ngoài cũng có thể là do viêm ruột thừa. Người bệnh có thể bị đau âm ỉ vùng quanh rốn, sau đó đau lan dần xuống bụng dưới, kèm theo chướng bụng, buồn nôn, sốt...Đây là một tình bệnh ngoại khoa, thường diễn biến nhanh trong vài ngày. Nếu bạn đau và đi ngoài kéo dài liên tục trong thời gian dài thì thường không phải do nguyên nhân này.
  • Dị ứng thức ăn: Khi bị dị ứng thức ăn ở mức độ nhẹ có thể gây ra những cơn đau nhẹ và cảm giác buồn đi ngoài sau khi ăn loại thức ăn gây ra dị ứng đó.
  • Viêm đại tràng mãn tính: Những người bị viêm đại tràng mạn tính sẽ có sự thay đổi thói quen đại tiện, có thể bị táo bón, tiêu chảy kèm cảm giác đau bụng, mót rặn, luôn muốn đi vệ sinh sau ăn hay kể cả vừa đi vệ sinh xong.
  • Thiếu hụt men tiêu hoá: Để tiêu hoá được thức ăn khi chúng ta ăn cơ thể cần tiết ra men tiêu hoá từ tuyến tụy, dịch mật. Khi cơ thể bị thiếu hụt các loại men này sẽ khiến cho bạn có một số dấu hiệu như hay bị đầy bụng, ăn xong muốn đi ngoài, đi ngoài phân sống...
  • Phụ nữ trong giai đoạn có kinh nguyệt: Do tác động tăng co bóp cơ trơn của một số nội tiết tố, nên phụ nữ trong khi hành kinh có thể dễ bị đi ngoài hơn.

Dấu hiệu ăn xong đi ngoài có thể là tình trạng cảnh báo nhiều bệnh lý ở đường tiêu hóa. Cần phải kết hợp với các triệu chứng khác hoặc tiến hành xét nghiệm cận lâm sàng mới có thể biết được nguyên nhân gây ra bệnh.

2. Các biện pháp khắc phục tình trạng ăn xong đi ngoài

Để giảm tình trạng đau bụng đi ngoài sau khi ăn, bạn cần thực hiện một số biện pháp thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày, bao gồm:

  • Bổ sung các thực phẩm giàu tinh bột có thể làm giảm cảm giác đau, tiêu chảy, ví dụ như khoai tây, khoai lang hay cơm...Tuy nhiên nên hạn chế thức ăn có chứa gluten như lúa mạch, lúa mì...
  • Hạn chế ăn các loại rau sống, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, tiết canh, thức ăn tái, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, chế biến sẵn.
  • Theo dõi những món ăn khiến bạn có cảm giác muốn đi ngoài sau khi ăn, những thực phẩm đó có thể do bạn bị dị ứng với nó. Nên tránh ăn những thực phẩm đó.
  • Hạn chế những món ăn có thể sinh hơi gây đầy bụng như tỏi, hành... hoặc các loại có tính kích thích như gia vị cay nóng vì làm tăng hoạt động co bóp của ruột, không tốt cho chứng đau bụng đi ngoài.
  • Uống nhiều nước: Nếu bạn bị đi ngoài quá nhiều lần có thể bị mất nước nghiêm trọng. Chính vì thế, cần bù lại lượng nước đã mất này, bằng cách uống thật nhiều nước ấm và có thể cần bổ sung thêm các loại nước điện giải.
  • Uống nước gừng: Đôi khi vùng bụng bị lạnh cũng gây ra đau bụng đi ngoài, do đó mà việc uống nước gừng cũng giúp giảm thiểu tình trạng đi ngoài. Gừng trong đông y cũng là một vị thuốc có tác dụng giải độc, giảm cảm giác buồn nôn.
  • Vệ sinh cá nhân: Bạn nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ để tránh tình trạng bị nhiễm khuẩn, nên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Tập thể dục thường xuyên: việc tập thể dục cũng kích thích việc chữa lành các tổn thương trên đường tiêu hoá. Bạn nên thực hiện việc tập thể dục mỗi ngày từ 20 đến 30 phút.
  • Tránh lo lắng quá mức: Trạng thái lo lắng và căng thẳng cũng khiến cho hệ tiêu hoá tăng hoạt động theo cơ chế hormon. Cũng có thể làm nặng lên các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày tá tràng.
  • Nếu bạn đã áp dụng các biện pháp tại nhà nhưng tình trạng bệnh không cải thiện, bạn cần đi khám để được chẩn đoán chính xác bệnh, từ đó để có thể đưa ra các phương pháp điều trị bệnh hiệu quả.

Hy vọng thông qua bài viết bạn đã biết ăn xong đi ngoài là bệnh gì và các biện pháp để giúp bạn có thể kiểm soát bệnh hiệu quả. Nếu không tự kiểm soát được tình trạng này, bạn nên thăm khám sớm để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

146.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan