Chỉ định cắt toàn bộ dạ dày

Cắt dạ dày là phẫu thuật nhằm điều trị một số bệnh như ung thư dạ dày, loét dạ dày, thủng dạ dày. Có hai phương pháp phẫu thuật cơ bản là cắt đi một phần hoặc toàn phần. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc của bạn đọc rằng khi nào phải cắt toàn bộ dạ dày và cần chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật như thế nào.

1. Tại sao phải cắt toàn bộ dạ dày?

Cắt toàn bộ dạ dày là phẫu thuật nhằm cắt bỏ đi dạ dày với giới hạn phía trên đến thực quản bụng và ở dưới cắt dưới môn vị tới tá tràng. Sau đó bác sĩ sẽ thực hiện nối hỗng tràng với thực quản nhằm đảm bảo lưu thông đường tiêu hóa.

Cắt toàn bộ dạ dày được chỉ định trong điều trị ung thư dạ dày ở những bệnh nhân có khối u to không thể điều trị phẫu thuật cắt khối u, hóa trị hoặc xạ trị. Điều này cần thiết để ngăn chặn tế bào ung thư lan đến phần khác của cơ thể. Trong những trường hợp bệnh nhân có khối u nhỏ nằm ở phần thấp của dạ dày cũng có thể chỉ định cắt một phần dạ dày là được. Tuy nhiên nếu u to, nằm ở phần giữa hay phần cao thì cũng được chỉ định cắt toàn phần.

Một số chỉ định khác ít gặp hơn trong viêm loét dạ dày hay thủng dạ dày.

2. Phương pháp phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày

Trước khi phẫu thuật:

  • Bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân về phương pháp phẫu thuật, những lợi ích, nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật. Người nhà bệnh nhân sẽ ký các cam kết để hoàn tất các thủ tục hành chính để thực hiện cuộc mổ.
  • Bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm, siêu âm, nội soi, chụp cắt lớp vi tính để đánh giá tính xâm lấn và di căn của ung thư.
  • Người bệnh sẽ được bồi bổ nhằm tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng để đảm bảo hồi phục đủ lượng albumin, protein máu, điều chỉnh tốt các rối loạn sinh hóa đáp ứng yêu cầu của phẫu thuật.
  • Bệnh nhân cần tắm rửa sạch sẽ vào đêm trước ngày mổ và sáng ngày mổ bằng dung dịch sát trùng Betadine.
  • Trong vòng 6 giờ trước mổ, bệnh nhân cần phải nhịn ăn và có thể tiến hành thụt tháo, rửa ruột nếu cần thiết.

Quá trình phẫu thuật:

  • Sử dụng kháng sinh dự phòng cho bệnh nhân để chống tình trạng nhiễm khuẩn.
  • Bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, tiến hành gây mê, giảm đau và đặt thông tiểu.
  • Tiến hành rạch bụng, cắt toàn bộ dạ dày bao gồm mạc nối lớn và nạo vét hạch.
  • Thực hiện nối thực quản- hỗng tràng trên quai Y qua mạc treo đại tràng ngang.
  • Đặt dẫn lưu, cầm máu, bơm rửa sạch sẽ và khâu đóng ổ bụng.
Chỉ định cắt toàn bộ dạ dày
Hình ảnh mô phỏng về tình trạng cắt toàn bộ dạ dày

3. Điều gì xảy ra sau khi phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày?

Dạ dày là cơ quan quan trọng trong hệ tiêu hóa có vai trò tiếp nhận thức ăn và sơ chế trước khi chuyển sang cho ruột non. Do đó nhiều bệnh nhân thắc mắc rằng nếu như cắt bỏ dạ dày thì hệ tiêu hóa có hoạt động bình thường hay không và chất dinh dưỡng sẽ được cung cấp như thế nào?

Sau mổ:

Sau khi cắt dạ dày, bệnh nhân được cung cấp chất dinh dưỡng bằng đường tĩnh mạch gồm: nước, đường, acid amin, điện giải để đảm bảo năng lượng cho cơ thể.

Sau 5 ngày bệnh nhân có thể tự ăn những thức ăn nhẹ như sữa, cháo loãng,... nhiều lần trong ngày. Cần chia nhỏ bữa ăn ra làm nhiều lần, mỗi lần khoảng 100ml để hệ tiêu hóa làm quen. Sau vài tuần có thể ăn cơm bình thường.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể đối mặt với một số biến chứng như:

Hội chứng Dumping:

Đây là hội chứng xảy ra do thức ăn chuyển vào ruột non quá nhanh bởi dạ dày bị cắt đi nên chức năng tiêu hóa không còn như bình thường. Bệnh nhân có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt.. Trong trường hợp nhẹ có thể kiểm soát bằng cách giảm đường trong chế độ ăn hằng ngày và chia nhỏ bữa ăn. Các trường hợp mắc hội chứng Dumping nặng hơn cần được can thiệp phẫu thuật.

Hội chứng này thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bệnh nhân mà chỉ gây khó chịu trong sinh hoạt. Sau khoảng 3 tháng, tình trạng này thường sẽ tự biến mất.

Sụt cân trong vài tháng đầu:

Sau phẫu thuật cắt dạ dày, người bệnh phải sử dụng thuốc điều trị kết hợp với chế độ ăn uống kiêng khem với thức ăn lỏng sẽ làm cho bệnh nhân giảm cân trong thời gian đầu. Khi sức khỏe đã phục hồi với chế độ ăn bình thường, cân nặng sẽ được cải thiện hơn.

Không dung nạp Lactose:

Nguyên nhân do thiếu hụt enzyme Lactase giúp tiêu hóa dưỡng chất này, điều này góp phần giải thích tại sao sau khi ăn các thực phẩm giàu lactose như sữa, phô mai,...bị chướng bụng, tiêu chảy.

Hấp thu mỡ kém:

Do dạ dày đã bị cắt đi nên thực ăn lưu giữ trong ruột nhanh, thời gian tiếp xúc của thức ăn với men tiêu hóa kém dẫn đến kém hấp thu mỡ. Thức ăn đi thẳng xuống ruột non không được xử lý bởi dạ dày nên có kích thước lớn, men tụy khó tiêu hóa và hấp thu làm cho bệnh nhân giảm hấp thu các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K.

Rối loạn tiêu hóa:

Thời gian đầu sau khi cắt toàn bộ dạ dày sẽ gặp các vấn đề về tiêu hóa như: đầy hơi, đầy bụng, ăn không tiêu, no lâu, nôn,... Có thể khắc phục bằng cách thực hiện chế độ ăn uống phù hợp hơn như: chia làm nhiều bữa ăn nhỏ, chế biến thực phẩm loãng, nhừ, tăng cường các vitamin khó hấp thu.

cắt toàn bộ dạ dày
Sau khi cắt toàn bộ dạ dày, người bệnh có thể gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa

4. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sau khi cắt dạ dày toàn bộ

Một nguyên tắc chung cho các bệnh nhân sau khi phẫu thuật cắt bỏ dạ dày mà bệnh nhân cần tuân theo đó là chia nhỏ ra làm nhiều bữa ăn trong ngày thay vì chế độ ăn 3 bữa chính như bình thường. Chú ý ăn chậm, nhai kỹ để dễ dàng tiêu hóa.

Sử dụng các thực phẩm giàu protein:

Các loại thực phẩm giàu protein không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng để tạo năng lượng cho người bệnh mà còn làm chậm quá trình tiêu hóa. Do đó, người bệnh nên ăn các loại thực phẩm như như thịt, gia cầm, cá, trứng, phô mai, bơ,.. rất tốt cho sức khỏe.

Các loại hạt ngũ cốc:

Người bệnh sau phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày nên sử dụng các loại ngũ cốc ít chất xơ. Nó chứa trong thực vật (từ ngũ cốc, hoa quả và rau củ) giúp thức ăn tạo thành khối và quá trình tiêu hóa diễn ra dễ dàng. Ngoài ra, chất xơ còn giúp ngăn ngừa táo bón và một số bệnh ung thư như ung thư đại tràng hoặc ung thư ruột kết . Cần lưu ý đối với bệnh nhân bị bệnh túi thừa hoặc tiêu chảy mạn tính nên áp dụng một chế độ ăn ít chất xơ.

Trái cây và rau củ:

Đa phần các loại trái cây và rau củ đều tốt cho bệnh nhân sau phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày. Cần lưu ý là các loại rau xanh phải được ăn chín và trái cây thì nên gọt vỏ trươc khi ăn.

Sữa:

Đây là thực phẩm thiết yếu đối với chế độ ăn uống của các bệnh đường tiêu hóa giúp phục hồi năng lượng cho cơ thể khi người bệnh chưa thể ăn uống hoặc không ăn các thực phẩm khác có nguồn chất tương tự. Người sau phẫu thuật cắt dạ dày có thể chọn loại sữa đã tách béo hoàn toàn (sữa gầy) và các sản phẩm từ sữa chứa 1% chất béo cho chế độ ăn uống hàng ngày.

Ngoài ra, cần bổ sung thêm các loại vitamin B1, B12 và sắt để tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa thiếu máu sau phẫu thuật. Bệnh nhân không nên sử dụng các thực phẩm lên men như dưa chua, hành muối hay các loại gia vị cay nóng, hoa quả chua, các đồ uống có chứa chất kích thích và các loại đồ ăn cứng vì sẽ không tốt cho hệ thống tiêu hóa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan