Chế độ ăn cho người bệnh gan mật

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa.

Gan là một cơ quan có vai trò tiêu hóa và chuyển hóa mọi chất lưu hành bên trong cơ thể. Một lá gan khỏe mạnh, hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng và đào thải được các chất không cần thiết giúp cơ thể khỏe mạnh. Như vậy, chế độ ăn cho người bệnh gan mật như thế nào để thực hiện là điều người bệnh gan và người bình thường cũng nên biết.

1. Mối quan hệ giữa chế độ ăn và sức khỏe gan mật

Gan là cơ quan nội tạng có kích thước tương đối lớn trong cơ thể. Gan nằm trong ổ bụng, ẩn bên dưới lồng ngực luôn hoạt động liên tục bất kể ngày đêm vì sự sống còn của bạn.

Chức năng của gan là bài tiết ra dịch mật, chứa các men tiêu hóa, giúp phân cắt thức ăn thành các chất dinh dưỡng có kích thước nhỏ và dễ hấp thu vào trong máu. Nếu chức năng này bị tổn thương, bạn sẽ không tiêu thụ được bất kể thứ gì từ thực phẩm ăn vào và dần trở nên suy mòn.

Đồng thời, lá gan còn được ví như một nhà máy xử lý toàn bộ các chất lưu hành trong máu và thải các chất độc ra ngoài. Nói một cách khác, nếu bạn có chế độ ăn quá thịnh soạn, gan phải tích cực chuyển hóa và hấp thu các chất đó.

Nếu các món bạn ăn vào là những thực phẩm không lành mạnh, như thực phẩm nhiều chất béo hoặc chiên xào, nhiều muối, bia rượu quá mức, gan của bạn thực sự đang bị tấn công. Gan phải làm việc vất vả, điều chế và tống xuất chất thừa ra ngoài.

Tuy nhiên, không phải mức chịu đựng của lá gan là vô hạn. Chế độ ăn có mối quan hệ rất khăng khít đến sức khỏe gan mật. Một người khỏe mạnh cần phải biết cách ăn uống như thế nào để bảo vệ lá gan. Một người bệnh gan nên ăn uống như thế nào để tránh tác động xấu thêm cũng là một điều cần cân nhắc trước mỗi bữa ăn hằng ngày.

tăng men gan
Ăn uống không lành mạnh sẽ khiến gan bị tổn thương

2. Người bệnh gan mật nên ăn gì để đảm bảo gan có thể hoạt động bình thường?

Nếu bạn có bệnh, chế độ ăn cho người bệnh gan mật cần luôn được tuân thủ và được điều chỉnh để đáp ứng với nhu cầu của từng cá nhân. Bạn có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ của bạn về những thực phẩm gì là tốt nhất cho cơ thể mình. Dưới đây là một số lời khuyên về các nhóm thực phẩm giúp gan luôn được khỏe mạnh hoặc khỏe hơn:

  • Ăn một chế độ ăn uống cân bằng: Chọn lựa và chế biến món ăn từ tất cả các nhóm thực phẩm đa dạng như ngũ cốc, trái cây, rau, thịt, đậu, sữa. Nhóm chất béo như dầu, bơ, sữa nguyên kem cần hạn chế.
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ tạo điều kiện giúp gan của bạn hoạt động ở mức độ tối ưu. Trái cây, rau, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, gạo và ngũ cốc hoàn toàn có thể cung cấp đầy đủ nhu cầu chất xơ cho cơ thể bạn mỗi ngày.
  • Ăn cá biển béo: Loại cá này có thể bổ sung thêm nguồn chất béo cần thiết cho cơ thể nhưng hoàn toàn thân thiện với lá gan của bạn cũng như sức khỏe tim mạch. Hơn nữa, việc tiêu thụ cá béo và bổ sung dầu cá có thể giúp giảm tác động của các tình trạng trên gan như bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
  • Ăn các loại hạt khô: Những loại này như là hạt dẻ, hạt hạnh nhân, hạt hướng dương... là nguồn vitamin E tốt, một chất dinh dưỡng mà nghiên cứu cho thấy có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh gan nhiễm mỡ. Đồng thời, đây cũng là một lựa chọn lý tưởng khi bạn cảm thấy muốn ăn vặt.
  • Uống cà phê: Đây là tin vui cho những người yêu thích cà phê. Các nghiên cứu cho thấy rằng uống hai đến ba cốc mỗi ngày có thể bảo vệ gan của bạn khỏi bị tổn thương, nhất là khi do uống quá nhiều rượu hoặc chế độ ăn uống không lành mạnh. Đồng thời, thức uống hấp dẫn này cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư gan.
  • Uống trà xanh: Đây cũng là một thức uống tốt cho gan do chứa một loại chất chống oxy hóa gọi là catechin, giúp bảo vệ gan chống lại một số dạng ung thư. Lượng catechin nhận được sẽ nhiều hơn nếu bạn tự pha trà và uống lúc còn nóng. Trà đá và trà xanh pha sẵn có mức độ chất này thấp hơn nhiều.
Các loại hạt
Các loại hạt rất tốt cho người bệnh gan mật
  • Uống nhiều nước: Một trong những điều tốt nhất mà đơn giản nhất bạn có thể làm cho gan là uống đủ nước. Tập thói quen uống nước khoáng hay nước lọc thay vì đồ uống ngọt như soda, nước giải khát đóng hộp. Thói quen này ngăn ngừa tình trạng thiếu nước và sẽ giúp gan của bạn hoạt động tốt hơn.
  • Giữ một trọng lượng cơ thể khỏe mạnh: Điều đó có nghĩa là bạn cần giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng từ 18 đến 25. Đây cũng là kết quả nếu bạn thực hiện tốt những điều trên và có thói quen luyện tập thể lực thường xuyên. Bạn sẽ nhận được không chỉ là một lá gan khỏe mạnh mà còn là một cơ thể cường tráng.

Bạn có thể tham khảo thực đơn cho bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan B, ung thư gan trong những bài viết dưới đây:

3. Người bị bệnh gan mật nên kiêng gì?

Vì chế độ ăn uống có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của gan, một người bệnh gan mật nên kiêng gì là một điều cần biết để lựa chọn thực phẩm đúng đắn cho mỗi bữa ăn.

Gan là cơ quan chuyển hóa rượu. Tuy nhiên, chỉ một lượng rượu nhất định có thể được chuyển hóa tại gan trong một khoảng thời gian giới hạn.

Khi lượng cồn trong máu quá cao, chức năng này của gan có thể bị gián đoạn, dẫn đến mất cân bằng hóa học. Nếu gan buộc phải chuyển hóa rượu liên tục, các tế bào gan có thể bị phá hủy hoặc thay đổi dẫn đến sự tích tụ mỡ, gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ và các vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm gan do rượu hoặc hình thành mô sẹo vĩnh viễn như xơ gan.

  • Fructose

Các nguồn fructose đậm đặc, đặc biệt là siro từ trái cây, có thể kích thích thúc đẩy quá trình tạo mỡ ở gan.

Do đó, các thực phẩm có chứa nhiều fructose thì cần nên tránh, đó là nước ngọt, đồ uống trái cây ngọt, một số loại sữa chua có hương vị ngọt, ngũ cốc ăn sáng vị ngọt, trái cây đóng hộp, các sản phẩm bánh (bánh ngọt, bánh quy, bánh nướng), các loại gia vị chế biến sẵn như nước sốt ngọt, sốt cà chua, mứt, thạch trái cây...

  • Chất béo bão hòa

Các nguồn chính của chất béo bão hòa là thịt đông lạnh, thịt đỏ, bơ động vật và các sản phẩm từ sữa giàu chất béo như phô mai, kem, các sản phẩm bánh ngọt, bánh rán... Đây là các chất khó chuyển hóa tại gan, có khuynh hướng tăng tích tụ mỡ trong nhu mô nên người bệnh gan cần tránh.

  • Muối

Cuối cùng, khi lượng natri trong khẩu phần ăn mỗi ngày quá cao cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của gan. Một số nghiên cứu cho thấy dung nạp quá nhiều muối sẽ gây ra một số thay đổi ở gan, như các tế bào dễ bị biến dạng, tỷ lệ chết tế bào nhanh hơn và tỷ lệ phân chia tế bào thấp hơn.

4. Chế độ ăn cho người bệnh gan mật theo từng bệnh lý

  • Bệnh lý đường mật

Mật là một dịch lỏng, chứa các men tiêu hóa được tạo ra ở gan giúp phân hủy chất béo trong ruột non. Các bệnh lý trên đường mật làm tắc nghẽn, giữ cho mật không bài tiết vào ruột non.

Khuyến cáo về chế độ ăn uống:

  • Hạn chế tiêu thụ chất béo động vật, chất béo bão hòa
  • Sử dụng các chất thay thế chất béo khó chuyển hóa như sử dụng dầu hạt nhân, dầu ô liu, dầu ngô, dầu hướng dương, dầu đậu phộng... vì các loại này cần ít mật để phân hủy chất béo hơn các loại dầu khác.
  • Xơ gan

Xơ gan là tình trạng trong gan hình thành các mô sẹo dày đặc, làm chai cứng và mất chức năng gan.

Khuyến cáo về chế độ ăn uống:

  • Hạn chế muối và thực phẩm chứa nhiều muối
  • Hạn chế lượng protein trong chế độ ăn uống
  • Bệnh gan nhiễm mỡ

Bệnh gan nhiễm mỡ là sự tích tụ chất béo trong các tế bào gan.

Khuyến cáo về chế độ ăn uống:

  • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều calo
  • Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ
  • Bệnh gan ứ sắt

Bệnh gan ứ sắt là một rối loạn chuyển hóa sắt tại gan bẩm sinh do di truyền, gây ra tình trạng tích tụ sắt trong gan cũng như còn ở các cơ quan khác.

Khuyến cáo về chế độ ăn uống:

  • Không ăn thực phẩm có chất sắt
  • Không sử dụng nồi, chảo sắt để chế biến thức ăn
  • Không uống thuốc với sắt
  • Không ăn thịt động vật có vỏ chưa qua nấu chín
  • Bệnh Wilson

Bệnh Wilson là bệnh lý gây ra sự tích tụ của đồng trong cơ thể.

Khuyến cáo về chế độ ăn uống:

  • Hạn chế thực phẩm có đồng như sô cô la, các loại hạt, động vật có vỏ và nấm
  • Không sử dụng nồi đồng để chế biến thức ăn
Thay đổi chế độ ăn có thể tăng khả năng thụ thai
Chế độ ăn uống được thay đổi phù hợp với từng bệnh lý gan mật

Chế độ ăn uống có mối liên kết trực tiếp đến sức khỏe của gan, người bị bệnh gan nên ăn uống như thế nào là một điều rất đáng được quan tâm để bảo vệ sức khỏe toàn diện. Những thông tin trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những loại thực phẩm mà bệnh gan mật nên ăn gì, bệnh gan mật nên kiêng gì để người bệnh sẽ có cách lựa chọn thực phẩm đúng đắn, giữ gìn chức năng của gan dài lâu.

Khoa nội tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những khoa khám và điều trị các bệnh lý về gan uy tín, được người bệnh và giới chuyên môn đánh giá cao. Tại đây, đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, có tâm với nghề, nhiệt huyết và giàu kinh nghiệm giúp người bệnh có những phác đồ điều trị hiệu quả nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: liverfoundation.org, britishlivertrust.org.uk, medlineplus.gov, health.qld.gov.au

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

35.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Chủ đề: Gan Viêm B Bệnh dinh chế Ung độ
Bài viết liên quan