Các thuốc trị sỏi mật thường dùng

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huyền Nhung - Bác sĩ Nội Tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Sỏi mật là bệnh lý đường tiêu hóa, xảy ra khi có sự xuất hiện của các loại sỏi trong túi mật, đường dẫn mật trong gan hoặc ống mật chủ. Điều trị nội khoa bằng cách sử dụng các loại thuốc trị sỏi mật là 1 trong những phương pháp tác dụng hiệu quả trong việc bài sỏi ra ngoài cơ thể.

1. Khi nào cần dùng các thuốc điều trị bệnh sỏi mật?

Thuốc điều trị sỏi mật thường được chỉ định trong các trường hợp:

  • Sỏi mật chưa gây ra biến chứng và kích thước của sỏi còn nhỏ (kích thước không lớn hơn 1cm, chiếm diện tích chưa đến 2/3 túi mật).
  • Sỏi mật chưa bị canxi hóa hay vôi hóa, số lượng sỏi còn ít.
  • Chức năng túi mật vẫn còn tốt.
  • Ống dẫn mật không bị tắc, nghẹt.
  • Không dùng đồng thời các thuốc trị sỏi mật với những loại thuốc trị bệnh đường tiêu hóa nghiêm trọng hay các thuốc trị bệnh gan, các thuốc giảm mỡ, các thuốc dạ dày.
  • Ngoài ra, thuốc trị sỏi túi mật cũng được dùng trong một số trường hợp người bệnh chưa muốn phẫu thuật hoặc có các chống chỉ định với phẫu thuật.
  • Đại đa số các thuốc điều trị sỏi mật đều có chống chỉ định với phụ nữ đang cho con bú và các thai phụ, nếu cần dùng cho các đối tượng này cần phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Những nhóm thuốc có tác dụng điều trị sỏi mật bao gồm: Các thuốc nhóm Tây y, Đông y hoặc thuốc nam.

2. Các thuốc Đông y, thuốc nam tác dụng điều trị sỏi mật

Theo Đông y, sỏi mật thuộc phạm trù của các chứng can khí thống hoặc hoàng đản. Nhiều thảo dược tự nhiên được dùng như cách trị sỏi mật tại nhà.

Trong đó, 8 vị thuốc chính được kê trong đơn thuốc gồm: Kim tiền thảo, Uất kim, Chi tử, Nhân trần, Hoàng bá, Sài hồ, Diệp hạ châu, Chỉ xác.

  • Uất kim (củ nghệ) chứa hoạt chất curcumin có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành sỏi túi mật, tăng co bóp túi mật, giúp tăng cường dòng chảy của mật hoặc hiệu quả đẩy bùn mật trong túi mật ra ngoài.
  • Chi tử là hạt của quả dành dành. Hoạt chất Crotin, Genipin, Crocetin trong vị thuốc này có tác dụng lợi mật, tăng đào thải chất bilirubin, từ đó hạn chế khả năng hình thành sỏi bilirubin. Chi tử có tác dụng giảm men gan, chống lại quá trình oxy hóa của các tế bào gan.
  • Hoàng bá có hoạt chất Berberin, có tác dụng tăng tiết dịch mật. Ngoài ra vị thuốc này còn được ví như kháng sinh đông y, thường dùng để hỗ trợ điều trị viêm túi mật do sỏi hoặc cải thiện rối loạn vận động đường mật.
  • Sài hồ có tác dụng lợi mật, bảo vệ tế bào gan, giảm những triệu chứng đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, buồn nôn. Ngoài ra, Sài hồ còn có hiệu quả kháng viêm, giảm đau gây ra do sỏi mật.
  • Nhân trần là vị thuốc có tác dụng tăng tiết dịch mật, cải thiện quá trình bài xuất mật, chống viêm, giảm đau hiệu quả nhất là ở giai đoạn bệnh cấp tính. Ngoài ra, vị thuốc còn có khả năng bảo vệ tế bào gan.
  • Diệp hạ châu: Vị thuốc có chứa Phyllanthin và nhiều chất oxy hóa, có khả năng bảo vệ các tế bào gan, tăng cường chức năng gan. Khi gan khỏe mạnh sẽ cải thiện chất lượng dịch mật, từ đó hỗ trợ điều trị sỏi mật.
  • Chỉ xác có tác dụng tăng nhu động ruột, làm giảm trương lực cơ trơn ở ruột và chống co thắt. Từ đó làm giảm những triệu chứng đầy hơi, buồn nôn, khó tiêu... do sỏi mật gây ra.
  • Kim tiền thảo là vị thuốc có tác dụng ức chế sự kết tinh, hiệu quả trong điều trị các sỏi sắc tố hoặc sỏi vôi hóa. Kim tiền thảo kích thích tăng bài tiết dịch mật, giúp tăng vận động đường mật từ đó hạn chế khả năng hình thành sỏi và làm giảm triệu chứng đau do co thắt.

Để đạt hiệu quả tốt, nên sử dụng những vị thuốc nam này giai đoạn sớm, tốt nhất là ngay từ khi phát hiện ra sỏi mật và kết hợp cùng lúc 8 vị thảo dược. Hiện nay đã có sản phẩm dành cho người bệnh sỏi mật chứa 8 thảo dược đang được cấp phép lưu hành, người bệnh có thể tham khảo sử dụng.

thuốc trị sỏi mật
8 thảo dược quý là giải pháp giúp tan sỏi mật hiệu quả, an toàn

3. Các loại thuốc Tây y trong điều trị sỏi mật

Nhóm thuốc Tây y hiệu quả trị sỏi mật là các thuốc sau: Thuốc giảm đau, thuốc làm tan sỏi mật và thuốc điều trị biến chứng.

3.1. Các thuốc giảm đau trong điều trị bệnh sỏi mật

Nguyên nhân đau trong bệnh lý sỏi mật là do có sự co thắt đường dẫn mật và túi mật.

Các thuốc giảm đau tác dụng hướng cơ như: Alverin, Atropin, Papaverin... qua cơ chế tác dụng huỷ những cơn co thắt ở tế bào cơ trơn. Ngoài ra, còn có các thuốc giảm đau khác như Visceralgin hoặc các thuốc thuộc nhóm chống viêm giảm đau nhóm NSAID...

Mỗi loại thuốc sẽ phù hợp với các mức độ đau khác nhau, người bệnh sẽ được các bác sĩ tư vấn trước khi sử dụng. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng nhiều nhóm thuốc giảm đau vì có thể làm lu mờ triệu chứng, gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình chẩn đoán.

  • Papaverin: Thường dùng trong những cơn đau quặn mật hoặc cơn đau xuất phát từ nguyên nhân tăng nhu động của hệ ống tiêu hóa.
  • Visceralgin: Thuốc có tác dụng chống co thắt cơ trơn trên cả đường tiêu hóa, sinh dục và tiết niệu. Người bệnh có thể dùng thuốc này để giảm đau bước đầu.
  • Các thuốc giảm đau chống viêm NSAID: Thuốc không có tác dụng chống co thắt cơ trơn và giảm những cơn đau nội tạng nhưng qua nhiều nghiên cứu nhận thấy sử dụng các thuốc chống viêm NSAID vẫn có tác dụng giảm đau trong điều trị bệnh lý sỏi mật.

3.2. Thuốc có tác dụng làm tan sỏi mật

Các thuốc nhóm này có tác dụng hòa tan sỏi cholesterol do làm giảm luồng mật của cholesterol, thay đổi tỉ số giữa phospholipid và acid mật trên cholesterol.

Hiện nay, các thuốc tan sỏi mật được dùng phổ biến chủ yếu là Acid ursodeoxycholic (ursodiol), Acid chenodeoxycholic và Rowachol.

Thuốc acid ursodeoxycholic:

  • Đây là thuốc trị sỏi túi mật và điều trị xơ gan mật nguyên phát. Trên thực tế, axit ursodeoxycholic có bản chất là acid mật, cũng là một loại thuốc tác dụng bảo vệ gan. Cơ chế của thuốc là làm giảm lượng cholesterol thừa trong máu, giúp làm tan sỏi túi mật thành phần chủ yếu là cholesterol. Thuốc cũng giúp cải thiện men gan, bảo vệ các tế bào gan khỏi tổn thương do axit mật độc hại gây ra.
  • Thời gian điều trị với thuốc acid ursodeoxycholic có thể kéo dài trong 2 năm. Các tác dụng không mong muốn trong quá trình người bệnh dùng bao gồm tiêu chảy, buồn nôn và phát ban ngứa, ... Thuốc không được dùng trong những trường hợp sỏi sắc tố hay sỏi bị vôi hóa.
  • Người bệnh cần kiểm tra những enzym gan và siêu âm ổ bụng định kỳ 6 tháng 1 lần. Sau khi sỏi mật đã tan hết, người bệnh cần duy trì uống thuốc thêm từ 1 tháng tới 3 tháng. Thời gian điều trị dùng thuốc lâu dài nhưng nguy cơ tái phát sỏi mật sau điều trị khá cao.

Thuốc Acid chenodeoxycholic:

  • Đây là một axit mật chính, tổng hợp tại gan và có nồng độ cao trong mật. Thuốc được sử dụng trong điều trị sỏi mật để làm tan sỏi cholesterol. Thuốc hiệu quả nhờ hòa tan cholesterol tạo sỏi mật và ức chế quá trình sản xuất cholesterol trong gan, giảm hấp thụ cholesterol ở ruột, từ đó giảm sự hình thành sỏi mật. Thuốc cũng có thể làm giảm lượng axit mật khác gây hại cho các tế bào gan khi mức độ tăng cao.
  • Khi dùng trong 2 năm trở lên, thuốc có thể làm tan sỏi mật cholesterol ở 15 đến 30% người bệnh. Thuốc có hiệu quả nhất đối với sỏi mật nhỏ đường kính dưới 15mm. Thuốc không có hiệu quả đối với sỏi mật đã vôi hóa, sỏi sắc tố mật hoặc ở người bệnh có bất thường về hoạt động túi mật.
  • Tuy nhiên, ngay cả khi điều trị sỏi thành công, khả năng tái phát vẫn cao tới 50% trong vài năm sau khi ngừng thuốc.

Thuốc Rowachol:

  • Bản chất của thuốc là hỗn hợp tinh dầu. Thuốc Rowachol có tác dụng giảm tiết cholesterol từ gan và tác dụng lợi mật, từ đó giúp bào mòn sỏi mật dần dần. Liệu trình điều trị sỏi mật bằng thuốc Rowachol cũng kéo dài tối thiểu khoảng 6 tháng đến 2 năm. Các tác dụng phụ không mong muốn trên đường tiêu hoá của thuốc gây khó chịu như tiêu chảy, chậm tiêu, đầy trướng...

3.3. Các thuốc điều trị biến chứng bệnh sỏi mật

Các biến chứng của bệnh sỏi mật bao gồm: Viêm túi mật, viêm tụy cấp, nhiễm khuẩn đường mật, hoại tử túi mật, rỉ đường mật, ứ nước túi mật, thấm mật phúc mạc, tắc mật cấp do sỏi ống mật chủ hoặc xơ gan do ứ mật...Có những biến chứng rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe.

Các thuốc chữa biến chứng của bệnh bao gồm:

  • Các kháng sinh nhóm Metronidazol, Aminoglycosid, kháng sinh Quinolon hoặc Colistin dùng trong trường hợp biến chứng gây viêm và nhiễm khuẩn.
  • Ngoài ra, người bệnh có thể được sử dụng thêm những thuốc lợi mật, thông mật như thuốc Sulphatmagnesie, Atiso (artichaut) hoặc Sorbitol...

Trên đây là các thông tin về thuốc điều trị bệnh lý sỏi mật thường dùng. Việc sử dụng thuốc trị sỏi túi mật cần phải được sự chỉ định từ các bác sĩ chuyên khoa dựa trên kết quả thăm khám, chẩn đoán bệnh. Người bệnh cần tuân thủ đúng liều dùng, thời gian sử dụng để hiệu quả sử dụng thuốc là cao nhất, hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn. Bên cạnh các thuốc Tây y, việc sử dụng những cây thuốc nam chữa sỏi mật ngay từ giai đoạn sớm giúp giảm nhanh các triệu chứng và duy trì kết quả điều trị lâu dài.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan