Các thuốc điều trị viêm loét dạ dày, thực quản

Các thuốc điều trị viêm loét dạ dày thực quản ngày càng có hiệu quả, giúp người bệnh hạn chế nguy cơ phải điều trị bằng ngoại khoa (phẫu thuật). Có thể xếp các loại biệt dược chống viêm loét dạ dày, thực quản vào các nhóm dưới đây.

1. Nhóm thuốc chống acid chlorhydrique

Các thuốc này có tác dụng trung hòa ion H của HCl, giúp độ pH tăng lên 3, làm thay đổi tính acid (khả năng gây loét) trong khi pH không thay đổi nhiều (còn gọi là khả năng đệm). Có 2 loại thuốc chống acid thường được sử dụng là:

  • Thuốc chống acid ion (-) anion: Có tác dụng trung hòa nhanh, mạnh nhưng không có khả năng đệm. Hiện, nhóm thuốc này ít dùng trong các trường hợp viêm cấp hoặc rối loạn cơ năng dạ dày, chỉ dùng trong 1 - 2 ngày;
  • Thuốc chống acid ion (+) cation: Các thuốc này đều có khả năng đệm tốt. Một số loại thuốc là: Maalox, Polisilane gel, Phosphalugel, Gastevin, Barudon,... Loại thuốc này cần uống nhiều lần trong ngày để có thể duy trì độ pH luôn trên 3 - 3,5, uống sau khi ăn (không dùng trước khi ăn vì sẽ gây tác dụng ngược). Các thuốc này có tác dụng ngăn chặn cơ thể hấp thụ các thuốc khác. Vì vậy, nếu cần dùng kèm thêm loại thuốc khác thì bạn cần uống thuốc đó sau khi uống thuốc chống acid ít nhất 2 giờ.

2. Các thuốc chống bài tiết ức chế thụ thể H2

Cimetidin (Cimet hay Tagamet) được đưa vào sử dụng vào năm 1978. Đến nay, đã có nhiều thế hệ thuốc thuộc nhóm này với tác dụng mạnh dần, tác dụng phụ ít dần qua các thế hệ sau nên liều dùng cũng ít hơn.

Cách sử dụng các thuốc điều trị viêm loét dạ dày nhóm này như sau:

  • Cimetidin: Khoảng liều là 400 - 800mg, dạng thuốc là viên nén 200mg - 300mg - 400mg hoặc tiêm 300mg/2ml. Cách dùng thuốc là uống 1 lần/ngày vào buổi chiều, tốt hơn uống nhiều lần;
  • Ranitidine: Khoảng liều là 150 - 300mg, dạng thuốc là viên nén 150mg - 300mg hoặc tiêm 50mg/2ml. Cách dùng thuốc là uống 1 lần/ngày vào buổi chiều;
  • Nizatidine: Khoảng liều là 20 - 40mg, dạng thuốc là viên nén 10mg - 20mg - 30mg hoặc tiêm 50mg/2ml. Cách dùng thuốc là uống 1 lần/ngày vào buổi chiều;
  • Famotidine (Servipep, Quamatel): Khoảng liều là 30 - 40mg, dạng thuốc là viên nén 20mg - 40mg. Cách dùng thuốc là uống 1 lần/ngày vào buổi chiều;

Lưu ý: Các thuốc trên ngoài tác dụng điều trị viêm loét dạ dày thực quản còn dùng để trị chứng trào ngược, tăng acid hoặc dự phòng viêm loét tái phát.

điều trị viêm loét dạ dày
Cimetidin được sử dụng là thuốc điều trị viêm loét dạ dày

3. Nhóm thuốc tạo màng bọc

Nhóm thuốc điều trị viêm loét thực quản, dạ dày này có khả năng kết dính với dịch nhầy trong dạ dày thành 1 màng bao bọc niêm mạc dạ dày và đáy ổ loét. Nó cũng có tác dụng trung hòa acid dạ dày nhưng yếu hơn so với thuốc chống acid.

Các thuốc thuộc nhóm này là:

  • Silicate Al (Kaolin, Smecta), Silicate Mg (Gastropulgite), Bismuth (Subcitrate Bismuth hay CBS): Có tác dụng tạo màng bọc và tiêu diệt vi khuẩn Helicobacter Pylori. Liều dùng là: 120mg/lần x 4 lần/ngày, sử dụng trong 30 ngày rồi ngừng thuốc;
  • Sucralfate (Ulcer, Sucrate gel, Keal, Sucrabest,...): Có khả năng gắn với protein của dịch nhầy dạ dày rất chắc, không bị mật phá hủy, ngăn chặn nguy cơ tái hấp thu ion H+ và kích thích dạ dày sản xuất prostaglandin. Liều dùng là 1g/lần x 3 - 4 lần/ngày, dùng trước khi ăn;
  • Prostaglandin: Chỉ sử dụng loại prostaglandin E1 và E2. Tác dụng của chúng là: Chống bài tiết acid dạ dày, kích thích tiết chất nhầy dạ dày và bicarbonate, cải thiện lưu lượng máu tới dạ dày. Thuốc này ít dùng để điều trị viêm loét dạ dày thực quản mà chủ yếu dùng để phòng ngừa loét dạ dày tá tràng khi sử dụng thuốc chống viêm không steroid hoặc aspirin. Biệt dược là Enprostol và Misoprostol. Liều dùng là 200mg/lần x 4 lần/ngày hoặc 400mg/lần x 2 lần/ngày, dùng trong khi ăn và trước khi ngủ.

4. Các thuốc ức chế bơm proton

Các thuốc nhóm này có tác dụng ức chế men H+/K+ ATPase, khiến các tế bào không bơm H+ ra ngoài (tức là không tiết dịch HCl). Nhóm này có nhiều biệt dược khác nhau với cách dùng như sau:

  • Lansoprazole: Khoảng liều là 15mg - 30mg, dạng thuốc là viên nang 15mg - 30mg. Cách dùng là uống 1 lần/ngày, dùng 4 - 6 tuần;
  • Omeprazole: Khoảng liều là 20mg - 40mg, dạng thuốc là viên nang 20mg - 40mg hoặc thuốc tiêm 40mg/ống. Cách dùng là uống 1 lần/ngày, dùng 4 - 6 tuần (trẻ em trên 1 tuổi thì dùng 1mg/kg, không quá 20mg/ngày). Với thuốc tiêm thì tiêm chậm 5 phút, không quá 4ml/phút;
  • Pantoprazole: Khoảng liều là 40mg, dạng thuốc là tiêm 40mg/ống hoặc viên nang 20mg - 40mg. Cách dùng là tiêm chậm IV: 2 - 3 phút hoặc uống 1 lần/ngày, dùng trong vòng 4 - 8 tuần;
  • Rabeprazole: Khoảng liều là 20mg, dạng thuốc là viên nén 10mg - 20mg. Cách dùng là uống 1 lần/ngày, dùng trong vòng 4 - 8 tuần;
  • Esomeprazol: Khoảng liều là 20mg - 40mg, dạng thuốc là viên nén 20mg - 40mg. Cách dùng là uống 1 lần/ngày, dùng trong vòng 4 - 8 tuần.

Lưu ý: Ngoài tác dụng chống loét, các thuốc trên còn có tác dụng trị chứng trào ngược dạ dày - thực quản, tiêu diệt vi khuẩn Helicobacter Pylori (khi phối hợp với một số thuốc khác).

điều trị viêm loét dạ dày
Selbex được sử dụng để điều trị viêm loét dạ dày thực quản

5. Các thuốc điều trị viêm loét dạ dày thực quản khác

5.1 Mucosta hoặc Rebamipide

Các thuốc này có tác dụng kích thích niêm mạc dạ dày tiết ra Prostaglandin, cải thiện chất lượng của chất nhầy dạ dày (bằng cách tăng thành phần Glycoprotein, ức chế sự bám dính của vi khuẩn Helicobacter Pylori vào niêm mạc dạ dày, ức chế các bạch cầu trung tính sản sinh Cytokine,...). Nhờ đó, nó giúp làm lành ổ loét, ngăn ngừa loét tái phát và giảm triệu chứng viêm của các đợt viêm dạ dày cấp tính, ngăn ngừa loét dạ dày tá tràng do các thuốc chống viêm không steroid.

Các thuốc này có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc ức chế H2 hoặc thuốc tạo màng bọc, thuốc chống acide. Liều lượng dùng thuốc là viên nén 100mg x 3 lần/ngày, hầu như không có tác dụng phụ.

5.2. Thuốc điều trị viêm loét dạ dày thực quản Selbex

Thuốc Selbex (có chứa Teprenone) có tác dụng kích thích dạ dày tiết chất nhầy. Thuốc này được sử dụng để phối hợp với các thuốc khác, giúp làm tăng tỷ lệ liền sẹo và giúp liền sẹo nhanh hơn, giảm tỷ lệ tái phát viêm loét dạ dày và giảm tổn thương ở trường hợp bị viêm dạ dày cấp.

Liều dùng: Viên nén 50mg x 3 lần/ngày sau ăn. Thuốc cũng có rất ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, không dùng thuốc cho trẻ em và phụ nữ có thai vì hiện chưa có thông tin đầy đủ về ảnh hưởng của thuốc trên các đối tượng này.

Trên đây là thông tin cơ bản về các thuốc điều trị viêm loét dạ dày thực quản. Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý, nếu có dấu hiệu mắc bệnh viêm loét dạ dày, thực quản cần đi khám để được bác sĩ chỉ định chính xác về liều dùng, thời gian điều trị. Bệnh nhân tuyệt đối không sử dụng thuốc khi chưa được bác sĩ tư vấn để tránh gặp phải những ảnh hưởng không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

43K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan