14 lý do khiến bạn đau dạ dày

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Huy Bình - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Mọi người đều sẽ có lúc bị đau bụng dạ dày thoáng qua và không đáng lo ngại. Nhưng trong vài trường hợp, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và các triệu chứng kèm theo, bạn có thể cần đến khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân gây đau bao tử là gì.

1. Viêm dạ dày

Chất dịch trong dạ dày giúp bạn tiêu hóa thức ăn có chứa rất nhiều axit. Đôi khi những hóa chất này vượt ra khỏi “hàng rào bảo vệ” và kích thích niêm mạc dạ dày.

Tình trạng này được gọi là viêm dạ dày. Vi khuẩn, lạm dụng thuốc giảm đau (như ibuprofen), uống nhiều rượu hoặc căng thẳng là những yếu tố góp phần khiến bạn bị đau dạ dày. Có trường hợp bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng axit hoặc một số loại thuốc kê đơn không kê đơn. Tuy nhiên không nên chủ quan vì tình trạng này có nguy cơ dẫn đến xuất huyết hoặc loét dạ dày.

Đau dạ dày
Viêm dạ dày có thể là nguyên nhân khiến bạn bị đau dạ dày

2. Loét dạ dày

Đây là những vết loét hở nằm trên niêm mạc dạ dày hoặc phần đầu của ruột non, làm bạn bị đau dạ dày. Nguyên nhân phổ biến nhất là do vi khuẩn, nhưng việc lạm dụng aspirin, ibuprofen và các thuốc giảm đau khác cũng có thể là yếu tố nguy cơ. Thêm vào đó, những người hút thuốc hoặc uống rượu thường xuyên cũng dễ bị loét dạ dày hơn. Tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng này sẽ được điều trị bằng kháng sinh hoặc thuốc theo toa để làm giảm axit dạ dày.

3. Virus dạ dày

Còn được gọi là “Cúm dạ dày”, xuất hiện do nhiễm virus trong ruột. Bệnh nhân có thể bị đau dạ dày, tiêu chảy, chuột rút hoặc buồn nôn và ói mửa thật sự. Bệnh lây truyền từ người mắc sang người lành hoặc từ thực phẩm bị ô nhiễm. Không có biện pháp điều trị cụ thể vì virus dạ dày thường tự biến mất. Nhưng vẫn cần đến khám bác sĩ nếu bạn bị sốt, nôn mửa, mất nước hoặc nôn hay đi tiêu ra máu.

4. Ngộ độc thực phẩm

Vi khuẩn, virus và ký sinh trùng trong thực phẩm hoặc xử lý thực phẩm không đúng cách là những nguyên nhân gây ngộ độc. Nạn nhân có thể bị tiêu chảy, đau bụng dạ dày, buồn nôn và nôn.

Ngộ độc thực phẩm thường tự khỏi, nhưng cần đi khám bác sĩ nếu có dấu hiệu mất nước, nôn hay đi tiêu ra máu, hoặc bị tiêu chảy nặng và kéo dài hơn 3 ngày. Cũng nên đến bệnh viện ngay trong trường hợp người đang mắc bệnh hoặc có hệ miễn dịch yếu mà lại xuất hiện triệu chứng ngộ độc thực phẩm.

Đau dạ dày
Người bị ngộ độc thực phẩm có thể bị tiêu chảy, đau bụng dạ dày, buồn nôn và nôn

5. Viêm túi thừa

Những túi thừa nhỏ nằm ở phần dưới của ruột già, khi bị viêm sẽ sưng phình bên trong lớp lót của hệ tiêu hóa. Viêm túi thừa khá phổ biến và thường không để lại vấn đề nghiêm trọng. Nhưng nếu chúng bị nhiễm trùng có thể khiến bạn bị đau bụng dữ dội, buồn nôn và thay đổi nhu động ruột. Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh nghỉ ngơi và thay đổi chế độ ăn uống để giảm bớt triệu chứng, cũng như có thể kê toa thuốc kháng sinh.

6. Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng này ảnh hưởng chủ yếu đến ruột già (còn gọi là đại tràng), gây co thắt, đầy hơi và tạo chất nhầy trong phân. Hội chứng ruột kích thích cũng có thể liên quan đến tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón. Hiện nay các chuyên gia vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác, song những yếu tố như: thực phẩm, căng thẳng, hormone và nhiễm trùng có thể đóng vai trò. Bác sĩ sẽ giúp bạn kiểm soát các triệu chứng thông qua hướng dẫn thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, cũng như chỉ định một số loại thuốc nhất định.

7. Không dung nạp Lactose

Lactose là đường trong sữa và các sản phẩm từ sữa khác. Nếu bạn không có đủ enzyme lactase, cơ thể sẽ gặp khó khăn trong việc phá vỡ lactose. Điều này có thể dẫn đến tiêu chảy, đầy hơi và đau bụng dạ dày. Tuy không có cách chữa trị, nhưng bạn có thể kiểm soát tình trạng này bằng cách hạn chế sữa trong chế độ ăn uống hàng ngày hoặc uống thuốc một số thuốc không cần kê đơn.

8. Viêm vùng chậu

Còn gọi là viêm cơ quan sinh sản, thường xảy ra ở phụ nữ và kèm theo một bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như nhiễm khuẩn chlamydia hoặc lậu.

Bên cạnh đau bụng, người bệnh cũng có thể bị sốt, tiết dịch bất thường và đau hoặc chảy máu khi quan hệ tình dục. Nếu được phát hiện sớm, viêm vùng chậu có thể được chữa khỏi, thường là bằng kháng sinh. Nhưng nếu để bệnh diễn tiến quá lâu, hệ sinh sản của người phụ nữ có thể bị tổn thương.

9. Dị ứng thực phẩm

Tình trạng này xảy ra khi cơ thể phản ứng nhầm với một loại thực phẩm nào đó, cho rằng chúng có hại và cố gắng chống lại. Ngoài bị đau dạ dày, các triệu chứng khác như ngứa ran và sưng ở miệng, cổ họng... cũng xuất hiện.

Trong trường hợp nghiêm trọng, dị ứng thực phẩm có thể gây sốc phản vệ, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị bằng epinephrine ngay lập tức. Hải sản, các loại hạt, trứng, đậu phộng và sữa là một vài trong những tác nhân có nguy cơ gây ra dị ứng.

10. Viêm ruột thừa

Đau dạ dày
Khi ruột thừa bị viêm thường được phẫu thuật loại bỏ

Ruột thừa là một cơ quan hình ngón tay, nằm ở đầu đại tràng, cụ thể là phần dưới bên phải của bụng. Các bác sĩ không rõ tác dụng của ruột thừa, nên khi ruột thừa bị viêm thì thường được phẫu thuật loại bỏ. Nếu vỡ, ruột thừa có thể làm lây lan vi khuẩn ra ổ bụng. Cơn đau bắt đầu xuất hiện ở rốn, sau đó lan xuống bên phải là triệu chứng điển hình. Đến bệnh viện ngay lập tức nếu bạn phát hiệu các dấu hiệu của viêm ruột thừa.

11. Đau sỏi mật

Sỏi mật hình thành từ dịch tiết tiêu hóa, gây đau khi nằm chặn các ống dẫn giữa gan, tuyến tụy, túi mật và ruột non. Triệu chứng phổ biến nhất là đau bụng, nếu cơn đau nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn vài giờ thì nên đến gặp bác sĩ ngay.

Bạn cũng có thể bị buồn nôn, nôn, sốt, nước tiểu vàng (màu trà) và phân sáng màu. Mặc dù có trường hợp những viên sỏi di chuyển hoặc tự tan ra khỏi cơ thể, nhưng bạn sẽ cần phẫu thuật nếu tình hình không cải thiện.

12. Thoát vị bẹn

Thoát vị xảy ra khi một phần ruột trượt qua khỏi vùng bụng và sa xuống bẹn. Khúc ruột sẽ bị xoắn hoặc di chuyển, và không thể được cung cấp máu nên gây đau bụng dữ dội. Phẫu thuật là biện pháp cần thiết để nhanh chóng khắc phục vấn đề.

13. Táo bón

Tập thể dục, uống nhiều nước và ăn thực phẩm giàu chất xơ (như mận khô và ngũ cốc nguyên hạt) có thể hỗ trợ giảm táo bón. Nhưng nếu bạn thường xuyên đi đại tiện ít hơn 3 lần/tuần, hoặc phải rặn nhiều mỗi lần đi và phân bị vón cục cứng, thì đây có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn và bạn cần trình bày sớm với bác sĩ.

14. Viêm tụy

Tuyến tụy là cơ quan giúp cơ thể xử lý đường glucose cũng như tiêu hóa thức ăn. Khi tụy bị viêm, bạn có thể buồn nôn, ói mửa, đau bụng dạ dày... cơn đau sẽ trở nên tồi tệ hơn sau khi ăn. Các trường hợp nhẹ sẽ tự khỏi, nhưng trường hợp nặng nhiều khả năng gây nguy hiểm. Bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân ngừng ăn trong 1 - 2 ngày và cho uống thuốc giảm đau. Nếu tình trạng không cải thiện, bạn có thể phải vào bệnh viện để được truyền nước và dinh dưỡng.

Đau bụng dạ dày là tình trạng khá phổ biến và có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý khác nguy hiểm hơn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng bị đau dạ dày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như công việc của người bệnh. Vì thế việc chú ý những triệu chứng sớm và tìm ra nguyên nhân gây đau bao tử là gì đóng vai trò quan trọng để điều trị thành công.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

54.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan