13 biện pháp khắc phục tại nhà để giảm táo bón một cách tự nhiên

Táo bón là một trong những vấn đề tiêu hóa cực kỳ phổ biến. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ một chế độ ăn uống kém dinh dưỡng, lối sống, sử dụng thuốc hoặc các tình trạng y tế khác. Nếu không chữa táo bón sớm có thể gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe nói chung của người bệnh.

1. Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể

Khi cơ thể bị mất nước thường xuyên có thể dẫn đến bệnh táo bón. Chính vì vậy, để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh táo bón, bạn nên chú trọng đến việc cung cấp và giữ đủ nước cho cơ thể.

Bệnh táo bón có thể giảm nhẹ hơn khi bạn nhanh chóng bù nước cho cơ thể, chẳng hạn như uống nước có ga. Một số nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, nước có ga có thể giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh táo bón hơn so với nước máy. Đặc biệt, nó cũng rất phù hợp để sử dụng cho những người mắc chứng khó tiêu, hoặc những người bị táo bón vô căn mãn tính (CIC).

Tuy nhiên, bạn không nên lựa chọn các loại đồ uống có ga chứa nhiều đường, chẳng hạn như nước ngọt, vì những loại đồ uống này thường tiềm ẩn những nguy cơ gây hại tới sức khỏe, thậm chí có thể khiến cho tình trạng táo bón của bạn trở nên nghiêm trọng hơn.

Một số bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích (IBS) đã cho biết các triệu chứng của họ dường như không những không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu xấu đi sau khi họ uống nước có ga chứa nhiều đường. Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của nước có ga đem lại cho sức khỏe nói chung và đối với tình trạng táo bón của bạn nói riêng, bạn hãy trở thành một nhà tiêu dùng thông thái trong việc lựa chọn đồ uống tốt cho sức khỏe, ví dụ như uống nước khoáng tự nhiên có ga.

Mẹ nên uống nhiều nước để tăng tiết sữa
Bệnh táo bón có thể giảm nhẹ hơn khi bạn nhanh chóng bù nước cho cơ thể

2. Bổ sung nhiều chất xơ hòa tan để chữa táo bón

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thường khuyến cáo những bệnh nhân mắc chứng táo bón nên tăng cường bổ sung chất xơ thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày để chữa táo bón.

Trên thực tế, khi cung cấp một lượng lớn chất xơ cho cơ thể sẽ giúp làm tăng độ đặc và khối lượng của nhu động ruột, từ đó giúp bạn dễ đi tiêu hơn. Kết quả của một cuộc nghiên cứu vào năm 2016 đã cho thấy, hơn 70% những bệnh nhân bị táo bón mãn tính đã có các dấu hiệu cải thiện bệnh rất tích cực khi bổ sung chất xơ từ chế độ ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến trái chiều từ những người khác. Họ thấy rằng việc tăng hàm lượng chất xơ hấp thụ vào cơ thể khiến cho tình trạng táo bón của họ tồi tệ hơn trước vì lượng chất xơ từ chế độ ăn uống chỉ giúp cải thiện tần suất đi đại tiện, nhưng không giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh táo bón, bao gồm đau bụng, phân khô cứng và đầy hơi.

Điều này bắt nguồn từ việc bổ sung các loại chất xơ khác nhau ở mỗi bệnh nhân, nghĩa là mỗi loại chất xơ sẽ có những tác động riêng biệt tới tiêu hóa. Nhìn chung, chất xơ được chia thành 2 loại chính, bao gồm chất xơ hòa tanchất xơ không hòa tan. Chất xơ hòa tan thường có nhiều trong lúa mạch, yến mạch, đậu, đậu lăng, đậu Hà Lan, các loại hạt và một số loại trái cây khác. Chúng có khả năng hấp thụ nước và tạo thành một loại gel hỗn hợp, giúp cải thiện độ đặc của phân và làm mềm phân hơn. Trong khi đó, các chất xơ không hòa tan được tìm thấy nhiều trong rau, cám lúa mì và một số loại ngũ cốc nguyên hạt. Loại chất xơ này có tác dụng giúp phân di chuyển nhanh và dễ dàng hơn qua hệ tiêu hóa của cơ thể.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, chất xơ hòa tan là một lựa chọn tuyệt vời cho những người đang điều trị bệnh táo bón, vì chúng không lên men được, chẳng hạn như psyllium. Nghiên cứu đã tiết lộ rằng, sử dụng psyllium mang lại hiệu quả điều trị táo bón gấp 3,4 lần so với cám lúa mì không hòa tan. Tuy nhiên, cũng có một số loại chất xơ hòa tan có thể lên men và không mang lại hiệu quả điều trị bệnh táo bón, vì chúng đã bị những vi khuẩn trong ruột lên men và làm mất khả năng giữ nước.

Đối với chất xơ không hòa tan, chúng cũng mang lại những tác động khác nhau đối với việc điều trị bệnh táo bón. Một số người có các vấn đề về chức năng ruột, chẳng hạn như táo bón vô căn mãn tính hoặc IBS cảm thấy tình trạng táo bón của họ trở nên xấu đi khi tiêu thụ các chất xơ không hòa tan.

Để ngăn ngừa bệnh táo bón, bạn nên tiêu thụ cân bằng giữa các chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Thông thường, tổng lượng chất xơ được khuyến nghị hàng ngày là 38g đối với nam giới và 25g đối với nữ giới.

3. Tăng cường tập thể dục

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tăng cường luyện tập thể dục có thể giúp bạn cải thiện được các triệu chứng khó chịu của bệnh táo bón và dễ đi tiêu hơn.

Đặc biệt, những bệnh nhân mắc IBS nên luyện tập các bài tập thể dục ở mức vừa phải, chẳng hạn như đi bộ nhanh, bơi lội hoặc đạp xe để có thể cải thiện những triệu chứng tiêu hóa cũng như chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, bạn nên hạn chế các bài tập thể dục mạnh mẽ, chẳng hạn như chạy bộ, vì chúng có thể khiến cho triệu chứng của táo bón trở nên tồi tệ hơn trong một số trường hợp nhất định.

4. Uống cà phê

Một số người cảm thấy sau khi uống cà phê, họ có cảm giác muốn đi vệ sinh hơn. Thực tế, điều này là do cà phê có chứa chất cafein làm kích thích các cơ trong hệ tiêu hóa.

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, uống cà phê chứa cafein có thể kích thích các cơ tiêu hóa mạnh hơn 60% so với uống nước lọc, và khoảng 23% so với việc uống cà phê không có caffein. Ngoài ra, trong cà phê cũng chứa một lượng nhỏ chất xơ hòa tan, giúp cải thiện sự cân bằng các vi khuẩn ở đường ruột và ngăn ngừa được tình trạng táo bón.

Tuy nhiên, caffein có thể không tốt đối với những người bị hội chứng ruột kích thích, vì nó có thể làm xấu đi các triệu chứng tiêu hóa. Do đó, những bệnh nhân IBS nên loại bỏ cafein khỏi chế độ ăn uống của mình.

Rau vốn rất nhiều chất xơ, ít calo rất tốt cho sức khỏe
Bệnh nhân mắc chứng táo bón nên tăng cường bổ sung chất xơ thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày

5. Sử dụng thảo dược nhuận tràng Senna

Thảo dược nhuận tràng Senna được công nhận là an toàn và hiệu quả trong việc chữa táo bón. Sở dĩ, loại thuốc nhuận tràng này có chứa các hợp chất thực vật glycosid, có tác dụng kích thích các dây thần kinh trong ruột và làm tăng tốc độ đi tiêu.

Mặc dù Senna được coi là an toàn đối với người lớn khi sử dụng trong thời gian ngắn, tuy nhiên bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu sau vài ngày dùng thuốc mà không thể cải thiện được các triệu chứng của bệnh. Ngoài ra, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú hoặc những người mắc bệnh viêm ruột không nên sử dụng Senna để tránh các tác dụng phụ tiềm ẩn mà nó gây ra.

6. Bổ sung Probiotic

Probiotics là một loại lợi khuẩn sống trong đường ruột, có khả năng ngăn ngừa được chứng táo bón mãn tính. Chúng thường bao gồm Lactobacillus và Bifidobacteria. Bạn có thể bổ sung những lợi khuẩn này thông qua các thực phẩm chứa nhiều Probiotic như dưa cải bắp, sữa chua hoặc kim chi.

Đối với một số bệnh nhân bị táo bón mãn tính có thể bị mất đi sự cân bằng giữa các vi khuẩn sống trong đường ruột. Do đó, việc tiêu thụ nhiều loại thực phẩm chứa Probiotic sẽ góp phần cải thiện được sự mất cân bằng này, đồng thời ngăn ngừa tình trạng táo bón xảy ra.

Trong một đánh giá mới đây đã phát hiện ra rằng, khi sử dụng men vi sinh trong vòng 2 tuần có thể giúp bạn điều trị bệnh táo bón, tăng độ đặc và tần suất phân. Ngoài ra, khả năng điều trị táo bón của chúng còn bắt nguồn từ việc tạo ra các axit béo chuỗi ngắn, giúp cải thiện nhu động ruột và dễ dàng đi tiêu hơn.

7. Sử dụng thuốc nhuận tràng

Tùy thuộc vào tình trạng táo bón mà mỗi người sẽ lựa chọn một loại thuốc nhuận tràng phù hợp với mình, vì các loại thuốc nhuận tràng thường khác nhau về cách thức hoạt động, nhưng đều mang lại hiệu quả nhất định đối với bệnh táo bón.

Dưới đây là một số loại thuốc nhuận tràng phổ biến nhất, bao gồm:

  • Thuốc nhuận tràng tạo khối: Là những loại thuốc có chất xơ, giúp làm tăng hàm lượng nước trong phân.
  • Thuốc làm mềm phân: Là thuốc nhuận tràng có chứa dầu giúp phân trở nên mềm hơn và dễ dàng di chuyển qua ruột hơn.
  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Giúp làm mềm phân bằng cách kéo nước từ các mô xung quanh vào hệ tiêu hóa.
  • Thuốc nhuận tràng kích thích: Giúp tăng nhu động ruột bằng cách kích thích các dây thần kinh trong ruột.

Nếu bạn có dự định lựa chọn bất kỳ loại thuốc nào trong số trên để điều trị cho chứng táo bón lâu dài, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết được loại thuốc nào sẽ phù hợp với mình nhất.

8. Áp dụng chế độ ăn kiêng FODMAP thấp

Thực chất, táo bón chính là một triệu chứng phổ biến của hội chứng ruột kích thích (IBS). Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng những bệnh nhân mắc táo bón và IBS nên áp dụng chế độ ăn kiêng FODMAP thấp, vì nó không chỉ giúp điều trị hội chứng IBS mà còn cải thiện được các vấn đề liên quan đến táo bón.

FODMAP là viết tắt của oligosaccharide, disaccharide, monosaccharide và polyols lên men. Chế độ ăn kiêng này thường khuyến nghị hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm FODMAP cao trong một khoảng thời gian nhất định trước khi sử dụng lại chúng trong chế độ ăn uống hàng ngày. Điều này nhằm xác định được loại thực phẩm nào mà cơ thể bạn có thể dung nạp.

Đối với những người bị IBS-C (hay bị táo bón) thì việc chỉ thực hiện chế độ ăn kiêng FODMAP thấp thôi là không đủ. Họ cần chú trọng đến nhiều khía cạnh khác trong chế độ ăn uống, ví dụ như bổ sung đầy đủ chất xơ và nước để làm giảm các triệu chứng của bệnh.

Chanh cà phe
Một số người cảm thấy sau khi uống cà phê, họ có cảm giác muốn đi vệ sinh hơn

9. Bổ sung glucomannan

Glucomannan là một loại chất xơ hòa tan, được chiết xuất từ rễ của cây Konjac. Nó được xem là một giải pháp hữu hiệu trong việc ngăn ngừa bệnh táo bón.

Theo nghiên cứu cho thấy, glucomannan giúp cải thiện nhu động ruột, đồng thời cân bằng các lợi khuẩn trong đường ruột do cơ chế hoạt động giống như một prebiotic. Bạn có thể bổ sung loại chất xơ hòa tan này từ các chất bổ sung, hoặc ăn mì, konjac và shirataki.

10. Ăn thực phẩm prebiotic

Prebiotics là một loại chất xơ carbohydrate khó tiêu hóa, bao gồm inulin và oligosaccharide. Loại chất xơ này giúp cải thiện được sức khỏe của hệ tiêu hóa bằng cách tăng cường các lợi khuẩn trong đường ruột và cải thiện sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột. Chưa hết, prebiotics còn làm tăng tần suất đi đại tiện và giúp làm mềm phân hơn.

Bạn có thể bổ sung prebiotics thông qua những loại thực phẩm như atisô Jerusalem, tỏi, tỏi tây, rau diếp xoăn, chuối, hành và đậu xanh.

11. Bổ sung Magie citrate

Magie citrate là một loại thuốc nhuận tràng thẩm thấu không kê đơn, giúp điều trị bệnh táo bón rất hiệu quả.

Thông thường, bạn chỉ nên uống một lượng vừa phải chất bổ sung magie để làm giảm các triệu chứng táo bón. Đối với các ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ sử dụng chúng với liều lượng cao hơn để giúp làm sạch ruột trước khi bệnh nhân bắt đầu phẫu thuật.

12. Ăn mận khô

Mận khô được xem là một giải pháp tự nhiên giúp chữa táo bón hiệu quả. Sở dĩ, trong mận khô không chỉ chứa chất xơ mà còn bao gồm cả sorbitol – một loại rượu đường có tác dụng nhuận tràng. Thậm chí, chất xơ trong mận khô còn mang lại hiệu quả hơn so với chất xơ khác như psyllium.

Bạn nên sử dụng trung bình khoảng 7 quả mận (tương ứng với 50g) vào hai lần mỗi ngày để cải thiện các triệu chứng của bệnh táo bón. Tuy nhiên, rượu đường có trong mận khô thuộc loại thực phẩm FODMAP cao, do đó nó có thể không phù hợp dành cho những người mắc IBS.

13. Tránh sử dụng sữa

Những người không dung nạp sữa, bao gồm người lớn không dung nạp lactose và trẻ em không dung nạp protein sữa bò, nên thận trọng sử dụng chúng, vì nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động của ruột và gây táo bón.

Đối với những trường hợp trên nên loại bỏ sữa ra khỏi chế độ ăn uống, đồng thời tăng cường bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều canxi để cải thiện các triệu chứng táo bón.

Trường hợp đã áp dụng nhiều cách chữa táo bón nhưng không mang lại hiệu quả thì người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị hiệu quả. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện uy tín , được đông đảo người bệnh tin tưởng thăm khám và điều trị bệnh. Không chỉ có hệ thống cơ vật chất, trang thiết bị hiện đại: 6 phòng siêu âm, 4 phòng chụp X- quang DR (1 máy chụp toàn trục, 1 máy tăng sáng, 1 máy tổng hợp và 1 máy chụp nhũ ảnh), 2 máy chụp Xquang di động DR, 2 phòng chụp cắt lớp vi tính đa dãy đầu thu (1 máy 128 dãy và 1 máy 16 dãy), 2 phòng chụp Cộng hưởng từ (1 máy 3 Tesla và 1 máy 1.5 Tesla), 1 phòng chụp mạch máu can thiệp 2 bình diện và 1 phòng đo mật độ khoáng xương....Vinmec còn là nơi quy tụ đội ngũ các y, bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ hỗ trợ phần nhiều trong việc chẩn đoán và phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của cơ thể người bệnh. Đặc biệt, với không gian được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn, Vinmec đảm bảo sẽ mang đến cho người bệnh sự thoải mái, thân thiện, yên tâm nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: medicalnewstoday.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

174.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan