Tuân thủ hướng dẫn sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật tại bệnh viện Vinmec Central Park


Bài viết được viết bởi:

Nhiễm khuẩn vết mổ (NKVM) là một trong các biến chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân phẫu thuật (PT) trên toàn thế giới. Nhằm nâng cao an toàn cho người bệnh phẫu thuật, bệnh viện Vinmec Central Park đã thành lập nhóm giám sát tuân thủ kháng sinh dự phòng (KSDP) bao gồm Dược lâm sàng, Quản lý chất lượng, phòng mổ và các khoa lâm sàng (Ngoại, Sản). Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát tỉ lệ tuân thủ sử dụng KSDP theo “Quy định sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật” tại bệnh viện. Từ kết quả thu được, nhóm hy vọng có thể cung cấp cơ sở dữ liệu để đánh giá hiệu quả của việc triển khai quy định KSDP, đồng thời đề xuất biện pháp góp phần sử dụng KSDP an toàn và hợp lý.

Theo nghiên cứu tại các nước phát triển, có khoảng 5% bệnh nhân phẫu thuật mắc nhiễm khuẩn vết mổ. Tại Việt Nam, tỉ lệ nhiễm khuẩn vết mổ là 5.7% theo điều tra trong 19 bệnh viện trên toàn quốc (năm 2005) (1). Sử dụng kháng sinh dự phòng (KSDP) hiệu quả là một trong các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ.

Xem thêm: Nguyên tắc sử dụng kháng sinh dự phòng

1. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả

Đối tượng nghiên cứu: Tất cả các ca phẫu thuật thuộc khoa Ngoại chung và khoa Sản - Phụ khoa từ tháng 04/2019 đến tháng 12/2019.

  • Tiêu chí lựa chọn: Phẫu thuật sạch, sạch nhiễm, mổ theo chương trình.
  • Tiêu chí loại trừ: Phẫu thuật nhiễm, bẩn, mổ cấp cứu.

Tính cỡ mẫu:

Nghiên cứu có cỡ mẫu được tính dựa theo công thức:

n= Z1-2 2 × p ×(1-p) / d2

Trong đó: n: là cỡ mẫu cần có

Z1-2 2: là giá trị liên quan đến độ tin cậy, chọn độ tin cậy 95% => Z = 1.96

p: là tỷ lệ ước tính trong quần thể nghiên cứu. Tổng quan từ 28 nghiên cứu từ cơ sở dữ liệu Pubmed về tuân thủ hướng dẫn sử dụng kháng sinh dự phòng, giai đoạn 2011 – 2015, tỷ lệ tuân thủ chung dao động 9.4 - 80% . Chọn p = 80%

d: là sai số. Do 0.7 < p ≤ 0.9, chọn giá trị d = 0.05

Thay vào công thức, ta được: n ≈ 245. Trên thực tế, nghiên cứu đã tiến hành trên 386 lượt

Đối tượng nghiên cứu: tất cả các ca phẫu thuật thuộc khoa Ngoại chung và khoa Sản-Phụ khoa.

  • Tiêu chí lựa chọn: Phẫu thuật sạch, sạch nhiễm, mổ theo chương trình.
  • Tiêu chí loại trừ: Phẫu thuật nhiễm, bẩn, mổ cấp cứu.
Phẫu thuật về trong ngày
Đối tượng nghiên cứu là các ca phẫu thuật với tiêu chí nhất định

Cách thức tiến hành:

  • Thu thập dữ liệu theo Phiếu thu thập thông tin sử dụng kháng sinh dự phòng được thiết kế bởi dược sĩ lâm sàng và phê duyệt bởi phòng Quản lý chất lượng bệnh viện.

Điều dưỡng lựa chọn các ca phẫu thuật đạt tiêu chí, điền thông tin hành chính trong Phiếu thu thập thông tin sử dụng kháng sinh dự phòng. Bác sĩ gây mê/ Bác sĩ phẫu thuật điền thông tin về tên phẫu thuật, thời điểm rạch da, tên KSDP và giờ dùng thuốc thực tế. Điều dưỡng nội trú tiếp tục theo dõi việc sử dụng kháng sinh sau phẫu thuật, ghi ngày kết thúc và hoàn thiện phiếu. Trường hợp bệnh nhân được dùng KS kéo dài sau PT, BS cần ghi rõ lý do chỉ định KS.

  • Đánh giá dữ liệu: Dược sĩ lâm sàng đánh giá tỷ lệ tuân thủ kháng sinh dự phòng dựa trên Hướng dẫn sử dụng kháng sinh dự phòng phẫu thuật Bệnh viện ĐKQT Vinmec.
  • Phương thức can thiệp: Kết quả được báo cáo hàng tháng cho Ban lãnh đạo bệnh viện, Hội đồng Quản lý chất lượng, Bác sĩ trưởng khoa thông qua báo cáo chất lượng dịch vụ tháng. Dựa trên kết quả đánh giá, các can thiệp được đề xuất trên các khoa/ loại phẫu thuật có tỉ lệ tuân thủ chưa cao.

Sử dụng kháng sinh dự phòng hợp lý được đánh giá qua 5 tiêu chí:

  1. Đúng loại
  2. Đúng liều
  3. Đúng thời điểm (trong vòng 60 phút trước rạch da)
  4. Đúng thời gian dùng (không quá 24 giờ sau phẫu thuật)
  5. Kháng sinh dự phòng bổ sung được chỉ định hợp lý đối với phẫu thuật kéo dài trên 4 giờ

Kháng sinh dự phòng được đánh giá tuân thủ hoàn toàn khi đạt toàn bộ 5 tiêu chí trên.

Tiêm thuốc
Sử dụng kháng sinh dự phòng cần đảm bảo đúng tiêu chí đánh giá

2. Kết quả và bàn luận

2.1 Đặc điểm mẫu nghiên cứu

Từ tháng 4-12/2019, chúng tôi đã tiến hành giám sát 386 ca phẫu thuật sạch và sạch nhiễm đạt tiêu chuẩn lựa chọn. Phẫu thuật Sản khoa chiếm tỉ lệ cao nhất (49%), sau đó là các chuyên khoa Tiêu hóa (18%), Cơ xương khớp (14%), Tiết niệu (10%) và cuối cùng là các chuyên khoa lẻ khác (1-2% mỗi chuyên khoa). Trong đó, ghi nhận 6 ca phẫu thuật có thời gian mổ trên 4 giờ (1.5%).

2.2 Kết quả nghiên cứu

  • Tỉ lệ tuân thủ kháng sinh dự phòng chung (đúng cả 5 yếu tố: loại kháng sinh, liều dùng, thời điểm dùng, thời gian, kháng sinh dự phòng bổ sung)
vb1
Hình 1: Tỉ lệ tuân thủ KSDP chung tại VMCP (04/2019-12/2019)

Tỉ lệ tuân thủ KSDP chung trung bình là 82%, lần lượt là 94% (khoa Sản) và 74% (khoa Ngoại chung). So với các tháng đầu tiên bắt đầu triển khai giám sát tuân thủ, tỉ lệ dùng KSDP đúng theo phác đồ đã cải thiện đáng kể (từ 68% lên 90%). Nghiên cứu của tác giả Abdel-Aziz tại Qatar (2013) cho thấy tỉ lệ tuân thủ KSDP là 46.5% , còn trong nghiên cứu khác tại Philippines (2015), tỉ lệ dùng KSDP đúng phác đồ là 13%.

  • Tỉ lệ tuân thủ kháng sinh dự phòng theo từng tiêu chí
vb2
Hình 2: Tỷ lệ tuân thủ KSDP theo từng tiêu chí tại VMCP (04/2019-12/2019)

Tại Bệnh viện Vinmec Central Park, 100% các ca phẫu thuật sạch và sạch nhiễm được chỉ định kháng sinh dự phòng. Trong đó, tỉ lệ chỉ định đúng loại và đúng liều kháng sinh dự phòng khá cao, lần lượt là 96% và 99%. Có 94% các ca phẫu thuật được dùng kháng sinh dự phòng trong vòng 60 phút trước rạch da. Tỉ lệ này cao hơn so với kết quả trong nghiên cứu của tác giả Maria Isabel P. Nabor (2015), với 44% được chỉ định đúng loại KS, 39% đúng về liều, 45% đúng về thời điểm dùng.

Đối với tiêu chí khoảng thời gian dùng kháng sinh dự phòng: Nghiên cứu ghi nhận 94% số ca PT chỉ dùng một liều kháng sinh dự phòng duy nhất hoặc được ngưng sau 24 giờ sau mổ. Tỉ lệ này cải thiện đáng kể so với khảo sát tương tự tại Bệnh viện năm 2018 (tỷ lệ dùng KSDP đúng thời gian là 68%) và cao hơn so với các nghiên cứu khác trong và ngoài nước.

Theo nghiên cứu của Maria Isabel P. Nabor (2015), 67% ca phẫu thuật tuân thủ đúng về thời gian dùng kháng sinh dự phòng. Nhìn chung, việc sử dụng kháng sinh dự phòng kéo dài sau phẫu thuật là một thực hành thường gặp ở nhiều bệnh viện hiện nay, đặc biệt trên các phẫu thuật có yếu tố nguy cơ như vết mổ cũ, dính, sản phụ mổ lấy thai có liên cầu B dương tính... Tuy nhiên, không khuyến cáo dùng kháng sinh dự phòng kéo dài nếu không có bằng chứng nhiễm khuẩn. Sử dụng kháng sinh dự phòng đúng thời gian sẽ giảm nguy cơ đề kháng kháng sinh, giảm tác dụng phụ của kháng sinh trên người bệnh.

kháng sinh
Sử dụng kháng sinh dự phòng cần đảm bảo đúng thời gian

Đối với tiêu chí lặp lại liều kháng sinh dự phòng bổ sung trong mổ: 100% ca phẫu thuật có thời gian mổ kéo dài > 4 giờ được chỉ định dùng kháng sinh dự phòng bổ sung hợp lý theo khuyến cáo, tuy nhiên nhóm nghiên cứu ghi nhận liều kháng sinh sử dụng chưa được phù hợp.

Chương trình giám sát đem lại kết quả tích cực, góp phần cải thiện tỷ lệ tuân thủ kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật. Ban lãnh đạo bệnh viện cùng Tiểu ban quản lý kháng sinh đã có những phản hồi và tác động tích cực đến các khoa và các phẫu thuật viên qua báo cáo chỉ số kháng sinh dự phòng hàng tháng. Các kết quả tích cực ghi nhận được bước đầu là tỉ lệ tuân thủ phác đồ sử dụng kháng sinh tăng theo thời gian, lượng kháng sinh sử dụng giảm, tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện giảm.

Với mục tiêu an toàn người bệnh phẫu thuật và sử dụng kháng sinh hợp lý, bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp giúp tăng chất lượng sử dụng kháng sinh dự phòng trong năm 2020.

Khách hàng có thể trực tiếp đến Vinmec Central Park để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0283 6221 166 để được hỗ trợ.

Bài viết tham khảo nguồn:

  1. Agodi, B. M. (2015). Appropriate perioperative antibiotic prophylaxis: challenges, strategies, and quality indicators. Epidemiol Prev, 39 (4) Supple 1:27-32
  2. Abdel-Aziz, A., El-Menyar, A., Al-Thani, H., Zarour, A., Parchani, A., Asim, M., El-Enany, R., Al-Tamimi, H., & Latifi, R. (2013), Adherence of surgeons to antimicrobial prophylaxis guidelines in a tertiary general hospital in a rapidly developing country, Advances in pharmacological sciences, 842593.
  3. Dale W. Bratzler, E. P. (2013). Clinical practice guidelines for antimicrobial. Am J Health-Syst Pharm.
  4. Nabor, Maria Isabel P. et al. (2015), Compliance with international guidelines on antibiotic prophylaxis for elective surgeries at a tertiary-level hospital in the Philippines, Healthcare Infection, Volume 20, Issue 3, 145 – 151.
  5. Quyết định số 3671/QĐ-BYT ngày 27 tháng 9 năm 2012 của Bộ Y tế, Hướng dẫn phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ.
  6. Nguyễn Thị Hoài Thu, Bùi Kim Tuyền, Phùng Thanh Hùng, Phạm Quỳnh Anh (2016), Thực trạng sử dụng kháng sinh trên người bệnh phẫu thuật và một số yếu tố ảnh hưởng tại khoa ngoại tổng hợp bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội năm 2015, Tạp chí Y tế công cộng 40 (30), 70-77.
  7. Phạm Thị Ngọc Thảo, (2018). Hiệu quả của chương trình quản lý kháng sinh trong việc kiểm soát sử dụng kháng sinh tại khoa Hồi sức tích cực và dự phòng phẫu thuật. Hội nghị khoa học Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan