Thuốc Temozolomide: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Temozolomide là thuốc điều trị một số loại ung thư não. Loại thuốc này có khá nhiều tác dụng phụ nên người bệnh cần sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.

1. Thuốc Temozolomide công dụng là gì? Cách sử dụng thuốc

Thuốc Temozolomide thuộc nhóm thuốc alkyl hóa, được dùng để điều trị một số loại ung thư não. Thuốc hoạt động bằng cách làm các tế bào ung thư chậm hoặc ngừng phát triển.

Về việc sử dụng thuốc, người dùng cần đọc kỹ hướng dẫn dùng thuốc hoặc làm theo lời khuyên của bác sĩ. Thuốc Temozolomide được dùng theo đường tiêm tĩnh mạch theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường tiêm truyền trong khoảng hơn 90 phút, dưới sự theo dõi của nhân viên y tế.

Liều lượng và tần suất sử dụng thuốc dựa trên tình trạng sức khỏe, chiều cao, cân nặng và khả năng đáp ứng với việc điều trị của bệnh nhân. Để thu được hiệu quả trị liệu cao nhất, người bệnh cần tuân thủ cẩn thận lịch sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân cũng có thể được bác sĩ kê thêm các loại thuốc khác như thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng hoặc các tác dụng phụ của thuốc.

Thuốc Temozolomide là thuốc điều trị một số loại ung thư não
Thuốc Temozolomide là thuốc điều trị một số loại ung thư não

2. Tác dụng phụ của thuốc Temozolomide

Khi sử dụng thuốc Temozolomide, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn ói, lở miệng, chán ăn, thay đổi khẩu vị, mệt mỏi, chóng mặt, khó ngủ, táo bón, nhức đầu hoặc đau, sưng đỏ ở vị trí tiêm. Tình trạng buồn nôn và nôn ói có thể nghiêm trọng. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để ngăn ngừa, làm giảm cảm giác buồn nôn và nôn ói của bệnh nhân. Để giảm triệu chứng này, bệnh nhân nên ăn thành nhiều bữa nhỏ, không ăn trước khi điều trị và hạn chế vận động. Nếu các phản ứng phụ trên vẫn kéo dài hoặc trở nên trầm trọng hơn, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ;
  • Bệnh nhân dùng thuốc có thể bị rụng tóc tạm thời. Sau khi kết thúc điều trị bằng thuốc Temozolomide, tóc sẽ mọc trở lại bình thường;
  • Thuốc Temozolomide có thể làm giảm chức năng tủy xương, dẫn tới tình trạng số lượng các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu) thấp. Tác động này gây thiếu máu, làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, dễ gây bầm tím hoặc chảy máu. Do đó, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ nếu có các triệu chứng như mệt mỏi bất thường, da xanh tái, có dấu hiệu nhiễm trùng (đau họng lâu ngày, sốt, ớn lạnh), dễ bị bầm tím hoặc chảy máu;
  • Bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng như đau dạ dày hoặc đau bụng, vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu;
  • Đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay nếu bị co giật;
  • Rất hiếm khi xảy ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thuốc Temozolomide. Tuy nhiên, nếu có triệu chứng dị ứng nghiêm trọng như ngứa hoặc sưng ở mặt, lưỡi hay cổ họng, khó thở, phát ban, chóng mặt nghiêm trọng,... thì cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay.
Buồn nôn, nôn ói là một trong các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc Temozolomide
Buồn nôn, nôn ói là một trong các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc Temozolomide

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc Temozolomide

  • Trước khi sử dụng thuốc Temozolomide, người bệnh nên báo cho bác sĩ nếu bị dị ứng với thuốc hoặc dacarbazine hay bất kỳ dạng dị ứng nào khác;
  • Trước khi dùng thuốc, bạn nên báo cho bác sĩ về tiền sử bệnh lý của mình, đặc biệt là các bệnh lý ở gan, thận hoặc vấn đề về chảy máu. Bạn cũng nên thông báo cho bác sĩ về những loại thuốc mà mình đang sử dụng;
  • Thuốc Temozolomide có thể khiến người bệnh dễ bị nhiễm trùng hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng nhiễm trùng hiện tại. Do đó, người bệnh sau khi dùng thuốc nên tránh tiếp xúc với người bị nhiễm trùng dễ lây truyền (cúm, sởi, thủy đậu). Nếu đã tiếp xúc với nguồn lây nhiễm trùng, bạn cần báo cho bác sĩ;
  • Không tiêm chủng khi chưa nhận được sự đồng ý của bác sĩ. Người bệnh nên tránh tiếp xúc với những người mới tiêm vắc-xin sống;
  • Để giảm nguy cơ bị thương, chảy máu, bệnh nhân nên thận trọng khi sử dụng các vật sắc nhọn như đồ bấm móng tay, dao kéo và tránh các hoạt động thể thao nặng;
  • Thuốc này có thể gây chóng mặt, đặc biệt khi sử dụng cùng rượu hay các chất kích thích. Do đó, khi sử dụng Temozolomide, bệnh nhân không lái xe hay vận hành máy móc cho tới khi hoàn toàn tỉnh táo, có thể thực hiện các công việc đó một cách an toàn. Đồng thời, trong quá trình dùng thuốc, người bệnh nên hạn chế rượu bia và các chất kích thích;
  • Phụ nữ và người cao tuổi có thể bị nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc Temozolomide, đặc biệt là tăng nguy cơ bầm tím/chảy máu và nhiễm trùng;
  • Nam giới trong và sau khi sử dụng Temozolomide 3 tháng không nên hiến tặng tinh trùng;
  • Nếu đang mang thai hoặc dự định mang thai, bạn nên báo cho bác sĩ. Các bác sĩ khuyến cáo không sử dụng Temozolomide khi đang mang thai vì nó có thể gây hại cho thai nhi. Người bệnh thường được yêu cầu thử thai trước khi bắt đầu dùng thuốc. Phụ nữ dùng thuốc cũng cần tìm hiểu về các hình thức ngừa thai đáng tin cậy trong khi dùng thuốc và sau 6 tháng ngừng điều trị. Nam giới nên dùng bao cao su khi quan hệ tình dục trong thời gian dùng thuốc và sau 3 tháng ngừng điều trị. Nếu mang thai, cần sớm thông báo cho bác sĩ;
  • Hiện chưa có bằng chứng cho thấy thuốc Temozolomide có đi vào sữa mẹ hay không. Do đó, không khuyến cáo bà mẹ cho con bú trong và sau khi ngưng sử dụng thuốc ít nhất 1 tuần.
Trước khi sử dụng thuốc Temozolomide, người bệnh nên báo cho bác sĩ nếu bị dị ứng với thuốc hoặc dacarbazine hay bất kỳ dạng dị ứng nào khác
Trước khi sử dụng thuốc Temozolomide, người bệnh nên báo cho bác sĩ nếu bị dị ứng với thuốc hoặc dacarbazine hay bất kỳ dạng dị ứng nào khác

4. Chú ý về tương tác thuốc và liều lượng

  • Người bệnh cần chia sẻ với bác sĩ về danh sách các loại thuốc mình đang sử dụng. Bên cạnh đó, không bắt đầu, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào nếu chưa được cho phép. Thuốc Temozolomide có thể tương tác với axit nalidixic;
  • Nếu người bệnh sử dụng thuốc Temozolomide quá liều và có những triệu chứng nghiêm trọng như khó thở hay ngất xỉu, cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay;
  • Trước và trong khi sử dụng thuốc Temozolomide, bệnh nhân cần được xét nghiệm, kiểm tra y tế như quét não, xét nghiệm công thức máu toàn phần, chức năng gan,...;
  • Dùng thuốc Temozolomide đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu bỏ lỡ một liều dùng thuốc thì bệnh nhân cần báo cho bác sĩ ngay để có lịch dùng thuốc mới, không gấp đôi liều thuốc.

Bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong quá trình sử dụng thuốc Temozolomide. Nếu có phản ứng bất thường sau khi dùng thuốc, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan