Thuốc Pylomed chữa bệnh gì?

Thuốc Pylomed là thuốc được dùng để điều trị bệnh lý về dạ dày - tá tràng do vi khuẩn HP gây ra. Vậy cụ thể hơn thuốc Pylomed chữa bệnh gì và Pylomed có phải là kháng sinh hay không?

1. Pylomed là thuốc gì?

Pylomed có phải là kháng sinh hay không? Thuốc Pylomed là một sản phẩm của Công ty Dược Medley Ấn Độ, thuốc được bào chế dưới dạng Kit chứa viên nang và viên nén bao phim. Mỗi hộp thuốc Pylomed có 7 Kit, mỗi Kit gồm 2 viên nén chứa kháng sinh Tinidazol 500mg, 2 viên nén chứa kháng sinh Clarithromycin 250mg, 2 viên nang chứa thuốc ức chế bơm proton Lansoprazole 30mg, số đăng ký là VN-10397-10.

2. Thuốc Pylomed chữa bệnh gì?

Thuốc Pylomed chỉ định sử dụng trong các trường hợp người bệnh loét dạ dày, loét tá tràng, viêm dạ dày mạn tính, viêm loét dạ dày - tá tràng do vi khuẩn Helicobacter Pylori.

Đặc điểm dược động học của Pylomed:

  • Hoạt chất Lansoprazol bản chất là một benzimidazol với tác dụng ức tiết ở dạ dày. Cơ chế tác dụng của Lansoprazol là gắn kết với H+/K+-ATPase ở tế bào thành dạ dày, quá đó bất hoạt hệ enzyme này và phong bế giai đoạn cuối cùng của sự tiết HCl của tế bào thành dạ dày. Lansoprazol có khả năng ức chế tiết acid dạ dày ở mức cơ bản lẫn khi bị kích thích. Bên cạnh đó, hoạt chất này còn có thể ức chế vi khuẩn H.pylori;
  • Kháng sinh Clarithromycin gắn vào tiểu thể 50S Ribosom của các chủng vi khuẩn nhạy cảm, từ đó ức chế quá trình sinh tổng hợp protein. Hoạt chất Clarithromycin trong Pylomed có hoạt tính in vitro tốt với hiệu quả chống vi khuẩn H.pylori;
  • Kháng sinh Tinidazol thuộc nhóm 5-Nitro Imidazol với hiệu lực mạnh hơn và tác dụng kéo dài hơn so với Metronidazol. Hoạt chất trong thuốc Pylomed này có hiệu lực chống lại H.pylori với khả năng diệt khuẩn nhanh thông qua cơ chế ngăn chặn sự tổng hợp DNA và làm mất cấu trúc xoắn của DNA hiện có.

Đặc điểm dược động học của Pylomed:

  • Lansoprazol gắn kết với protein huyết tương khoảng 97%, chuyển hoá mạnh tại gan và thải trừ qua cả nước tiểu và mật;
  • Clarithromycin là kháng sinh có khả năng thấm qua niêm mạc dạ dày, gắn kết khoảng 80% với protein huyết tương ở liều điều trị. Sử dụng ở liều 500 mg, 2 lần mỗi ngày cho khả năng đào thải qua nước tiểu khoảng 30%. Chất chuyển hóa có hoạt tính là 14-hydroxy clarithromycin, đào thải chủ yếu qua nước tiểu với tỷ lệ khoảng 10 - 15% liều dùng. Số còn lại bài tiết theo mật và thải trừ qua phân;
  • Tinidazol trong Pylomed dung nạp tốt hơn và thời gian bán thải dài hơn (trên 12 giờ) Metronidazol, do đó mỗi ngày chỉ sử dụng một liều duy nhất. Tinidazol chuyển hoá chủ yếu tại gan thông qua xúc tác của hệ CYP3A4, sau đó đào thải qua nước tiểu.

3. Liều dùng của thuốc Pylomed

Thuốc Pylomed là thuốc được sử dụng theo đường uống. Mỗi Kit được thiết kế dành cho một ngày sử dụng, theo đó khi có chỉ định sử dụng thuốc, bệnh nhân sẽ lấy ra 1 viên nang chứa Lansoprazol, 1 viên nén Tinidazol và 1 viên nén Clarithromycin, uống cả 3 viên cùng một lúc vào buổi sáng. Buổi tối bệnh nhân cũng sử dụng thuốc theo trình tự như trên. Khuyến cáo thời gian điều trị với thuốc Pylomed là 7 ngày.

4. Tác dụng phụ của thuốc Pylomed

Khi sử dụng thuốc Pylomed, người dùng có thể gặp một số tác dụng không mong muốn (ADR). Tuy nhiên, các hoạt chất của Pylomed có khả năng dung nạp tốt, đa số tác dụng phụ hay gặp chỉ ở mức độ nhẹ như buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy và đau bụng. Một số trường hợp hiếm gặp người bệnh có thể bị đau đầu, phát ban ngoài da, nổi mày đay, thay đổi vị giác (có vị kim loại trong miệng), viêm lưỡi, viêm miệng, giảm bạch cầu mức độ trung bình.

5. Chống chỉ định của Pylomed

Một số trường hợp không được sử dụng thuốc Pylomed (chống chỉ định) là những người có tiền sử từng dị ứng hay quá mẫn cảm với các thành phần của thuốc Pylomed.

6. Một số thận trọng khi sử dụng Pylomed

  • Người suy thận hay suy gan cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng Pylomed;
  • Viêm đại tràng giả mạc gặp ở đa số các trường hợp sử dụng thuốc kháng sinh, bao gồm Clarithromycin trong Pylomed. Mức độ bệnh có thể từ nhẹ tới đe doạ tính mạng nên cần phải đặc biệt lưu ý để chẩn đoán khi thấy người bệnh bị tiêu chảy sau khi dùng thuốc kháng sinh;
  • Thời kỳ mang thai: Các hoạt chất Lansoprazol, Tinidazol và Clarithromycin đều chưa được nghiên cứu có kiểm soát chặt chẽ trên đối tượng phụ nữ mang thai. Do đó, tốt nhất là không chỉ định Pylomed cho phụ nữ trong thai kỳ;
  • Thời kỳ cho con bú: Chưa rõ khả năng bài tiết các hoạt chất của thuốc Pylomed vào sữa mẹ, do đó cần thận trọng khi chỉ định cho phụ nữ đang cho con bú.

7. Tương tác thuốc của Pylomed

  • Theophylin kết hợp với kháng sinh Clarithromycin có thể dẫn đến tăng nồng độ của Theophylin trong huyết thanh;
  • Carbamazepin: Các nghiên cứu cho thấy khi dùng liều đơn Clarithromycin đồng thời với thuốc nhóm Carbamazepin sẽ làm tăng nồng độ Carbamazepin trong máu;
  • Warfarin sử dụng đồng thời với kháng sinh Clarithromycin có nguy cơ làm tăng tác dụng kháng đông của Warfarin, điều này đòi hỏi phải theo dõi thời gian prothrombin (PT) ở những trường hợp này;
  • Digoxin sẽ gia tăng tác dụng khi phối hợp với Clarithromycin trong thuốc Pylomed;
  • Terfenadin kết hợp liều đơn Clarithromycin sẽ dẫn đến tăng nồng độ Terfenadin trong máu, đặc biệt nguy hiểm khi người bệnh đã có những bất thường về tim (như loạn nhịp, nhịp tim chậm, QT kéo dài, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, suy tim sung huyết) hoặc rối loạn điện giải;
  • Clarithromycin làm tăng nồng độ Cyclosporin trong huyết thanh khi dùng kết hợp, do đó cần phải giảm liều Cyclosporin để phòng ngừa các độc tính trên thận. Đồng thời, sử dụng Clarithromycin cho người đang điều trị bằng các thuốc chuyển hoá qua hệ cytochrom P450 có thể làm tăng nồng độ của các thuốc này trong máu;
  • Ketoconazol, Ampicilin, muối sắt: Lansoprazol ức chế rất mạnh và kéo dài với sự bài tiết dịch dạ dày. Vì vậy, có thể xảy ra tương tác làm ảnh hưởng sự hấp thu của các thuốc này khi dùng đồng thời;
  • Rượu: Uống rượu trong thời gian dùng Pylomed có thể gây tác dụng “antabuse” “giống disulfiram”, vì vậy cần phải tránh sử dụng rượu trong thời gian sử dụng thuốc này;
  • Disulfiram: Phối hợp với Pylomed có thể gây sảng rượu cấp và lú lẫn.

Thuốc Pylomed là thuốc được dùng để điều trị bệnh lý về dạ dày - tá tràng do vi khuẩn HP gây ra. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được các tác dụng phụ, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan