Thuốc Lixisenatide: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Lixisenatide là thuốc giúp kiểm soát chỉ số đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2. Để có thể kiểm soát đường huyết tốt, người bệnh cần kết hợp với một chế độ ăn uống và tập thể dụng phù hợp.

1. Lixisenatide là thuốc gì?

Thuốc Lixisenatide thường được dùng kết hợp với một chế độ ăn uống và tập thể dục hợp lý để kiểm soát chỉ số đường huyết cao ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2. Kiểm soát đường huyết tốt có thể mang lại những lợi ích như: giảm nguy cơ tổn thương thận, các vấn đề thần kinh, mất tứ chi, mù lòa, suy giảm khả năng sinh dục, giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch (đau tim, đột quỵ...).

Thuốc Lixisenatide có vai trò tương tự như một loại hormone tự nhiên trong cơ thể là Incretin, hoạt động bằng cách giải phóng insulin để thích ứng với lượng đường cao (chẳng hạn như sau bữa ăn) và giảm lượng đường do gan tạo ra.

Lưu ý: Thuốc Lixisenatide không thể thay thế cho Insulin nếu bạn cần điều trị bằng insulin.

XEM THÊM: Đái tháo đường type 2 và nguy cơ mắc bệnh tim mạch

2. Liều dùng và cách dùng

Thuốc Lixisenatide thường được tiêm dưới da ở đùi, bụng hoặc cánh tay trên theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường 1 lần mỗi ngày trong vòng 1 giờ trước bữa ăn đầu tiên trong ngày.

Trước khi sử dụng, hãy kiểm tra dung dịch tiêm bằng mắt thường để tìm các hạt hoặc dấu vết của sự đổi màu. Nếu thấy bất thường, không sử dụng dung dịch tiêm. Trước khi tiêm mỗi liều, sát trùng vết tiêm bằng cồn. Sau mỗi lần tiêm, thay đổi vị trí tiêm sang vị trí khác để giảm bớt tổn thương dưới da.

Thuốc Lixisenatide có thể làm chậm hoặc giảm sự hấp thu của một số loại thuốc như: Thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh hoặc Acetaminophen. Người dùng nên uống các loại thuốc khác ít nhất 1 giờ trước khi dùng thuốc này. Riêng với thuốc tránh thai, uống ít nhất 1 giờ trước hoặc 11 giờ sau khi dùng Lixisenatide. Nếu bạn phải uống các loại thuốc trên với thức ăn, hãy dùng trong bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ khi bạn không dùng Lixisenatide. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về thời điểm dùng thuốc.

Dùng Lixisenatide thường xuyên để có được nhiều lợi ích nhất từ ​​nó. Để dễ ghi nhớ lịch tiêm, hãy tiêm thuốc trong cùng thời điểm dùng bữa hàng ngày.

Để tránh lây nhiễm trùng hoặc bị lây nhiễm trùng, không chia sẻ dụng cụ tiêm với người khác, ngay cả khi kim tiêm đã được thay đổi. Hãy tìm hiểu thêm về cách bảo quản và loại bỏ vật tư y tế an toàn.

Nếu tình trạng của bạn không thuyên giảm hoặc trở nên tồi tệ hơn (lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp), hãy cho bác sĩ biết.

Tiêm thuốc lixisenatide
Thuốc Lixisenatide cần được tiêm theo chỉ định của bác sĩ

3. Tác dụng phụ của thuốc Lixisenatide

Một số tác dụng phụ của thuốc Lixisenatide có thể gặp là: Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, táo bón, đau dạ dày, chóng mặt hoặc đau, ngứa, sưng đỏ tại chỗ tiêm, dấu hiệu các vấn đề về thận (như lượng nước tiểu thay đổi).

Cảm giác buồn nôn thường giảm bớt khi bạn tiếp tục sử dụng thuốc Lixisenatide. Nếu thấy bất kỳ tác dụng phụ nào kéo dài hoặc trở nên tồi tệ hơn, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức.

Tình trạng nôn mửa, tiêu chảy không ngừng có thể khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng. Hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng mất nước nào, chẳng hạn như khô miệng, khát nước bất thường, tim đập nhanh hoặc chóng mặt, choáng váng.

Trong trường hợp hiếm thuốc Lixisenatide có thể gây ảnh hưởng đến tuyến tụy nghiêm trọng (viêm tụy), thậm chí có thể gây tử vong. Nếu bạn thấy các triệu chứng của viêm tụy như: buồn nôn, nôn không ngừng, đau dạ dày, đau bụng dữ dội, hãy gọi trợ giúp y tế ngay lập tức.

Thuốc Lixisenatide có thể khiến lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết), nhất là khi người bệnh dùng thuốc này với các thuốc tiểu đường khác, không ăn đủ lượng calo cần thiết, hoặc tập thể dục quá sức. Hãy hỏi bác sĩ xem có cần điều chỉnh liều dùng của các thuốc điều trị tiểu đường khác hay không.

Ngoài ra, các dấu hiệu thể hiện lượng đường trong máu thấp bao gồm: Đổ mồ hôi đột ngột, run rẩy, tim đập nhanh, đói lả, mờ mắt, chóng mặt hoặc ngứa ran bàn tay, bàn chân. Lời khuyên là hãy mang theo gel hoặc viên glucose để xử lý tạm thời. Nếu không có sẵn những dạng glucose đáng tin cậy này, hãy nhanh chóng tăng lượng đường trong máu bằng cách ăn đồ ngọt như mật ong, kẹo, nước trái cây... Để ngăn ngừa tình trạng hạ đường huyết đột ngột, hãy ăn các bữa theo đúng lịch trình và không bỏ bữa.

Các dấu hiệu của chỉ số đường huyết cao bao gồm: Khát nước, buồn ngủ, thở nhanh, đi tiểu nhiều, lú lẫn và hơi thở có mùi trái cây. Nếu các dấu hiệu này xảy ra, hãy nói với bác sĩ ngay lập tức.

4. Cách phòng tránh tác dụng phụ của thuốc Lixisenatide

Trước khi dùng thuốc Lixisenatide, người bệnh hãy báo cho bác sĩ nếu bị dị ứng với thành phần của thuốc hoặc bất kỳ tình trạng dị ứng nào khác. Thông báo cho bác sĩ về bệnh sử của bản thân, nhất là các vấn đề như: Bệnh tuyến tụy (viêm tụy), bệnh thận, rối loạn dạ dày, ruột (như chứng liệt dạ dày, các vấn đề về tiêu hóa).

Bạn có thể bị chóng mặt, mờ mắt hoặc buồn ngủ do lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp. Không sử dụng máy móc, lái xe hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động nào đòi hỏi sự tỉnh táo hoặc tầm nhìn rõ ràng cho đến khi bạn có thể thực hiện các hoạt động đó an toàn.

Hạn chế rượu trong khi tiêm thuốc Lixisenatide vì nó có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết xuống mức thấp.

Khi cơ thể bạn bị sốt, nhiễm trùng, chấn thương hoặc trải qua phẫu thuật, có thể sẽ khó kiểm soát lượng đường trong máu hơn. Hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để cân nhắc kế hoạch điều trị, lịch dùng thuốc hoặc xét nghiệm chỉ số đường huyết (GI).

Tác dụng phụ thuốc Lixisenatide
Sau khi dùng thuốc Lixisenatide, bạn có thể bị chóng mặt, mờ mắt

Trong thời gian mang thai, chỉ nên dùng Lixisenatide khi thật sự cần thiết, vì việc mang thai có thể khiến bệnh tiểu đường trầm trọng hơn. Thảo luận với bác sĩ để thay đổi phương pháp điều trị bệnh tiểu đường trong thời gian mang thai, chẳng hạn như điều chỉnh chế độ ăn uống và thuốc (bao gồm cả insulin).

Hiện vẫn chưa rõ liệu Lixisenatide có đi vào sữa mẹ hay không nên hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi cho con bú.

5. Tương tác thuốc Lixisenatide

Thuốc chẹn beta (chẳng hạn như Propranolol, Metoprolol, thuốc nhỏ mắt tăng nhãn áp như Timolol) có thể ngăn chặn tình trạng nhịp tim nhanh mà bạn thường cảm thấy khi lượng đường trong máu xuống quá thấp. Các triệu chứng khác của đường huyết thấp như chóng mặt, đói hoặc đổ mồ hôi, không bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc này.

Nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, khiến người bệnh càng khó kiểm soát hơn. Trước khi bắt đầu, ngừng hoặc thay đổi bất kỳ loại thuốc nào, hãy nói chuyện với bác sĩ về các tác dụng của thuốc lên chỉ số đường huyết. Đồng thời kiểm tra đường huyết thường xuyên và chia sẻ kết quả với bác sĩ. Nếu thấy các dấu hiệu đường huyết quá cao hoặc quá thấp, hãy báo cho bác sĩ để được hỗ trợ điều chỉnh lại đơn thuốc tiểu đường, kế hoạch tập luyện hoặc chế độ ăn uống.

6. Xử trí khi quá liều và cách bảo quản

Nếu bỏ lỡ thời gian tiêm thuốc, nhưng vẫn trong vòng 1 giờ trước bữa ăn tiếp theo, bạn vẫn có thể tiêm đúng liều như cũ. Nếu đã quá thời gian, hãy bỏ qua liều đã quên và tiêm liều tiếp theo vào thời gian bình thường. Đừng gấp đôi liều để bắt kịp.

Trước khi dùng thuốc Lixisenatide lần đầu tiên, hãy bảo quản thuốc trong tủ lạnh (không đông lạnh). Không dùng thuốc nếu thuốc đã bị đông lạnh. Giữ thuốc trong hộp ban đầu. Sau lần sử dụng đầu tiên, bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng tránh xa khỏi nhiệt và ánh sáng. Không lưu trữ trong phòng tắm. Loại bỏ thuốc 14 ngày kể từ lần sử dụng đầu tiên, ngay cả khi thuốc vẫn còn trong dụng cụ tiêm. Giữ tất cả các loại thuốc tránh xa trẻ nhỏ và vật nuôi.

Người bệnh nên dùng thuốc Lixisenatide theo đúng chỉ định của bác sĩ để kiểm soát chỉ số đường huyết hiệu quả. Ngoài ra, việc thay đổi lối sống có thể ngăn ngừa hoặc giảm tình trạng tăng/ hạ đường huyết như: Ăn uống đúng giờ, đủ bữa, tập luyện thể thao và kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên.

Hiện bệnh tiểu đường không có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn, do đó việc dùng thuốc đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp kiểm soát bệnh được tốt hơn. Bên cạnh đó, trong thời gian dùng thuốc, bệnh nhân cần chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ để qua đó có thể theo dõi tình trạng bệnh nhằm có hướng điều chỉnh phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan