Thuốc Lexapro: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Lexapro (Escitalopram) thuộc nhóm thuốc chọn lọc serotonin tái hấp thu các chất ức chế (SSRIs), có tác dụng chính là điều trị rối loạn trầm cảm và chứng lo âu.

1. Thuốc Lexapro có tác dụng gì?

Thuốc Lexapro (còn được gọi là Escitalopram) thường được chỉ định để điều trị trầm cảm và chứng lo âu. Lexapro hoạt động bằng cách khôi phục lại nồng độ của hormone serotonin trong não. Lexapro thuộc nhóm thuốc giúp tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI), giúp cải thiện mức năng lượng và gia tăng cảm giác hạnh phúc, giảm thiểu căng thẳng, lo âu.

2. Liều dùng và cách dùng

  • Thuốc Lexapro thường được dùng theo đường uống kết hợp hoặc không kết hợp với thức ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Liều dùng thường là 1 viên vào buổi sáng hoặc tối.
  • Liều dùng dựa vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi và phản ứng với điều trị của bệnh nhân. Cần thông báo với bác sĩ về các sản phẩm người bệnh đang sử dụng (bao gồm thuốc không kê toa, thuốc kê đơn và cả các sản phẩm thảo dược);
  • Nếu đang sử dụng Lexapro dạng lỏng, hãy dùng dụng cụ hoặc thìa đo đặc biệt để đo và lấy đúng lượng thuốc cần dùng;
  • Để giảm nguy cơ mắc các phản ứng phụ, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng thuốc này với liều lượng thấp và tăng dần liều lượng. Hãy tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ cẩn thận, không tự ý tăng liều hoặc dùng thuốc thường xuyên hơn so với chỉ dẫn của bác sĩ hoặc trên nhãn bao bì;
  • Duy trì việc dùng thuốc Lexapro thường xuyên để đạt được nhiều lợi ích nhất từ nó. Để dễ nhớ lịch uống thuốc, hãy uống thuốc vào những thời điểm giống nhau mỗi ngày.
  • Kể cả khi đã khỏe hơn, hãy duy trì dùng thuốc như đơn đã kê. Không tự ngừng dùng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Nếu ngừng thuốc đột ngột có thể khiến tình trạng tồi tệ hơn như: thay đổi tâm trạng/cảm xúc, đau đầu, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ. Để ngăn ngừa những dấu hiệu này liều dùng nên được giảm từ từ.
  • Dự kiến cần 1-2 tuần để thuốc bắt đầu phát huy tác dụng và đến 4 tuần để người bệnh cảm thấy toàn bộ tác dụng của thuốc. Nếu tình trạng điều trị không cải thiện hoặc theo chiều hướng xấu đi, hãy thông báo ngay cho bác sĩ;
Bị dọa sảy thai ở tuần thứ 7 , uống thuốc an thai không đỡ phải làm gì?
Người bệnh dùng một viên vào buổi sáng hoặc tối theo chỉ định của bác sĩ

3. Tác dụng không mong muốn

  • Cũng tương tự như nhiều loại thuốc khác, thuốc Lexapro cũng có thể mang lại một số tác dụng phụ như: Buồn nôn, mệt mỏi, khô miệng, khó ngủ, táo bón ,chóng mặt và tăng tiết mồ hôi.
  • Hãy báo cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào như: giảm hứng thú tình dục, thay đổi khả năng tình dục, dễ bị bầm tím/chảy máu.
  • Liên hệ trợ giúp y tế ngay lập tức nếu thấy các phản ứng nguy kịch như phân có máu hoặc màu đen, ngất xỉu, nhịp tim nhanh bất thường, nôn mửa ra chất nôn giống bã cà phê, co giật, sưng/đau/đỏ mắt, đồng tử mở rộng, thay đổi thị lực (tầm nhìn mờ...).
  • Trong trường hiếm, thuốc Lexapro có thể làm tăng hormone serotonin gây ra hội chứng nhiễm độc serotonin. Liên hệ trợ giúp y tế ngay lập tức nếu thấy một số triệu chứng sau: rối loạn nhịp tim, ảo giác, mất khả năng phối hợp vận động, chóng mặt nghiêm trọng, buồn nôn/nôn, tiêu chảy nghiêm trọng, co giật cơ, sốt không rõ nguyên nhân, kích động và bồn chồn.
  • Trong số ít trường hợp, nam giới dùng thuốc có thể xảy ra tình trạng đau và cương cứng từ 4 giờ trở lên. Hãy ngưng dùng thuốc và trao đổi với bác sĩ ngay lập tức.

Trường hợp dị ứng với thuốc Lexapro cũng hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên nếu thấy bất kỳ dấu hiệu của dị ứng nghiêm trọng như: chóng mặt nghiêm trọng, phát ban, khó thở, ngứa/sưng (đặc biệt ở vùng mặt, lưỡi, cổ họng)...thì hãy thông báo cho bác sĩ và tìm đến trợ giúp y tế càng sớm càng tốt.

4. Thận trọng khi dùng thuốc Lexapro

Trước khi dùng thuốc Lexapro, hãy lưu ý một số vấn đề sau:

  • Nếu bạn bị dị ứng với Lexapro, Citalopram hoặc bất kỳ tình trạng nào khác, hãy thông báo ngay cho bác sĩ;
  • Trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh lý của bệnh nhân, đặc biệt là tình trạng rối loạn lưỡng cực; cá nhân hoặc người thân trong gia đình từng cố gắng tự tử, tăng nhãn áp đóng góc nhọn, bệnh gan, động kinh, viêm loét đường ruột/tá tràng, lượng natri trong máu thấp (hạ natri máu);
  • Thuốc Lexapro cũng có thể gây ảnh hưởng đến nhịp tim (hội chứng QT kéo dài) khiến nhịp tim nhanh, không đều. Tuy hiếm khi dẫn đến tử vong nhưng có thể khiến bệnh nhân bị xây xẩm, chóng mặt, ngất xỉu và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Do vậy để phòng tránh thì bạn nên thông báo cho bác sĩ nếu có bất kỳ bệnh lý nào về tim (suy tim, nhịp tim chậm, QT kéo dài trong điện tâm đồ) hoặc tiền sử gia đình từng mắc vấn đề về tim;
  • Nồng độ Kali hoặc magiê trong máu thấp cũng có thể tăng nguy cơ bị hội chứng QT. Nguy cơ này càng tăng lên nếu bạn đang sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu hoặc đang có dấu hiệu đổ mồ hôi nhiều, tiêu chảy hoặc nôn mửa. Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về cách sử dụng Escitalopram một cách an toàn.
  • Thuốc Lexapro có thể gây chóng mặt, buồn ngủ hoặc làm mờ tầm nhìn nên bệnh nhân không sử dụng cùng các chất kích thích, đồ uống có cồn. Không lái xe, sử dụng máy móc hoặc làm bất cứ điều gì cần sự tỉnh táo hoặc tập trung khi thuốc còn tác dụng;
  • Thuốc Lexapro dạng lỏng có thể chứa đường và/hoặc aspartame. Do vậy nếu bạn bị tiểu đường, phenylceton niệu (PKU) hoặc bất kỳ tình trạng nào khác yêu cầu bạn cần hạn chế hoặc tránh những chất này thì nên hỏi bác sĩ về cách sử dụng thuốc một cách an toàn nhất có thể;
  • Trước khi phẫu thuật, cần thông báo với bác sĩ về các sản phẩm người bệnh đang sử dụng (bao gồm thuốc không kê toa, thuốc kê đơn và cả các sản phẩm thảo dược);
  • Người lớn tuổi cũng có phản ứng nhạy hơn với tác dụng phụ của thuốc, như mắc hội chứng QT kéo dài, mất khả năng phối hợp vận động dễ gây ngã và chảy máu. Nếu họ đang dùng kết hợp thuốc lợi tiểu với thuốc Lexapro, nguy cơ cao sẽ bị hạ natri máu;
Dược sĩ tư vấn sử dụng thuốc tại Nhà thuốc Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec
Người bệnh trước khi dùng thuốc có thể nhờ sự hỗ trợ từ dược sĩ về cách dùng thuốc an toàn

  • Trẻ em có thể nhạy hơn với các tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là tình trạng chán ăn, sụt cân. Nên theo dõi sát chiều cao và cân nặng của trẻ trong thời gian dùng thuốc.
  • Với phụ nữ đang mang thai, chỉ nên sử dụng thuốc Lexapro khi thật sự cần thiết. Thuốc có thể ảnh hưởng đến thai nhi và gây ra những vấn đề cho trẻ như: khó bú, khó thở, co giật, cứng cơ, quấy khóc liên tục. Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào kể trên ở trẻ sơ sinh, hãy liên hệ ngay cho bác sĩ.
  • Các vấn đề về tinh thần/ cảm xúc (như trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, lo âu, hoảng sợ) nếu không được điều trị có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng nên không ngừng sử dụng thuốc trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Trước dùng thuốc Lexapro, phụ nữ trong độ tuổi sinh nở nên trao đổi với bác sĩ về những lợi ích và rủi ro có thể có và cho bác sĩ biết nếu bạn đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai.
  • Với phụ nữ đang nuôi con, thuốc Lexapro có đi vào sữa mẹ và gây tác dụng không mong muốn tới trẻ đang bú mẹ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.

5. Tương tác thuốc Lexapro

Tương tác thuốc có thể thay đổi công dụng của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì vậy, người bệnh cần thông báo tất cả các loại thuốc mà mình đang sử dụng cho bác sĩ. Đồng thời, không sử dụng, ngừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào nếu chưa được bác sĩ cho phép.

  • Một số loại thuốc có thể phản ứng với Lexapro bao gồm: các loại thuốc có thể gây chảy máu, bầm tím (như thuốc chống đông máu như Clopidogrel, NSAIDs như Ibuprofen, thuốc làm loãng máu (như Warfarin));
  • Aspirin có thể làm tăng nguy cơ phản ứng phụ nếu dùng chung. Tuy nhiên, nếu bác sĩ chỉ định bạn dùng Aspirin liều thấp (81-325mg/ngày) để phòng ngừa cơn đau tim hoặc đột quỵ thì nên tiếp tục dùng trừ khi bác sĩ có chỉ dẫn khác.
  • Các thuốc ức chế MAO (như Linezolid, Isocarboxazid, Moclobemide, Procarbazine, Phenelzine, Safinamide, Rasagiline, Selegiline, Tranylcypromine...) nếu dùng chung với Lexapro có thể gây ra tương tác thuốc nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Không dùng các chất ức chế MAO 2 tuần trước và sau khi điều trị bằng Lexapro.
  • Thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang dùng các sản phẩm khác gây buồn ngủ như rượu, thuốc kháng Histamin (như Diphenhydramine, Cetirizine), thuốc ngủ hoặc điều trị chứng lo âu (như Diazepam, Alprazolam, Zolpidem), thuốc giãn cơ và thuốc giảm đau nhóm Opioid (chẳng hạn như Codeine).
  • Nhiều loại thuốc ngoài Escitalopram có thể ảnh hưởng đến nhịp tim (gây hội chứng QT kéo dài) như: Pimozide, Amiodarone, Procainamide, Quinidine, Sotalol và một số loại khác;
  • Escitalopram có tác dụng tương tự với thuốc Citalopram nên không dùng chung cả 2 loại thuốc cùng một thời điểm.
  • Thuốc Lexapro có thể ảnh hưởng đến kết quả một số xét nghiệm (như scan não để tìm dấu hiệu bệnh Parkinson). Hãy đảm bảo rằng bác sĩ và nhân viên xét nghiệm biết bạn đang sử dụng thuốc này.

6. Một số lưu ý thuốc Lexapro

  • Quá liều: Nếu sử dụng thuốc Lexapro quá liều và thấy các triệu chứng như ngất xỉu hoặc khó thở, cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay.
  • Quên liều: Nếu bỏ lỡ một liều thuốc, nên dùng thuốc ngay khi nhớ ra. Trong trường hợp đã gần tới thời điểm của liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên. Không uống gấp đôi liều thuốc;
  • Bảo quản: Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng và độ ẩm. Không nên bảo quản thuốc trong phòng tắm. Giữ thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và phạm vi hoạt động của vật nuôi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan