Thuốc Ferup có tác dụng gì?

Sắt và Acid folic là 2 thành phần chính giúp bổ sung giúp phòng ngừa bệnh thiếu máu và tăng nhu cầu tạo máu ở nhiều đối tượng. Các thành phần này đều được tìm thấy trong thuốc Ferup. Vậy thuốc Ferup là thuốc gì? Công dụng của thuốc Ferup như thế nào? Tham khảo ngay bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích về loại thuốc này.

1. Thuốc Ferup là thuốc gì?

Thuốc Ferup là một loại thuốc giúp bổ sung sắt nhằm phòng ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Thành phần trong Ferup bao gồm:

  • Sắt fumarate hàm lượng 152.0 mg
  • Kẽm sulfat hàm lượng 15.0 mg
  • Vitamin B12 hàm lượng 15.0 mg
  • Acid folic hàm lượng 1.5 mg

Ngoài các thành phần trên, thuốc Ferup còn chứa nhiều thành phần tá dược khác như: tinh dầu bạc hà, Lecithin, Butylated hydroxyanisole, Butylated hydrox, toluene, Methyl paraben, Propyl paraben, Gelatin, Natri citrate, Sáp ong trắng, Silic dioxid keo,...

2. Thuốc Ferup có tác dụng gì?

Mỗi thành phần trong Ferup đều có những công dụng riêng, khi kết hợp với nhau đem lại công dụng hiệu quả trong việc bổ sung sắt, hỗ trợ sản sinh hồng cầu, tham gia quá trình tạo máu. Cụ thể:

  • Sắt fumarate tham gia cấu tạo và hoạt động của hồng cầu và enzyme hô hấp cytochrome C. Khi thiếu sắt, cơ thể không thể tổng hợp hemoglobin, myoglobin... và dẫn đến thiếu máu rất nguy hiểm. Vì vậy, Ferup softules có tác dụng bổ sung sắt cho các trường hợp bệnh nhân rối loạn hấp thu sắt, trường hợp thiếu máu để kích thích quá trình tạo máu của tủy xương.
  • Kẽm sulfat: có tác dụng bổ sung kẽm trong các trường hợp thiếu kẽm như biếng ăn, tiêu chảy, nôn, bỏng, viêm da đầu cho, trẻ suy dinh dưỡng...
  • Vitamin B12 tham gia quá trình chuyển hóa acid folic và tổng hợp ADN, cần thiết cho quá trình tạo hồng cầu và chuyển hóa các chất Ceton, được dùng phối hợp với các thuốc khác trong điều trị thiếu máu và viêm dây thần kinh...
  • Acid folic giúp cơ thể sản xuất và duy trì sự ổn định của tế bào mới, ngăn chặn biến đổi cấu trúc AND, ngăn hình thành các tế bào ung thư, tăng cường sản xuất máu, chống thiếu máu.

Do đó, Ferup được chỉ định kê đơn trong các trường hợp sau:

  • Điều trị và dự phòng thiếu máu do thiếu sắt
  • Bổ sung sắt, acid folic cho phụ nữ mang thai và cho con bú
  • Dự phòng dị tật ống thần kinh ở thai nhi

Mặt khác, Ferup chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc
  • Bệnh gan nhiễm sắt
  • Người bệnh thiếu máu tan huyết hoặc đa hồng cầu
  • Người thừa sắt
  • U ác tính (do vitamin B12 có tác động kích thích sự tăng sinh ở tế bào và mô)

3. Liều dùng và cách dùng của Ferup

Thuốc Ferup được bào chế dạng viên nang và được sử dụng bằng đường uống. Thời điểm uống thuốc tốt nhất là sau khi ăn. Liều dùng của thuốc sẽ được điều chỉnh theo mục đích điều trị bệnh, tình trạng sức khỏe người bệnh. Dưới đây là liều dùng tham khảo của thuốc Ferup:

  • Người lớn: uống 1 viên/ lần, ngày uống 2 lần
  • Trẻ em: uống 1 viên/ lần/ ngày
  • Phụ nữ mang thai: uống 1 viên/ lần/ ngày.

Hiện nay, chưa ghi nhận trường hợp quá liều nào của thuốc Ferup. Tuy nhiên, người bệnh cần thận trọng sử dụng đúng liều lượng của thuốc để tránh việc quá liều và gia tăng các tác dụng phụ.

Trong trường hợp quên liều, người bệnh hãy trao đổi với bác sĩ để có được cách dùng thuốc an toàn nhất. Tuyệt đối không được tự uống gấp đôi liều thuốc để bù lại liều đã quên.

4. Tác dụng phụ của thuốc Ferup

Thuốc Ferup có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Nhưng phần lớn người sử dụng Ferup thường không gặp phải tác dụng phụ nào nghiêm trọng. Tình trạng phổ biến thường gặp là rối loạn tiêu hóa do thành phần có chứa sắt gây kích ứng hệ tiêu hóa, dẫn đến buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón bất thường, đi ngoài phân đen...sau khi sử dụng thuốc. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải một số phản ứng phụ như mụn trứng cá, mẩn ngứa, mề đay, hồng ban trên da... Nguyên nhân của tình trạng này là do thuốc chứa thành phần vitamin B12.

5. Tương tác thuốc Ferup

Tương tác thuốc có thể làm giảm tác dụng của Ferup, hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng không mong muốn. Một số thuốc/nhóm thuốc đó bao gồm:

  • Các chất kháng acid folic (Aminopterin, Methortrexate, Pyrimethamine, các Sulfonamid...)
  • Nhóm kháng sinh Aminosid, Chloramphenicol, thuốc chống co giật, chống động kinh...
  • Các thuốc gây cảm ứng enzym (như Phenobarbital, Phenylbutazon, Rifampicin...)
  • Các thuốc ức chế enzyme (Cimetidine, Cloramphenicol, Isoniazid...)

6. Thận trọng khi sử dụng

Để sử dụng thuốc Ferup an toàn, người bệnh cần nằm lòng các lưu ý sau:

  • Người bệnh có lượng sắt trong máu bình thường tránh dùng thuốc kéo dài.
  • Ngưng dùng thuốc nếu thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào mới xuất hiện hay tình trạng bệnh không bớt sau 7 ngày.
  • Bảo quản thuốc Ferup ở nhiệt độ không quá 30°C, tránh ánh sáng và tránh những nơi ẩm ướt. Không bảo quản Ferup ở nơi ẩm thấp hay trong ngăn đá và tránh xa nguồn nhiệt và ngọn lửa. Mỗi loại thuốc khác nhau sẽ có những cách bảo quản khác nhau, vì vậy hãy đọc kỹ hướng dẫn bảo quản thuốc Ferup trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

530 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan