Tác dụng thuốc Triamterene

Triamterene là một lợi tiểu gây giữ kali được chỉ định kết hợp với các thuốc khác để điều trị phù và tăng huyết áp. Vậy thuốc Triamterene có tác dụng gì và sử dụng như thế nào?

1. Triamterene là thuốc gì?

Triamterenethuốc lợi tiểu tiết kiệm kali được bào chế với các dạng và hàm lượng như sau:

  • Viên nang: 50mg, 100mg;
  • Viên nén: 50mg, 100mg.

Triamterene tác dụng trực tiếp lên ống lượn xa của cầu thận, qua đó ức chế quá trình tái hấp thu Na+ và bài tiết K+ và H+. Triamterene không ức chế cạnh tranh với Aldosteron và men carbonic anhydrase. Trong huyết thanh, nồng độ K+, Cl- thường tăng và nồng độ ion HCO3- thường xuyên giảm trong quá trình điều trị bằng thuốc Triamterene. Khác với các thuốc lợi tiểu khác, Triamterene không ức chế thải trừ Acid uric.

Thuốc Triamterene khi sử dụng đơn độc thường ít hoặc không có tác dụng hạ huyết áp. Khi sử dụng với các thuốc lợi tiểu khác sẽ gây tăng natri và giảm kali niệu. Do đó, Triamterene được dùng với tác dụng bổ trợ cho lợi tiểu thiazid hoặc lợi tiểu quai để giữ lại kali cho người bệnh có nguy cơ bị hạ kali máu trong quá trình điều trị phù kháng thuốc do các nguyên nhân (như xơ gan, suy tim và hội chứng thận hư).

2. Thuốc Triamterene có tác dụng gì?

Thuốc Triamterene được sử dụng trong những trường hợp sau:

  • Hỗ trợ điều trị phù do suy tim sung huyết, xơ gan, hội chứng thận hư (liên quan đến tăng aldosteron thứ phát), điều trị phù do dùng steroid và phù không rõ nguyên nhân;
  • Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp.

Thuốc Triamterene không được sử dụng đơn độc như một liệu pháp ban đầu để điều trị suy tim sung huyết nặng, vì tác dụng thường chậm. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể phối hợp ngay từ đầu Triamterene với các thuốc lợi tiểu mạnh hơn và nhanh hơn, như các Thiazid, Chlorthalidone, Furosemid hoặc Acid ethacrynic.

3. Chống chỉ định của thuốc Triamterene

Chống chỉ định của thuốc Triamterene trong những trường hợp sau đây:

  • Suy thận nặng (độ thanh thải Creatinin dưới 10 ml/phút) hoặc suy thận đang tiến triển;
  • Bệnh Addison, bệnh lý gan nặng;
  • Tăng kali máu sẵn có hoặc do thuốc;
  • Bệnh nhân vô niệu;
  • Tiền sử dị ứng nghiêm trọng với Triamterene;
  • Tăng acid uric máu hoặc bệnh gút;
  • Tiền sử sỏi thận;
  • Bệnh nhân nhiễm toan hô hấp hoặc toan chuyển hóa;
  • Sử dụng đồng thời với các thuốc tiết kiệm kali khác như Spironolactone, Amiloride HCl hoặc các sản phẩm khác có chứa Triamterene.

Cần lưu ý: Chống chỉ định sử dụng thuốc Triamterene ở đây là những chống chỉ định tuyệt đối, người bệnh không nên vì bất cứ lý do nào mà không tuân thủ chống chỉ định đã được khuyến cáo.

4. Cách sử dụng thuốc Triamterene

4.1. Cách dùng thuốc Triamterene

  • Thuốc Triamterene rất hiếm khi được sử dụng đơn độc;
  • Sản phẩm này bào chế dạng viên dùng theo đường uống;
  • Liều dùng của thuốc Triamterene tùy thuộc vào tình trạng bệnh và đáp ứng của bệnh nhân;
  • Về mặt lý thuyết, việc ngừng thuốc Triamterene đột ngột có thể gây tăng kali nước tiểu, do đó phải giảm liều dần trước khi ngưng hoàn toàn.

4.2. Liều dùng của thuốc Triamterene

Người trưởng thành:

  • Điều trị phù nề: Liều khởi đầu là 100mg x 2 lần/ngày uống sau bữa ăn. Sau khi tình trạng phù được kiểm soát có thể duy trì liều 100mg/ngày hoặc cách ngày. Liều tối đa của Triamterene là 300 mg/ngày. Khi dùng kết hợp với các lợi tiểu khác thì liều dùng của Triamterene cần được điều chỉnh theo đáp ứng của bệnh nhân;
  • Tăng huyết áp (thường kết hợp Triamterene với một thuốc lợi tiểu thải kali): Liều khởi đầu: 25mg/lần/ngày, có thể tăng lên 50-100mg/ngày chia 1-2 lần nhưng không quá 100mg/ngày;
  • Kiểm soát tình trạng giữ nước ở bệnh nhân suy tim (theo ACCF/AHA): Liều tối đa là 200mg/ngày.

Trẻ em:

  • Liều khởi đầu: 2-4mg/kg/ngày hoặc cách ngày, uống 1 lần hoặc chia làm 2 liều;
  • Liều duy trì: Tăng dần đến tối đa 6mg/kg/ngày, chia làm nhiều lần uống;
  • Liều tối đa là 300mg/ngày.

Đối tượng khác:

  • Suy thận: Chống chỉ định khi ClCr < 10 ml/phút;
  • Giảm liều ở bệnh nhân xơ gan.

Quá liều Triamterene và cách xử lý:

  • Triệu chứng: Rối loạn cân bằng điện giải, đặc biệt là tăng kali máu, buồn nôn, nôn ói hay các rối loạn tiêu hóa khác, thậm chí có thể gây yếu cơ;
  • Cách xử lý: Triamterene không có thuốc giải độc đặc hiệu, do đó bệnh nhân cần được xử trí bằng cách rửa dạ dày ngay lập tức, kết hợp điều trị triệu chứng và kiểm tra chức năng thận, điện giải đồ. Lưu ý nồng độ Kali máu tăng cao ảnh hưởng xấu đến tim, vì vậy bệnh nhân cần được cho sử dụng các chất đối kháng của kali như Calci Gluconate, Insulin pha truyền trong dung dịch Glucose 30% và kiểm soát tình trạng toan máu;
  • Lọc máu có thể xem xét sử dụng khi quá liều Triamterene nghiêm trọng.

5. Tác dụng phụ của thuốc Triamterene

Một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc Triamterene:

  • Hạ huyết áp quá mức;
  • Nhịp tim chậm;
  • Chóng mặt, đau đầu, mệt;
  • Phát ban;
  • Tăng nhạy cảm ánh sáng;
  • Buồn nôn, táo bón;
  • Khó thở;
  • Nước tiểu màu xanh nhạt;
  • Sỏi thận ở người nhạy cảm.

Một số tác dụng ngoại ý hiếm gặp của thuốc Triamterene:

  • Mất nước;
  • Đỏ bừng mặt;
  • Chuột rút;
  • Tiêu chảy;
  • Chứng vú to ở đàn ông, phụ nữ chảy máu âm đạo sau thời kỳ mãn kinh;
  • Hạ natri huyết, tăng kali máu, nhiễm toan chuyển hóa;
  • Giảm bạch cầu hạt, tăng bạch cầu ưa eosin;
  • Viêm thận kẽ cấp tính hoặc suy thận cấp.

6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Triamterene

  • Trong thời gian dùng thuốc Triamterene, nước tiểu của bệnh nhân có thể chuyển sang màu xanh nhạt do dạng chuyển hóa của thuốc đào thải qua nước tiểu. Điều này hoàn toàn bình thường nên bệnh nhân không cần lo lắng.
  • Khi dùng thuốc Triamterene trong một thời gian dài, bệnh nhân phải được theo dõi các dấu hiệu mất cân bằng điện giải, đặc biệt ở bệnh nhân suy tim, bệnh thận, xơ gan, đang điều trị đồng thời với NSAID và người cao tuổi.
  • Bệnh nhân cần được xét nghiệm kiểm tra định kỳ nồng độ kali máu, đặc biệt ở người bệnh cao tuổi, xơ gan, đái tháo đường, suy thận hoặc khi có chỉ định thay đổi liều dùng. Nếu kali máu tăng cao thì cần ngừng thuốc Triamterene ngay.
  • Những trường hợp suy giảm dự trữ Acid folic, như bệnh nhân xơ gan, nghiện rượu, cần thận trọng khi dùng Triamterene, vì có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu hồng cầu khổng lồ.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Triamterene ở bệnh nhân mắc bệnh Gout vì tác dụng phụ gây tăng acid uric máu.
  • Thông thường các tác dụng phụ của Triamterene thường ở mức độ nhẹ và sẽ hết khi ngừng thuốc.
  • Có thể kiểm soát tình trạng buồn nôn bằng cách cho bệnh nhân uống thuốc Triamterene sau bữa ăn.
  • Triamterene đi qua nhau thai và được tìm thấy trong máu cuống rốn. Phân loại mức độ an toàn của Triamterene dành cho phụ nữ có thai là loại C, do đó chỉ sử dụng khi lợi ích vượt trội hơn nguy cơ.
  • Triamterene có thể xuất hiện trong sữa mẹ, do đó không dùng thuốc trong thời kỳ cho con bú. Nếu bắt buộc điều trị bằng Triamterene thì không nên cho con bú.

7. Tương tác thuốc của Triamterene

Kết hợp Triamterene với Amiloride, Spironolactone, các thuốc ức chế men chuyển Angiotensin (như Enalapril, Captopril) làm tăng nguy cơ tăng kali máu.

Sử dụng đồng thời Triamterene với các thuốc chống viêm không steroid, đặc biệt là Indomethacin, có thể tăng nguy cơ tổn thương chức năng thận.

Không dùng kết hợp với Lithium do Triamterene do có thể làm giảm độ thanh thải Lithium ở thận và do đó gây tăng độc tính của Lithium.

Các thuốc có khả năng làm tăng kali máu nghiêm trọng khi sử dụng đồng thời với Triamterene: ức chế men chuyển, Tacrolimus, Indomethacin, muối kali, Trilostan, Ciclosporin, Aliskiren, Chlorpropamide, Amiloride, thuốc đối kháng aldosterone như Eplerenone và Spironolactone.

Triamterene là một lợi tiểu gây giữ kali được chỉ định kết hợp với các thuốc khác để điều trị phù và tăng huyết áp. Để nâng cao hiệu quả sử dụng, người dùng cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, drugs.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

820 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan