Tác dụng phụ của thuốc loãng xương

Thuốc điều trị loãng xương được sử dụng phổ biến để chống biến dạng xương hoặc giúp hình thành xương. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra làm ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh. Để sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả, bệnh nhân có thể chọn lựa thuốc trị loãng xương tốt nhất và ít gây tác dụng phụ.

1. Tác dụng phụ của thuốc loãng xương có nguy hiểm không?

Tác dụng phụ của mỗi loại thuốc loãng xương sẽ có khác biệt riêng. Tùy vào mức độ nguy hiểm, tác dụng phụ của thuốc loãng xương được chia làm ba nhóm, bao gồm các tác dụng phụ thường gặp, tác dụng phụ mức độ trung bình và các tác dụng phụ nghiêm trọng, hiếm gặp.

  • Các tác dụng phụ của thuốc loãng xương phổ biến nhất có thể bao gồm mệt mỏi, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, sốt, nóng ran, viêm xoang, đau đầu, thiếu máu, tăng cân, chuột rút chân, sưng mắt cá chân, đau xương, đau cơ, đau tay, đau bàn chân, ...
  • Các tác dụng phụ của thuốc loãng xương ở mức độ trung bình có thể bao gồm: chóng mặt, mất ngủ, nôn mửa, đổ mồ hôi, đau vú, viêm phế quản, viêm họng hạt, nhiễm trùng đường tiết niệu, đau khớp, huyết áp thấp, hạ Kali, Magie và Phosphate máu, tăng lượng chất béo trung tính, ...
  • Các tác dụng phụ của thuốc loãng xương ở mức nghiêm trọng có thể xảy ra khi sử dụng thuốc loãng xương có thể bao gồm: đau xương cơ khớp nghiêm trọng, hạ canxi máu, giảm chức năng thận, các vấn đề về hàm, thuyên tắc phổi (cục máu đông trong phổi), huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), đột quỵ, cục máu đông trong tĩnh mạch võng mạc (hiếm gặp), ....

Theo đó, cần đặc biệt lưu ý, tác dụng phụ của thuốc loãng xương làm tăng nồng độ chất béo trung tính trong máu, từ đó làm tăng nguy cơ đông máu, có thể dẫn tới đột quỵ, huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) và thuyên tắc phổi. Nguy cơ tăng cao nhất xảy ra trong 4 tháng điều trị đầu tiên. Do đó, bệnh nhân dùng thuốc loãng xương nên tránh vận động, va chạm mạnh trong thời gian dài từ khi sử dụng thuốc loãng xương.

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
Tác dụng phụ của thuốc loãng xương làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu

XEM THÊM: Ảnh hưởng của thuốc loãng xương tới sức khỏe răng miệng

Bên cạnh đó, viêm xương hàm là một tác dụng phụ hiếm gặp liên quan đến việc sử dụng các thuốc loãng xương thuộc nhóm Bisphosphonate. Khi đó, các tế bào trong xương hàm chết đi, gây ra các vấn đề về khả năng chữa lành vết thương của cơ thể ở khoang miệng. Nếu bạn có tiền sử các vấn đề về răng miệng, hãy kiểm tra sức khỏe trước khi bắt đầu điều trị bằng các thuốc loãng xương nhóm Bisphosphonates.

Ngoài ra, tác dụng phụ của thuốc loãng xương có thể là phản ứng dị ứng nghiêm trọng dẫn tới sốc, sưng lưỡi, sưng họng và thậm chí là đóng đường thở, gây ra các vấn đề về nuốt, hô hấp.

2. Loãng xương uống thuốc gì thì hiệu quả?

Mặc dù tác dụng phụ của thuốc loãng xương là có tồn tại, tuy nhiên rất nhiều thuốc loãng xương hiện nay đã chứng minh được tác dụng bảo tồn hoặc tăng khối lượng và mật độ xương (giảm nguy cơ gãy xương hiệu quả tới 50% trong vòng một năm). Tùy vào nhu cầu điều trị, lối sống và kinh tế cụ thể của từng người bệnh, bác sĩ sẽ giúp bạn lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, hạn chế tối đa các tác dụng phụ của thuốc loãng xương.

Thuốc loãng xương có thể chia làm 2 loại chính là nhóm thuốc làm giảm mất xương và nhóm thuốc làm tăng tạo xương.

2.1 Các thuốc làm chậm quá trình mất xương

Các thuốc làm chậm quá trình mất xương đã được phổ biến rộng rãi bao gồm các Bisphosphonates, các chất điều biến thụ thể estrogen có chọn lọc, liệu pháp thay thế hormone (HRT), điều trị bằng hormone phi giới tính và các chất ức chế Ligand.

Bisphosphonates

Bisphosphonates là nhóm các thuốc ức chế quá trình tiêu xương bằng cách tác động trực tiếp lên cấu trúc xương, làm chậm tốc độ phân hủy xương trong cơ thể, nhờ đó duy trì mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương. Có một số bisphosphonat khác nhau, dưới dạng thuốc viên hoặc thuốc tiêm, bao gồm: axit alendronic, axit ibandronic, axit risedronic, axit zoledronic.

Để đạt hiệu quả tối ưu, hãy luôn uống Bisphosphonates khi bụng đói với một cốc nước đầy, đứng hoặc ngồi thẳng trong 30 phút sau khi dùng thuốc và nên đợi từ 30 phút đến 2 giờ trước khi ăn thức ăn hoặc uống bất kỳ chất lỏng nào khác. Thông thường, Bisphosphonates mất từ 6 đến 12 tháng để phát huy tác dụng và thời gian điều trị bằng Bisphosphonates có thể lên tới 5 năm hoặc lâu hơn để điều trị loãng xương thành công.

axit alendronic
Thuốc axit alendronic thuộc nhóm Bisphosphonates ức chế quá trình tiêu xương

Các chất điều biến thụ thể estrogen có chọn lọc

Các chất điều biến thụ thể estrogen có chọn lọc còn được gọi là SERMS hoặc các chất tương tự estrogen. Các chất này bắt chước estrogen, hoạt động tương tự như estrogen trong cơ thể giúp làm hạn chế sự phân hủy của xương trong cơ thể. Các thuốc loãng xương tiêu biểu của nhóm thuốc này bao gồm Raloxifene (Evista) điều trị loãng xương sau mãn kinh, Bazedoxifene và Lasofoxifene.

Liệu pháp thay thế hormone (HRT)

Trong thời kỳ mãn kinh, cơ thể ngừng sản xuất một số hormone sinh dục như estrogen, progesterone, làm tăng nguy cơ loãng xương. Việc ngăn ngừa loãng xương bằng cách sử dụng các chất thay thế hormone là rất cần thiết. Nhiều thuốc loãng xương thuộc nhóm này có chứa estrogen hoặc kết hợp giữa estrogen và progesterone như Cenestin, Premarin, Prempro,... Ở nam giới, sử dụng testosterone đã chứng minh được hiệu quả trong điều trị loãng xương do suy giảm hormone sinh dục nam.

Hormone phi giới tính và các chất ức chế Ligand

Các thuốc loãng xương chứa hormone phi giới tính như Calcitonin (Miacalcin Nasal Spray) làm ức chế quá trình tiêu xương bằng cách ức chế tế bào hủy xương, đây là một loại tế bào "tiêu hóa" xương để giải phóng canxi và phốt pho vào máu.

Trong khi đó các chất ức chế Ligand, ví dụ Denosumab (Prolia) như chế sự tiêu xương bằng cách ngăn chặn sự hình thành, can thiệp vào chức năng và sự tồn tại của tế bào hủy xương.

2.2 Hormone tuyến cận giáp và các thuốc làm tăng tạo xương

Hormone tuyến cận giáp được sản xuất tự nhiên trong cơ thể, có chức năng điều chỉnh lượng canxi có trong xương. Phương pháp điều trị hormone tuyến cận giáp như tiêm Teriparatide được sử dụng để kích thích các tế bào tạo xương mới.

Trong khi các loại thuốc khác chỉ có thể làm chậm tốc độ loãng xương thì hormone tuyến cận giáp có thể làm tăng mật độ xương. Tuy nhiên, nó chỉ được sử dụng cho một số ít người có mật độ xương rất thấp và khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.

SKTQ - khám sức khỏe tổng quát
Để phòng ngừa bệnh loãng xương, người bệnh nên định kỳ kiểm tra sức khỏe tại cơ sở y tế uy tín như Vinmec

Loãng xương là căn bệnh diễn tiến rất thầm lặng, chính vì thế mà khi bệnh có các dấu hiệu cụ thể cũng là lúc cơ thể người bệnh đã mất một lượng xương đáng kể. Do đó, việc xét nghiệm đo mật độ xương định kỳ để kiểm tra sức khỏe xương khớp là rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc duy trì sử dụng thuốc điều trị loãng xương cũng rất quan trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: nhs.uk, medicinenet.com, emedicinehealth.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan