Tác dụng của thuốc Umeclidinium

Thuốc Umeclidinium được bào chế dưới dạng bột hít. Thuốc được sử dụng trong điều trị triệu chứng cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

1. Umeclidinium là thuốc gì?

Thuốc Umeclidinium là một chất kháng muscarinic tác dụng kéo dài, nằm trong nhóm thuốc kháng cholinergic. Cơ chế hoạt động của thuốc là giúp thư giãn, mở đường dẫn khí trong phổi để hô hấp dễ dàng hơn. Do đó, thuốc được sử dụng ở người lớn để kiểm soát các triệu chứng thở khò khè, khó thở, ho, tức ngực,... do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Chỉ định sử dụng thuốc Umeclidinium:

  • Ngăn ngừa tắc nghẽn luồng không khí, giảm bùng phát ở người trưởng thành mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bao gồm khí phế thũng và viêm phế quản.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Umeclidinium:

  • Người bị dị ứng với umeclidinium hoặc dị ứng nghiêm trọng với protein sữa;
  • Người dưới 18 tuổi.

Thuốc Umeclidinium chỉ được sử dụng cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Thuốc không dùng để điều trị bệnh hen suyễn.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Umeclidinium

Cách dùng: Đường hít bằng miệng bằng ống hít đặc biệt. Nên sử dụng thuốc vào cùng 1 thời điểm mỗi ngày, không quá 1 lần trong 24 giờ.

Để sử dụng thuốc, bệnh nhân hãy thực hiện theo các bước sau:

  • Khi sử dụng ống hít lần đầu, người bệnh hãy lấy thuốc ra khỏi hộp, điền ngày đầu tiên dùng thuốc lên nhãn ống hít để làm căn cứ về thời điểm thay ống hít;
  • Trượt nắp lọ thuốc xuống để lộ ống ngậm cho tới khi nghe thấy tiếng tách;
  • Bộ đếm của lọ thuốc sẽ đếm ngược 1 mỗi khi bệnh nhân mở nắp. Nếu bộ đếm không đếm ngược, ống hít sẽ không cung cấp thuốc. Nếu ống hít không đếm ngược, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ;
  • Giữ ống hít cách xa miệng, thở ra xa nhất có thể, không thở vào ống ngậm;
  • Đặt ống ngậm giữa 2 môi, ngậm chặt môi quanh nó. Hít 1 hơi dài, đều đặn và sâu bằng miệng. Lưu ý là bệnh nhân không hít thuốc bằng mũi;
  • Lấy ống hít ra khỏi miệng, nín thở trong khoảng 3 - 4 giây là được. Sau đó, thở ra từ từ;
  • Bệnh nhân có thể không cảm thấy thuốc từ ống hít tiết ra. Và ngay cả khi không thấy thì người bệnh cũng không nên hít thêm 1 liều khác vì điều này có thể làm gia tăng nguy cơ dùng thuốc quá liều;
  • Làm sạch ống ngậm bằng khăn giấy khô. Sau đó, trượt nắp lên trên ống ngậm càng xa càng tốt để đóng ống hít.

Nếu sau khi dùng thuốc mà các vấn đề về hô hấp không được cải thiện hoặc cho rằng thuốc không có tác dụng, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ ngay. Đồng thời, người bệnh không được ngưng sử dụng thuốc Umeclidinium khi chưa được bác sĩ cho phép. Nếu ngừng sử dụng thuốc hít Umeclidinium, các triệu chứng bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn.

Bệnh nhân không nên cố làm sạch hoặc tháo rời thiết bị ống hít. Sau 6 tuần mở nắp hoặc chỉ báo liều lượng bằng 0 (tùy điều kiện nào đến trước) thì người bệnh nên vứt bỏ ống hít.

Liều dùng: Liều thông thường đối với người trưởng thành mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính:

  • Duy trì: 1 lần hít (62.5mcg)/lần/ngày;
  • Liều tối đa: 1 lần hít sau mỗi 24 giờ.

Quá liều: Khi sử dụng thuốc Umeclidinium quá liều, bệnh nhân thường có các triệu chứng như đau ngực, khó thở, tim đập nhanh, rung lắc 1 phần cơ thể mà không thể kiểm soát, khô miệng, da khô, nóng, đỏ bừng, mờ mắt, đồng tử giãn, ảo giác,... Nếu có biểu hiện ngã quỵ, khó thở, lên cơn co giật hoặc ngất xỉu,... người bệnh cần được đưa đi cấp cứu ngay.

Quên liều: Nếu quên 1 liều thuốc Umeclidinium, bệnh nhân nên dùng thuốc càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu đã gần tới thời điểm dùng liều tiếp theo thì người bệnh hãy bỏ qua liều đã quên. Không nên dùng 2 liều cùng 1 lúc. Không nên dùng trên 1 lần trong 24 giờ.

3. Tác dụng phụ của thuốc Umeclidinium

Khi sử dụng thuốc Umeclidinium, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Tác dụng phụ thường gặp, không quá nghiêm trọng: Triệu chứng cảm lạnh (ho, đau họng, nghẹt mũi, hắt hơi), nhịp tim nhanh hoặc không đều, thâm nám, sạm da, đau răng, đau miệng, đau cơ, đau khớp, đau bụng, thay đổi vị giác;
  • Tác dụng phụ ít gặp, nghiêm trọng: Thở khò khè, nghẹt thở hoặc các vấn đề về hô hấp khác, mờ mắt, buồn nôn, ói mửa, đau mắt, đỏ mắt, nhìn thấy quầng sáng hoặc màu sáng quanh ánh đèn, đi tiểu đau, khó đi tiểu hoặc đi tiểu thường xuyên;
  • Phản ứng dị ứng: Nổi mề đay, phát ban da, ngứa dữ dội, khó thở, sưng mặt/môi/lưỡi/cổ họng. Cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay.

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc, người bệnh nên ngay lập tức báo cho bác sĩ để nhận được sự tư vấn về cách can thiệp thích hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Umeclidinium

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Umeclidinium:

  • Trước khi dùng thuốc Umeclidinium, người bệnh nên báo cho bác sĩ nếu bị bệnh tim, tăng nhãn áp, phì đại tuyến tiền liệt, các vấn đề về tiểu tiện;
  • Không sử dụng thuốc giãn phế quản dạng hít thứ 2 có chứa các thành phần: Aclidinium, indacaterol, olodaterol, salmeterol, arformoterol, tiotropium hoặc vilanterol;
  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về các loại thực phẩm, đồ uống nên hạn chế;
  • Umeclidinium không phải là thuốc cấp cứu, không hoạt động đủ nhanh để điều trị cơn co thắt phế quản. Do đó, nếu bị co thắt phế quản, người bệnh nên dùng 1 loại thuốc hít có tác dụng nhanh;
  • Báo cho bác sĩ nếu các vấn đề về hô hấp không cải thiện hoặc các triệu chứng bệnh càng trở nên tồi tệ hơn từ khi dùng thuốc Umeclidinium;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Umeclidinium ở phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú.

5. Tương tác thuốc Umeclidinium

Một số tương tác thuốc của Umeclidinium gồm:

  • Thuốc kháng histamin;
  • Atropin;
  • Thuốc điều trị lo âu, trầm cảm, rối loạn tâm thần;
  • Các loại thuốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khác như: Aclidinium (Tudorza Pressair), ipratropium (Atrovent HFA) và tiotropium (Spiriva);
  • Thuốc cảm lạnh hoặc dị ứng (như Benadryl và các loại khác);
  • Thuốc điều trị bệnh Parkinson;
  • Thuốc điều trị các bệnh lý ở dạ dày, say tàu xe, hội chứng ruột kích thích;
  • Thuốc điều trị bàng quang hoạt động quá mức;
  • Một số loại thuốc giãn phế quản khác.

Khi sử dụng thuốc Umeclidinium, người bệnh nên tuân thủ đúng hướng dẫn chi tiết của bác sĩ về cách dùng và liều dùng thuốc. Đây là yêu cầu cốt lõi để đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất và hạn chế được nguy cơ phát sinh những tác dụng phụ nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

397 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan