Tác dụng của thuốc Agimdogyl

Thuốc Agimdogyl có thành phần chính là dược chất Spiramycin và dược chất Metronidazole. Thuốc Agimdogyl là thuốc phối hợp spiramycin, kháng sinh họ macrolid và metronidazol, kháng sinh họ 5-nitro-imidazol có công dụng tốt trong điều trị các bệnh nhiễm trùng răng miệng.

1. Thuốc Agimdogyl là thuốc gì? Tác dụng của thuốc Agimdogyl

1.1. Dược lực học của thuốc Agimdogyl

Agimdogyl là thuốc phối hợp của kháng sinh spiramycin, kháng sinh họ macrolid và metronidazol, kháng sinh họ 5-nitro-imidazol. Thuốc Agimdogyl có tác dụng trong điều trị các bệnh nhiễm trùng răng miệng.

  • Liên quan đến Spiramycin: Spiramycin là kháng sinh thuộc nhóm macrolid có phổ kháng khuẩn tương tự phổ kháng khuẩn của erythromycin và clindamycin. Hoạt chất có tác dụng kìm khuẩn trên vi khuẩn đang phân chia tế bào. Ở các nồng độ trong huyết thanh, thuốc có tác dụng kìm khuẩn, nhưng khi đạt nồng độ ở mô thì thuốc có thể diệt khuẩn và ngăn cản vi khuẩn tổng hợp ra protein.
  • Liên quan đến metronidazol: Metronidazol là một dẫn chất 5 - nitro - imidazol, có phổ hoạt tính rộng trên những động vật nguyên sinh như amip, Giardia và trên vi khuẩn kỵ khí.

Cơ chế tác dụng của Metronidazol còn chưa thật rõ. Trong ký sinh trùng, nhóm 5 - nitro của thuốc bị khử thành các chất trung gian gây độc với tế bào. Các chất này liên kết với cấu trúc xoắn của phân tử ADN làm phá vỡ các sợi này và cuối cùng làm tế bào chết. Nồng độ trung bình có hiệu quả của hoạt chất Metronidazol là 8 microgam/ml hoặc thấp hơn đối với hầu hết các động vật nguyên sinh và các vi khuẩn nhạy cảm. Tác dụng là đặc tính diệt khuẩn tốt trên những vi khuẩn kỵ khí. Do đó, thuốc có thành phần dược chất là Spiramycin và Metronidazol có hiệu quả tốt trong điều trị nhiễm khuẩn khoang miệng.

2. Chỉ định của thuốc Agimdogyl

Thuốc Agimdogyl được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Ðiều trị nhiễm trùng răng miệng cấp tính, mãn tính hoặc tái phát, đặc biệt là áp-xe răng, viêm tấy, viêm nha chu, viêm quanh thân răng, viêm nướu, viêm mô tế bào quanh xương hàm, viêm miệng, viêm tuyến mang tai, viêm tuyến dưới hàm.
  • Ðiều trị dự phòng nhiễm khuẩn răng miệng hậu phẫu.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Agimdogyl

3.1. Cách dùng thuốc Agimdogyl

Thuốc Agimdogyl được sử dụng theo đường uống, uống trong bữa ăn.

3.2. Liều dùng thuốc Agimdogyl

Đối với người lớn

Liều điều trị thường dùng ở người lớn: Liều dùng uống 2 viên/ lần x 2 - 3 lần/ ngày. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng (điều trị tấn công) liều có thể tới 8 viên/ngày.

Đối với trẻ em

  • Liều thường dùng ở trẻ em từ 6 đến 10 tuổi: Uống 1 viên/ lần x 2 lần/ ngày.
  • Liều thường dùng ở trẻ em từ 11 đến 15 tuổi: Uống 1 viên/lần x 3 lần/ ngày.

Lưu ý khi sử dụng: Liều điều trị ở trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh của từng người khác nhau. Để có liều điều trị cụ thể và phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị hoặc chuyên viên y tế.

3.3. Trường hợp quá/ quên liều

Trường hợp quá liều:

  • Rối loạn liên quan đến Spiramycin: Không có liều dùng độc hại được biết đến khi sử dụng Spiramycin. Những dấu hiệu tiêu hóa khi quá liều có thể là buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.
  • Rối loạn liên quan đến Metronidazol: Trường hợp uống thuốc Agimdogyl một liều duy nhất tới 15g đã được báo cáo. Triệu chứng rối loạn bao gồm buồn nôn, nôn mửa và mất điều hòa. Tác dụng gây độc thần kinh gồm có co giật, viêm dây thần kinh ngoại biên đã được báo cáo sau 5 tới 7 ngày sử dụng với liều dùng 6 - 10,4 g cách 2 ngày/lần.

Xử trí quá liều:

  • Không có thuốc giải độc đặc hiệu.
  • Trong trường hợp quá liều, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Kháng sinh Metronidazol có thể loại khỏi cơ thể có hiệu quả bằng phương pháp thẩm tách máu.

Trường hợp quên liều:

Bạn cần chú ý bổ sung liều điều trị ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian giữa liều đã quên và liều tiếp theo quá ngắn thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc Agimdogyl như bình thường. Chú ý: tuyệt đối không dùng thuốc với liều gấp đôi để bù cho liều đã bị bỏ lỡ.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Agimdogyl

Tác dụng không mong muốn thường gặp khi dùng thuốc Agimdogyl:

  • Nhức đầu, khó tiêu, chướng bụng, chán ăn, đau bụng, táo bón.
  • Khô miệng kèm theo cảm giác có vị kim loại rất khó chịu trong miệng.
  • Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau rát vùng thượng vị.

Tác dụng không mong muốn ít và hiếm gặp khi dùng thuốc Agimdogyl:

  • Phồng rộp da, ban da, màu đau.
  • Cơn động kinh, bệnh đa dây thần kinh ngoại vi, nước tiểu sẫm màu, đau nhức đầu.
  • Viêm kết trong cấp.
  • Giảm tỷ lệ bạch cầu và mất bạch cầu hạt.
  • Mệt mỏi, đổ mồ hôi.
  • Phản ứng phản vệ.
  • Bội nhiễm (khi dùng thuốc Agimdogyl dài ngày).

Nếu thấy bất kỳ tác dụng phụ không mong muốn nào, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ có chuyên môn để được xử lý kịp thời.

5. Tương tác của thuốc Agimdogyl

Liên quan đến kháng sinh Spiramycin: Dùng đồng thời với thuốc uống ngừa thai sẽ làm mất tác dụng phòng ngừa thụ thai. Vì vậy, khi dùng thuốc thuốc Agimdogyl, bạn nên sử dụng thêm các biện pháp phòng tránh thai khác.

Liên quan đến kháng sinh Metronidazol:

  • Metronidazol tăng tác dụng thuốc uống chống đông máu, đặc biệt warfarin, vì vậy tránh dùng kết hợp.
  • Metronidazol có tác dụng kiểu disulfiram. Vì vậ,y không dùng đồng thời 2 thuốc này để tránh gây ra độc tính trên thần kinh như loạn thần, lú lẫn.
  • Dùng đồng thời kháng sinh Metronidazol và Phenobarbital làm tăng khả năng chuyển hóa Metronidazol nên Metronidazol thải trừ nhanh hơn.
  • Dùng Metronidazol cho người đang có nồng độ lithi trong máu cao (do đang dùng lithi) sẽ làm cho nồng độ lithi huyết thanh tăng lên, gây độc tính.
  • Metronidazol làm tăng tác dụng của Vecuronium- một loại thuốc giãn cơ không khử cực.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Agimdogyl

6.1. Chống chỉ định khi sử dụng thuốc Agimdogyl

Thuốc Agimdogyl chống chỉ định trong các trường hợp như sau:

  • Người có tiền sử quá mẫn với các loại kháng sinh như Spiramycin, Erythromycin, Metronidazol, dẫn chất nitro-imidazol khác và/hoặc các thành phần khác của thuốc.
  • Trẻ em dưới 6 tuổi (nguyên nhân là do dạng bào chế không thích hợp).

6.2. Thận trọng khi sử dụng thuốc Agimdogyl

  • Liên quan đến Spiramycin: Nên thận trọng khi dùng thuốc Agimdogyl cho người có rối loạn chức năng gan, vì thuốc có thể gây độc tính cho gan.
  • Liên quan đến metronidazol: Metronidazol có tác dụng ức chế alcol dehydrogenase và các enzyme oxy hóa alcol khác. Phản ứng nhẹ kiểu disulfiram như nóng bừng mặt, đau nhức đầu, buồn nôn, nôn, co cứng bụng và ra mồ hôi đã xảy ra ở những người uống rượu khi đang được điều trị với kháng sinh Metronidazol.
  • Metronidazol có thể gây ra bất động Treponema pallidum tạo nên phản ứng dương tính giả ở nghiệm pháp Nelson.

6.3. Những lưu ý đặc biệt khác

  • Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Khi sử dụng thuốc có thể gây ra nguy cơ gây chóng mặt, nhức đầu hoặc co giật. Do đó, bạn không nên lái xe hay vận hành máy móc nếu gặp loại rối loạn này.
  • Thời kỳ mang thai: Cả hai hoạt chất Spiramycin và Metronidazol đều có khả năng đi qua nhau thai. Mặc dù, kháng sinh Spiramycin không gây tai biến khi dùng cho người đang mang thai và cũng chưa thấy có thông báo về việc gây quái thai nguyên nhân do sử dụng Metronidazol. Tuy nhiên, cũng có một số nghiên cứu đã thông báo nguy cơ sinh quái thai tăng khi dùng thuốc vào 3 tháng đầu của thai kỳ. Do đó, bạn không nên dùng trong thời gian đầu khi mang thai, trừ khi bắt buộc phải dùng nhưng phải tuân theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
  • Thời kỳ cho con bú: Kháng sinh Spiramycin và Metronidazol đều bài tiết qua sữa mẹ, vì vậy nên ngừng cho con bú khi đang sử dụng thuốc Agimdogyl .
  • Thuốc Agimdogyl có thể gây độc tính cho gan, do đó thận trọng khi sử dụng cho người rối loạn chức năng gan.
  • Khi uống rượu làm tăng phản ứng kiểu disulfiram, do đó không nên uống rượu khi đang sử dụng thuốc Agimdogyl .
  • Thuốc Agimdogyl gây dương tính giả trong nghiệm pháp Nelson.

Thuốc Agimdogyl là thuốc phối hợp spiramycin, kháng sinh họ macrolid và metronidazol, kháng sinh họ 5-nitro-imidazol có công dụng tốt trong điều trị các bệnh nhiễm trùng răng miệng. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

48.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan