Tác dụng của nhóm thuốc chống co thắt cơ trơn

Thuốc chống co thắt cơ trơn là một trong 2 loại thuốc giãn cơ được sử dụng trong điều trị cơn đau co thắt nội tạng. Trong khi sử dụng loại thuốc này, người bệnh cần có những lưu ý nhất định nhằm mang lại hiệu quả điều trị và hạn chế tác dụng phụ để không gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

1. Cơ chế hoạt động của thuốc chống co thắt cơ trơn

Cơ trơn là hệ cơ cấu tạo nên các cơ quan nội tạng như ống tiêu hóa, tiểu phế quản, phế quản, niệu quản, bàng quang, tử cung, thành mạch máu, cơ mi, cơ mống mắt, cơ dựng lông, các ống dẫn của tuyến... Sự co thắt cơ trơn không chịu sự điều khiển của con người.

Nhóm thuốc chống co thắt cơ trơn tác dụng làm giãn cơ trơn, giảm cường độ, giảm nhịp độ co bóp của cơ trơn, giảm đau. Vì vậy các thuốc trong nhóm này được sử dụng trong điều trị các cơn đau do co thắt đường mật, co thắt đường tiêu hóa, co thắt đường tiết niệu và đường sinh dục.

Tuy nhiên người bệnh cũng cần lưu ý thuốc có thể làm mờ đi các triệu chứng của bệnh nặng, hoặc làm xuất hiện các phản ứng không mong muốn của cơ thể.

2. Các thuốc trong nhóm chống co thắt cơ trơn

2.1. Alverin Citrate

Alverin Citrate là thuốc có tác dụng trực tiếp lên cơ trơn, giảm cơn đau co thắt do cơ trơn nên được sử dụng trong điều trị giảm đau do viêm dạ dày – tá tràng, bệnh đường ruột, viêm đại tràng co thắt, bệnh túi thừa. Thuốc cũng có thể được sử dụng giúp giảm hoặc cắt cơn đau trong kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ.

Người mắc bệnh liệt ruột, tắc ruột, tắc bán ruột, trẻ em dưới 12 tuổi khuyến cáo không điều trị bằng Alverin Citrate. Ngoài ra, vận động viên đang thi đấu cũng được khuyến cáo là không nên dùng thuốc này vì có thể gây phản ứng dương tính khi kiểm tra chống Doping.

Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt. Người bệnh có triệu chứng đi tiêu ra máu, sốt, táo bón nặng, chảy máu hoặc tiết dịch bất thường ở âm đạo khi dùng thuốc cần đến bệnh viện thăm khám sớm nhất có thể.

2.2. Drotaverin

Drotaverin thuộc nhóm thuốc chống co thắt cơ trơn, bào chế dưới hai dạng là viên uống và dung dịch tiêm. Tác dụng của cả 2 dạng thuốc này đều như sau. Sau khi uống thuốc sẽ được hấp thu hoàn toàn sau 12 phút.

Đối với Drotaverin dạng tiêm, thời gian bắt đầu khởi phát tác dụng là 2 – 4 phút sau khi tiêm, tối đa là sau 30 phút. Drotaverin được sử dụng để điều trị các cơn đau do co thắt cơ trơn ở bệnh dạ dày ruột như viêm đại tràng, loét dạ dày tá tràng, hội chứng ruột kích thích.

Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng làm giảm đau trong các bệnh đường mật như co thắt đường mật do viêm nhiễm khuẩn, cơn đau quặn mật, sỏi, giun chui ống mật và túi mật, giảm cơn đau quặn thận, cơn đau co thắt đường tiết niệu (sỏi, viêm nhiễm, ứ đọng nước tiểu do chèn ép), bệnh về đường sinh dục (dọa sảy thai, đau bụng kinh, co cứng tử cung ở phụ nữ).

Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như nôn, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, đánh trống ngực, đặc biệt là thuốc có thể gây hạ huyết áp khi tiêm tĩnh mạch nhanh. Vì vậy thuốc khi dùng bằng đường tiêm lưu ý cần phải tiêm thật chậm, không dùng thuốc ở người mắc bệnh Parkinson đang điều trị bằng Levodopa vì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc.

2.3. Buscopan

Buscopan là thuốc chống co thắt cơ trơn được sử dụng để điều trị các triệu chứng đau do loét dạ dày – tá tràng, hội chứng ruột kích thích, viêm đường dẫn mật, viêm túi mật, viêm bể thận, đau bụng kinh, viêm bàng quang, sỏi thận...

Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như rối loạn bài tiết mồ hôi, khô miệng, tim đập nhanh, bí tiểu có thể xảy ra nhưng thường nhẹ. Lưu ý không điều trị bằng thuốc Buscopan đường uống cho người bệnh tăng nhãn áp khép góc cũng như người bệnh bị tắc ruột, tắc nghẽn đường tiểu, người bệnh bị rối loạn nhịp tim. Không điều trị bằng Buscopan đường tiêm ở người bệnh bị rối loạn tăng nhãn áp, người bệnh bị phì đại tuyến tiền liệt kèm bí tiểu, nhịp tim nhanh, hẹp cơ học đường tiêu hóa, nhược cơ.

2.4. Atropin

Atropin là thuốc được sử dụng nhằm ức chế tác dụng của hệ thần kinh đối giao cảm trong các trường hợp như loét dạ dày – tá tràng, rối loạn bộ máy tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích, điều trị chứng tiêu chảy cấp tính hoặc mãn tính gây ra do rối loạn tăng nhu động ruột, các rối loạn khác có co thắt cơ trơn như đau quặn thận, đau co thắt đường mật... Ngoài ra, Atropin còn được sử dụng trong điều trị ngộ độc phospho hữu cơ, nhịp tim chậm do ngộ độc Digitalis, phòng say tàu xe, cơn co thắt phế quản...

Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như khó nuốt, khô miệng, khó phát âm, sốt, tăng cảm giác khát, giảm tiết dịch ở phế quản, trên hệ thần kinh trung ương có thể gây hoang tưởng, lú lẫn và dễ bị kích thích...

Thuốc Atropin dạng nhỏ mắt có thể gây ra ngộ độc toàn thân ở trẻ em hoặc kích ứng tại chỗ, phù, sung huyết và viêm kết mạc có thể xảy ra khi dùng kéo dài.

2.5. Spamaverine

Spamaverine là thuốc chống co thắt cơ trơn được sử dụng trong điều trị đau do rối loạn chức năng đường mật, đường tiêu hóa, đau do co thắt vùng tiết niệu – sinh dục (đau khi sinh, đau bụng kinh, đau quặn thận, dọa sảy thai, sinh khó)... Thuốc có thể được sử dụng trong trường hợp người bệnh bị phì đại tuyến tiền liệt, tăng nhãn áp.

2.6. Papaverin

Papaverin là thuốc được xếp vào nhóm giảm đau chống co thắt cơ tác dụng hướng cơ, dùng trong trường hợp giảm đau do tăng nhu động dạ dày – ruột (viêm ruột, viêm đại tràng, viêm dạ dày) hay đau do co thắt cơ tử cung, đau do quặn thận... Ngoài ra thuốc còn có tác dụng chống cơn co thắt mạch máu não, làm giãn cơ tim...

Mặc dù thuốc có độc tính thấp sau khi uống, tuy nhiên trên thực tế đã có nhiều trường hợp người bệnh gặp phải tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa như táo bón, buồn nôn, tiêu chảy, chán ăn, chóng mặt, viêm gan, ngủ gà, an thần, ngủ lịm, đau đầu... đã được thông báo.

Thận trọng khi dùng thuốc ở người bệnh tăng nhãn áp, không dùng thuốc trong thời gian dài vì nguy cơ gây lạm dụng, lệ thuộc thuốc. Cần ngưng sử dụng Papaverin khi có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, vàng da hoặc xét nghiệm chức năng gan cho kết quả bất thường.

Thuốc chống co thắt cơ trơn cũng đem lại tác dụng giống như các thuốc giảm đau khác, vì vậy người không có chuyên môn y dược không được tự ý mua thuốc để sử dụng khi chưa được chỉ định bởi các chuyên gia y tế. Hi vọng qua những thông tin từ bài viết sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về tác dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau chống co thắt cơ trơn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

34.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Spasmaboston
    Công dụng thuốc Spasmaboston

    Thuốc Spasmaboston là thuốc chống co thắt cơ trơn với hoạt chất chính là Alverine. Spasmaboston được sử dụng trong điều trị giảm đau do co thắt cơ trơn đường tiêu hoá, tiết niệu và sinh dục. Bài viết dưới ...

    Đọc thêm
  • banner natives image QC
    Giải pháp hỗ trợ điều trị và dự phòng xơ vữa động mạch

    Nattokinase trong sản phẩm vừa có tác dụng phân giải cục máu đông, vừa có tác dụng kích hoạt các enzyme

    Đọc thêm
  • spasmavidi
    Công dụng của thuốc Spasmavidi

    Thuốc Spasmavidi là thuốc được chỉ định trong điều trị một số bệnh lý đường tiêu hóa như chống co thắt cơ trơn đường tiêu hóa,... Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén. Dưới đây là các thông tin ...

    Đọc thêm
  • flomate
    Công dụng thuốc Flomate

    Thuốc Flomate là một loại thuốc có tác dụng giảm co thắt cơ trơn đường tiêu hóa, sinh dục và tiết niệu. Được chỉ định dùng trong trường hợp co thắt cơ trơn gây ra triệu chứng cho người bệnh. ...

    Đọc thêm
  • Spasmapyline
    Công dụng thuốc Spasmapyline

    Spasmapyline là thuốc điều trị bệnh đường tiêu hoá, thành phần chính Alverin citrat hàm lượng 40mg, dạng bào chế viên nén, được đóng gói hộp 20 vỉ, mỗi vỉ có 15 viên hoặc đóng hộp 1 chai chứa 100 ...

    Đọc thêm
  • Công dụng thuốc Kialverin
    Công dụng thuốc Kialverin

    Kialverin thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa, dùng trong điều trị các chứng đau do co thắt cơ trơn ở dạ dày, đau tiết niệu. Thuốc Kialverin có thành phần chính là Lysozyme Chloride, được bào chế theo dạng viên ...

    Đọc thêm