Sotstop uống bao lâu thì hạ sốt?

Sotstop là thuốc giảm đau hạ sốt, có thể dùng cho nhiều đối tượng. Đây là một loại thuốc hạ sốt có tác dụng mạnh và kéo dài hơn so với Paracetamol. Vậy Sotstop uống bao lâu thì hạ sốt? Cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài viết dưới đây.

1. Sotstop là thuốc gì?

Sotstop có thành phần chính là Ibuprofen 20mg/ml được bào chế dưới dạng chai dung dịch 100ml.

Ibuprofen thuộc nhóm thuốc chống viêm không Steroid (NSAID), dẫn xuất từ acid propionic. Ibuprofen cũng giống như các thuốc trong nhóm chống viêm không Steroid khác, có tác dụng chính là giảm đau, hạ sốt và chống viêm. Cơ chế tác dụng của các thuốc nhóm này là ức chế men prostaglandin synthetase và ngăn tạo ra chất trung gian hoá học gây viêm như prostaglandin, thromboxan và các sản phẩm gây phản ứng viêm khác.

Ibuprofen cũng có tác dụng hạ sốt mạnh hơn so với Aspirin và kéo dài hơn Paracetamol, tuy nhiên nó được chỉ định hạn chế hơn Paracetamol vì không phải trường hợp sốt nào cũng được sử dụng.

Thuốc có tác dụng giảm đau tốt trong điều trị các chứng đau mức độ vừa và nhẹ.

2. Khi nào nên và không nên dùng thuốc Sotstop?

Thuốc Sotstop được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Giúp giảm các chứng đau từ nhẹ đến vừa như: Đau bụng kinh, đau đầu, sau các thủ thuật về răng;
  • Dùng Ibuprofen có thể giúp giảm bớt liều thuốc giảm đau chứa chất gây nghiện để điều trị đau sau đại phẫu thuật hoặc cho người bệnh bị đau do ung thư;
  • Điều trị giảm đau và viêm khớp dạng thấp, viêm khớp dạng thấp thanh thiếu niên;
  • Sotstop hạ sốt trong một số trường hợp khi người bệnh không đáp ứng với Paracetamol.

Chống chỉ định dùng thuốc trong các trường hợp sau:

  • Quá mẫn với thuốc Ibuprofen, Aspirin hay với các thuốc chống viêm không Steroid khác. Biểu hiện tình trạng quá mẫn bằng việc xuất hiện cơn hen, viêm mũi, nổi mày đay, khó thở, phù mạch sau khi dùng thuốc;
  • Loét dạ dày tá tràng tiến triển;
  • Không dùng để hạ sốt khi chưa loại trừ được nguyên nhân gây sốt do sốt xuất huyết;
  • Người bệnh bị hen hay co thắt phế quản, rối loạn chức năng đông máu, bệnh tim mạch, suy gan hoặc thận nặng với mức lọc cầu thận dưới 30 ml/phút;
  • Người bệnh đang được điều trị với các thuốc chống đông máu như Coumarin;
  • Người bệnh bị giảm khối lượng tuần hoàn khi dùng thuốc sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn chức năng thận;
  • Người bệnh bị bệnh tạo keo không dùng vì khi dùng thuốc có nguy cơ bị viêm màng não vô khuẩn;
  • Phụ nữ mang thai nhất là trong 3 tháng cuối của thai kỳ;
  • Không dùng cho trẻ em dưới 7kg. Nếu dùng cho trẻ từ 3 đến 6 tháng cần hỏi ý kiến bác sĩ.

3. Sotstop uống bao lâu thì hạ sốt?

Thông thường sau khi uống thuốc này khoảng 20 đến 30 phút bắt đầu có tác dụng hạ sốt. Nồng độ Ibuprofen đạt đỉnh trong máu sau khi uống khoảng 1 đến 2 giờ. Cho nên, tác dụng mạnh nhất là sau 1 đến 2 giờ uống.

Đối với người lớn bạn có thể nhắc lại nếu còn sốt sau ít nhất từ 4 đến 6 giờ, nhưng đối với trẻ em khoảng thời gian này nên kéo dài hơn là khoảng 6 đến 8 giờ sau liều uống đầu.

4. Thuốc Sotstop liều dùng và cách dùng như thế nào?

Cách dùng: Thuốc được dùng bằng đường uống khi bị sốt hoặc đau.

Liều dùng thuốc Sotstop ở người lớn:

  • Liều dùng nhằm để giảm đau thông thường là 60ml – 90ml (tương đương với 1,2g – 1,8g)/ngày, uống chia làm nhiều lần. Liều duy trì: 30ml – 60ml (0,6g – 1,2g)/ngày. Lưu ý tối đa không dùng quá 160ml/ngày;
  • Liều giảm sốt: Liều thường thường từ 10ml – 20ml (0,2g-0,4g) mỗi lần, cách nhau mỗi 4 đến 6 giờ/lần, tối đa không dùng quá 60ml (1,2g)/ngày.

Liều dùng thuốc Sotstop ở trẻ em:

  • Liều giảm đau hoặc hạ sốt: Liều thông thường 1ml – 1,5ml (20mg đến 30mg)/kg cân nặng/ngày chia làm nhiều liều nhỏ. Mỗi liều cách nhau ít nhất 6 đến 8 giờ;
  • Liều dùng điều trị viêm khớp dạng thấp thanh thiếu niên có thể dùng liều 2ml (40mg)/kg cân nặng/ngày chia làm nhiều lần uống;
  • Lưu ý đối với trẻ dưới 30kg: Dùng liều tối đa là 25ml (500mg)/ngày;
  • Thuốc không dùng cho trẻ nặng dưới 7kg.

5. Cần lưu ý gì khi dùng thuốc Sotstop?

Khi dùng thuốc bạn cần lưu ý như sau:

  • Trước khi dùng thuốc cần đọc kỹ hướng dẫn về cách dùng thuốc và các chống chỉ định, nếu có vấn đề thắc mắc nên hỏi ý kiến dược sĩ hay bác sĩ;
  • Cần thận trọng khi dùng thuốc này cho những người cao tuổi, người có biểu hiện của rối loạn chức đông máu vì nó có tác dụng chống ngưng kết tiểu cầu khiến người bệnh dễ bị xuất huyết;
  • Thời kỳ mang thai: Các thuốc chống viêm giảm đau không Steroid có thể ức chế sự co bóp tử cung và gây sinh muộn hơn dự kiến. Nó cũng có thể gây ra tăng áp lực phổi nặng và nguy cơ suy hô hấp nặng ở trẻ sơ sinh do làm đóng sớm ống động mạch trong tử cung. Ngoài ra, nó cũng ức chế ngưng kết tiểu cầu, làm tăng nguy cơ chảy máu. Cho nên không dùng thuốc này cho phụ nữ mang thai nhất là 3 tháng cuối và hỏi ý kiến bác sĩ khi dùng thuốc trong các thời kỳ khác;
  • Thời kỳ cho con bú: Mặc dù hàm lượng Ibuprofen vào sữa mẹ rất ít và cũng ít có khả năng xảy ra nguy cơ cho trẻ ở liều bình thường với mẹ. Nhưng vẫn cần cân nhắc khi dùng thuốc;
  • Khi dùng thuốc bạn cũng có thể gặp một số tác dụng phụ. Trong trường hợp bạn gặp một số tác dụng phụ như thấy nhìn mờ, giảm thị lực, rối loạn màu sắc thì phải ngừng dùng thuốc ibuprofen. Nếu có rối loạn nhẹ về tiêu hóa bạn nên uống thuốc trong lúc ăn để giảm khó chịu. Nếu thấy khó thở, nổi ban trên da, sưng mặt, xuất hiện cơn hen, mày đay thì cần ngừng thuốc và tới ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời;
  • Chú ý thuốc này có thể xảy ra tình trạng tương tác thuốc khi dùng với các thuốc khác, cho nên lưu ý: Không dùng thuốc với các thuốc chống viêm không Steroid khác vì nó làm tăng nguy cơ tác dụng phụ trên đường tiêu hoá. Không dùng với các kháng sinh nhóm Quinolon vì nó có thể tác động lên hệ thần kinh trung ương và có thể dẫn đến tình trạng co giật. Nếu dùng cùng với Methotrexat thì làm tăng độc tính của Methotrexat. Ibuprofen có thể làm giảm tác dụng đào thải natri của nhóm lợi niệu Furosemid và các thuốc lợi tiểu. Còn đối với thuốc Digoxin thì có thể làm tăng nồng độ digoxin huyết tương, cần chỉnh liều phù hợp.
  • Chỉ dùng khi Paracetamol không đáp ứng hoặc đáp ứng kém. Không nên ngay từ đầu đã sử dụng luôn thuốc này để hạ sốt. Khi có dịch sốt xuất huyết thì nên tránh dùng vì nó làm tăng nguy cơ xuất huyết nghiêm trọng.

Như vậy, thuốc Sotstop có tác dụng trong giảm đau, hạ sốt và có thể đáp ứng sau khi dùng 20 phút. Khả năng hạ sốt và thời gian kéo dài hơn so với thuốc Paracetamol, nhưng nó cũng có nguy cơ gây nhiều tác dụng phụ hơn, cho nên cần chú ý khi dùng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

126.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan