Lưu ý khi dùng thuốc Metopar

Thuốc Metopar được bào chế dưới dạng viên nang cứng, có thành phần chính Lansoprazol. Thuốc được sử dụng trong điều trị một số bệnh ở dạ dày.

1. Metopar 30 là thuốc gì?

Mỗi viên thuốc Metopar 30 chứa hoạt chất Lansoprazol 30mg cùng tá dược vừa đủ. Lansoprazol là một dẫn chất benzimidazol có công dụng chống tiết acid dạ dày. Lansoprazol có liên quan cấu trúc và dược lý đối với omeprazol. Lansoprazol liên kết không hồi phục với men H+/H+ ATPase (được coi như chiếc bơm acid (proton) của tế bào thành dạ dày) nên Lansoprazol được xem là thuốc ức chế bơm proton. Lansoprazol ức chế dạ dày tiết acid ở giai đoạn cuối, mức độ tiết acid dạ dày liên quan đến thời gian điều trị và liều dùng thuốc.

Lansoprazol làm gia tăng nồng độ gastrin trong huyết tương; nồng độ gastrin huyết tương đạt đến mức cao trong vòng 2 tháng điều trị và trở về mức trước khi điều trị trong vòng từ 1 - 12 tuần sau khi ngừng thuốc. Lansoprazol cũng làm giảm tiết pepsin, đồng thời làm tăng pepsinogen trong huyết thanh. Lansoprazol có thể sử dụng phối hợp trong điều trị Helicobacter ở người tá tràng bị nhiễm khuẩn hoặc bị loét dạ dày.

Thuốc Metopar được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Điều trị loét dạ dày - tá tràng cấp (do nhiễm/không nhiễm H.pylori);
  • Điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản (GERD);
  • Dự phòng trường hợp loét dạ dày tá tràng do thuốc kháng viêm không steroid;
  • Điều trị đa u tuyến nội tiết, hội chứng Zollinger - Ellison.

Không sử dụng thuốc Metopar đối với người quá mẫn với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc và người có thai trong 3 tháng đầu.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Metopar

Thuốc Metopar được sử dụng bằng đường uống trước bữa ăn, không nên nhai hoặc cắn vỡ viên thuốc.

Liều dùng:

  • Người bị loét tá tràng: Dùng 1 viên/ngày x 4 tuần, uống thuốc vào buổi sáng trước bữa ăn;
  • Người bị loét dạ dày: Dùng 1 viên/ngày x 8 tuần;
  • Người có bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản: Dùng 1 viên/ngày x 4 tuần, có thể uống thêm 4 tuần nữa nếu chưa khỏi;
  • Liệu pháp để diệt trừ hoặc khuẩn Helicobacter pylori trong loét dạ dày, tá tràng: Liệu pháp kết hợp 3 loại thuốc: Lansoprazol + Clarithromycin + Amoxicillin: Liều dùng khuyến cáo cho người lớn là: 30mg Lansoprazol + 500mg Clarithromycin + 1g Amoxicillin x 2 lần/ngày (mỗi 12 giờ) trong 10 - 14 ngày và uống trước bữa ăn;
  • Người mắc hội chứng Zollinger - Ellison: Dùng liều khởi đầu cho người lớn là 60mg/ngày, điều chỉnh liều dựa trên sự đáp ứng với thuốc của bệnh nhân. Liều uống có thể dao động từ 15 - 180mg/ngày. Liều trên 120mg/ngày nên chia thành 2 lần uống;
  • Dự phòng trường hợp loét dạ dày tá tràng do thuốc kháng viêm không steroid: Uống 30mg/ngày;
  • Bệnh nhân suy gan hoặc suy thận: Không cần phải điều chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận hoặc suy gan nhẹ đến trung bình.

Quá liều:

  • Triệu chứng: Co giật, an thần, hạ thân nhiệt, giảm tần số hô hấp;
  • Xử trí quá liều: Trong trường hợp quá liều thuốc Metopar, nên theo dõi sát sức khỏe người bệnh. Lọc máu không loại trừ được Lansoprazol. Nếu cần, nên thực hiện rửa dạ dày, dùng than hoạt tính và điều trị triệu chứng.

3. Tác dụng phụ của thuốc Metopar

Trong quá trình sử dụng thuốc Metopar, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn:

  • Thường gặp: Táo bón, tiêu chảy, nôn, buồn nôn, phát ban, đau bụng chóng mặt, đau đầu;
  • Ít gặp: Tăng nồng độ gastrin huyết thanh, mệt mỏi, tăng men gan, tăng hemoglobin, tăng hematocrit, tăng acid uric và protein niệu.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về những tác dụng không mong muốn gặp phải khi dùng thuốc Metopar để được tư vấn cách ứng phó thích hợp nhất.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Metopar

Một số điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Metopar là:

  • Trường hợp bị loét dạ dày, cần loại trừ khả năng bệnh lý ác tính của dạ dày bởi vì điều trị bằng Lansoprazol có thể làm chậm lại việc chẩn đoán do làm giảm các triệu chứng của bệnh;
  • Thận trọng sử dụng thuốc Metopar cho người bệnh có tổn thương gan. Không cần điều chỉnh liều đối với trường hợp suy thận, bao gồm cả bệnh nhân đang tiến hành lọc máu;
  • Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc Metopar đối với người lớn tuổi;
  • Trẻ em: Tính an toàn của Lansoprazol hiện vẫn chưa được xác định;
  • Phụ nữ có thai và cho con bú: Không khuyến cáo sử dụng thuốc Metopar cho phụ nữ có thai. Ngừng cho con bú nếu xem xét việc dùng Lansoprazol là điều cần thiết;
  • Hiện vẫn chưa có báo cáo về tác động của thuốc Metopar đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Metopar

Một số tương tác thuốc Metopar là:

  • Lansoprazol có thể làm gia tăng nồng độ của các thuốc được chuyển hóa bởi CYP3A4. Cần thận trọng khi kết hợp Lansoprazol với các loại thuốc được chuyển hóa bởi men này;
  • Sự hấp thu của itraconazole và ketoconazol ở đường tiêu hóa tăng lên nhờ sự hiện diện của các acid dạ dày. Lansoprazol có thể làm giảm tác dụng của itraconazol và của các loại thuốc khác hấp thu cần môi trường acid;
  • Sucralfat/các loại thuốc trung hòa acid có thể làm chậm và giảm hấp thu lansoprazol khoảng 30%. Do vậy, nên uống Lansoprazol cách tối thiểu 1 giờ sau khi sử dụng các thuốc này.
  • Độ thanh thải của Theophylin tăng lên khi sử dụng đồng thời với Lansoprazol.

Trong quá trình sử dụng thuốc Metopar, người bệnh cần lưu ý lắng nghe và làm theo các chỉ dẫn của bác sĩ, đọc kỹ lưu ý dùng thuốc để đạt hiệu quả cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

37 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan