Liều dùng của thuốc Bermoric

Bermoric là thuốc tác động trên đường tiêu hóa, được chỉ định trong các bệnh lý tiêu chảy, lỵ, viêm ruột,... Vậy công dụng chính, liều dùng và cách dùng của thuốc là gì?

1. Bermoric là thuốc gì?

Bermoric có thành phần chính bao gồm Berberin, Mộc hương và Loperamide.

1.1. Thành phần Berberin

  • Berberin là alcaloid chiết xuất từ cây Vàng đắng (tên khoa học Coscinium fenestratum (Gaertn.) Colebr), thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae) - tác dụng cầm tiêu chảy, chống viêm loét đường tiêu hóa, tống mật, kháng khuẩn nhưng không làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật bình thường ở ruột. Thuốc nhạy cảm trên các chủng vi khuẩn đơn bào Entamoeba histolytica, trực khuẩn lỵ Shigella dysenteriae, tụ cầu, liên cầu, một số loại nấm men,....
  • Trong Đông y, Berberin được quy vào nhóm thuốc có tính hàn, có vị đắng, tác dụng thanh nhiệt, giải độc và kiện Tỳ.
  • Berberin hấp thu rất chậm qua đường tiêu hóa, ở lại lâu trong ruột, từ đó thuận lợi cho quá trình tiêu diệt các vi khuẩn đường ruột và cuối cùng bài tiết qua phân.

1.2. Thành phần Mộc hương

  • Mộc hương là thực vật cây thảo, thân hình trụ rỗng, sống lâu năm có rễ mập. Vỏ ngoài màu nâu nhạt, lá mọc so le, hoa mọc thành cụm hình đầu, màu lam tím, quả dẹt và màu nâu nhạt có đốm tím.
  • Thành phần Mộc hương dùng làm thuốc là rễ phơi, sấy khô. Trong Đông y, Mộc hương được quy vào nhóm thuốc có tính ấm, vị cay đắng - tác dụng chống co thắt đường tiêu hóa, giảm nhu động ruột, giảm đau tức ngực bụng, giảm nôn mửa. Ngoài ra, nó cũng có tác dụng đối kháng thụ thể Histamin và acetylcholin, làm giảm cơ trơn phế quản.
  • Trong Mộc hương chứa đến 40% Inulin - là một prebiotic có tác dụng kháng khuẩn, táo tạo sự cân bằng của hệ khuẩn chí có lợi ở đường ruột, kích thích tăng miễn dịch đường tiêu hóa và tăng cường quá trình hấp thu chất dinh dưỡng ở ruột.

1.3. Thành phần Loperamide

  • Loperamide là thuốc làm giảm nhu động ruột, điều trị các chứng tiêu chảy cấp do nhiều nguyên nhân. Thuốc tác dụng bằng cách gắn kết với các thụ thể opiat ở niêm mạc ruột, làm giảm các kích ứng gây co thắt ống tiêu hóa, do đó làm giảm nhu động ruột đẩy tới và kéo dài thời gian lưu thông trong lòng ruột. Ở liều điều trị, thuốc ít có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương.
  • Loperamid cũng làm tăng trương lực co thắt hậu môn, giảm phản xạ đại tiện không kìm chế.

Phối hợp cả 3 thành phần Berberin, Mộc hương và Loperamide trong thuốc Bermoric làm tăng hiệu quả kháng khuẩn và chữa các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, mót rặn,... trên đường tiêu hóa.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Bermoric

Thuốc Bermoric được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý sau:

  • Điều trị các triệu chứng đau quặn bụng, mót rặn, đi cầu phân nhầy máu trong hội chứng lỵ.
  • Điều trị lỵ trực khuẩn gây các triệu chứng đau bụng, đi ngoài phân lỏng kèm hội chứng nhiễm trùng (sốt cao, mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn,...).
  • Giảm các triệu chứng của tiêu chảy cấp chưa rõ nguyên nhân, tiêu chảy mạn tính.
  • Điều trị các chứng co thắt đường tiêu hóa, đầy trướng, khó tiêu do bệnh lý đường ruột.
  • Hỗ trợ điều trị tống mật, lợi mật trong bệnh lý viêm ống mật.
  • Tiêu chảy cấp hay tiêu chảy mạn do vi khuẩn đường ruột.
  • Giảm nhu động ruột, giảm lương phân ở đại tràng trước phẫu thuật mở thông hồi tràng.

Chống chỉ định của thuốc Bermoric trong trường hợp:

  • Bệnh nhân dị ứng với thành phần Berberin, Mộc hương, Loperamide hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Bệnh nhân đang bị táo bón nặng, tắc ruột.
  • Bệnh nhân đang điều trị viêm loét dạ dày tá tràng cấp, lỵ cấp tính, tiêu chảy cấp do Salmonella, E.coli,...
  • Phụ nữ có thai, trẻ em dưới 6 tuổi, bệnh nhân suy giảm chức năng gan nặng không được dùng thuốc Bermoric.

3. Tương tác thuốc của Bermoric

Một số tương tác thuốc có thể gặp khi phối hợp Bermoric với các thuốc khác như sau

  • Phối hợp với các thuốc điều trị đái tháo đường làm tăng tác dụng hạ đường huyết, nguy cơ gây hạ đường quá mức.
  • Phối hợp với Cyclosporine, Dextromethorphan làm tăng các tác dụng phụ cho cơ thể.
  • Bermoric làm thay đổi sinh khả dụng của các thuốc chuyển hóa tại gan như Celecoxib Diclofenac, Fluvastatin, Glipizide, Ibuprofen, Losartan,... khi dùng đồng thời.
  • Phối hợp với các thuốc Cotrimoxazol (Sulfamethoxazole, Trimethoprim) có thể tạo tác dụng hiệp đồng, làm tăng nồng độ của thuốc trong cơ thể.
  • Một số tương tác thuốc khác làm thay đổi hiệu quả hay gia tăng các phản ứng phụ của Bermoric chưa được chứng minh đầy đủ. Do đó, trước khi sử dụng người bệnh cần thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc đang điều trị trong thời gian gần đây.

4. Liều lượng và cách dùng

Cách dùng:

  • Bermoric được bào chế dưới dạng viên nang uống. Uống nguyên viên thuốc Bermoric với nước, tránh nghiền nát hay bẻ vụn viên thuốc.
  • Có thể uống Bermoric trước hoặc sau bữa ăn (thời điểm gần với bữa ăn).

Liều dùng:

  • Người lớn có các triệu chứng tiêu chảy, đau bụng, mót rặn: Uống 2 viên/ lần x 3 lần/ ngày.
  • Trẻ em 5-7 tuổi: Uống 1 viên/ lần/ ngày.
  • Trẻ em 8-15 tuổi: Uống 1 viên/ lần x 2 lần/ ngày.
  • Trẻ em từ 15 tuổi trở lên: Uống liều như người lớn 1-2 viên/ lần x 3 lần/ ngày.
  • Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, tùy vào từng đối tượng bệnh nhân, tình trạng, mức độ tiêu chảy khác nhau mà bác sĩ sẽ có chỉ định liều Bermoric khác nhau.

5. Tác dụng phụ của thuốc Bermoric

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng thuốc Bermoric

  • Thường gặp nhất là gây táo bón.
  • Đau tức thượng vị, giảm tiết dịch gây khô miệng.
  • Buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt.
  • Phản ứng dị ứng gây mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay,... Hiếm gặp tình trạng sốc phản vệ, phù và co thắt phế quản.

6. Một số lưu ý khi dùng thuốc Bermoric

  • Phụ nữ mang thai không sử dụng thuốc do nguy cơ co thắt cơ trơn có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
  • Chưa biết thuốc có qua được sữa mẹ hay không và chưa đảm bảo an toàn cho thuốc ở trẻ bú mẹ. Vì vậy, phụ nữ có thai cân nhắc lợi ích khi dùng thuốc, chỉ sử dụng khi không có biện pháp điều trị thay thế.
  • Sử dụng thuốc trong điều trị tiêu chảy cấp cần phối hợp và ưu tiên bù nước, bù điện giải mức độ phù hợp.
  • Theo dõi và kiểm tra chức năng gan trước và trong suốt quá trình điều trị thuốc ở những bệnh nhân suy giảm chức năng gan do nguy cơ độc tế bào thần kinh ở những đối tượng này.
  • Bệnh nhân suy giảm miễn dịch, bệnh nhân HIV/AIDS nếu dùng thuốc mà thấy triệu chứng căng chướng bụng nên ngừng thuốc ngay.
  • Thuốc Bermoric phải được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, không có ánh sáng chiếu trực tiếp vào.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Bermoric, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Bermoric điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan