Làm thế nào để tăng tuân thủ điều trị thuốc?

Tuân thủ điều trị thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn là rất quan trọng. Hiện nay, có rất nhiều biện pháp để tăng tuân thủ điều trị bệnh. Do đó, bạn có thể tham khảo, áp dụng giúp bảo vệ sức khỏe toàn diện.

1. Bạn có tuân thủ điều trị thuốc không?

Tuân thủ điều trị thuốc là sự hợp tác tự nguyện của bệnh nhân sử dụng thuốc theo đơn đã kê bao gồm thời gian sử dụng thuốc, liều dùng và số lần dùng. Sự phát triển của nền y học hiện đại đã đưa bệnh nhân trở thành trung tâm của quá trình điều trị. Trong đó, bác sĩ điều trị, bác sĩ chuyên khoa phối hợp, dược sĩ, điều dưỡng và các nhân viên y tế khác hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị dễ dàng hơn.

Để kiểm tra bản thân mình có phải là người thiếu tuân thủ điều trị thuốc không, bạn có thể tự trả lời cho mình những câu hỏi đơn giản như:

  • Mình có hay quên thuốc khi được kê đơn không?
  • Trong 2 tuần vừa qua, mình có quên mất liều thuốc mạn tính nào không?
  • Mình đã từng tự ngừng hoặc tự tăng hay giảm liều thuốc mà bác sĩ kê đơn chưa?
  • Mình đã từng cảm thấy phiền khi phải dùng thuốc lâu dài bao giờ chưa?
  • Khi đi công tác xa, khi đi du lịch, mình có bao giờ quên mang thuốc của mình theo không?

Trong thực tế, có nhiều nghiên cứu với những bộ câu hỏi khác nhau giúp đánh giá mức độ tuân thủ của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn ngẫm nghĩ và thấy mình trả lời CÓ với đa số trong những câu hỏi trên thì bài tư vấn này được viết dành cho bạn.

Xem ngay: Điều trị tăng huyết áp: Quan trọng nhất là kiên trì, tuân thủ

tuân thủ điều trị
Bạn nên tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ

2. Lợi ích của việc tuân thủ điều trị

Tuân thủ điều trị giúp bệnh của bạn được điều trị hiệu quả hơn, các bệnh cấp tính khỏi hoàn toàn và tránh tiến triển thành bệnh mạn tính. Tuân thủ điều trị đặc biệt quan trọng đối với các bệnh lý mạn tính như tuân thủ điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm khớp dạng thấp...

Không chỉ giúp cải thiện các triệu chứng, tuân thủ điều trị lâu dài còn giúp giảm tỷ lệ các biến chứng và nhập viện. Theo thống kê, các bệnh mạn tính gây ra đến 70% số ca tử vong ở Hoa Kỳ, trong đó 20-50% bệnh nhân mạn tính không tuân thủ điều trị.

Việc tuân thủ điều trị, đặc biệt là không tự ý tăng giảm liều thuốc hoặc tự ý ngừng thuốc giảm đáng kể nguy cơ xảy ra tác dụng phụ của thuốc, bao gồm quá liều hoặc hội chứng cai thuốc hay nặng lên triệu chứng bệnh khi ngừng thuốc đột ngột.

Đối với các bệnh lý cấp tính cần sử dụng kháng sinh, việc tuân thủ điều trị tuyệt đối không chỉ giúp tăng hiệu quả điều trị mà còn giúp giảm nguy cơ kháng thuốc của bản thân và giảm phát sinh đề kháng đối với vi khuẩn cộng đồng khi vứt bỏ thuốc kháng sinh không được xử lý phù hợp.

3. Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu tuân thủ điều trị thuốc?

Quên thuốc là một nguyên nhân vô ý thường gặp dẫn tới giảm tuân thủ điều trị. Tuy nhiên, việc quên thuốc có thể là hệ quả của tâm lý chủ quan ở người trẻ tuổi, chứng hay quên ở người lớn tuổi không được sự hỗ trợ của người thân và gia đình. Cuộc sống bận rộn và liệu pháp điều trị phức tạp so với khả năng nhận thức và hiểu biết của bệnh nhân cũng có thể ảnh hưởng dẫn tới việc quên thuốc.

Bên cạnh đó, chi phí điều trị cao hoặc thuốc không có sẵn tại nơi sinh sống cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới việc bỏ điều trị sau một thời gian ngắn hoặc sau khi các triệu chứng bệnh thuyên giảm.

Kiến thức và hiểu biết về thuốc chưa đầy đủ hay nhận thức về tình trạng bệnh và mức độ bệnh chưa đúng cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc chủ quan trong điều trị hay bỏ điều trị mà không trao đổi lại với nhân viên y tế.

Tâm lý sợ tác dụng phụ của thuốc được củng cố bởi những lời đồn, truyền miệng trong dân gian ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý điều trị của người bệnh, đặc biệt là những người lớn tuổi. Không chỉ vậy, trong trường hợp gặp tác dụng bất lợi thực sự, người bệnh sẽ rất hoang mang lo lắng. Nếu không được tư vấn phù hợp hoặc thiếu tin tưởng nhân viên y tế, bệnh nhân có thể ngừng thuốc hoặc tự ý dùng các thuốc khác của các bệnh nhân có tình trạng bệnh tương tự như mình.

Tất cả những nguyên nhân kể trên có thể là chưa đủ, nhưng cũng là những nguyên nhân quan trọng mà bạn có thể nhìn thấy mình trong đó. Đừng ngại trao đổi với bác sĩ và dược sĩ để được tư vấn và hỗ trợ thông tin khi cần thiết.

tuân thủ điều trị
Bạn có thể nhờ sự giúp đỡ từ Dược sĩ vấn đề tuân thủ điều trị theo đơn thuốc

4. Các biện pháp hỗ trợ giúp bạn dễ dàng tuân thủ điều trị thuốc hơn

Đầu tiên, hãy trao đổi với bác sĩ về nhu cầu và khả năng tài chính cũng như các khó khăn trong tuân thủ điều trị của bạn. Bác sĩ sẽ cân nhắc và trao đổi với bạn về lợi ích và nguy cơ của các liệu pháp điều trị cũng như chi phí của từng phương án để bạn có thể lựa chọn phương án điều trị phù hợp nhất cho mình.

Hãy chuẩn bị một khoảng thời gian trao đổi với dược sĩ tại bệnh viện để có lịch dùng thuốc được chuẩn bị phù hợp với lịch sinh hoạt của mình. Trong trường hợp bạn có nhiều đơn thuốc, dược sĩ sẽ giúp bạn gộp các đơn lại trong một lịch dùng thuốc thống nhất. Điều này đặc biệt có lợi với những bệnh nhân có nhiều thuốc mạn tính.

Dành thời gian lắng nghe các tư vấn thông tin thuốc từ dược sĩ. Họ có thể trao đổi để đánh giá sự hiểu biết của bạn, điều chỉnh và bổ sung những thông tin cần thiết để tránh mất thời gian cho bạn và tăng hiệu quả cuộc tư vấn. Đừng chỉ nghe những lời tư vấn một cách thụ động, hãy hỏi những câu hỏi nếu bạn thắc mắc và yêu cầu dược sĩ ngừng lại để giải thích. Cuối cùng, hãy thử nhắc lại tóm tắt cách dùng thuốc trong một ngày để đảm bảo mình đã nhớ những thông tin quan trọng. Dược sĩ có thể gửi cho bạn lịch tóm tắt dùng thuốc trong ngày và các lưu ý quan trọng để bạn có thể đọc thêm trong quá trình sử dụng thuốc tại nhà.

Hiện nay, những phương tiện có thể hỗ trợ bạn tuân thủ điều trị thuốc như các hộp chia thuốc với các kích thước khác nhau, điện thoại thông minh, phần mềm nhắc lịch, tin nhắc nhắc lịch đặt định kỳ...

Trong điều trị nhiều bệnh mạn tính, nhà sản xuất thuốc bắt đầu để ý nhiều hơn tới việc bào chế viên phối hợp nhiều loại thuốc. Trong tương lai, có lẽ, các viên phối hợp này sẽ có mặt nhiều hơn tại Việt Nam để hỗ trợ người bệnh tăng tuân thủ điều trị thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan