Làm gì khi bị dị ứng Ibuprofen?

Thuốc Ibuprofen được sử dụng trong điều trị giảm đau, viêm, hạ sốt hiệu quả. Bài viết sẽ chia sẻ về cách sử dụng thuốc Ibuprofen và những lưu ý khi dùng thuốc Ibuprofen điều trị.

1. Ibuprofen là thuốc gì?

Thuốc Ibuprofen là một loại thuốc kháng viêm không chứa steroid, hoạt động bằng cách giảm kích thích tố gây ra tình trạng viêm và đau trong cơ thể, được sử dụng ở người lớn và trẻ em trên 6 tháng tuổi.

Thuốc Ibuprofen được sử dụng để hạ sốt và điều trị đau hoặc viêm do các vấn đề như nhức đầu, đau răng, đau bụng kinh, đau lưng, viêm khớp hoặc chấn thương nhỏ gây ra.

Ibuprofen được bào chế dưới dạng viên nén 100mg, 150mg, 200mg, 400mg, kem dùng tại chỗ 5%, viên đạn đặt trực tràng 500mg và nhũ tương 20mg/ml.

2. Chỉ định thuốc Ibuprofen

Thuốc Ibuprofen được sử dụng chống đau và viêm từ nhẹ đến trung bình, cụ thể một số bệnh như:

Ngoài ra, thuốc Ibuprofen được sử dụng để giảm bớt liều thuốc chứa thuốc phiện để điều trị đau sau đại phẫu thuật hay cho người bệnh bị đau do ung thư.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Ibuprofen hiệu quả

Người bệnh hãy tuân thủ đúng theo hướng dẫn dùng thuốc được niêm yết trên bao bì sản phẩm hoặc theo tờ kê đơn của bác sĩ. Dưới đây là liều dùng thuốc Ibuprofen tham khảo như sau:

Người lớn:

  • Giảm đau sử dụng liều uống thông thường từ 1,2 - 1,8 g/ngày, chia làm nhiều liều nhỏ tuy liều Ibuprofen duy trì 0,6 - 1,2 g/ngày đã có hiệu quả. Trường hợp cần thiết có thể tăng liều lên tối đa khuyến cáo là 2,4 g/ngày hoặc 3,2 g/ngày. Liều dùng điều trị viêm khớp dạng thấp thường phải dùng liều cao hơn so với điều trị thoái hóa xương khớp.
  • Giảm sốt sử dụng liều khuyến cáo là 200 - 400 mg, cách nhau 4 - 6 giờ/lần, cho tới liều dùng tối đa là 1,2 g/ngày.

Trẻ em:

  • Giảm đau hạ sốt: Liều uống thông thường là 20 - 30mg/kg thể trọng/ngày, chia làm nhiều liều nhỏ.
  • Liều dùng tối đa 40 mg/kg/ngày để điều trị viêm khớp dạng thấp thiếu niên nếu cần thiết.
  • Ibuprofen không khuyến cáo sử dụng cho trẻ dưới 7kg và gợi ý liều Ibuprofen tối đa hàng ngày là 500 mg đối với trẻ dưới 30 kg.
  • Ngoài ra, liều gợi ý cho trẻ em bị sốt là: 5 - 10 mg/kg và đối với đau là 10 mg/kg; liều dùng có thể cho cách nhau từ 6 - 8 giờ/lần, liều dùng tối đa 40mg/kg/ngày.
  • Giảm liều Ibuprofen ở người có tổn thương chức năng thận để tránh thuốc tích lũy quá nhiều do chưa xác định được độ an toàn của thuốc Ibuprofen ở người suy thận.

Ðặt thuốc hậu môn:

  • Sử dụng cho người bệnh không uống được (bị suy hô hấp), tác dụng cũng như thuốc uống.

4. Chống chỉ định dùng thuốc Ibuprofen điều trị

Thuốc Ibuprofen không được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Mẫn cảm, tiền sử dị ứng với thuốc Ibuprofen hay bất cứ thành phần nào trong thuốc.
  • Loét dạ dày tá tràng tiến triển.
  • Người bệnh quá mẫn với Aspirin, các thuốc chống viêm không steroid khác,
  • Người bệnh bị hen, co thắt phế quản, tiền sử loét dạ dày tá tràng, rối loạn chảy máu, bệnh tim mạch, suy gan/ thận.
  • Đang điều trị với thuốc chống đông coumarin.
  • Người bệnh bị suy tim sung huyết, bị giảm khối lượng tuần hoàn do suy thận hoặc sử dụng thuốc lợi niệu.
  • Người bệnh bị bệnh tạo keo.
  • 3 tháng cuối của thai kỳ.

5. Thận trọng sử dụng thuốc Ibuprofen

Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng thuốc Ibuprofen:

  • Thận trọng khi dùng thuốc Ibuprofen đối với người lớn tuổi.
  • Ibuprofen có thể làm các transaminase tăng lên trong máu, tuy nhiên thường thoáng qua và có khả năng hồi phục được
  • Tác dụng phụ của thuốc Ibuprofen gây rối loạn thị giác như nhìn mờ, nhưng sẽ hết khi ngừng dùng thuốc Ibuprofen.
  • Thuốc Ibuprofen ức chế kết tụ tiểu cầu có thể làm kéo dài thời gian chảy máu.
  • Các thuốc chống viêm hay Ibuprofen có thể ức chế co bóp tử cung và làm chậm đẻ, gây tăng áp lực phổi nặng và suy hô hấp nặng ở trẻ sơ sinh, ức chế chức năng tiểu cầu, làm tăng nguy cơ chảy máu, nguy cơ ít nước ối và vô niệu ở trẻ sơ sinh nhất là ở 3 tháng cuối thai kỳ. Do đó, phụ nữ khi mang thai tránh hoặc hạn chế sử dụng bất cứ thuốc chống viêm nào.
  • Thuốc Ibuprofen tiết vào sữa mẹ rất ít, không đáng kể nên ít khả năng ảnh hưởng xấu đến trẻ nhỏ ở liều bình thường.

6. Thuốc Ibuprofen gây ra những tác dụng nào?

Dưới đây là một tác dụng phụ không mong muốn của thuốc Ibuprofen đã được báo cáo như sau:

Thường gặp, ADR >1/100

  • Toàn thân: Sốt, mỏi mệt.
  • Tiêu hóa: Chướng bụng, buồn nôn và nôn ói.
  • Thần kinh trung ương: Nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, bồn chồn.
  • Da: Nổi mẩn ngứa, ngoại ban

Ít gặp, 1/100 > ADR > 1/1000

  • Toàn thân: Dị ứng, viêm mũi, nổi mày đay.
  • Tiêu hóa: Ðau bụng, loét dạ dày tiến triển, chảy máu dạ dày - ruột.
  • Thần kinh trung ương: Lơ mơ, ù tai và mất ngủ.
  • Mắt: Rối loạn thị giác
  • Tai: Thính lực giảm
  • Máu: Chảy máu kéo dài

Nếu người bệnh trong quá trình dùng thuốc Ibuprofen thấy nhìn mờ hoặc giảm thị lực hay rối loạn nhận cảm màu sắc thì phải ngừng ngay điều trị thuốc. Trường hợp có xuất hiện rối loạn nhẹ về đường tiêu hóa thì nên uống thuốc Ibuprofen lúc ăn hoặc uống với sữa.

Quá liều và xử trí:

Trường hợp dùng quá liều thuốc Ibuprofen phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và hỗ trợ như: rửa dạ dày, gây nôn và lợi tiểu, uống than hoạt, thuốc tẩy muối. Trường hợp bị nặng có thể sử dụng thẩm tách máu hoặc truyền máu. Do thuốc Ibuprofen gây toan hóa và đào thải qua nước tiểu nên sẽ có lợi khi cho truyền dịch kiềm và lợi tiểu.

7. Tương tác thuốc Ibuprofen

Dưới đây là một số tương tác thuốc Ibuprofen đã được báo cáo như sau:

  • Thuốc Ibuprofen làm tăng tác dụng phụ của các kháng sinh nhóm quinolon lên hệ thần kinh trung ương và có thể dẫn đến co giật.
  • Magnesi hydroxyd dùng chung với thuốc Ibuprofen, làm tăng sự hấp thu ban đầu của ibuprofen; nhưng nếu nhôm hydroxyd cùng có mặt thì lại không có tác dụng này.
  • Các thuốc chống viêm không steroid khác dùng chung với thuốc Ibuprofen làm tăng nguy cơ chảy máu và gây loét.
  • Thuốc Ibuprofen làm gia tăng độc tính của methotrexat.
  • Thuốc Ibuprofen làm giảm tác dụng bài xuất natri niệu của furosemid và các thuốc lợi tiểu.
  • Thuốc Ibuprofen làm gia tăng nồng độ digoxin huyết tương.

Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc Ibuprofen, người bệnh hãy liệt kê tất cả những dòng thuốc khác đang và đã sử dụng cho bác sĩ biết.

8. Phải làm gì khi bị dị ứng với thuốc Ibuprofen?

Phản ứng phụ của thuốc Ibuprofen là thường gặp, nhưng mỗi người phản ứng khác nhau. Người này có thể gặp phát ban hoặc phản ứng khác nhưng có người lại không hề gặp phải tác dụng phụ nào.

Có đến khoảng 5-10% các phản ứng người bệnh gặp phải là dị ứng thuốc Ibuprofen. Nhạy cảm với thuốc Ibuprofen có thể gây ra các triệu chứng tương tự, nhưng không liên quan đến hệ miễn dịch. Khả năng phát sinh dị ứng cao hơn khi người bệnh thường xuyên dùng thuốc hoặc khi thuốc được chà xát lên da hoặc khi được tiêm, thay vì uống.

Tùy thuộc vào mức độ phản ứng dị ứng của thuốc Ibuprofen của mỗi người mà có thể tránh hoàn toàn loại thuốc này thay thuốc hợp với cơ địa người dùng.

Trường hợp dị ứng trung bình và nặng, bác sĩ có thể vẫn kê đơn thuốc Ibuprofen hoặc có thể kê một loại thuốc khác để giúp kiểm soát phản ứng. Một số loại thuốc được sử dụng có thể ngăn chặn và làm giảm các triệu chứng của phản ứng dị ứng thuốc như thuốc kháng histamine, dùng corticosteroid (giúp giảm viêm) hoặc kê thuốc giãn phế quản nếu gây thở khò khè hoặc ho....

Khi thuốc Ibuprofen là cần thiết và không có thuốc thay thế, nên tiến hành thủ thuật giải mẫn cảm với thuốc Ibuprofen, bằng cách đưa vào những liều thuốc Ibuprofen nhỏ cho đến khi đạt được liều điều trị.

Hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể thay đổi theo thời gian, dị ứng sẽ thuyên giảm. Vì vậy, người bệnh hãy luôn làm theo hướng dẫn dùng thuốc Ibuprofen mà bác sĩ đã chỉ định.

Nếu người bệnh có bất cứ triệu chứng bất thường nào nghi ngờ tác dụng phụ hay dị ứng thuốc Ibuprofen, hãy gọi cho bác sĩ. Trường hợp triệu chứng nghiêm trọng, hãy liên hệ tới trung tâm y tế ngay lập tức. Một phản ứng phản vệ nghiêm trọng, người bệnh cần được chăm sóc y tế ngay lập tức vì có thể gây tử vong. Hy vọng những thông tin về dòng thuốc Ibuprofen nêu trên sẽ giúp ích cho người bệnh trước và trong khi điều trị với thuốc.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan